logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An - Mẫu 1

Khu du lịch (KDL) sinh thái Làng Nổi Tân Lập (còn gọi là rừng tràm Tân Lập) nằm ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km. Khu vực này nằm sâu bên trong lòng Đồng Tháp Mười, nơi chủ yếu là vùng rừng ngập nước với hệ sinh thái mang đậm nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Hệ thực vật gồm tràm, sen, súng, lục bình, lúa trời,… cùng với hệ động vật chim, cò, cá, tôm,… phong phú giúp cho Làng Nổi Tân Lập mang sức thu hút rất riêng, là một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Long An. 

Đến với KDL sinh thái Làng Nổi Tân Lập, du khách có thể lựa chọn hình thức vui chơi trong ngày, hoặc qua đêm. Bên trong khu du lịch có hạng mục khách sạn Làng Nổi Tân Lập với giá phòng tương đối bình dân. Nếu lựa chọn ở qua đêm, du khách có cơ hội tận hưởng không gian yên tĩnh giữa rừng tràm, hay đón ánh bình minh đầu ngày vào sáng hôm sau.

Với những du khách có ít thời gian, việc mua gói tham quan trong ngày là lựa chọn phổ biến. Gói này bao gồm các hoạt động thú vị trong khu du lịch, như: ngồi thuyền cáp kéo tự động ngắm cảnh kênh rạch sông nước, đi xuồng ba lá men theo những dòng kênh nhỏ xuyên rừng tràm, đi bộ trên con đường bê tông nhỏ quanh co khám phá hệ thực vật trong rừng ngập nước – con đường vốn được gọi mỹ miều là “đường xuyên rừng tràm đẹp nhất Việt Nam”, chụp ảnh lưu niệm ở cầu chữ X, leo lên tháp canh ngắm toàn cảnh rừng tràm xanh mướt mênh mông, hay tham gia các trò chơi thú vị trong khu trò chơi dân gian,…

Giữa khung cảnh rừng ngập nước hoang sơ và tĩnh lặng, du khách sẽ hoàn toàn hòa nhập với nhịp điệu của thiên nhiên, lắng nghe tiếng thở của rừng. Từ việc trầm trồ thích thú khi nhìn thấy những dây leo rừng quấn chằng chịt như mớ bòng bong, những bông hoa trắng nhỏ li ti mọc an nhiên trên mặt nước, cho đến việc được ngắm những chú chim lạ mắt với đôi chân dài có màng lướt đi nhẹ nhàng trên những chiếc lá sen, lá súng.

Chiếc xuồng ba lá nhẹ nhàng rẽ sóng, lướt trên mặt nước dập dềnh những lá bèo tấm xanh mơn mởn, đưa du khách đi qua những cánh rừng toàn là tràm và dây leo ngổn ngang. Khung cảnh vắng lặng và pha lẫn chút ma mị. Qua lời thuyết minh bằng chất giọng miền Tây trong veo và ngọt lịm của chị gái chèo xuồng ba lá, du khách biết thêm kiến thức thú vị về cây tràm bông vàng, tràm bông trắng, hay cây lúa trời, hay còn gọi là lúa ma, một giống lúa hoang và quý có giá trị cao, khi ra hạt chỉ chín về đêm, và sẽ rụng ngay khi gặp ánh sáng mặt trời.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An hay nhất

Bên trong khu du lịch Làng Nổi Tân Lập có dịch vụ ăn uống với giá cả rất phải chăng. Sau hành trình khám phá rừng tràm lý thú, du khách có thể tạm dừng chân nghỉ ngơi trong nhà hàng bằng những món ăn mang đậm dấu ấn hồn quê của vùng sông nước như canh chua, rau rừng luộc chấm kho quẹt, chuột chiên nước mắm, cá lóc nướng trui,…

Một ngày về Làng Nổi Tân Lập Long An, được nhìn ngắm bao nhiêu là cảnh đẹp, được thưởng thức những món ngon của quê hương miền Tây Nam bộ, và lại học hỏi được bao nhiêu điều bổ ích từ thiên nhiên, quả là một chuyến đi đáng giá!


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An - Mẫu 2

Huyện Cần Đước, tỉnh Long không những là vùng đất được biết đến với đặc sản gạo nàng thơm Chợ Đào mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị. Có dịp du lịch Long An về Cần Đước, bạn đừng quên ghé thăm Nhà Trăm Cột. Cái “độc” của ngôi nhà không chỉ vì tên gọi xuất xứ theo đặc trưng kiến trúc (nhà có trên một trăm cây cột), mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” của xứ Huế, nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ.

Huyện Cần Đước, tỉnh Long không những là vùng đất được biết đến với đặc sản gạo nàng thơm Chợ Đào mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị. Có dịp du lịch Long An về Cần Đước, bạn đừng quên ghé thăm Nhà Trăm Cột. Cái “độc” của ngôi nhà không chỉ vì tên gọi xuất xứ theo đặc trưng kiến trúc (nhà có trên một trăm cây cột), mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” của xứ Huế, nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ. Nhà trăm cột có kiểu chữ “Quốc”, 3 gian, 2 chái đôi với diện tích 822m2 trong một khu vườn rộng 4.886m2. Ngôi nhà này được khởi công vào năm 1901, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí do nhóm 15 thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun… mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác.

Nhà trăm cột có kiểu chữ “Quốc”, 3 gian, 2 chái đôi với diện tích 822m2 trong một khu vườn rộng 4.886m2. Ngôi nhà này được khởi công vào năm 1901, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí do nhóm 15 thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun… mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Kết cấu chính của Nhà Trăm Cột kiểu xuyên trính ( còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường), khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây – Đông, Tiền – Hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ , uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình ”chày cối”, tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối). Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Đặc biệt, trang trí trong kiến trúc ở Nhà Trăm Cột cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao qua cách bố cục, thể hiện đề tài cũng như xử lý kỹ thuật. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ”vân hóa long”, “tứ thời” kiểu ”dây lá hóa” đặc trưng của Huế rất sắc sảo. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như "tứ linh”,"tứ thời”, "bát quả”; các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát,khế,măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ , ghế nghi, bàn tròn , bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An hay nhất (ảnh 2)

Vật dụng quý giá trong nhà đều có tuổi đời cả trăm năm, hầu hết làm bằng gỗ quý. Trong đó, giá trị nhất là bộ trường kỷ đặt ngay gian chính để trà nước tiếp khách hàng ngày. Cách bố trí, sắp đặt từng vật dụng bên trong ngôi nhà đều có ý nghĩa, thể hiện sự tôn nghiêm, và mang nội dung khuyên dạy con cháu sống theo cương thường đạo lý của Khổng giáo, Phật giáo. Ngôi nhà được đặt ở đất Long An nên phía bên ngoài, việc trang trí cây kiểng cũng khác. Dân dã hơn, có hướng mở chứ không khép kín như nhà rường Huế. Vẻ đẹp của Nhà trăm cột là vẻ đẹp của sự kết hợp hài hòa và tinh tế với hồn cốt vùng sông nước, kênh rạch Miền Tây.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An - Mẫu 3

Trước năm 1865, khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở Nam kỳ thì vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa có tên. Người Pháp tạm đặt cho vùng này cái tên là “Plaine inondée couverte d’herbe” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “cánh đồng ngập nước đầy cỏ”, sau rút gọn thành “Plaine des Joncs” có nghĩa là “Đồng Cỏ Lác”. Bản đồ người Pháp vẽ để thi hành hòa ước Nhâm Tuất đã ghi rõ vùng Đồng Tháp Mười hiện nay là Đồng Cỏ Lác. Mặc dù được người Pháp đặt tên là Đồng Cỏ Lác nhưng người Việt Nam lại quen gọi là Tháp Mười, gắn với tên người Thiên Hộ Dương (tức Võ Duy Dương, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười).

Tên gọi Tháp Mười chính thức xuất hiện và được triều Nguyễn lẫn chính quyền thực dân Pháp sử dụng phổ biến kể từ đó. Tên gọi Tháp Mười cũng chính thức thay thế cho địa danh Paline des Joncs mà người Pháp đặt ra trước đó. Qua thời gian, Tháp Mười trở thành tên gọi cho cả một vùng rộng lớn, sau gọi thành Đồng Tháp Mười. Có thể thấy rằng địa danh Tháp Mười được hình thành vào khoảng đầu của thế kỷ XIX và đã nhanh chóng trở thành một trong những địa danh nổi tiếng trong phạm vi cả nước, mang nhiều ý nghĩa quan trọng về lịch sử và địa lý. Đồng Tháp Mười ngày nay trở thành khu sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến khám phá. Rất nhiều du khách đi Tour du lịch miền Tây có hành trình về Long An đã dành thời gian để ghé thăm khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 6.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó Long An chiếm phân nửa. Vì là tỉnh chiếm diện tích hơn một nửa của toàn vùng Đồng Tháp Mười nên mùa nước nổi về, Long An chính là một trong những điểm du lịch vùng Đồng Tháp Mười được nhiều người ghé thăm. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười níu chân du khách bởi những cánh rừng tràm bạt ngàn hơn 800 ha. Khu rừng tràm này khá rộng, thỉnh thoảng xen lẫn vài lùm sim tím, lau sậy cùng tiếng chim hót râm ran, tạo cho nơi đây một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, vừa hoang sơ vừa tươi trẻ.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khu rừng tràm rộng lớn, khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười còn khiến du khách ngỡ ngàng và mê mẫn bởi những cánh đồng sen ngút ngàn. Nếu du khách đến đây vào mùa nước nổi, khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm sẽ có dịp ngắm hoa sen nở. Những bông sen nở căng tròn với sắc hồng rực rỡ tạo nên vẻ đẹp vừa giản dị nhưng không kém phần quyến rũ. Bên cạnh đó, sự pha trộn màu sắc giữa sắc trắng, tím, đỏ của hoa sen, sắc xanh của lá và sắc vàng của nhụy mang lại cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Mùa sen nở ở khu sinh thái Đồng Tháp Mười cũng là dịp để du khách thực hiện những bộ ảnh sinh động, ghi lại cho mình những khoảnh khắc ấn tượng nhất.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An hay nhất (ảnh 3)

Khám phá khu sinh thái Đồng Tháp Mười, du khách có cơ hội đến tham quan khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Khu bảo tồn này được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Đến Láng Sen, du khách có cơ hội khám phá thế giới động vật chim muông trù phú. Ở đây có gần 112 loài chim, 149 loài động vật, trong đó có các loài quý hiếm như cò, sếu đầu đỏ, rùa, trăn đất, rắn ráo, ác là… Không chỉ dừng lại ở đó, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen còn phô diễn vẻ đẹp của mình trước du khách dưới những thảm thực vật ven sông trù phú, những đồng cỏ ngập nước theo mùa, những đầm lầy đầy sức sống là ngôi nhà chung của quần thể động vật đa dạng đang cư trú ở đây.

Du khách đi du lịch Long An ghé thăm khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đừng quên thưởng thức các món ăn Nam Bộ đậm chất nơi đây. Các món ăn ngon du khách có thể thưởng thức sau khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp Đồng Tháp Mười là canh chua bông điên điển, gói ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt. Ngoài ra, du khách còn có thể nhâm nhi vài ly rượu đế đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ khi ăn cùng các món ăn này. Khu du lịch Đồng Tháp Mười là điểm đến thơ mộng và yên bình hấp dẫn du khách. Du lịch đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên mà còn có được nhiều trải nghiệm khó quên như chèo xuồng, hái sen, uống rượu đế…

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Long An do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/04/2022 - Cập nhật : 11/06/2022