logo

Thu thập thông tin và liên hệ thực tế về một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN

Câu hỏi: Thu thập thông tin và liên hệ thực tế về một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN

Thu thập thông tin và liên hệ thực tế về một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN

Cách trả lời 1

- Quá trình tham gia ASEAN mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, bao trùm là có được môi trường hòa bình và ổn định thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế của đất nước, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tham gia ASEAN cũng tạo điều kiện giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hơn:

+ Về chính trị-an ninh, gia nhập ASEAN giúp Việt Nam phá thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị khi đó; chấm dứt tình trạng chia rẽ, đối đầu ở khu vực, tạo dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định và lâu dài, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cả về đa phương và song phương.

+ Về kinh tế, Việt Nam có thị trường rộng lớn cho xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN và cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hỗ trợ Việt Nam triển khai hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện với các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Về đối ngoại, gia nhập ASEAN đã tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các nước ASEAN, cũng như các đối tác của Hiệp hội. 

Cách trả lời 2

- Một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN

+ Gia nhập ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 26 năm qua.

+ Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD và đến năm 2020 con số này đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần so với năm 1995. Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Philippines). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 283 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các tổ chức trong khu vực và trên thế giới, nguồn vốn nước ngoài đầu tư (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD vào năm 2020.

+ Năm 2020, với việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ta đã cùng các nước thành viên phát huy đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc dung hòa các quan điểm trong đàm phán Hiệp định RCEP nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc, từ đó thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định RCEP trong năm 2020. Thành tựu này đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế đa phương, khu vực và thế giới.

+ Cộng đồng kinh tế ASEAN đã và đang tạo ra những cơ hội và cả thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân nước ta. Gia nhập AEC cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, một mặt giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặt khác cũng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài khu vực. Việc thực hiện các cam kết trong ASEAN đã và đang tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Có thể nói, hội nhập ASEAN cho đến nay vẫn được coi là "điểm tựa" quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

+ Bên cạnh đó là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào AEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với 06 nước thành viên ban đầu của ASEAN (ASEAN-6). Tuy nhiên, trong thời gian 26 năm qua, khoảng cách giữa chúng ta với nhóm 6 nước ASEAN đã được thu hẹp một cách đáng kể. Thậm chí ở nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là chỉ số phát triển con người (HDI) (chỉ số HDI năm 2019 của Việt Nam là 0,704, thuộc nhóm phát triển con người cao) và thu nhập bình quân đầu người (đạt 2.660 USD vào năm 2020), chúng ta đã có bước tiến tiệm cận các nước ASEAN đi trước. Riêng về kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta thậm chí đã vượt nhiều nước ASEAN-6 khác.

Cách trả lời 3

Kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), nhất là sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập (năm 2015), “phát huy vai trò trong ASEAN” đã trở thành một trong những đường lối đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới, đó là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước". Chỉ thị chỉ rõ, ASEAN nằm trong tầng nấc ưu tiên đối ngoại đa phương của Việt Nam, bên cạnh Liên hợp quốc.

Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của tổ chức này. Sự tham gia của Việt Nam góp phần mở rộng ASEAN với việc Lào và Campuchia gia nhập Hiệp hội, đưa ASEAN thực sự trở thành đại diện cho khu vực Đông Nam Á trên trường quốc tế. Ngay sau đó, Việt Nam thể hiện vai trò kết nối thông qua việc đưa nhóm các nền kinh tế kém phát triển trong ASEAN như CLMV (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) vào sự phát triển chung của cả khối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (năm 1997) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001). Việt Nam cũng góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng các quốc gia cho ra đời Hiến chương ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (năm 2001) và Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với nhiều dấu ấn tích cực. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, như thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, các cơ chế ASEAN+, mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Mỹ (năm 2010), thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2015). Những nỗ lực này đã giúp tăng cường vị thế quốc tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích to lớn đối với Việt Nam trên các khía cạnh an ninh - chính trị và vị thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam xử lý các thách thức trong khu vực và trên thế giới.

Có thể thấy, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình, giúp mở rộng và tăng cường tính cố kết trong ASEAN cũng như thúc đẩy khả năng của ASEAN trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực cũng như uy tín và tiếng nói của mình trên trường quốc tế thông qua các hình thức hội nhập quốc tế, như tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, trúng cử vào các vị trí quan trọng của các cơ chế quốc tế..., góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN và tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ASEAN. Tất cả những điều này chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong ASEAN.

Một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia ASEAN là mong muốn duy trì một môi trường an ninh hòa bình, ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thời gian qua tại khu vực đã và đang tác động không nhỏ tới vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tác động tới vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bảo đảm hòa bình, an ninh tại Biển Đông và thúc đẩy hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song việc đàm phán này hiện gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các bên liên quan trên nhiều vấn đề. Vì vậy, để có thể gắn kết quan điểm của các nước ASEAN, Việt Nam cần nỗ lực đóng vai trò trong quá trình đàm phán COC. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trong quá trình xử lý các vấn đề quốc tế.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2024 - Cập nhật : 24/02/2024