logo

Soạn bài: Quá trình văn học và phong cách văn học (chi tiết)


Soạn bài: Quá trình văn học và phong cách văn học (chi tiết)


Nội dung bài học

Câu 1 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

- Quá trình văn học là một quá trình lâu dài, cũng giống như bất kì loại hình nghệ thuật nào khác cũng gắn bó chặt chẽ với sự thật lịch sử thông qua các giai đoạn hình thành, thay đổi, phát triển.

- Theo đó, quá trình văn học có những đặc điểm cố định như sau:

+ Đầu tiên, văn học là tấm gương chân thực phản ánh hiện tại cuộc sống cho nên lịch sử có những thay đổi, diễn biến như thế nào, văn học đều phản ánh chân thực lại như thế.

+ Tiếp theo, văn học luôn vận động và phát triển dựa trên cội nguồn là những tác phẩm từ trong quá khứ, như văn học viết học từ văn học dân gian, nhà thơ học từ ca dao, nhà văn học từ truyện cổ tích vậy.

+ Cuối cùng, văn học của mỗi quốc gia thì có những điểm riêng biệt nhất định, nhưng vẫn nằm trong những qui luật vận động chung của văn học thế giới.

Câu 2 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

a. Văn học thời phục hưng (ở Châu Âu vào TK XV – XVI

- Đây là dòng văn học xuất hiện vào thời kì phục hưng ở châu Âu, vì thế ảnh hưởng sâu sắc bởi những tư tưởng giải phóng con người khỏi những hủ tục, qui định đen tối của đêm trường trung cổ. Văn học thời kì này đề cao vẻ đẹp của con người, đề cao sự tự do, thoải mái trong sáng tạo, chống lại những giáo điều lạc hậu.

- Sech-xpia với vở kịch Romeo và Juliet là tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của thời đại này.

b. Chủ nghĩa cổ điển (Pháp Vào TK XVII)

- Thời kì này, văn học lại tìm thấy những chân giá trị ở quá khứ xa xưa từ thời của các vị thần Hi Lạp, La Mã cổ đại. Theo đó, những giá chị cổ điển đó chính là chuẩn mực, là qui phạm không thể không tuân theo của các nhà văn giai đoạn này. Trong các tác phẩm thường đề cao con người lí trí, sống và hành động một cách chuẩn mực như trong sử thi vậy.

- Thơ ngụ ngôn của La Phông-ten tiêu biểu cho đặc trưng của thời kì này.

c. Chủ nghĩa lãng mạn : ( Ở các nước Tây âu sau cách mạng tư sản Pháp 1789)

- Xuất hiện sau chủ nghĩa cổ điển, sau cuộc cách mạng tư sản ở Pháp cho nên có thế nói, văn học thời kì này ra đời nhằm phản kháng lại các giá trị đã được khẳng định trước đó. Nó đề cao con người cá nhân, đề cao sự tự do sáng tạo. Do đó nó thường sáng tạo ra những hình tượng nhân vật lãng mạn, đầy độc đáo, có vẻ đẹp khác với chuẩn mực thông thường.

- Tác giả tiêu biểu là Victo Huygo với hình tượng thằng gù ở nhà thờ Đức bà Pari vô cùng độc đáo.

d. Chủ nghĩa hiện thực phê phán ( Châu âu TKXIX )

- Chủ nghĩa hiện thực phê phán đối lập gay gắt với chủ nghĩa lãng mạn ở trên. Ở phong cách sáng tác này, các nhà văn đi sâu vào hiện thực, khai thác đến mức chân thực nhất hiện thực ấy, không lảng tránh, bỏ qua bất kì phần nào của cuộc sống kể cả tối tăm nhất.

- Các sáng tác của L. Ton-xtoi rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác này.

e. Chủ nghĩa hiện thực XHCN ( TK XX sau Cách mạng tháng 10 Nga)

- Các nhà văn lại tái hiện lại quá trình, công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm mang tính ngợi ca cách mạng, ngợi ca con người của thời đại mới, hướng con người ta tới những lối sống cao đẹp.

f. Ở Việt Nam, từ khi mở cửa giao lưu nhiều hơn với thế giới, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa kể từ khi trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, thì văn học cũng chảy chung mạch nguồn với văn học thế giới, tuy nhiên có chậm hơn một chút.

Trong cùng giai đoạn những năm đầu thế kỉ 20, ở Việt Nam xuất hiện 3 trào lưu sáng tác văn học là:

- Trào lưu văn học lãng mạn với những cây bút của Tự Lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, các nhà thơ mới,…

- Trào lưu văn học hiện thực phê phán: các tác giả Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,…rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác này.

- Trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa thì xuất hiện cùng với sự truyền bá và phát triển của đảng cộng sản ở Việt Nam.

Câu 3 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

- Phong cách văn học hiểu một cách khái quát nhất là những nét đặc trưng, tiêu biểu trong sáng tác văn học. Có thể chia nhỏ hơn thành phong cách của từng thời kì, phong cách của từng tác giả cụ thể. Phong cách của từng thời kì như đã liệt kê ở phần trên. Phong cách cá nhân của từng tác giả, thuộc vào phong cách của thời kì nào thì cũng mang những đặc trưng của thời kì ấy, cũng có thể có sự kết hợp của nhiều thời kì văn học trong sáng tác của một tác giả.

- Sáng tác văn học chính là hành trình khai phá những vùng đất chưa ai từng biết đến, cho nên tính mới, tính sáng tạo là một yêu cầu không thể thiếu được. Các nhà văn muốn định hình tên tuổi của mình trên văn đàn thì cần phải có một phong cách riêng, không trùng lập bất cứ ai khác, nếu không nhất định sẽ bị đào thải.

Câu 4 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

Phong cách văn học có thể được biểu hiện cụ thể thông qua những phương diện như sau:

- Có cách nhìn nhận, đánh giá, tiếp cận vấn đề riêng, khai phá được những chủ đề mới lạ, độc đáo.

- Có cách xử lí đề tài riêng biệt.

- Có giọng điệu, hệ thống ngôn từ, cách biểu đạt riêng, độc đáo.

- Phong cách tuy mang những nét riêng độc đáo, nhưng nếu những nét đó không được lặp lại nhiều lần trong sáng tác của nhà văn thì sẽ không thể hình thành phong cách. Bởi vậy, phong cách ở một mức độ nào đó, còn mang tính lặp lại.


Luyện tập

Câu 1 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

Nét khác biệt cơ bản của văn học lãng mạn và văn học hiện thực thông qua 2 tác phẩm Chữ người tử tù và Hạnh phúc của một tang gia là:

- Chữ người tử tù xây dựng một nhân vật lí tưởng, đầy lãng mạn, một con người hết mực tài hoa, sống đẹp, nghĩa khí, một con người phi thường, với những nét tính cách phi thường, được làm nổi bật trên hiện thực bất thường. Nguyên Tuân đã khám phá ra được cái đẹp độc đáo, chưa từng tồn tại, tại một môi trường mà không ai nghĩ là sẽ tồn tại. Nhà văn lãng mạn hóa cái hiện thực khốc liệt, không miêu tả quá sâu vào hiện thực, mà khai thác cái thế giới nội tâm đầy lãng mạn, khai thác thế giới của những con người tài hoa, cư xử với nhau bằng cái đẹp. Nhà văn không hề muốn đề cập đến một thế giới giả dối và lừa lọc, người đọc như được đắm chìm vào một bức tranh mờ ảo của cái đẹp vậy.

- Hạnh phúc của một tang gia lại vẽ nên một bức tranh đầy hài hước, châm biếm mà không kém phần cay đắng. Một xã hội giả dối, thực dụng toàn những lọc lừa đã được nhà văn vạch trần trên trang sách, dưới ngòi bút phóng sự sắc sảo của mình. Nhà văn đã tái hiện thành công xã hội thành thị Việt Nam đầu thế kỉ XX, qua đó phê phán những con người bỉ ổi, hám danh lợi, tiền bạc.

Câu 2 (trang 183 sgk Văn 12 Tập 1):

 - Những nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu là:

+ Thơ của ông mang tính trữ tình chính trị rõ nét, các tác phẩm gắn bó sâu sắc với các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

+ Thơ Tố Hữu cũng mang những nét rất gần gũi với âm điệu của thơ ca truyền thống.

- Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân lại thể hiện ở những nét như:

+ Một cái ngông đầy tài hoa, uyên bác.

+ Một nhà văn viết tùy bút xuất sắc, với cách sử dụng ngôn từ vô cùng điêu luyện.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác