Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Đất nước bao gồm Giới thiệu tác giả Nguyễn Đình Thi và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật, của tác phẩm Đất nước - SGK Tiếng Việt 5. Bài viết sẽ giúp các em học sinh cũng như thầy cô giáo trong việc học, giảng dạy và có những bài soạn giáo án đặc sắc.
Tác giả - Tác phẩm: Đất nước
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại.
Ông sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luông Pra Băng (Lào). Tuy nhiên, nguyên quán của ông là ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cha ông là một viên chức Sở bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào.
Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.
Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội. Ông có con trai là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Chính.
a. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ “Đất nước” được hình thành trong một quãng thời gian dài: hầu như suốt cuộc kháng chiến chống Pháp (1948-1955) bài thơ đã miêu tả một không gian rộng lớn toàn đất nước. Lần đầu tiên bài thơ được đưa vào tập “…Chiến sĩ”(1958). Bài thơ được tổng hợp từ một số bài thơ khác: “Sáng mát trong như sáng năm xưa”(1948), “Đêm mít tinh”(1949). Đây là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng và thơ kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang rõ phong cách của Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của bài thơ “Đất nước” là lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết, ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào về đất nước và nhân dân anh hùng từ trong đau thương nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quật khởi vùng lên chiến thắng huy hoàng.
Hoàn cảnh sáng tác ấy giúp Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ có hồn thơ suy tư sâu lắng và dạt dào cảm xúc, tạo dựng lên được một bức chân dung đất nước thật nên thơ, nên họa mang tính chất khai quật, vừa có tính chiều sâu truyền thống, vừa có tầm cao thời đại: có sức quật khởi mãnh liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
b. Bố cục
5 khổ: Mỗi đoạn là 1 khổ
c. Nội dung chính
Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc.
d. Từ cần giải nghĩa trong tác phẩm
- Hơi may: gió heo may
- Chưa bao giờ khuất: chưa bao giờ chịu khuất phục; cũng có thể hiểu là bất tử
Câu 1: "Những ngày thu đã xa" được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn. Em hãy tìm những từ ngữ nói lên điều đó.
Lời giải:
“Những ngày thu đã xa” được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn.
Đẹp: sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Buồn: sáng chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm nắng, lá rơi đầy, người ra đi đầu không ngoảnh lại.
Câu 2: Cảnh đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba đẹp như thế nào?
Lời giải:
Cảnh đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba rất đẹp: rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới, trời thu trong biếc, vui: rừng tre phấp phới, trời thu nói cười thiết tha.
Câu 3: Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào trong hai khổ thơ cuối?
Lời giải:
Lòng tự hào về đất nước tự do thể hiện qua những từ ngữ được lặp lại: trời xanh đây, núi rừng đây, của chúng ta và những hình ảnh những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát.
Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ sau: Nước của những người chưa bao giờ khuất và hình ảnh Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Câu 4: Nêu một hai câu thơ nói lên lòng tự hào về đất nước tự do, về truyền thống bất khuất của dân tộc trong khổ thơ thứ tư và thứ năm.
Lời giải:
Lòng tự hào về đất nước:
+ Trời xanh đây là của chúng ta
+ Núi rừng đây là của chúng ta
- Tự hào về truyền thống bất khuất dân tộc:
+ Nước những người chưa bao giờ khuất
>>> Xem trọn bộ: Tác giả, tác phẩm Tiếng Việt 5
------------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Đất nước trong bộ SGK Tiếng Việt 5. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!