logo

Soạn bài: Số phận con người

Hướng dẫn Soạn bài Số phận con người chi tiết đầy đủ nhất. Với bản soạn văn 12 này các bạn sẽ được trả lời toàn bộ các câu hỏi trong phần Đọc- hiểu và Luyện tập, qua đó nắm vững nội dung tác phẩm tốt nhất


Khái quát về tác giả Sô-lô-khốp

Soạn văn 12: Số phận con người


Khái quát về tác phẩm Số phận con người

Tóm tắt:

Sô-cô-lốp là một người lính trở về từ chiến trường. Anh đã mất hết gia đình, người thân và làm nghề lái xe để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của anh trở nên có ý nghĩa hơn khi anh bắt gặp cậu bé Vania. Anh đã quyết định nhận nuôi và đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cậu. Hai cha con đang trên hành trình kiếm tìm một vùng đất mới vừa để kiếm sống, vừa để quên đi những ngày tháng đau khổ đã qua thì gặp được nhà văn, và kể lại cho nhà văn câu chuyện xúc động của họ.

Bố cục:

- Phần 1 (từ đầu đến đang nghịch cát đấy): giới thiệu nhân vật

- Phần 2 (tiếp đó đến chỗ chợt lóe lên như thế): niềm hạnh phúc của bé Va-ni-a

- Phần 3 (còn lại): số phẩn hẩm hiu của Xô-cô-lốp và niềm tin vào sức mạnh của con người Nga

Soạn bài: Số phận con người (chi tiết)


Soạn bài: Số phận con người

Câu 1 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Hoàn cảnh của Sô-cô-lốp:

+ Gia đình, người thân không còn ai cả. Vợ và hai con gái của anh đã chết vì bom đạn phát xít. Đứa con trai – niềm tự hào và cũng là niềm hi vọng cuối cùng của anh hi sinh trong trận đánh cuối cùng vào sào huyệt phát xít, trước khi quân đồng minh giành toàn thắng. Anh không còn người thân, cũng không còn một mái nhà, một quê hương để trở về.

+ Tìm đến một vùng đất xa lạ và xin làm lái xe, kiếm sống qua ngày. Chính tại nơi đây, Sô-cô-lốp đã mắc chứng nghiện rượu. Rượu như một thứ thuốc, giúp anh quên đi những ngày tháng đau khổ không vợ, không con.

- Tâm trạng của Sô-cô-lốp:

+ Như người mất hồn, trong thâm tâm như có cái gì vỡ vụn ra, Sô-cô-lốp cảm thấy vô cùng cô đơn và lạc lõng giữa cuộc đời.

+ Sô-cô-lốp đánh mất mọi niềm vui và hi vọng vào cuộc sống. Sống một cuộc đời tạm bợ cho qua ngày.

=> Hoàn cảnh của Sô-cô-lốp tiêu biểu cho thân phận những người lính bước ra từ cuộc chiến. Anh vừa là người làm nên lịch sử, lại vừa là trò đùa cợt của lịch sử. Những niềm vui của chiến thắng không thể nào xoa dịu nổi những đau thương, mất mát mà anh phải chịu đựng.

Câu 2 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Việc Sô-cô-lốp nhận nuôi bé Vania tác động mạnh mẽ đến cả 2 cha con.

+ Vania từ một em bé lang thang, không nơi nương tựa, sống bằng những đồ ăn thừa hay những đồ mà người ta bỏ đi nay đã có một mái ấm gia đình, có một người cha, có một nơi để nương tựa. Em được cho ăn no, được mặc quần áo lành, và quan trọng hơn là được nhận tình yêu thương của Sô-cô-lốp.

+ Sô-cô-lốp từ một người không còn ai thân thích trong cuộc đời, nay đã có được một đứa con trai. Từ một cuộc sống không có niềm vui và ý nghĩa, anh lại thêm tin yêu và quí trọng cuộc đời. Anh không còn đắm chìm trong những cơn say, mà đắm chìm trong tình yêu thương dành cho bé Vania. Hết giờ làm, anh đã có một cái đích, một niềm mong nhớ để trở về.

- Tâm hồn ngây thơ của bé Vania được biểu hiện thông qua những chi tiết:

+ Khi nghe Sô-cô-lốp nhận là bố của mình, Vania đã nhảy cẫng lên ôm hôn vào má, vào trán, vào môi anh; em như một con chim chích ríu rít, líu lo. Em đã tin luôn vào người đàn ông đó, em tin những lời Sô-cô-lốp nói là sự thật. Chỉ đơn giản bởi vì em đã quá khao khát tình yêu thương, khao khát lại được nghe những âm thanh trìu mến của một người bố. Em vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt trong tâm tưởng là được gặp lại bố của mình, nên vừa nghe lời nói của Sô-cô-lốp em đã vỡ òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc.

+ Vania hỏi người bác tại sao lại khóc khi mà cha tìm thấy em là một chuyện mừng? Em chưa hiểu rằng khi người ta quá xúc động, quá vui sướng người ta cũng có thể khóc.

+ Em không chịu cách xa với bố, bố đi làm cũng đòi đi cùng.

+ Khi nhớ lại người cha ruột, em nhớ đến chiếc áo bành tô bằng da. Vì thế, em mới hỏi Sô-cô-lốp chiếc áo đâu rồi. Trí nhớ của em như quầng sáng, sáng lên rồi lại vụt tắt trong khoảng chốc.

- Lòng nhân hậu của Sô-cô-lốp được thể hiện thông qua những chi tiết:

+ Anh cảm thấy mình vô cùng gắn bó với Vania, yêu thương em và vì thế đã quyết định gắn đời mình vào đời bé. Anh nhận nuôi Vania xuất phát từ chính lòng yêu thương chân thành, không vụ lợi.

+ Những khổ đau, vất vả Sô-cô-lốp âm thầm chịu đựng, anh không muốn nói cho Vania biết, sợ làm em lo lắng và khiến em mất đi vẻ ngây thơ vốn có.

- Điểm nhìn của Sô-lô-khốp cũng giống như điểm nhìn của nhân vật Sô-cô-lốp.

Câu 3 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Sô-cô-lốp đã vượt lên nỗi đau, sự cô đơn bằng chính tinh thần trách nhiệm, tình yêu với Vania:

+ Tuy bị mất việc, bị tước bằng lái xe nhưng anh không hề nản chí, không hề mất niềm tin vào cuộc sống. Anh cùng Vania, hai cha con đi bộ đến một vùng đất mới để kiếm sống.

+ Trong những giấc mơ, sự yếu đuối, những nỗi đau tìm đến hành hạ anh. Thế nhưng, chỉ trong giấc mơ, khi anh không làm chủ được mình, chúng mới có thể tìm đến. Còn những lúc anh tự chủ, ý thức được trách nhiệm của mình, anh biết mình không được yếu đuối, anh phải tỏ ra thật mạnh mẽ, có như thế, bé Vania mới có thể dựa vào anh được.

Câu 4 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Thái độ của Sô-lô-khốp:

+ Nhà văn vô cùng khâm phục và yêu quý bản lĩnh cũng như tấm lòng nhân hậu của Sô-cô-lốp nói riêng và những người Xô Viết nói chung.

+ Sô-lô-khốp cũng tin vào một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn của đất nước thông qua hình ảnh em bé Vania.

- Lời đề từ trữ tình ở cuối tác phẩm vừa là lời kêu gọi, lại vừa là lời nhắc nhở của nhà văn dành cho bạn đọc: hãy luôn yêu thương trẻ em, và dành những điều tốt đẹp nhất cho các em.

Câu 5 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Trong cuộc sống, tồn tại rất nhiều những thân phận, cuộc đời khác nhau. Có người thì gặp được may mắn, suôn sẻ, nhưng cũng có rất nhiều người gặp những bát hạnh, khổ đau.

- Điều quan trọng là mọi người biết yêu thương, đùm bọc, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, như thế cuộc sống mới tốt đẹp được.


Luyện tập

Câu 1 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

- Sô-lô-khốp đã miêu tả cuộc chiến với những sự tàn khốc như chính bản thân nó, Nhà văn không tô hồng chiến tranh, không giấu diếm những đau thương, mất mát của nó.

- Thêm vào đó, nhà văn còn mô tả những số phận, những cuộc đời rất nhỏ mà không đi vào những chi tiết mang tính chất sử thi huyền thoại. Tuy vậy, những con người này vẫn rất tiêu biểu cho những người bước ra từ cuộc chiến.

Câu 2 (trang 124 sgk Văn 12 Tập 1):

Ngồi đối diện với tôi trên tàu điện là một người đàn ông nhìn rất quen, phải mất một lúc lâu sau tôi mới có thể nhớ ra anh là ai. Phải đó chính là Sô-cô-lốp người đàn ông với đứa con trai bé nhỏ mà tôi gặp 20 năm trước. Quá bất ngờ và sung sướng vì cuộc gặp gỡ này, tôi không nén nổi vui mừng mà đường đột hỏi anh: “Xin lỗi, anh có phải là Sô-cô-lốp….”

Cuộc gặp gỡ tình cờ khiến tôi biết thêm được nhiều thông tin về người đã từng xuất hiện trong tác phẩm của mình 20 năm trước. Ở tuổi 66 Sô-cô-lốp vẫn còn đang làm việc. Anh đã là chủ của một trại trẻ em mồ côi nhỏ. Chính tình yêu thương với bé Vania đã giúp em nhận ra trên đời này còn rất nhiều những em bé cơ nhỡ cần được yêu thương giúp đỡ. Còn về Vania, trước đây em cũng phụ giúp bố ở trại trẻ này, nhưng vì muốn giúp ích nhiều hơn cho tổ quốc, em đã tham gia vào quân đội. Lực lượng của em vừa được điều đến phụ trách vụ nổ đường ống dẫn dầu ở U-dơ-bê-kít-stan.  Em đã trở thành một người lính xuất sắc của thời bình.

Chiến tranh qua đã lâu, nhưng ngay trong thời đại hòa bình vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, những sự cố, thảm họa dân sự vẫn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Và con người ta thì không bao giờ có thể trốn tránh được vòng quay khắc nghiệt ấy.


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác