Có một nhà văn đã từng nói: “Hãy sống như thể ngày mai là tận thế”. Cuộc sống là thế, luôn khó khăn, vất vả. Khi bạn đã chấp nhận bước chân vào con đường đầy sỏi và đá ấy, bạn đã chấp nhận đối mặt gian nan, thử thách bất ngờ có thể ập đến với bạn bất cứ lúc nào, và điều mà bạn cần để vượt qua chúng là sự nỗ lực. Nỗ lực, nỗ lực hết mình, và thành quả mà bạn có được chính là sự chiến thắng. Thế nhưng nếu bạn buông xuôi, từ bỏ, yếu đuối chấp nhận thất bại hay thành công một cách dễ dàng thì hậu quả mà bạn gánh chịu cũng giống như những gì mà chú bướm trong câu chuyện phải chịu đựng.
Thử thách, phải, nó thật khó khăn. Khi thử thách đến với cuộc đời bạn, nó như một tấm đệm nặng trịch và bạn là người bị đè dưới lớp bông ngột ngạt ấy. Cái kén, giống như một tấm đệm, ngoài việc bảo vệ chú sâu bướm, nó còn là thử thách dành cho chú. Như bao con sâu khác, chú đã “gắng sức chui qua khe hở ấy”. Thế nhưng, một cậu bé đã tới, rạch trên cái kén một nhát kéo định mệnh. Nhát kéo ấy đưa chú sâu tới với ánh sáng bên ngoài, tới với bầu trời cao thăm thẳm mà suốt cuộc đời còn lại, con bướm ấy sẽ chẳng bao giờ có thể chạm tới. Đối với những chú sâu, vượt qua cái kén cũng giống như vượt qua một thử thách đầu đời, giống như mở cánh cửa tới cuộc sống. Thế mà chú sâu ấy đã không phải nỗ lực, không phải trải qua hàng giờ đau đớn để rồi khi thoát khỏi cái kén, chú có thể tận hưởng cảm giác chiến thắng, tận hưởng bầu trời xanh mơn man, những cơn gió thổi rì rào và những áng mây trắng bồng bềnh êm dịu. Có một người đã nhấc tấm nệm ra khỏi người chú một cách dễ dàng, và ném cho chú chiếc chìa khoá để bước chân vào cuộc sống, chú chẳng bao giờ biết tới nỗ lực, chẳng bao giờ biết tới niềm vui chiến thắng và dĩ nhiên, cũng sẽ chẳng bao giờ được như những con bướm khác, nỗ lực để có thể bay bổng trên bầu trời.
Liệu hậu quả mà chú bướm phải gánh chịu hoàn toàn là do lỗi của chú? Hay chính cậu bé, người đã cắt cái kén, đã gây ra những điều đáng tiếc này?
Nhà triết học người Pháp từng nói: “Mỗi một con người chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc. Hạt cát ấy chỉ thực sự có ích khi mà nó làm đúng trách nhiệm của mình”. Cậu bé tốt bụng ấy đã quyết định giúp chú bướm đang phải vất vả trong cái kén chật chội. Cậu cắt nhát cắt ấy không chỉ cắt đứt vỏ kén, mà đã cắt đứt luôn cả sợi dây nối với cuộc sống của chú bướm. Lòng tốt đôi khi không đem lại những kết quả tốt. Giống như việc một em bé tập đi vậy, nếu bé ngã, bạn chạy tới vỗ về tức là bạn đã khiến em bé ỷ lại ở tình yêu thương của bạn và bé sẽ chẳng thể biết đi. Thế nhưng nếu bạn cứ để mặc bé ngã, bé sẽ đau, sẽ khóc nhưng những giọt nước mắt đầu đời ấy, những vết thương, vết xước sẽ như những minh chứng ‘cho sự nỗ lực mà bé đã bỏ ra để có thể bước đi vững vàng trên con đường cuộc sống đầy gian nan. Chú bướm cũng vậy, nếu có thể tự mình vượt qua cái kén, nếu chú bé chỉ động viên, an ủi con bướm, nó sẽ có nghị lực càng lớn hơn và tương lai nó có thể bay lượn trên bầu trời, nó có thể đem niềm vui tới cho mọi người và sống thật có ích.
Cuộc sống là vậy đó! Bạn không thể đòi hỏi thành quả mà không chấp nhận hi sinh, chấp nhận nỗ lực. Đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có người giúp bạn mở cánh cửa tới với chiến thắng, và cũng đừng bao giờ nhấc tấm đệm của người khác bạn nhé! Các cụ ngày xưa đã dạy “sai một li, đi một dặm” mà.