logo

Soạn Tiếng Việt 3 VNEN Bài 16C: Về thăm quê ngoại


Soạn Tiếng Việt 3 VNEN Bài 16C: Về thăm quê ngoại


A. Hoạt động cơ bản

(Trang 127 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 1. Kể lại cho các bạn nghe về 1 thành phố, thị xã hoặc vùng quê mà em biết?

Lời giải

Hải Phòng còn được gọi là thành phố Hoa Phượng Đỏ nằm trong vùng tam giác trọng điểm và là thành phố Cảng lớn nhất khu vực miền Bắc. Đặt chân đến Hải Phòng tôi ngạc nhiên về kiến trúc hài hòa giữa hai nền văn hóa Á, Âu tạo nên một nét đẹp đô thị riêng biệt vừa thanh lịch vừa mạnh mẽ. Các công trình kiến trúc: Nhà hát Lớn, bảo tàng Hải Phòng, Quán Hoa, cầu Bính, chợ Đổ… đã trở thành biểu tượng của Hải Phòng. Hải Phòng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, năng động của cả nước mà còn là một thành phố mang đậm đà bản sắc văn hóa đặc biệt là ẩm thực và các lễ hội truyền thống.

Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời Hải Phòng là miền đất của những lễ hội mang đậm đà bản sắc truyền thống văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng và nền văn minh lúa nước. Hải Phòng có rất nhiều lễ hội đặc biệt các lễ hội dân gian có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội Nữ tướng Lê Chân được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội đua thuyền rồng trên biển Cát Bà thể hiện ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của ngư dân. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là một sản phẩm du lịch độc đáo thực sự là những ngày “Tết truyền thống” đã đưa hình ảnh đất và người Hải Phòng tới bốn phương góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về mọi mặt của đất Cảng.

Thành phố Hải Phòng từ lâu luôn được coi là mảnh đất Phật linh thiêng với nhiều điểm du lịch tâm linh độc đáo và ý nghĩa của những ngôi đình, đền, chùa gắn với lịch sử hàng trăm năm. Với lối kiến trúc độc đáo, hiện đại theo văn hóa truyền thống Phương Đông: Chùa Vẽ, đình Hàng Kênh, chùa Đỏ, đền Dẹo, đền thờ Nam Hải Thần Vương, Dương kinh nhà Mạc; đền, chùa Mõ, Đền Bà Đế… đã tạo nên nét đặc sắc tâm linh của Hải Phòng. Mỗi năm ở những địa danh linh thiêng đó người dân đều tổ chức các lễ hội tín ngưỡng để tưởng nhớ những vị anh hùng, vị thần và cầu bình an.

Hải Phòng không chỉ là một thành phố năng động, trẻ trung mà còn rất nên thơ, dịu dàng e lệ trải mình bên làng hoa Đằng Hải rực rỡ sắc màu, tỏa hương thơm ngát. Đến với Làng Lũng thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An vốn là vùng đất ven đô màu mỡ phù sa, nổi tiếng với nghề trồng hoa du khách sẽ được đắm chìm trong thiên đường của các loại hoa Đồng tiền, Lay – ơn, cúc vàng, hồng nhung…khoe sắc quanh năm. Tiếng thơm của làng hoa Làng Lũng đã làm nên nét đẹp truyền thống, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân đất Cảng.

(Trang 128 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 2-3-4-5. Đọc, giải nghĩa và luyện đọc

Về quê ngoại
Em về quê ngoại nghỉ hè
Gặp đầm sen nở mà mê hương trời.
Gặp bà tuổi đã tám mươi
Quên quên nhớ nhớ những lời ngày xưa.
Gặp trăng gặp gió bất ngờ,
Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.
Bạn bè ríu rít tìm nhau
Qua con đường đất rực màu rơm phơi.
Bóng tre mát rợp vai người
Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm.
Về thăm quê ngoại, lòng em
Yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người:
Em ăn hạt gạo lâu rồi
Hôm nay mới gặp những người làm ra.
Những người chân đất thật thà
Em thương như thể thương bà ngoại em.

(Chử Văn Long)

(Trang 129 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 6. Trao đổi trong nhóm, cùng nhau trả lời các câu hỏi sau:

a. Bạn nhỏ ở đâu về thăm quê? Câu thơ nào trong bài cho bạn biết điều đó? (Đọc 6 dòng thơ đầu).

b. Quê ngoại của bạn nhỏ ở đâu? (Đọc 10 dòng thơ đầu - khổ thứ nhất).

c. Bạn nhỏ thấy ở quê có những gì lạ? (Đọc 4 dòng thơ cuối khổ thứ nhất).

d. Bạn nhỏ nghĩ gì về những người làm ra hạt gạo? (Đọc 4 dòng thơ cuối bài).

Lời giải

a. Bạn nhỏ ở thành phố về thăm quê. Gặp trăng gặp gió bất ngờ, ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.

b. Quê ngoại bạn nhỏ ở nông thôn.

c. Ở quê có: đầm sen hoa nở hương thơm ngát, gặp trăng gặp gió, đường đất rực màu rơm phơi, bóng tre rợp mát, vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm.

d. Những người làm ra hạt gạo rất thật thà. Bạn nhỏ dành nhiều tình cảm cho họ như với người thân của mình.


B. Hoạt động thực thành

(Trang 129 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 2. Quan sát tranh, tìm các từ ngữ chỉ sự vật, công việc thường thấy ở thành phố, nông thôn và ghi vào vở.

Soạn Tiếng Việt 3 VNEN Bài 16C: Về thăm quê ngoại – TopLoigiai

Lời giải

(Trang 130 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 3. Chép đoạn văn sau vào vở và đặt dấu phẩy vào chỗ thích hợp.

Các dân tộc Việt Nam

Nhân dân ta luôn ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồng bào Kinh hay Tày Mường hay Dao Gia-rai hay Ê-đê Xơ-đăng hay Ba-na và các dân tộc anh em khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau sướng khổ cùng nhau no đói giúp nhau.

Lời giải

Các dân tộc Việt Nam

Nhân dân ta luôn ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Dao, Gia-rai hay Ê-đê, Xơ-đăng hay Ba-na và các dân tộc anh em khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.

(Trang 130 Ngữ Văn 3 VNEN tập 1) 4. Chọn làm phần a hoặc phần b theo hướng dẫn.

a. - (châu hay trâu): Bạn em đi chăn ........... , bắt được nhiều ........... chấu.

- (chật hay trật): Phòng họp ........... chội và nóng bức nhưng mọi người vẫn rất .............. tự.

- (chầu hay trầu): Bọn trẻ ngồi ............ hẫu, chờ bà ăn ........... rồi kể chuyện cổ tích.

b. - (bão hay bảo): Mọi người ......... nhau dọn dẹp đường làng sau cơn .........

- (vẽ hay vẻ): Em .......... mấy bạn ........... mặt tươi vui đang trò chuyện.

- (sữa hay sửa): Mẹ em cho em bé uống ........... rồi ........... soạn đi làm.

Lời giải

a. - (châu hay trâu): Bạn em đi chăn trâu. , bắt được nhiều châu chấu.

- (chật hay trật): Phòng họp chật chội và nóng bức nhưng mọi người vẫn rất trật tự.

- (chầu hay trầu): Bọn trẻ ngồi chầu hẫu, chờ bà ăn trầu rồi kể chuyện cổ tích.

b. - (bão hay bảo): Mọi người bảo nhau dọn dẹp đường làng sau cơn bão

- (vẽ hay vẻ): Em vẽ mấy bạn vẻ mặt tươi vui đang trò chuyện.

- (sữa hay sửa): Mẹ em cho em bé uống sữa rồi sửa soạn đi làm.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác