Câu hỏi: Theo em, vì sao Dương nghĩ từ bây giờ nó mới là người đưa tay cho ông nắm? (Bài Để cháu nắm tay ông)
Lời giải:
Dương nghĩ từ bây giờ nó mới là người đưa tay cho ông nắm vì ông ngày càng già đi còn nó thì ngày càng lớn lên, mạnh mẽ hơn và khỏe hơn ông rất nhiều, nó có thể bảo vệ ông.
>>> Xem trọn bộ: Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 22: Để cháu nắm tay ông
Một số bài văn tả ông của em
Bài số 1
Trong nhà, người gần gũi và thương yêu em nhất chính là ông nội. Ông nội em năm nay ngoài 70 tuổi, dáng người cao, hơi gầy, tóc ông đã bạc đi nhiều. Ông nội có đôi mắt rất sáng và vầng trán cao. Ở nhà, ông là người dậy sớm nhất, tập thể dục và tưới cây cảnh. Ông nội rất yêu thương và cưng chiều em, mỗi lần em mắc lỗi hay bị mẹ mắng ông đều nhẹ nhàng dỗ dành và giảng giải cho em nghe. Buổi tối, em được ngủ cùng ông và nghe ông kể chuyện cổ tích. Mỗi khi đi học về, đều thấy ông đang ngồi đọc sách ở cửa nhà mỉm cười với em. Ông em thích đi dạo và tập thể dục ở công viên vào cuối tuần, ông hay đưa em theo cùng và mua kem cho em. Em rất yêu quý ông, em mong ông luôn mạnh khỏe, sống lâu cùng với gia đình em.
Bài số 2
Suốt bao năm qua, ông em là người đưa đón em đi học. Vì vậy, em rất thân thiết với ông. Năm nay, ông em đã gần bảy mươi tuổi. Mái tóc ông đã bạc trắng hơn nửa. Em rất thích vuốt vuốt chòm râu dài cũng bạc trắng ông. Người ông cao lớn nhưng làn da đã nhăn nheo theo năm tháng. Gương mặt của ông hình chữ điền, góc cạnh. Đôi mắt nâu đen, sâu thẳm thường nhìn em trìu mến. Ông rất yêu thương em, ông thường dẫn em đi chơi, đi ăn, đi mua đồ. Mỗi lần em vâng lời, ông xoa đầu em và dặn mau lớn để làm chàng thanh niên điển trai, tài giỏi như ông ngày trẻ. Em chỉ biết cười rồi sà vào lòng ông nũng nịu.
Bài số 3
Trong gia đình em có rất nhiều người cùng chung sống. Nhưng em yêu quý nhất là ông nội, vì ông là người gần gũi với em nhiều nhất từ khi em còn bé.
Ông em năm nay đã ngoài 70 tuổi, lưng của ông đã hơi còng xuống do sức nặng của thời gian. Mái tóc ông bạc trắng như cước. Trên gương mặt phúc hậu của ông đã hằn lên nhiều vết chân chim, mỗi khi ông cười lộ rõ hơn bao giờ hết. Đôi mắt của ông không còn tinh anh như xưa, lúc đọc báo ông đều phải đeo một cặp kính lão gọng vàng để nhìn cho rõ chữ. Ông có sở thích nghe đài, lần nào trước khi ngủ và mỗi sáng dậy sớm ông có thói quen nghe bản tin thời sự hay ca nhạc.
Bàn tay ông ngày trước cầm súng khoẻ bao nhiêu thì bây giờ lại gầy gầy xương xương bấy nhiêu. Trên đôi tay đầy dấu đồi mồi ấy có một vết sẹo dài. Ông kể ngày trước trong khi chiến đấu đã bị thương, tưởng phải cưa tay đi nhưng thật may vẫn cứu chữa được. Em rất thích ngồi nghe ông kể chuyện thời chiến tranh, ông gặp bà thế nào, chiến đấu anh dũng quả cảm cùng đồng đội ra sao. Ông vừa kể bằng giọng ấm áp vừa xoa đầu em, dặn em phải học thật tốt.
Ông đã không còn trẻ nữa nên sức khoẻ yếu đi nhiều. Em thấy ông vui vẻ nhất khi gặp lại các đồng đội cũ mỗi dịp đi họp cựu chiến binh. Em mong ông sẽ sống thật lâu cùng với mọi người.