logo

Soạn sinh 9 Bài 25 ngắn nhất: Thường biến

Soạn sinh 9 Bài 25 ngắn nhất: Thường biến

Trong bài học này Top lời giải sẽ cùng các bạn tổng hợp kiến thức cơ bản và trả lời toàn bộ các câu hỏi Bài 25. Thường biến trong sách giáo khoa Sinh học 9. Đồng thời chúng ta sẽ cùng nhau tham khảo thêm các câu hỏi củng cố kiến thức và thực hành bài tập trắc nghiệm trong các đề kiểm tra.

Vậy bây giờ chúng ta cùng nhau bắt đầu nhé:

Mục tiêu bài học

- Giúp hs trình bày được khái niệm thường biến. Phân biệt sự khác nhau giữa thường biến và đột biến về hai phương diện khả năng di truyền và sự biểu hiện kiểu hình.

- Trình bày được khái niệm mứu phản ứng và ý nghĩa của nó trong chăn nuôi và trồng trọt.

- Trình bày được ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng và mức phản ứng của chúng trong việc nâng cao năng suất vật nuôi và cây trồng.


Tổng hợp lý thuyết Sinh 9 Bài 25 ngắn gọn

Cùng một kiểu gen quy định tính trạng số lượng nhưng có thể phản ứng thành nhiều kiểu hình khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường. Tuy nhiên, khả năng phản ứng khác nhau hay thường biến có giới hạn do kiểu gen quy định.

Ví dụ: Giống lúa DR2 được tạo ra từ một dòng tế bào (2n) biến đổi, có thể đạt năng suất tối đa gần 8 tấn/ha/vụ trong điều kiện gieo trồng tốt nhất, còn trong điều kiện bình thường chỉ đạt năng suất bình quân 4,5 – 5,0 tấn/ha.

Trong thực tiễn, người ta thường gặp hiện tượng một kiểu gen cho nhiều kiểu hình khác nhau khi sống ở các điều kiện môi trường (đất, nước, không khí, thức ăn, điều kiện chăm sóc,...) khác nhau.

Ví dụ 1: Ở một cây rau dừa nước: khúc thân mọc trên bờ có đường kính nhỏ và chắc, lá nhỏ; khúc thân mọc ven bờ có thân và lá lớn hơn; khúc thân mọc trải trên mặt nước thì thân có đường kính lớn hơn hai khúc trên và ở mỗi đốt, một phần rễ biến thành phao, lá cũng to hơn.

Ví dụ 2: Cùng thuộc một giống su hào thuần chủng, nhưng cây trồng ở luống được bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh đúng quy trình kĩ thuật thì có củ to hơn hẳn so với củ ở những cây trồng ở luống không làm đúng quy trình kĩ thuật.

Sự biểu hiện ra một kiểu hình của một cơ thể phụ thuộc vào sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Yếu tố được xem như không biến đổi là kiểu gen. Sự biến đổi kiểu hình trong các trường hợp trên do tác động của môi trường.

Thường biến là những biến đổi ở kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.


Hướng dẫn Soạn Sinh 9 bài 25 ngắn nhất

Trả lời câu hỏi Sinh 9 Bài 25 trang 72 ngắn nhất: Quan sát hình 25 và tìm hiểu 2 ví dụ dưới đây. Từ những quan sát được và từ các tư liệu trên, hãy trả lời các câu hỏi sau:

- Sự biểu hiện ra ngoài kiểu hình của một một kiểu gen phụ thuộc vào những yếu tố nào? Trong các yếu tố ấy, yếu tố nào được xem như là không biến đổi?

- Thường biến là gì?

Trả lời:

- Sự biểu hiện ra ngoài kiểu hình của một kiểu gen phụ thuộc vào cả kiểu gen và điều kiện môi trường. Trong các yếu tố đó, yếu tố kiểu gen xem như không biến đổi.

- Thường biến là những biến đổi kiểu hình, phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

Soạn Sinh 9 bài 25 trang 73 câu 1

Thường biến là gì? Phân biệt thường biến với đột biến?

Trả lời:

Thường biến là những biến đổi kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

Phân biệt thường biến với đột biến:

Thường biến

Đột biến

1. Biến đổi kiểu hình

1. Biến đổi cơ sở vật chất

2. Không di truyền

2. Di truyền

3. Phát sinh đồng loạt theo cùng một hướng, tương ứng với điều kiện môi trường

3. Xuất hiện với tần suất thấp, ngẫu nhiên

4. Giúp sinh vật thích nghi

4. Thường có hại

Soạn Sinh 9 bài 25 trang 73 câu 2

Mức phản ứng là gì? Cho ví dụ trên cây trồng hoặc vật nuôi?

Trả lời:

Mức phản ứng là giới hạn của thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ một gen hay nhóm gen) trước môi trường khác nhau. Mức phản ứng do kiểu gen quy định.

Soạn Sinh 9 bài 25 trang 73 câu 3

Người ta đã vận dụng những hiếu biết về ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng về mức phản ứng để nâng cao năng suất, vật nuôi, cây trồng như thế nào?

Trả lời:

Người ta đã vận dụng những hiểu biết về ảnh hưởng của môi trường đốì với các tính trạng số lượng trong trường hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất để đạt tới kiểu hình tối đa nhằm tăng năng suất và hạn chế các điều kiện ảnh hưởng xấu, làm giảm năng suất.

Người ta vận dụng những hiểu biết về mức phản ứng để tăng năng suất vật nuôi cây trồng theo hai cách: áp dụng kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt thích hợp hoặc cải tạo, thay giống cũ bằng giống mới có tiềm năng năng suất cao hơn.


Câu hỏi củng cố kiến thức Sinh 9 bài 25 hay nhất

Câu 1: Phân biệt thường biến và biến dị tổ hợp.

Thường biến

Biến dị tổ hợp

- Là sự biến đổi kiểu hình không liên quan đến biến đổi kiểu gen.

- Liên quan đến sự biến đổi kiểu gen.

 

- Xuất hiện đồng loạt, có hướng xác định.

- Ngẫu nhiên, không định hướng.

- Chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

- Chịu ảnh hưởng gián tiếp thông qua quá trình sinh sản.

- Xuất hiện trong suốt quá trình phát triển của cá thể.

- Xuất hiện trong quá trình giảm phân và thụ tinh.

- Có ý nghĩa thích nghi, không là nguyên liệu của quá trình tiến hóa và chọn giống.

- Là nguyên liệu của quá trình tiến hóa và chọn giống.

- Không di truyền.

- Di truyền.

Câu 2: Mức phản ứng là gì? Cho ví dụ về mức phản ứng ở cây trồng.

- Mức phản ứng là giới hạn thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ một gen hay nhóm gen) trước môi trường khác nhau. Mức phản ứng do kiểu gen quy định.

- Ví dụ: Giống lúa DR2 được tạo ra từ một dòng tế bào (2n) biến đổi, có thể đạt năng suất tối đa gần 8 tấn/ha/vụ trong điều kiện gieo trồng tốt nhất, còn trong điều kiện bình thường chỉ đạt năng suất bình quân 4,5 – 5,0 tấn/ha.


Trắc nghiệm Sinh 9 Bài 25 tuyển chọn

Câu 1: Thường biến là gì?

A. Là những biến đổi kiểu gen và kiểu hình của cơ thể sinh vật

B. Là những biến đổi về kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới sự tác động trực tiếp của môi trường

C. Là những biểu hiện đồng loạt theo hướng xác định và không di truyền được

D. Cả B và C

Câu 2: Thế nào là mức phản ứng?

A. Là khả năng của sinh vật có thể chống chịu được các điều kiện bất lợi trong một giới hạn nào đó

B. Là giới hạn thường biến của một kiểu gen (một gen hay nhóm gen) trước các môi trường khác nhau

C. Là sự biểu hiện kiểu hình của một gen xác định

D. Cả A và B

Câu 3: Biến dị nào sau đây không di truyền được?

A. Đột biến gen

B. Đột biến NST

C. Thường biến

D. Biến dị tổ hợp

Câu 4: Vai trò của thường biến là:

A. Biến đổi cá thể

B. Giúp sinh vật thích nghi với môi trường

C. Di truyền cho đời sau

D. Thay đổi kiểu gen của cơ thể

Câu 5: Một trong những đặc điểm của thường biến là:

A. Biến đổi kiểu gen dưới tác động của môi trường

B. Biến đổi kiểu hình do đột biến

C. Biến đổi kiểu gen dẫn đến biến đổi đồng loạt về kiểu hình

D. Biến đổi kiểu hình không liên quan đến kiểu gen

Câu 6: Kiểu hình là kết quả của:

A. Sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường

B. Sự tương tác giữa kiểu hình và môi trường

C. Sự tương tác giữa môi trường và đất đai

D. Sự tương tác giữa kĩ thuật và chăm sóc

Câu 7: Mức phản ứng do yếu tố nào quy định

A. Kiểu hình của cơ thể

B. Điều kiện môi trường

C. Kiểu gen của cơ thể

D. Thời kì sinh trưởng và phát triển

Câu 8: Phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen

B. Tính trạng số lượng rất ít hoặc không chịu ảnh hưởng của môi trường

C. Kiểu hình là kết quả tương tác giữa kiểu gen và môi trường

D. Bố mẹ truyền đạt cho con kiểu gen chứ không truyền tính trạng có sẵn

Câu 9: Nguyên nhân gây ra thường biến là:

A. Tác động trực tiếp của môi trường sống

B. Biến đổi đột ngột trên phân tử ADN

C. Rối loạn trong quá trình nhân đôi của NST

D. Thay đổi trật tự các cặp nucleotit trên gen

Câu 10: Biểu hiện nào dưới đây là của thường biến?

A. Ung thư máu do mất đoạn trên NST số 21

B. Bệnh đao do thừa 1 NST số 21 ở người

C. Ruồi giấm có mắt dẹt do lặp đoạn trên NST giới tính

D. Sự biến đổi màu hoa theo pH của đất

Đáp án

Câu hỏi

1

2

3

4

5

Đáp án

D

B

C

B

D

Câu hỏi

6

7

8

9

10

Đáp án

A

C

B

A

D

Vậy là chúng ta đã cùng nhau soạn xong Bài 25. Thường biến trong SGK Sinh học 9. Mong rằng bài viết trên đã giúp các bạn nắm vững kiến thức lí thuyết, soạn các câu hỏi trong nội dung bài học dễ dàng hơn qua đó vận dụng để trả lời câu hỏi trong đề kiểm tra để đạt kết quả cao

Mời các bạn xem thêm: Giải VBT Sinh 9: Bài 25. Thường biến

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021