logo

Soạn bài: Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ (chi tiết)


Soạn bài: Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ (chi tiết)


1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề 1.

a. Tìm hiểu đề:

- Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào những năm đầu đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc.

b. Lập dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu khái quát về chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

- Thân bài: phân tích làm nổi bật được những ý lớn sau đây:

+ Vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc đêm trăng: như một bức tranh thủy mặc, yên tĩnh, tĩnh mịch càng làm nổi bật âm thanh tiếng suối. Ánh trăng, hoa như có sự giao hòa, họa quyện.

+ Nổi bật trên nền bức tranh thiên nhiên là chân dung thi sĩ. Cũng đắm say trước cảnh thiên nhiên đẹp như những thi nhân xưa. Nhưng không dừng lại ở đó, mối quan tâm chính của thi sĩ trong bài thơ này là vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

+ Bài thơ là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, giữa những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc trong thơ cổ, với một tư tưởng nhà thơ chiến sĩ hết sức hiện đại.

- Kết bài: Sự hài hòa giữa tâm hồn của một thi sĩ và một chiến sĩ cách mạng.

Đề 2.

a. Tìm hiểu đề

Khí thế của cuộc kháng chiến được miêu tả mạnh mẽ, hùng tráng. Sức mạnh của đoàn quân trong những đêm hành quân ra trận. Sức mạnh của những người dân quân tham gia mở đường cho xe chạy,…Tất cả những sức mạnh ấy tạo thành những chiến thắng vang dội.

b. Lập dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu về xuất xứ và nguyên văn của đoạn thơ.

- Thân bài: làm nổi bật 2 ý chính:

+ 8 câu thơ đầu miêu tả khí thế, sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

+ 4 câu thơ cuối diễn tả khí thế sục sôi và tin vui chiến trận trăm miền gửi về.

Để làm nổi bật được 2 nội dung chính trên, cần phải kết hợp phân tích nghệ thuật của bài thơ, phân tích được cách tác giả sử dụng linh hoạt hình ảnh, từ ngữ, cách thức gieo vần, các biện pháp nghệ thuật như cường điệu, so sánh,…

- Kết bài: Khẳng định lại sức mạnh hung tráng của đoạn thơ.


2. Cách viết bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.

- Cần phải trình bày những ý kiến, quan điểm cá nhân về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Cụ thể, trong bài viết cần nêu những ý cơ bản như:

+ Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ của tác phẩm.

+ Những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

+ Đánh giá ý nghĩa, giá trị của bài thơ trong tiến trình văn học dân tộc.


LUYỆN TẬP

Phân tích đoạn thơ trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, bài thơ Tràng Giang, và vị trí đoạn trích trên.

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ và cảm hứng bao trùm

Bài thơ Tràng giang sáng tác năm 1939, trích từ tập thơ đầu tay Lửa thiêng, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ Huy Cận. Với bài thơ cùng tập thơ xuất sắc này, Huy Cận đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ mới.

Nếu Xuận Diệu bị ám ảnh bởi bước đi của thời gian, thì Huy Cận lại thường đắm mình trong cảm hứng không gian rợn ngợp. Nhà thơ thường viết về những cảnh không gian rộng lớn, con người xuất hiện nhỏ bé, cô đơn, mang những nỗi buồn, nỗi sầu nhân thế, luôn luôn bế tắc trước thực tại, và khao khát tìm kiếm mối giao hòa giao cảm với thiên nhiên, đất trời.

b. Cảm nhận bao quát nội dung bài thơ

Bài thơ đã dựng nên một bức tranh thiên nhiên mênh mông của mặt nước. Nước mênh mang những nỗi buồn của kẻ “đứng trên quê hương mà vẫn thấy nhớ quê hương”. Cảnh vật hiện lên đìu hiu, vắng lặng, buồn man mác. Mọi thứ dường như đang dãn tách, ngày càng xa cách nhau trong không gian của dòng tràng giang.

c. Phân tích khổ thơ

    “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

      Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

      Lòng quê dợn dợn vời con nước

      Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Đây là khổ thơ cuối cùng của bài, tóm gọn lại toàn bộ tinh thần, tư tưởng của bài thơ. Ở khổ thơ này ta cảm nhận được cảm hứng không gian và nỗi buồn nhân thế rõ nét của nhà thơ Huy Cận.

Khổ thơ đem lại cho người đọc nhiều cách cảm nhận đánh giá, nhưng về cơ bản nó thể hiện những nội dung sau:

- Tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu thơ thứ nhất. Không phải “núi cao”, “mây bạc” như lệ thường, mà Huy Cận lại dùng “mây cao”, “núi bạc”. Điều này gây ra cảm giác choáng ngợp, dường như mọi thứ đang ngày càng giãn nở, mở rộng thêm ra cả chiều cao, chiều rộng.

- Động từ “đùn” thể hiện cảm giác liên tục, không có điểm dừng, đó là những tác động rất nhỏ, nhưng khi thực hiện trong thời gian dài thì lại tạo ra những thay đổi lớn lao. Đó là những xoay vần của tạo hóa, con người không dễ dàng can thiệp vào.

- Hình ảnh cánh chim là một hình ảnh quen thuộc trong thơ văn, biểu tả hình ảnh người lữ khách tha phương, ngóng trông về quê nhà. Người đọc có cảm giác bước chuyển của thời gian diễn ra đầy tinh tế. Chỉ một chút nghiêng nhỏ của cánh chim đã mang theo ánh chiều về. Cánh chim càng nhỏ bé cô đơn trước cảnh chiều rợn ngợp, cũng giống như người lữ khách cô đơn, buồn tủi trước trời rộng sông dài mà không biết đi đâu về đâu.

- Hai câu thơ cuối thể hiện trực tiếp nối nhớ quê hương của tác giả. Đó không phải là một ngôi nhà, một thôn quê nhỏ bé cụ thể, mà khái quát lên là nỗi nhớ đất nước, quê hương Việt Nam. Tại sao tác giả đang đứng trên chính đất nước mình mà vẫn thấy nhớ? Câu thơ thể hiện nối buồn kín đáo của thế hệ những nhà thơ mới, bất lực trước thời cuộc, thấy đất nước mình bị giặc dày xéo, nhân dân mình bị biến thành nô lệ, nhưng họ loay hoay, không biết làm gì, và cũng không thể làm gì. Nỗi buồn mất nước ấy không phải là ngẫu hứng tức cảnh sinh tình, mà là nỗi buồn thường trực trong lòng nhà thơ, chỉ chờ một cái cớ là cảnh chiều hôm để trực tuôn trào.

d. Đánh giá:

- Đây là khổ thơ tiêu biểu cho bài thơ, có sự kết hợp giữa tính chất ước lệ cổ điển của thơ Đường và bút pháp lãng mạn, hiện đại của Thơ mới.

- Đoạn thơ thể hiện được cảm hứng về không gian của nhà thơ, lại kín đáo bộc lộ nỗi niềm yêu nước thầm kín của thi sĩ Huy Cận.

3. Kết bài: Đánh giá lại tác giả và tác phẩm.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác