logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng

Tuyển chọn những bài văn hay Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng - Mẫu số 1

Chùa thường được gọi là chùa Mã Tộc, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI và đã được trùng tu nhiều lần. Ở các cây trong vườn chùa từ lâu đã có những đàn dơi sinh sống rất đông nên chùa còn được gọi là chùa Dơi. Chùa tôn trí pho tượng đức Phật bằng đá, cao 1,50m và nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt. Nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong 2 năm 1994-1995. Ngày nay, chùa là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long tên cổ là Mahatup, còn gọi là chùa Mã Tộc. Ngôi chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa nổi tiếng với một đàn dơi hàng vạn con. Ban ngày dơi treo mình trên các cành cây ngủ yên lành. Có nhiều cây dơi treo dốc đầu ngủ, chi chít nhễ lá. Khoảng thời gian từ tháng năm đến tháng tám là mùa sinh sản, mỗi dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ. Đi lại trong vườn chùa phải thật yên tĩnh, một tiếng ồn cũng có thể làm dơi mẹ giật mình, đánh rơi con.

Dơi trong chùa thuộc loại dơi quạ (Flying-fox). Con dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50 cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1m và nặng xấp xỉ 1,5 kg. Đã từ hàng trăm năm nay, đàn dơi chọn vườn chùa làm nơi cư trú và nghỉ ngơi ban ngày. Hoàng hôn xuống, chúng thức giấc bay lên, ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi mới từ giã ngôi chùa đi kiếm ăn. Có một điều rất lạ là dơi không hề ăn một trái chín nào ở vườn chùa. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, để rồi sáng sớm lại trở về ngủ trong vườn chùa. Có những cành cây ăn trái của nhà dân ngả sang vườn chùa thì đàn dơi cũng tránh, không con nào chịu ngủ trên những cành cây đó.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng

Đây là một điều thực tế, không phải là huyền thoại. Trong tình hình môi trường đang bị hủy hoại, chim thú đang bị săn bắt tàn bạo như hiện nay, thì chùa Dơi vẫn còn là một môi trường tốt và thanh bình cho hàng vạn con dơi. Đất lành chim đậu, có thể nói các nhà sư ngày trước đã tìm được một nơi đất lành để dựng chùa, mời gọi được đàn dơi về đây.

Phía sau vườn chùa hiện nay có hai ngôi mộ chôn hai con heo, được xây bằng xi - măng và được vẽ hình khá trân trọng cùng ghi ngày chết, tuổi thọ của heo. Sư cả Kim Rênh, vị sư trụ trì đời thứ 19 của chùa Dơi cho biết, trước đây, một số hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng có những con heo con mới sinh ra bàn chân có 5 móng, họ sợ, vì thông thường heo chỉ có 3 móng, không dám nuôi mà cũng không dám giết bèn đem gửi ở chùa. Có đến 7, 8 con heo 5 móng như vậy - cả đực lẫn cái. Đặc biệt, cứ một vài tháng một lần, cả bầy heo lớn trước nhỏ sau tự động kéo nhau "đi dạo" một vòng từ chùa ra chợ Sóc Trăng cả vài cây số rồi tự động trở về chùa! Năm ngoái hai con heo lớn tuổi nhất (7 tuổi) già chết, chùa đem chôn sau vườn. Sau đó có người khách từ thành phố Hồ Chí Minh xuống viếng chùa đã bỏ tiền ra mua vật liệu thuê người xây mộ và vẽ hình hai chú heo. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4 -5 con heo 5 móng, con già nhất còn sống cũng đã 5 tuổi, khá mập và nặng nề, chỉ nằm một chỗ…

Nhưng chùa Dơi không chỉ nổi tiếng bởi những thứ đó. Ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói màu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chính điện (sanctury) có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...

Ban ngày đi thăm vườn chùa rợp bóng mát, nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên cây mới thấm thía cái giá trị của sự bình yên, của một môi trường trong lành đang ngày càng trở nên cần thiết cho chim thú và cho chính con người.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng - Mẫu số 2

Dám chắc một điều rằng, với những ai có niềm yêu thích và đam mê khám phá các kiến trúc tôn giáo đặc sắc thì không khỏi ngưỡng mộ và ao ước về những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và rực rỡ tại xứ chùa vàng. Tuy nhiên việc đi thật xa để nhìn ngắm một cảnh quan không phải là ai cũng có thể thực hiện và tại sao chúng ta không nhìn về quê hương, về mảnh đất Sóc Trăng màu mỡ, với lời hát Dù Kê và điệu múa Lâm Thôn say lòng của văn hóa Khơ Me, và cả những ngôi chùa với lối kiến trúc tương tự xứ chùa vàng thậm chí còn có nhiều nét đặc biệt do có pha trộn cả văn hóa Việt. Trong số các chùa ở Sóc Trăng tôi nhiệt liệt đề cử chùa Dơi, một ngôi chùa với cái tên khá lạ, hiện nay là một địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều khác du lịch nhất tỉnh này.

Sở dĩ gọi là chùa Dơi là bởi ngôi chùa được dựng cạnh một cánh rừng trồng nhiều các loại cây sao và cây dầu, môi trường lý tưởng là nơi cư ngụ cho hàng vạn con dơi, cứ chiều chiều chúng lại tỏa ra kín cả một vùng trời quanh chùa để bắt đầu công cuộc kiếm ăn. Mà theo tín ngưỡng Khơ Me việc dơi tụ tập quanh chùa là một điềm tốt, ý chỉ phúc lành, chính vì vậy người ta cũng gọi ngôi chùa là chùa Dơi, dựa trên nét đặc trưng này. Ngoài ra chùa Dơi còn có tên khác là chùa Mã Tộc theo cách đọc của người Hoa, còn trong tiếng Khơ Me chùa có tên là Sêrây tê chô mahatup (do đức phúc tạo nên). Hiện nay chùa tọa lạc ở đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, là ngôi chùa duy nhất thờ phụng đức Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khơ Me tại tỉnh Sóc Trăng, là sự hòa trộn kiến trúc độc đáo giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Cam-pu-chia. Chùa Dơi được xây dựng cách đây 451 năm, tức là vào khoảng năm 1569, ban đầu được dựng tạm bằng tre và lá, sau đó chính điện được tôn tạo lại bằng gạch ngói, và sau nhiều lần tinh chỉnh chùa mới có được phong thái khang trang, nguy nga, rực rỡ như ngày hôm nay. Với lịch sử dài lâu, sự độc đáo trong kiến trúc, giá trị tôn giáo văn hóa sâu sắc lên đến hàng nửa thế kỷ, ngày nay chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bắt đầu từ năm 1999, được nhà nước quan tâm và bảo tồn chặt chẽ.

Về kiến trúc toàn bộ khuôn viên chùa nằm trong một khu vực rộng 4 ha, các công trình chính yếu bao gồm: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách... xung quanh được bao bọc bởi nhiều loại cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Chùa thờ phật Thích Ca Mâu Ni với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa Campuchia với màu vàng cam chủ đạo và những hoa văn độc đáo. Chính điện được xây cao và lớn nhất, với diện tích nền khoảng 235 mét vuông, dựng trên nền xi măng cao hơn 1m so với mặt đất. Cửa chính điện hướng về phía Đông, để đón ánh bình minh. Kiến trúc mái chính điện gồm 4 tầng chồng lên nhau, trên đỉnh có một ngọn tháp nhỏ nhuộm vàng. Toàn bộ phần mái được lợp bằng loại ngói màu khác nhau bao gồm xanh, đỏ, và vàng nhạt, xếp tinh tế, cẩn thận, mà nhìn từ xa trông như mái chùa được chia thành các ô hình thoi đều và đẹp. Phần rìa mái và các góc nhọn của mái được trang trí bằng hình rắn Naga nhuộm vàng. Chống đỡ phần mái là các cột tròn cách đều nhau, dàn trải xung quanh chính điện, ở mỗi cột lại được trang trí một bức tượng tiên nữ Kemnar có cánh, đang chắp tay trước ngực. Tiến sâu vào chánh điện du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng phật Thích Ca được tạc từ đá nguyên khối, sơn son thiếp vàng, với chiều cao khoảng 2m và được đặt trên một tòa sen cao khoảng 1,5m ngay giữa chính điện. Bên cạnh đó ở chính điện còn sắp xếp thờ tự các tượng phật nhỏ khác. Đồng thời ở đây cũng trưng bày các bức tranh miêu tả về các giai đoạn cuộc đời của phật Thích Ca, kết hợp với các bộ kinh lá thốt nốt và các hiện vật có niên sử hàng trăm năm mang đậm nét văn hóa Khơ Me Nam Bộ. Bên cạnh chính điện thì một điểm khá đặc sắc làm nên nét kỳ bí của khu chùa này ấy chính là những ngôi mộ heo năm móng, theo truyền thuyết được xem là "cốt tinh" của con người, sẽ mang đến điềm xúi quẩy cho gia chủ, thế nên chúng được gửi cho nhà chùa nuôi dưỡng, được Phật độ hóa và khi chết được chôn cất tử tế tại chùa. Ngoài ra lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên của ngôi chùa cũng là một địa điểm vãn cảnh thú vị, du khách sau khi tham quan có thể ngồi lại tại khuôn viên chùa dưới những tán cây với tuổi thọ còn nhiều hơn tuổi đời của họ để tịnh tâm, nghỉ mệt và tận hưởng sự thanh bình tại chốn liêng thiêng này.

Ngày nay chùa Dơi đã trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch tham quan bởi lối kiến trúc độc đáo, cùng với những câu chuyện tâm linh bí ẩn mang đậm màu sắc văn hóa Khơ Me. Ngoài ra nơi đây còn trở thành không gian sinh hoạt văn hóa - giáo dục, là nơi tổ chức có lễ hội thờ tự, cúng bái truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Me, cũng như các sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Đồng thời với lối kiến trúc có giá trị thẩm cao và đặc sắc, chùa Dơi không chỉ là nơi để con người thờ phụng, thỏa mãn đời sống tâm linh mà nó còn hướng con người ta đến cái thiện, tránh xa cái ác, gieo vào tâm hồn con người những giá trị tốt đẹp, ảnh hưởng tích cực đến thế giới quan của cư dân địa phương.

"Về Đại Tâm thăm người bạn Khơ Me, nghe hát dù kê và điệu múa Lâm Thôn, sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi...", nếu có một lần được ghé đến vùng đất Sóc Trăng xinh đẹp, đừng tiếc chi một lần tìm đến với ngôi chùa Dơi để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa của lối kiến trúc kết hợp Việt-Cam-Hoa, để được hưởng bầu không khí linh thiêng phật pháp tại chốn đất lành chim đậu này bạn nhé.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng - Mẫu số 3

Có những khoảng trời mà ta tìm thấy ở đó những an yên, có những khoảng trời đưa ta về những bình lặng trong tâm tưởng. Miên man trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lạc bước trong những vườn cây xum xuê trái ngọt rồi trải lòng nơi chốn linh thiêng của chùa chiền. Sóc Trăng cứ tự nhiên mà đi hồn người như thế, dung dị, nên thơ, đủ để khiến người ta phải lạc lối đi về. Và đặc biệt khi mùa nước nổi về trên mảnh đất Miền Tây, Sóc Trăng lại trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình chu du miền sông nước.

Là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231km, Sóc Trăng vừa mang trong mình nét duyên thầm của sông nước miệt vườn Nam Bộ vừa khiến người ta phải ngất ngây bởi những tín ngưỡng văn hóa độc đáo với sự giao thoa của ba cộng đồng dân tộc Kinh – Khomer và người Hoa.

Chính vì lẽ đó, mặc những con đường gập ghềnh phía trước, người ta vẫn chọn Sóc Trăng như một nơi chốn dừng chân vừa có thể thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp vừa chìm đắm trong bầu không khí đậm chất tâm linh.

Một vùng đất mà bất cứ thời điểm nào trong năm ta cũng bắt gặp nắng vàng, nắng dịu ngọt buổi đầu xuân, nắng vàng ươm vào những ngày hè và ánh nắng “lạnh” nhưng lúc cuối năm. Trong cái sắc nắng đong đầy đó, cảnh thiên nhiên Sóc Trăng cũng có hồn hơn, gọi mời người lữ khách xa gần tìm về thưởng ngoạn.

Nhưng người ta vẫn thích tới Sóc Trăng những lúc hè về. Hè là khi nắng ngập ruộng đồng, hè là khi những miệt vườn sum suê trái ngọt, kìa những vườn chôm chôm đỏ mọng một góc trời, kìa những vườn cam quýt vàng ươm và những vườn thanh dâu chi chít trái.

Còn gì tuyệt vời hơn khi dạo bước giữa một thiên đường cây trái, lặng nhìn những chùm quả ngon ngọt treo lủng lẳng trên đầu hay e ấp trốn mình sau những tàng cây xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa thăm thú miệt vườn vừa đưa tay hai vài chùm trái cây bỏ vào miệng, thưởng thức trọn cái hương vị ngọt lành của thiên nhiên. Mùa hè ở Sóc Trăng còn là mùa diễn ra ngày hội sông nước miệt vườn với những hoạt động sôi nổi như triển lãm trái cây, hội thi trái ngon, hội thi nấu ăn vô cùng đặc sắc.

Rồi khi vào mùa nước nổi, Sóc Trăng cũng như những vùng quê khác trên mảnh đất miền Tây được khoác lên mình một tấm áo choàng đặc biệt. Mùa nước nổi là lúc không ai có thể cưỡng lại được tiếng gọi thân thương của những cánh đồng ngập trong màn nước, của cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình.

Và vào những tháng gần cuối năm, ghé Sóc Trăng là đến với mùa của lễ hội, điển hình như lễ hội lớn Ooc-Om-Bok – đua ghe ngọ diễn ra vào tối 14 và ngày 15 tháng 10 âm lịch. Những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư nơi đây.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng - Mẫu số 4

Đến với mảnh đất Sóc Trăng, ta thường ấn tượng về các ngôi chùa ở mảnh đất này, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất chính là chùa Dơi.

Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Chùa tọa lạc tại đường Văn Ngọc Chính thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ cổ kính của ngôi chùa, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa. Chùa dơi tên nguyên bản là Serây tê chô mahatúp. Theo phiên âm của người Khmer: Maha là lớn, còn Túp là trận kháng cự, ghép lại là trận kháng cự lớn. Theo lời kể của các bô lão ở đây, thuở bấy giờ nơi đây thường hay nổ ra các tranh chấp giữa người nông dân và chính quyền phong kiến. Nơi này là chỗ dựa tinh thần của người dân trong các trận kháng chiến lớn. Địa điểm này thuở bấy giờ là kết tinh tinh thần của người dân cả vùng. Người dân cho rằng đây là một vùng đất lành, nên đã cùng nhau dựng nên một ngôi chùa. Đây là một ngôi chùa Khmer linh thiêng có lịch sử lâu đời. Nó cũng là một điểm du lịch tâm linh và tìm hiểu kiến trúc chùa ở Sóc Trăng độc đáo. Chùa Dơi là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời của Đồng bằng sông Cửu Long với lịch sử gần 450 năm. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1569. Do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. . Đặc biệt vào năm 1999, chùa Dơi đã được cấp chứng nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia . Từ trước đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện, đến năm 2008 chùa bị cháy chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ.

Cổng chùa được xây nhìn về hướng Tây Bắc, trang trí cách điệu với họa tiết cánh sen và hoa cà ri được cách điệu. Xung quanh sân vườn có nhiều cây cổ thụ được trồng. Buổi trưa rợp bóng mát, mỗi lần gió thổi ngang lại rì rào như đang hát ca.Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Nếu như cổng chính trang trí đơn giản, thì ở cổng phụ gác hai bên là rắn khổng lồ 5 đầu đang phồng mang trợn mắt như chờ chực đớp, khiến nhiều người phải giật mình, e sợ. Nhưng chỉ cần mạnh dạn bước tiếp vào trong, bạn sẽ được chào đón bằng nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện. Ngôi chính điện có chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng Đông. Các bức tường được trang trí các bích họa rất công phu sinh động mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ truyền thống. Bước vào nội thất chánh điện, du khách sẽ có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng và khám phá thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc Khmer Nam bộ với vô số tượng phật lớn, nhỏ và pho tượng phật Đức Thích Ca Mâu Ni được sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, được tôn trí trên bệ thờ cao một mét rưỡi trong tổng thể họa tiết hoa văn hình cánh sen, hình chim muông, hoa lá …Mỗi một bảo tháp ở sân chùa đều chứa các di hài của trụ trì đời trước. Sala là kiểu nhà rông, là nơi nghỉ ngơi và tu học riêng tư của các sư. Phía sau vườn là những ngôi mộ heo năm mống mà tôi đã kể về sự tích của chúng ở trên. Chùa cũng còn nuôi một số con heo năm mống trong khuôn viên. Tại chùa Dơi Sóc Trăng còn có những bộ kinh được ghi trên lá cây thốt nốt, hiện vật, sử sách,… vô cùng quý hiếm mang giá trị văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ cần được bảo tồn. Thưởng thức màn hòa tấu của dàn ngạc ngũ âm, ngắm chiếc ghe ngo truyền thống của người Khmer được trưng bày trong chùa. Chùa Dơi là ngôi chùa đầu tiên được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp Quốc gia ở Sóc Trăng. Đây vừa là trung tâm sinh hoạt giáo dục và tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.

Có dịp du lịch Sóc Trăng, bạn đừng quên ghé thăm Chùa Dơi để cảm nhận nhiều hơn những nét văn hóa của người Khmer, cũng như ngắm nhìn đàn dơi bay rợp trời.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 29/03/2022 - Cập nhật : 09/06/2022