logo

Tả một cây cổ thụ lớp 5

Tuyển tập seri Tập làm văn 5 với hơn 90 bài chọn lọc từ các bài dự thi của các bạn học sinh và thầy cô trên cả nước. Dưới đây là 3 bài Tả một cây cổ thụ hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo


Bài mẫu 1: Tả Cây đa trong công viên

Tả một cây cổ thụ | Tập làm văn 5 hay nhất

  Công viên Gia Định là một trong những công viên lớn của thành phố. Cây cổ thụ trồng ở đây khá nhiều: cây xanh, cây si, cây sung… Trong số cây đại thụ đó, em thích cây đa nhất.

  Cây đa có lẽ cả trăm năm tuổi rồi. Gốc đa to đến ba vòng tay ôm hoặc hơn thế nữa. Gốc đa giống như một ngôi nhà thần bí mà các hốc tròn dưới gốc là cửa sổ của nó. Hốc trên gốc đa có cái to đến cỡ một người có thể lọt thỏm vào đó được. Rễ đa lồm ngồm, chằng chịt vươn ra xa, cắm xuống đất chỗ chìm, chỗ nổi. Rễ đa rũ xuống quanh gốc, trông xa, cây đa như một ông già râu tóc loà xoà không cắt chải. Tới gần, rễ rủ như mành sáo trúc.

  Cây đa vươn cao, thân chia thành nhiều nhánh nhỏ. Nhánh đa nào nhỏ nhất cũng bằng bắp đùi em. Nhánh đa đeo vô số cành lá chen kín, um tùm, xanh ngắt, xanh rì. Tán lá của cây to, rộng, che mát một khoảng lớn sân công viên. Trong vòm lá, tiếng chim hót ríu ran, chuyền cành lích rích, em chỉ nghe tiếng chim mà không thấy bóng chim đâu. Lá đa hình bầu, hơi dày một tí, ken dày trên vòm cây. Sang thu, cây đa có hoa nhỏ như nụ chè. Cuối thu, quả đa chín, tím đỏ đầy cành rủ chim muông đến. Chim ăn quả đa, có lúc cãi nhau ồn ào, ầm ĩ. Cuối đông sang xuân, cây đa đâm chồi nảy lộc. Búp đa như búp sen non tí hon, màu hồng đỏ. Vòm lá đa như được thắp sáng bằng vô số đèn đỏ ti ti. Lộc đa chuyển dần sang xanh biếc là hè đã đến rồi. Đứng dưới vòm lá đa, em cảm thấy hơi gió mát lạnh. Có lẽ lá đa dày quá nên gốc đa có vẻ thâm nghiêm, bí ẩn, hơi rờn rợn. Công viên có nhiều cây to, đại lão nhưng cây đa thì chỉ có một cây duy nhất. Giữa những cây cổ thụ khác, cây đa như một cụ già làng đạo mạo trong hội bô lão. Công viên Gia Định rợp bóng mát nên nó có vẻ âm trầm vào lúc chiều tà. Bên cạnh phố phường lúc nào cũng tấp nập xe cộ, bước vào công viên, cây đa cho em không khí mát rượi và khoảng không gian yên tĩnh, trầm tư.

  Cây đa cổ thụ là nét đẹp truyền thống của cảnh sắc cây cối Việt Nam. Nói đến Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến luỹ tre làng, đến cây đa, giếng nước đầu làng. Cây đa luôn là biểu tượng cho tâm hồn dân tộc Việt. Với lòng tự hào là con dân nước Việt, ngắm cây đa em thấy được vẻ đẹp kì bí của nó. Em đặt tên cho cây đa ở công viên Gia Định một cái tên dễ thương và đầy tôn kính.


Bài mẫu 2: Tả cây phượng trường em

  Ngay giữa sân trường tôi sừng sững một cây phượng. Không biết cây phượng đó được trồng từ lúc nào. Tôi chỉ biết rằng khi tôi cắp sách tới trường thì đã thấy cây, đã già, già lắm.

  Nhìn từ xa, cây như một người khổng lồ, mái tóc màu xanh. Chà! Thân cây to, hai người ôm không xuể. vỏ cây xù xì nổi lên những u cục như người bị bướu ấy. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Mỗi độ mùa xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Lá phượng giống lá me, mỏng, nhìn như những hạt cốm non. Những cành cây mập mạp như hàng trăm cánh tay đưa ra, đón ánh sáng mặt trời để sưởi ấm cho mình. Rồi những tiếng ve râm ran đầu tiên của mùa hạ cất lên, cây bắt đầu trổ hoa. Khi chưa muốn khoe vẻ đẹp của mình, hoa e lệ ẩn mình trong khi đài hoa xanh mỡ màng. Từng nụ, từng nụ uống sương đêm và tắm nắng mai rồi từ từ hé nở. Hoa phượng có năm cánh, mượt như nhung, toàn một màu đỏ thắm. Nhị hoa dài, xung quanh có một lớp phấn hung hung vàng. Đến hết mùa hoa, trên cây lấp ló những chùm quả phượng. Quả phượng giống quả bồ kết nhưng dài và to hơn.

  Tôi rất yêu quý cây phượng lâu năm này. Hàng ngày cây giúp chúng tôi có chỗ học tập, vui chơi thật thoáng mát. Mỗi độ hoa nở là chúng tôi lại được ngửi mùi thơm  quyến rũ, ngắm màu đỏ rực đầy nhiệt huyết của tuổi học trò. Mai này xa ngôi trường yêu dấu, tôi sẽ mãi không quên được nó.


Bài mẫu 3: Tả cây si già

Tả một cây cổ thụ | Tập làm văn 5 hay nhất (ảnh 2)

  Sân trường em trồng rất nhiều các loại cây cho bóng mát. Chúng đứng thành hàng thẳng tắp, xòe tán rộng che bóng mát khắp cả sân trường. Nhưng có lẽ chỗ gốc cây cổ thụ thu hút nhiều lũ trẻ chúng em nhất vẫn là cây si già.

  Không biết đến náy, si già đã bao nhiêu tuổi? Cô giáo chủ nhiệm nói: “Cô về đây đã hơn mười năm rồi, lúc ấy cây si cũng như bây giờ. Cô nghe nói, từ khi có ngôi trường này thì người ta đã trồng nó từ bao giờ rồi?”. Có lẽ nó đã gần trăm tuổi không biết chừng. Nhìn từ xa, cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẫm, rủ bóng xuống sân trường. Những cái rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn hoa nằm ngủ im lìm dưới bóng râm. Có những rễ bò lan đến gần mười thước trên mặt đất rồi mới chịu chui xuống. Thân cây to, ước chừng sáu bảy đứa chúng em nắm tay nhau mới kín được một vòng. Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như có ai thoa vào đấy một lớp xi. Hầu như toàn thân cây, chi chít những tên tuổi, những con số và những nét phác họa hình nhân do các bậc đàn anh, đàn chị các lớp trước lưu lại để kỉ niệm một thời đã học dưới ngôi trường này. Điều thú vị nhất đối với chúng em là nắm lấy những cái rễ to bằng ngón tay cái lòng thòng từ trên xuống, thi nhau trèo cao hoặc chơi đánh đu, tuy mạo hiểm nhưng rất thú vị. Qua tìm hiểu, chúng em biết các trò chơi “mạo hiểm” này từ xưa đến giờ chưa xảy ra một tai nạn nào đáng tiếc.

  Lên cao độ chừng hai thước, thân cây chia làm bốn nhánh đều nhau, vươn rộng ra xung quanh. Dường như quanh năm, cây si vẫn xanh một màu xanh muôn thuở của nó. Lá si nhỏ và dày, cành lại dai nên dù mưa gió bão bùng si vẫn vững vàng chống chọi lại thiên tai mà không hề hấn gì. Cây si đã gần trăm tuổi nhưng trông nó vẫn cường tráng.

  Trên vòm lá xanh um của nó, thường ngày đều rộn tiếng chim ca. Không biết chích bông, chào mào, sáo sậu… và cả cu gáy nữa ở đâu tụ hội về đây nhiều đến thế? Ngồi trong lớp học bài, chúng em thường được thưởng thức những bản hợp tấu củạ bầy chim nên cũng bớt được sự căng thẳng phần nào.

  Những giờ giải lao, chúng em thường tụ tập về đây hóng mát, vừa tổ chức chơi các trò chơi của tuổi thơ hay kể những chuyện tếu cho nhau nghe đời thường. Tiếng nói tiếng cười râm ran dưới gốc cây.

  Mai đây, khi phải từ biệt mái trường này thì cây si già vẫn mãi mãi để lại trong lòng chúng em những ấn tượng, những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 07/04/2021

Tham khảo các bài học khác