logo

Soạn sinh 9 Bài 12 ngắn nhất: Cơ chế xác định giới tính

Soạn sinh 9 Bài 12 ngắn nhất: Cơ chế xác định giới tính

Trong bài học này Top lời giải sẽ cùng các bạn tổng hợp kiến thức cơ bản và trả lời toàn bộ các câu hỏi Bài 12. Cơ chế xác định giới tính trong sách giáo khoa Sinh học 9. Đồng thời chúng ta sẽ cùng nhau tham khảo thêm các câu hỏi củng cố kiến thức và thực hành bài tập trắc nghiệm trong các đề kiểm tra.

Vậy bây giờ chúng ta cùng nhau bắt đầu nhé:

Mục tiêu bài học

- HS mô tả được một số NST giới tính, trình bày được cơ chế NST xác định ở người, nêu được ảnh hưởng của các yếu tố môi trường trong và môi trường ngoài đến sự phân hoá giới tính.


Tổng hợp lý thuyết Sinh 9 Bài 12 ngắn gọn

Trong các tế bào lưỡng bội (2n NST) của loài, bên cạnh các NST thường (kí hiệu chung là A) tồn tại thành từng cặp tương đồng giống nhau ở cả hai giới tính, còn có một cặp NST giới tính tương đồng gọi là XX hoặc không tương đồng gọi là XY. Ví dụ: Trong tế bào lưỡng bội ở người có 22 cặp NST thường (44A) và một cặp NST giới tính XX ở nữ hoặc XY ở nam (hình 12.1)

NST giới tính mang gen quy định các tính trạng liên quan và không liên quan với giới tính. Ví dụ: Ở người NST Y mang gen SRY còn gọi là nhân tố xác định tinh hoàn, NST X mang gen lặn quy định máu khó đông.

Giới tính ở nhiều loài phụ thuộc vào sự có mặt của cặp XX hoặc XY trong tế bào. Ví dụ: Ở người, động vật có vú, ruồi giấm, cây gai, cây chua me... cặp NST giới tính của giống cái là XX, của giống đực là XY. Ở chim, ếch nhái, bò sát, bướm, dâu tây... cặp NST giới tính của giống đực là XX, của giống cái là XY.


Hướng dẫn Soạn Sinh 9 bài 12 ngắn nhất

Trả lời câu hỏi Sinh 9 Bài 12 trang 39 ngắn nhất: Quan sát hình 12.2 và trả lời các câu hỏi sau:

- Có mấy loại trứng và tinh trùng được tạo ra qua giảm phân?

- Sự thụ tinh giữa các loại tinh trùng mang NST giới tính nào với trứng để tạo hợp tử phát triển thành con trai hay con gái?

- Tại sao tỉ lệ con trai và con gái sơ sinh là xấp xỉ 1:1?

Trả lời:

- Qua giảm phân tạo ra một loại trứng (22A+X) và hai loại tinh trùng (22A+X và 22A+Y)

- Sự thụ tinh giữa tinh trùng mang NST giới tính X với trứng sẽ tạo hợp tử (44A+XX) phát triển thành con gái. Sự thụ tinh giữa tinh trùng mang NST giới tính Y với trứng sẽ tạo hợp tử phát triển thành con trai (44A+XY).

- Tỉ lệ con trai và con gái sơ sinh là xấp xỉ 1:1 do 2 loại tinh trùng mang NST X và NST Y được tạo ra với tỉ lệ ngang nhau, tham gia vào quá trình thụ tinh với xác suất như nhau.

Soạn Sinh 9 bài 12 trang 41 câu 1

Nêu những điểm khác nhau giữa NST giới tính và NST thường?

Trả lời:

NST giới tính

  • Số lượng ít hơn, trong bộ NST lưỡng bội chỉ có 1 cặp hoặc 1 NST giới tính

  • Quy định giới tính và các tính trạng liên quan tới giới tính

  • Lúc tồn tại thành cặp tương đồng (XX), l úc lại tồn tại thành cặp không tương đồng (XO, XY)

  • Có sự khác nhau giữa đực và cái trong cùng 1 loài.

NTS thường

  • Có số lượng nhiều hơn hẳn so với NST giới tính

  • Quy định các tính trạng thường của cơ thể

  • Luôn luôn tồn tại thành từng cặp tương đồng

  • Giống nhau dù là đực hay cái trong cùng 1 loài

Soạn Sinh 9 bài 12 trang 41 câu 2

Trình bày cơ chế sinh con trai, con gái ở người. Quan niệm cho rằng người mẹ quyết định việc sinh con trai hay con gái là đúng hay sai?

Trả lời:

Cơ chế

P: 44A + XY (bố) x 44A + XX (mẹ)

G/P: (22A + X), (22A+Y); (22A + X)

F1: 44A + XX (con gái); 44A + XY (con trai)

Là sai: Vì mẹ chỉ cho 1 giao tử mang NST giới tính X, còn việc sinh con trai hay con gái là phụ thuộc vào giao tử của người bố sẽ kết hợp với giao tử của mẹ là giao tử nào. Nếu là giao tử mang NST giới tính Y thì là con trai, còn nếu là giao tử mang NST giới tính X thì sẽ là con gái.

Soạn Sinh 9 bài 12 trang 41 câu 3

Tại sao trong cấu trúc dân số, tỷ lệ nam nữ xấp xỉ 1:1?

Trả lời:

Ta có bố cho 2 loại giao tử (X,Y), mẹ cho 1 loại giao tử (X) => Hợp tử XX và hợp tử XY chiếm số % ngang nhau là 50%

Hai hợp tử trên có sức sống ngang nhau.

Soạn Sinh 9 bài 12 trang 41 câu 4

Tại sao người ta có thể điều chỉnh được tỉ lệ đực, cái ở vật nuôi? Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tiễn?

Trả lời:

Ở động vật, giới tính không chỉ được quy định bằng phương pháp di truyền mà nó còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ở bên ngoài môi trường và bên trong cơ thể.

Ví dụ: Nhiệt độ, hoocmoon, ánh sáng, môi trường sống... có thể làm thay đổi giới tính các loài sinh vật.

Ví dụ: trong 1 bể cá vàng, ngăn bể làm 2:1 nửa để cá cái, 1 nửa để cá đực. Che 2 nửa để chúng không nhìn thấy nhau 1 thời gian sau, bên bể toàn cá cái xuất hiện vài con cá đực và bên bể cá đực xuất hiện vài con cá cái.

Vì vậy, con người đã tìm hiểu về các yếu tố đó để có thể chủ động quy định giới tính của các loài sinh vật

Ý nghĩa: Điều chỉnh để phù hợp với mục đích sản xuất.

Soạn Sinh 9 bài 12 trang 41 câu 5

Ở những loài mà giới đực là giới dị giao tử thì những trường nào trong các trường hợp sau đây đảm bảo tỷ lệ đực cái xấp xỉ 1:1?

a) Số giao tử đực bằng số giao tử cái

b) Hai loại giao tử mang NST X và NST Y có số lượng tương đương

c) Số cá thể đực = số cá thể cái trong loài

d) Xác suất thụ tinh của hai loại giao tử đực với giao tử cái tương đương

Trả lời:

Đáp án đúng là b và d.


Câu hỏi củng cố kiến thức Sinh 9 bài 12 hay nhất

Câu 1: Trình bày cơ chế xác định giới tính ở các loài thú và người.

Trả lời:

  • Trong các tế bào lưỡng bội (2n) của loài, bên cạnh các NST thường (kí hiệu là A) tồn tại thành từng cặp tương đồng giống nhau ở cả hai giới tính, còn có một cặp NST giới tính là XX hoặc XY.

Ví dụ trong tế bào lưỡng bội của người nam có 22 cặp NST thường (44 A) và một cặp NST giới tính XY. Ở nữ có 44A và 1 cặp XX.

  • Gen quy định các tính trạng giới tính được sắp xếp trên NST giới tính.

  • Thuyết NST xác định giới tính không loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố môi trường trong và ngoài lên sự phân hóa giới tính. Ví dụ ở tằm, hợp tử có NST XY phát triển thành tằm cái nhưng khi nuôi ở điều kiện nhiệt độ thấp thì hợp tử XY phát triển thành tằm đực.


Trắc nghiệm Sinh 9 Bài 12 tuyển chọn

Câu 1: Điểm giống nhau về NST giới tính ở tất cả các loài sinh vật phân tính là:

A. Luôn giống nhau giữa cá thể đực và cá thể cái.

B. Đều chỉ có một cặp trong tế bào 2n.

C. Đều là cặp XX ở giới cái .

D. Đều là cặp XY ở giới đực.

Câu 2: Đặc điểm của NST giới tính là:

A. Có nhiều cặp trong tế bào sinh dưỡng

B. Có 1 đến 2 cặp trong tế bào

C. Số cặp trong tế bào thay đổi tùy loại

D. Luôn chỉ có một cặp trong tế bào sinh dưỡng

Câu 3: Vì sao nói cặp XY là cặp tương đồng không hoàn toàn?

A. Vì NST X mang nhiều gen hơn NST Y.

B. Vì NST X có đoạn mang gen còn NST Y thì không có gen tương ứng.

C. Vì NST X và Y đều có đoạn mang cặp gen tương ứng.

D. Vì NST X dài hơn NST Y.

Câu 4: Trong tế bào 2n ở người, kí hiệu của cặp NST giới tính là:

A. XX ở nữ và XY ở nam

B. XX ở nam và XY ở nữ

C. ở nữ và nam đều có cặp tương đồng XX

D. Ở nữ và nam đều có cặp không tương đồng XY

Câu 5: Chức năng của NST giới tính là:

A. Điều khiển tổng hợp Prôtêin cho tế bào

B. Nuôi dưỡng cơ thể

C. Xác định giới tính

D. Tất cả các chức năng nêu trên

Câu 6: Điểm giống nhau giữa NST thường và NST giới tính là:

1. Đều mang gen quy định tính trạng thường.

2. Đều có thành phần hoá học chủ yếu là prôtêin và axit nuclêic.

3. Đều ảnh hường đến sự xác định giới tính.

4. Đều có cá khả năng nhân đôi, phân li và tổ hợp cũng như biến đổi hình thái trong chu kì phân bào.

5. Đều có thể bị biến đổi cấu trúc và số lượng.

Số phương án đúng là:

A. 2

B. 3

C. 4

D. 5

Câu 7: Vì sao nói cặp XY là cặp tương đồng không hoàn toàn?

A. Vì NST X mang nhiều gen hơn NST Y

B. VÌ NST X có đoạn mang gen còn NST Y thì không có gen tương ứng

C. Vì NST X và Y đều có đoạn mang cặp gen tương ứng

D. Vì NST X dài hơn NST Y

Câu 8: Ở người, "giới đồng giao tử" dùng để chỉ:

A. Người nữ

B. Người nam

C. Cả nam lẫn nữ

D. Nam vào giai đoạn dậy thì

Câu 9: Cơ chế xác định giới tính ở các loài sinh vật đơn tính:

A. Do con đực quyết định

B. Do con cái quyết định

C. Tùy thuộc giới nào là giới dị giao tử

D. Cả ba ý trên đều đúng

Câu 10: Câu có nội dung đúng dưới đây khi nói về người là:

A. Người nữ tạo ra 2 loại trứng là X và Y.

B. Người nam chỉ tạo ra 1 loại tinh trùng X.

C. Người nữ chỉ tạo ra 1 loại trứng Y.

D. Người nam tạo 2 loại tinh trùng là X và Y.

Đáp án

Câu hỏi

1

2

3

4

5

Đáp án

B

D

B

A

C

Câu hỏi

6

7

8

9

10

Đáp án

C

B

A

D

D

Vậy là chúng ta đã cùng nhau soạn xong Bài 12. Cơ chế xác định giới tính trong SGK Sinh học 9. Mong rằng bài viết trên đã giúp các bạn nắm vững kiến thức lí thuyết, soạn các câu hỏi trong nội dung bài học dễ dàng hơn qua đó vận dụng để trả lời câu hỏi trong đề kiểm tra để đạt kết quả cao

Mời các bạn xem thêm: Giải VBT Sinh 9: Bài 12. Cơ chế xác định giới tính

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021
/* */ /* */
/*
*/