logo

Suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho''

San sẻ, giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần tương thân, tương ái là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thế nhưng giúp đỡ người khác như thế nào để họ cảm thấy được trân trọng, hạnh phúc lại không hề đơn giản. Qua bài văn suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho'' dưới đây các em sẽ hiểu thêm về giá trị của sự cho đi và nhận lại trong xã hội.


Dàn ý Suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho''

1, Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: của cho không bằng cách cho.

- Suy nghĩ của em về vấn đề: thể hiện cách ứng xử, giao tiếp thông minh, chân thành, ấm áp của người với người trong xã hội; là lời khuyên bảo nhắc nhở con người cho và nhận sao cho hợp lý.

2, Thân bài

- Giải thích vấn đề nghị luận 

+ Của cho là cho một thứ gì đó giá trị hoặc chan chứa tình cảm, tấm lòng được gửi gắm vào đó; cách cho là cách để chúng ta trao gửi tấm lòng, món quà đó đến tay người nhận. 

+ Phép so sánh để khẳng định giá trị của hiện vật, tấm lòng đi cho sẽ tăng lên gấp nhiều lần, có giá trị nhiều lần nếu biết cách cho thông minh khôn khéo và tinh tế.

- Chứng minh vấn đề

+ Của cho và cách cho thể hiện truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc.

+ Khi thương mến, kính trọng một ai đó chúng ta thường sẽ trao gửi quà, món quà có thể có giá trị hoặc không mấy giá trị nhưng nếu biết cho bằng tình cảm, sự chân thành thì nó đều rất giá trị.

+ Nó thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự trân trọng của chúng ta gửi gắm trong đó.

+ Nó làm cho người nhận cảm thấy vui vẻ, ấm áp vì được trân trọng.

+ Dẫn chứng: một bông hoa, một quyển sổ lưu bút tặng thầy cô giáo cũng thể hiện tình cảm và sự biết ơn sâu sắc gửi gắm trong đó, khiến thầy cô vui vẻ, hạnh phúc.

- Bàn luận mở rộng

+ Phê phán những người cho nhưng với thái độ bố thí, thương hại, hoặc trịch thượng không tôn trọng.

+ Gây tổn thương đến những người nhận

- Liên hệ bản thân về việc cho và nhận

+ Luôn trân trọng tình cảm của người cho, đón nhận bằng sự chân thành, biết ơn

+ Học cách cho văn minh, tử tế, cho bằng tất cả sự chân thành, ấm áp, hài lòng từ tâm.

3, Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa của câu nói: cách ứng xử tinh tế giữa cho và nhận.

- Liên hệ mở rộng: nhắc nhở mọi người có ứng xử với nhau hài hòa.


Suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho''

      Có biết bao nhiêu câu nói, thành ngữ, tục ngữ được đúc kết và đi vào cuộc sống đã thể hiện rất thấm thía những bài học về cuộc sống. Một trong những câu nói đó chính là thành ngữ “của cho không bằng cách cho”. Câu nói thể hiện cách ứng xử, giao tiếp thông minh, chân thành, ấm áp của người với người trong xã hội; là lời khuyên bảo nhắc nhở con người cho và nhận sao cho hợp lý.

      Của cho là cho một thứ gì đó giá trị hoặc chan chứa tình cảm, tấm lòng được gửi gắm vào đó gửi đến người nhận; cách cho là cách để chúng ta trao gửi tấm lòng, món quà đó đến tay người nhận sao cho hợp lý. Phép so sánh để khẳng định giá trị của hiện vật, tấm lòng đi cho sẽ tăng lên gấp nhiều lần, có giá trị nhiều lần nếu biết cách cho thông minh khôn khéo và tinh tế. Của cho không bằng cách cho còn có nghĩa là dù của đi cho có giá trị lớn đến đâu nhưng nếu không biết cách cho hợp lý thì giá trị nó cũng không còn nguyên vẹn thậm chí không có giá trị.

      Tương thân tương ái, tinh thần lá lành đùm lá rách vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Do đó việc cho đi những món quà, hiện vật nhằm san sẻ những gánh nặng, mất mát cho những hoàn cảnh thiệt thòi là điều rất cần thiết và khá phổ biến ở mọi nơi, mọi thời điểm. Một gói quà, một chút tiền mặt, một bao gạo, một thùng mì tôm… chỉ ít thôi nhưng có thể khiến bao người có được một bữa ăn no, tiếp thêm được nghị lực để vươn lên trong cuộc sống ngặt nghèo, khó khăn. Thử nghĩ nếu chúng ta cho đi với sự vui vẻ, hạnh phúc, với ánh mắt trìu mến, thân thương thì người nhận nó sẽ hạnh phúc, ấm áp biết chừng nào. Con người với con người cũng xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo và xích lại gần nhau hơn, cuộc sống cũng có giá trị và ý nghĩa hơn.

Suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho''

      Hoặc khi cảm mến, kính trọng một ai đó chúng ta thường sẽ trao gửi quà, món quà có thể có giá trị hoặc không mấy giá trị nhưng nếu biết cho bằng tình cảm, sự chân thành thì nó đều rất giá trị. Tôi còn nhớ trong tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”  của Nguyễn Ngọc Thuần nhân vật bố đã rất trân trọng nâng niu quả ổi mà thằng Tí gửi tặng. Dù bố không thích ăn ổi nhưng mỗi lần nhận quà từ thằng Tí bố đều ăn rất ngon lành. Bởi bố nói : thằng Tí đã gửi biết bao nhiêu tình cảm vào những trái ổi này, nó luôn chọn những quả to nhất, ngon nhất, trái ổi được bọc gói trong túi ni lông rất cẩn thận và gửi cho bố bằng tất cả sự chân thành. Vì thế bố luôn trân trọng nó, bố còn nói “Bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó” chẳng phải món quà giá trị nhưng thằng Tí đã tặng bố bằng tất cả sự yêu thương, kính trọng nên món quà ấy còn giá trị gấp vạn lần những thứ xa xỉ khác. 

      Món quà là thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự trân trọng của chúng ta gửi gắm trong đó. Nó làm cho người nhận cảm thấy vui vẻ, ấm áp vì được trân trọng. Một bông hoa, một quyển sổ lưu bút tặng thầy cô giáo cũng thể hiện tình cảm và sự biết ơn sâu sắc gửi gắm trong đó, khiến thầy cô vui vẻ, hạnh phúc. Chẳng cần những món quà cao sang, giá trị nếu chúng ta tặng nó “cho nó” bằng tất cả tấm lòng thì người nhận luôn cảm thấy hạnh phúc, giá trị, đó là thứ giá trị sẽ không thể mua được bằng tiền.

      Bên cạnh những người có cách cho đầy văn minh, tử tế, chúng ta kịch liệt phê phán những người cho nhưng với thái độ bố thí, thương hại, hoặc trịch thượng không tôn trọng.

      Quẳng cho họ một túi quà, ném cho họ một ít tiền, cho nhưng không cảm thấy thoải mái, hoặc cho một cách gượng ép thì không mang lại giá trị tinh thần, tình cảm, gây tổn thương đến những người nhận. Điều này làm mất đi ý nghĩa giá trị cho sự cho đi trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người hãy học cho mình cách cho thật văn minh, tử tế để nhận lại được sự hạnh phúc từ tâm, được sự yêu mến, cảm phục từ những người nhận.

      Người cho thì vậy còn người nhận thì sao? Luôn trân trọng tình cảm của người cho, đón nhận bằng sự chân thành, biết ơn, dù ít hay nhiều nhưng luôn cảm thấy hài lòng vì người cho đã trao gửi hết tình cảm, tấm lòng vào đó nên dù ít hay nhiều vẫn luôn có giá trị. Đó là giá trị của tinh thần, của sự san sẻ, giúp đỡ trong cuộc sống. Người nhận sẽ cảm thấy vui vẻ và lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

      Mỗi người chúng ta hãy học cách cho văn minh, tử tế, cho bằng tất cả sự chân thành, ấm áp, hài lòng từ tâm. Hãy nhớ rằng “của cho không bằng cách cho” chỉ khi chúng ta cho đi bằng tất cả tấm lòng, sự chân thành thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận lại những điều may mắn, ý nghĩa. Xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu con người luôn sống với nhau bằng tất cả sự yêu thương và chân thành như vậy.

------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn trả lời câu hỏi Suy nghĩ về câu ''Của cho không bằng cách cho'' Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023

Tham khảo các bài học khác