logo

Suy nghĩ của em về câu nói: "Phẫu thuật thẩm mĩ phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?"

Hướng dẫn lập dàn ý Suy nghĩ của em về câu nói: “Phẫu thuật thẩm mĩ – phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?” hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Suy nghĩ của em về câu nói: “Phẫu thuật thẩm mĩ – phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?”

a) Mở bài:

Nêu được vấn để cẩn nghị luận: ý nghĩa tích cực của việc phẫu thuật thẩm mĩ cũng như những mặt trái của nó.

b) Thân bài

* Giải thích ngắn gọn các khái niệm/hình ảnh/từ ngữ:

+ Phẫu thuật thẩm mĩ: Nói đến phẫu thuật thẩm mỹ người ta nghĩ ngay tới chuyện làm đẹp. Tuy vậy, đây vẫn là một thuật ngữ khá chung để nói về các phẫu thuật tạo hình liên quan đến việc sửa chữa, tái tạo lại phần hình thể của con người.

+ Phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc: các tiến bộ trong khoa học đã cho phép con người khắc phục những khiếm khuyết trên cơ thể để đạt được một vẻ đẹp ngoại hình lí tưởng, nhờ đó mà trở nên tự tin, được yêu mến, trân trọng, hạnh phúc, thành công. Nhiêu người xem phẫu thuật thẩm mĩ là một bí kíp để có được cuộc sống hạnh phúc.

+ Sự chối bỏ bản thân: lạm dụng phẫu thuật thẩm mĩ khiến người ta chạy theo những vẻ đẹp lí tưởng hoá mà quên đi nét riêng của bản thân.

* Nhận định:

 Phẫu thuật thẩm mỹ là tự đánh mất đi chính bản thân mình, không dũng cảm chấp nhận mình trong mọi hoàn cảnh, sống yếu đuối trước thực tại cuộc sống.

* Bàn luận:

+ Từ khi ra đời, giải phẫu thẩm mĩ được xem như một phép màu trong việc chăm sóc nhu cầu của cơ thể con người, cho phép chúng ta “sửa chữa” những khiếm khuyết trên cơ thể để trở nên hoàn thiện. Có được sự tự tin về ngoại hình, con người dễ dàng thành công và sống hạnh phúc hơn (nêu dẫn chứng).

+ Tuy nhiên, gần đây, số liệu về những ca phẫu thuật làm đẹp tăng lên rất nhanh chóng. Rất nhiều người dù cơ thể không hề khiếm khuyết nhưng vẫn chấp nhận những khoản chi phí vô cùng lớn, cùng những đau đớn thể xác và những rủi ro về sức khoẻ để có được một cơ thể lí tưởng. Họ đánh đổi quá nhiều để chạy theo một vẻ đẹp chung mà bỏ mất đi vẻ đẹp riêng của bản thân. Điều này dẫn đến thực trạng con người quá xem trọng vẻ đẹp ngoại hình mà quên bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hổn, tính cách (dẫn chứng).

* Bài học nhận thức và hành động:

+ Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng nó phải phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và bối cảnh văn hoá của dân tộc.

+ Cần trân trọng vẻ đẹp riêng của bản thân, bồi dưỡng vẻ đẹp nội tâm hơn là chỉ chăm chú vào việc thay đổi ngoại hình bằng dao kéo.

c) Kết bài

Phẫu thuật thẩm mĩ là phép màu của khoa học nhưng không phải là chìa khoá hạnh phúc hay mà là chối bỏ bản thân. Hãy dũng cảm chấp nhận bản thân để sống hạnh phúc. Mọi thứ giả tạo rồi cũng sẽ tàn phai, chỉ có tấm lòng chân thực mới ở lại với chúng ta mãi mãi.

>>> Xem thêm: Suy nghĩ về câu nói Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy


Suy nghĩ của em về câu nói: “Phẫu thuật thẩm mĩ – phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?” - Mẫu số 1

Cuộc sống ngày một phát triển kéo theo các nhu cầu của con người cũng ngày một lớn hơn, đặc biệt là nhu cầu làm đẹp. Các cơ sở, dịch vụ làm đẹp nhất là phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, chính vì quá lạm dụng các phương pháp làm đẹp cũng như phẫu thuật thẩm mỹ mà nhiều người đã nhận phải những hậu quả khôn lường.

Phẫu thuật thẩm mỹ chính là cách tác động một cách có chủ đích lên cơ thể con người bằng các hình thức khác nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Đó có thể là các cuộc đại phẫu lớn như nâng ngực, gọt hàm, nâng mông… hay những cuộc tiểu phẫu nhỏ hơn như nhấn mí, bơm môi, tiêm cằm… giúp cho các bộ phận trên cơ thể đạt đến “tỷ lệ vàng”. Phẫu thuật thẩm mỹ được ví như “một cuộc đổi đời” vì nó giúp cho không ít người “vịt hóa thiên nga”, tự tin hơn trong cuộc sống với diện mạo mới. Có rất nhiều mạnh tay chi rất nhiều tiền cho công cuộc “cải tạo” lại nhan sắc. Thậm chí họ cất công sang tận nước ngoài để thực hiện các cuộc phẫu thuật như Thái Lan, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, rất nhiều người vì mải mê theo đuổi hành trình sắc đẹp mà lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ. Mặc dù chi phí cho mỗi lần phẫu thuật thẩm mỹ không hề rẻ nhưng số lượng người thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ không ngừng tăng lên. Thậm chí có nhiều khẩu hiệu như “thà đẹp nhân tạo còn hơn đẹp tự nhiên”. Theo số liệu của Hội giải phẫu thẩm mỹ quốc tế, số tiền được chi cho các vật liệu và hóa chất cho phẫu thuật thẩm mỹ năm 2017 là 10,7 tỷ Euro. Đặc biệt, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ thiếu uy tín, thẩm mỹ chui cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Lạm dụng phẫu thuật đem lại những hậu quả vô cùng đáng sợ mà không phải ai cũng biết. Thứ nhất, phẫu thuật thẩm mỹ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ của những người sử dụng vì có sự tác động nhất định trên các bộ phận khác nhau của cơ thể con người. Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, gây hoại tử, biến dạng hoặc suy giảm sức khỏe nghiêm trọng cho người sử dụng. Một trong những nạn nhân của việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ vô cùng nổi tiếng có thể kể tới nhà thiết kế lừng danh Donatella Versace – chủ hãng thời trang lừng danh Versace bị biến dạng khuôn mặt nghiêm trọng ở tuổi 59. Việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ và ăn kiêng quá đà khiến cho cơ thể bà trở nên nhăn nhúm trong khi khuôn mặt lại trong trạng thái sung phù, đơ cứng… Thứ hai, việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ gây ảnh hưởng tới kinh tế của mỗi người. Bởi số tiền bỏ ra cho mỗi lần “trùng tu” là không hề nhỏ, chưa kể những lần bị hỏng phải chỉnh sửa lại. Thứ ba, lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ được xem là một trong những nguyên nhân gây rạn nứt hạnh phúc gia đình. Theo nghiên cứu của tạp chí Grazia, có tới 40% phụ nữ chia tay với người yêu sau các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ. Đa phần các trường hợp đổ vỡ, ly dị đều liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ do các bà vợ tiến hành bơm môi, nâng ngực, những thứ “đập vào mắt” chồng họ mỗi ngày.

Hậu quả là vậy nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận 1 cách khách quan tại sao phụ nữ hay cả đàn ông hiện nay đang lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ? Điều đơn giản có thể hiểu là ai cũng muốn bản thân mình đẹp hơn mắt mọi người. Hơn nữa, trong thời buổi xã hội phát triển như hiện nay, ngoại hình là một yếu tố khá quan trọng trong nhiều công việc. Hoặc thậm chí, có nhiều người đam mê hoặc “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ. Điển hình như người mẫu Pixee For, 26 tuổi tại Thuỵ Điển đã chi hơn 120.000 USD để thực hiện hơn 100 lần phẫu thuật thẩm mỹ.

Việc biết cố gắng cải thiện bản thân và làm cho mình trở nên đẹp hơn mỗi ngày là một điều tốt và không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, hãy biết điểm dừng của việc phẫu thuật thẩm mỹ để tránh mang họa vào thân. Hãy làm bản thân đẹp lên mỗi ngày bằng các phương pháp an toàn cũng như hoàn thiện bản thân ngay từ bên trong.


Suy nghĩ của em về câu nói: “Phẫu thuật thẩm mĩ – phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?” - Mẫu số 2

Như chúng ta đã biết với thời đại công nghệ như hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ chẳng còn xa lạ gì với mỗi chúng ta. Ai cũng biết phẫu thuật thẩm mỹ chính là một cách dùng máy móc để chỉnh đổi các bộ phận trên cơ thể con người trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi bằng phẫu thuật thẩm mỹ - phép màu của khoa học, chìa khoá của hạnh phúc hay sự chối bỏ của bản thân thì đó còn tùy thuộc vào bản thân của mỗi người, phụ thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Phẫu thuật thẩm mỹ giúp con người ta đẹp hơn, tự tin hơn vào cuộc sống và khi đó chắc chắn ta sẽ hạnh phúc hơn. Có những chương trình như "Hành trình lột xác" đã tổ chức kêu gọi để phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí cho những người kém may mắn có khuôn mặt hơi khiếm khuyết thực sự muốn thay đổi bản thân để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Ta dễ dàng nhìn thấy ca sĩ Đức Phúc sau khi phẫu thuật đã thành công hơn rất nhiều trên con đường nghệ thuật của mình. Như vậy phẫu thuật thẩm mỹ thực sự là phép màu của khoa học là chìa khoá của hạnh phúc. Nhưng nó có phải là sự chối bỏ bản thân hay không, liệu rằng bản thân chúng ta có ai mong muốn mình xấu đúng không, khi ta phẫu thuật thẩm mỹ dù vẻ bề ngoài ta có khác đi nhưng cái bên trong vẫn là cái quan trọng nhất của mỗi con người. Quan trọng là sau khi phẫu thuật ta sẽ làm được gì, sống như thế nào mà thôi. Biết làm đẹp dù với hình thức nào thì luôn là hành động đẹp. Tuy nhiên, nó phải phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và bối cảnh văn hóa của dân tộc. Thứ làm đẹp bền vững và không tốn phí đó chính là vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ. Bạn có thể đẹp dần lên từ bên trong bởi phụ nữ còn có cái gọi là thần khí và sự lạc quan khiến bạn không cần phải sửa chữa cho giống bất cứ cô gái nào khác. Tiêu chuẩn của cái đẹp nằm trong mắt những người yêu quý bạn. Vì vậy, cho dù bạn đẹp đến đâu người ghét bạn cũng chẳng yêu quý bạn đâu. Hãy nhớ rằng phẫu thuật thẩm mỹ chỉ thay đổi vẻ bề ngoài còn cái bên trong do mỗi chúng ta quyết định.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Suy nghĩ của em về câu nói: “Phẫu thuật thẩm mĩ – phép màu của khoa học, chìa khoá hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?” để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 17/05/2022 - Cập nhật : 13/06/2022