logo

Tính thực hành của văn học dân gian là gì?

Câu trả lời đúng nhất: Tính thực hành của văn học dân gian là sự gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Ví dụ:

+ Bài ca lao động: Hò sông Mã, hò giã gạo,...

+ Bài ca nghi lễ: Hát mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường,...

Để hiểu rõ hơn về Văn học dân gian, mời các bạn cùng Top lời giải tìm hiểu phần nội dung sau đây


1. Văn học dân gian là gì?

Văn học dân gian Việt Nam là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ được hình thành và phát triển bởi nhiều tầng lớp nhân dân từ thời công xã nguyên thủy. Trải qua hàng ngàn thời kỳ lịch sử, thể loại này được lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay bằng hình thức truyền miệng.

Tính thực hành của văn học dân gian là gì

Văn học dân gian được đúc kết từ chính sinh hoạt thường ngày và kinh nghiệm sống của tập thể nhân dân. Qua đó, thể hiện rõ nhận thức, tâm tư, tình cảm của con người về đời sống lao động cũng như đời sống cộng đồng.

Tác giả của văn học dân gian trải rộng từ nông dân lao động đến thành phần tri thức với cùng chung mục đích phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm gánh âu lo, cải thiện đời sống tinh thần vui vẻ, sinh động hơn.


2. Đặc trưng của văn học dân gian

a) Tính truyền miệng

- Văn học dân gian thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), hoặc theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).

- Quá trình truyền miệng thường được thực hiện thông qua diễn xướng - tức là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp (nói, hát, kể).

- Ảnh hưởng:

+ Làm cho tác phẩm văn học dân gian được trau chuốt, hoàn thiện, phù hợp hơn với tâm tình của nhân dân lao động.

+ Tạo nên tính dị bản (nhiều bản kể) của văn học dân gian.

b) Tính tập thể

- Quá trình sáng tác tập thể: Cá nhân khởi xướng -  tập thể hưởng ứng (tham gia cùng sáng tạo hoặc tiếp nhận) cùng tu bổ, sửa chữa, thêm bớt cho phong phú, hoàn thiện.

- Trong  khi tham gia lao động sản xuất, mọi người thường có những câu ca hay những câu chuyện hay kể cho cả một tập thể nghe. Đã có những câu hò hay những điệu nhạc reo vang, nó trở thành những tác phẩm vẻ vang trong thời kì lịch sử .

=> Tính truyền miệng và tính tập thể trở thành đặc trưng cơ bản, chi phối, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian và các sinh hoạt trong đời sống cộng đồng.

c) Văn học dân gian - một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng. Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ - một hình thức sinh hoạt gia đình; Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội... Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng.

Ngoài ra, văn học dân gian còn có tính thực hành. Tính thực hành của văn học dân gian là sự gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Ví dụ:

+ Bài ca lao động: Hò sông Mã, hò giã gạo,...

+ Bài ca nghi lễ: Hát mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường,...

>>> Xem thêm: Những giá trị cơ bản của văn học dân gian


3. Chức năng của văn học dân gian

- Về chức năng nhận thức: Văn học dân gian được xem như "bộ bách khoa toàn thư về kiến thức, tôn giáo, triết học" của nhân dân. Văn học dân gian gìn giữ và lưu truyền hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội, tâm linh, kinh nghiệm sống, ứng xử… Văn học dân gian là người thầy lớn đem lại cho nhân loại những bài học sinh động, gần gũi và sâu sắc về mọi phương diện của đời sống.

- Về chức năng giáo dục: Văn học dân gian có khả năng định hướng đạo đức, luân lí cho con người trong đời sống xã hội. Chức năng này gần gũi và có sự giao thoa với phương diện xã hội của chức năng nhận thức. Tuy nhiên, nếu chức năng nhận thức là sự phản ánh các hiện tượng xã hội một cách khách quan thì chức năng giáo dục lại là sự tác động, ảnh hưởng, chi phối cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến cộng đồng. Có những tác phẩm, nhiều nhất thuộc thể loại hát nói, mang ý nghĩa giáo dục trực tiếp, tức ý nghĩa giáo dục được thể hiện một cách tường minh. Song, phần lớn các sáng tác dân gian chứa đựng ý nghĩa giáo dục hàm ẩn, tức ý nghĩa giáo dục gián tiếp.

- Về chức năng thẩm mĩ: Văn học dân gian là nghệ thuật, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng, nó mang vẻ đẹp hồn hậu, giản mộc của nhân dân. Mang bản chất nguyên hợp, văn học dân gian chỉ thực sự phô diễn vẻ đẹp của mình khi sống trong môi trường nảy sinh và tồn tại, tức thành phần nghệ thuật ngôn từ phải được kết nối với thành phần nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo trong môi trường diễn xướng.

- Về chức năng sinh hoạt: Khác với văn học viết, văn học dân gian ra đời và trở thành một bộ phận hữu cơ trong môi trường sinh hoạt và lao động của nhân dân. Văn học dân gian gắn bó mật thiết với cuộc đời mỗi người xuyên suốt “từ chiếc nôi ra tới nấm mồ”. Môi trường và thói quen sinh hoạt của nhân dân là điều kiện quan trọng cho văn học dân gian hình thành và phát triển.

-------------------------

Mong rằng qua bài viết này của Top lời giải, các bạn sẽ có nhiều kiến thức bổ ích và sẽ nắm chắc được Tính thực hành của văn học dân gian là gì?. Chúc các bạn làm bài tốt và đạt kết quả cao!

icon-date
Xuất bản : 11/06/2022 - Cập nhật : 11/06/2022