logo

Tình cảm của nhà văn Thép Mới đối với cây tre và đối với con người Việt Nam

Cây tre là loài cây thân thuộc được trồng trên khắp nước ta. Vậy nên đối với tất cả những con người Việt Nam, ngay từ khi còn nhỏ đều có tình cảm đặc biệt với cây tre. Vậy nhà văn Thép Mới có tình cảm như thế nào đối với cây tre và cả con người Việt Nam, các bạn hãy cùng đến với bài viết sau đây để tìm ra câu trả lời nhé.


Dàn ý viết về Tình cảm của nhà văn Thép Mới với cây tre và con người Việt Nam

Tình cảm của nhà văn Thép Mới đối với cây tre và đối với con người Việt Nam

a. Mở bài:

Giới thiệu về bài thơ Cây tre Việt Nam và tình cảm của nhà văn Thép Mới dành cho cây tre, con người Việt Nam

b. Thân bài:

- Xuất xứ của bài văn

- Nhà văn Thép Mới tự hào giới thiệu về những phẩm chất tốt đẹp của câu tre, cũng chính là phẩm chất của con người Việt Nam: đoàn kết, sức sống mãnh liệt, giản dị nhưng chí khí,...

- Thêm vào niềm tự hào, chính là tình yêu của nhà văn dành cho cây tre, con người Việt Nam qua những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Cây tre cùng con người Việt Nam đi qua muôn chặng đường, xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của nhân dân ta, từ lao động, đời sống tinh thần, đồ chơi, nhạc cụ, điếu cày, giường nằm... Khi cần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tre lại thành vũ khí của ta,...=> Tác giả vừa yêu và tự hào về tre, về đồng bào cũng như thể hiện tình yêu nước

- Sự trân trọng của nhà văn Thép Mới dành cho tre và thành quả do nhân dân ta làm nên

c. Kết bài:

Khái quát lại tình cảm của nhà văn Thép Mới dành cho cây tre và con người Việt Nam.

>>> Tham khảo: Tác giả Thép Mới - Cây tre Việt Nam trang 104 Ngữ Văn 6 (HCST, tóm tắt, nội dung, sơ đồ tư duy)


Tình cảm của nhà văn Thép Mới đối với cây tre và đối với con người Việt Nam

Tình cảm của nhà văn Thép Mới đối với cây tre và đối với con người Việt Nam

"Tre xanh xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao lên lũy lên thành tre ơi!

 

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều

 

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành..."

      Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ với bài thơ trên, một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy có tên Tre Việt Nam, viết về một loại cây không thể không quen thuộc đối với con người Việt Nam, đó chính là cây tre. Khắp mọi miền của Tổ quốc ta, đi đến đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh cây tre, đặc biệt là ở vùng làng quê. Cây tre gắn bó, chung sống với nhân dân ta từ bao đời nay, cùng dân tộc ta gây dựng và bảo vệ đất nước. Sống với nhau lâu, tre cũng có những phẩm chất giống như con người Việt Nam. Có lẽ vì tất cả những điều đó nên loài tre đã trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà làm nghệ thuật không chỉ riêng Nguyễn Duy. Có thể kể đến đầu tiên là nhà văn Thép Mới, qua tác phẩm Cây Tre Việt Nam, nhà văn đã bày tỏ tình cảm của mình dành cho cây tre và con người Việt Nam. Đó là cảm xúc tự hào, yêu thương và trân trọng đối với tre, với đồng bào mình.

      Tác phẩm Cây tre Việt Nam có hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Nó chính là lời bình của nhà văn Thép Mới viết cho bộ phim Cây tre Việt Nam, được sản xuất bởi điện ảnh Ba Lan. Có lẽ chính vì vậy, Thép Mới đã bộc lộ tất cả tài năng của mình bằng ngòi bút để có thể giới thiệu một cách đầy đủ và chân thật nhất cho toàn bộ thế giới biết về con người Việt Nam và người anh em gắn bó, luôn đi cùng chúng ta, cây tre.Trước tiên nhà thơ đã giới thiệu cây tre và người dân Việt Nam là bạn thân của nhau. Đây là sự khẳng định tình cảm gắn bó, khăng khít của dân tộc ta hay chính là nhà thơ đối với cây tre.

      Nhà văn tự hào giới thiệu những nét đẹp của con người Việt Nam ẩn chứa trong hình ảnh cây tre. Tất cả những cây tre đều giống nhau, mọc chung lên từ những cây măng non và có sức sống mãnh liệt, dù ở bất kì nơi nào, cây tre Việt Nam vẫn sống và phát triển từ đời này sang đời khác. Giống như tre, dân tộc ta cũng là một dân tộc đoàn kết, chung màu máu đỏ, da vàng, có nguồn gốc con rồng cháu tiên. Và nhân dân ta cũng có sức sống mãnh liệt, dù trải qua những ngày dựng nước và bảo vệ nhà nước khó khăn, gian khổ, chúng ta vẫn đoàn kết dìu dắt nhau bước tiếp vì Tổ quốc. Tre và dân tộc Việt Nam còn được nhà văn Thép Mới cảm nhận chí khí và thanh cao, giản dị. Đúng như vậy, tre cũng như nhân dân ta, mang một khí chất lạ như vậy, tuy giản dị nhưng không hề đơn giản mà lại cao quý, chí khí đến lạ thường. Giọng văn của nhà văn như đang kể chuyện thật tâm tình, nhưng lại tràn đầy sự tự hào, hãnh diện.

      Nhà văn còn tự hào và thể hiện tình yêu với truyền thống văn hoá, truyền thống lao động và truyền thống đánh giặc của tre và con người Việt Nam tạo nên. Với lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến của nước ta, chúng ta có một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Ở khắp mọi nơi của nước ta, từ đình làng, cánh đồng đều thấy tre xuất hiện, tre cùng con người lao động, trở thành những công cụ cho nhân dân ta trồng trọt, làm việc, tạo ra lương thực...Cùng chúng ta đón tết, bao bọc lấy bánh chưng xanh với lạt mềm. Rồi nhà thơ gợi nhớ cho chúng ta và giới thiệu tới bạn bè quốc tế về việc cây tre còn là bạn của tuổi thơ với biết bao đồ chơi của trẻ em Việt Nam được làm từ tre. Đối với người già, tre lại là điếu cày cho các ông hút thuốc, chúng ta còn nằm bằng giường tre, nghe nhạc từ nhạc cụ làm bằng tre,... Quan trọng hơn và có lẽ cùng là điều nhà văn Thép Mới tự hào, yêu thương nhất là tre không chỉ gắn bó với con người Việt Nam lúc hoà bình, sinh hoạt thường ngày mà tre còn là đồng đội cùng nhân dân ta chiến đấu anh dũng qua bao trận đấu bảo vệ Tổ quốc. Tre trở thành vũ khí của chúng ta, giúp ta bảo vệ thành công Tổ quốc và cũng có những cây tre cùng hi sinh, ngã xuống như những liệt sĩ của dân tộc ta. Nhà văn Thép Mới từ thể hiện sự tự hào, giờ lại thêm vào đó là tình yêu cây tre, con người Việt Nam bao đời nay. Nhà văn yêu truyền thống văn hoá do dân ta cùng cây tre dựng nên, yêu tinh thần bất khuất, anh dũng của tre và con người. Đây cũng chính là tình yêu quê hương, đất nước của Thép Mới.

      Cuối cùng, Thép Mới bày tỏ cả sự trân trọng cây tre, cũng qua đó là trân trọng thành quả ngày nay mà con người Việt Nam tạo nên. Ngày nay, các đồ dùng, vật liệu hiện đại đang dần thay thế cho cây tre. Điều này cũng chứng tỏ rằng, đất nước ta đang ngày càng phát triển hơn trước, có nhiều thành quả lớn hơn. Nhưng nhà văn Thép mới vẫn bằng giọng tự hào, tình yêu và trân trọng với tre và con người Việt Nam mà khẳng định rằng tre vẫn còn mãi với con người Việt Nam, vẫn mãi lại biểu tượng cho con người Việt Nam. Nhà văn vô cùng trân trọng cây tre và thành quả mà các thế hệ đã cùng nhau gây dựng nên như ngày nay.

      Nhà văn Thép Mới có tình cảm thật sâu sắc với cây tre và con người Việt Nam. Đó là sự tự hào, tình yêu và cả sự trân trọng. Cây tre và con người Việt Nam chính là đôi bạn thân thiết nhất của nhau, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi và sát cánh bên nhau mọi lúc. Ở với nhau nên tre và nhân dân Việt Nam cũng có những đức tính cao đẹp như nhau. Tất cả những điều này đã được nhà văn Thép Mới giới thiệu rất rõ. Có lẽ vì niềm tự hào, tình yêu và lòng trân trọng với tre, với đồng bào nên nhà văn mới có thể viết thành công tác phẩm Cây tre Việt Nam, khiến nó trở thành tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình.

----------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài viết Tình cảm của nhà văn Thép Mới đối với cây tre và đối với con người Việt Nam. Nhà thơ có tình cảm rất sâu đậm với cây tre và đồng bào của mình, nên đã sáng tác được tác phẩm Cây tre Việt Nam với ngôn từ vô cùng chân thật và gần gũi, tràn ngập trữ tình như vậy.

icon-date
Xuất bản : 12/01/2023 - Cập nhật : 03/07/2023

Xem thêm các bài cùng chuyên mục