logo

Giải bài tập SGK KTPL 10 Bài 8 Chân trời sáng tạo ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn Kinh tế Pháp luật 10 Bài 8: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh ngắn gọn, đầy đủ SGK trang 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50 bám sát nội dung bộ sách mới Chân trời sáng tạo

>>> Xem thêm: Tóm tắt Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 10 Bài 8 ngắn nhất Chân trời sáng tạo


Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 44 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy quan sát các tranh dưới đây và chia sẻ hiểu biết của mình về vai trò của hoạt động sản xuất, kinh doanh được mô tả.

Giải bài 8 Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh

Lời giải:

Trong 4 bức tranh, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mô tả là hoạt động trồng trọt, sản xuất, chế biến và phân phối chè. 

Tranh 1: công đoạn thu hái chè trên đồng.

Tranh 2: công đoạn chế biến chè bằng cách từ lá chè tươi thành chè khô. 

Tranh 3: chè được đóng gói, dán nhãn, vận chuyển đến các cửa hàng, siêu thị 

Tranh 4: phân phối ra thị trường tời tay người tiêu dùng.


Khám phá


1. Vai trò của sản xuất kinh doanh

Trả lời câu hỏi trang 45 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi.

Công ti bánh kẹo A là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo. Với hệ thống dây chuyền máy móc, nhà xưởng cùng công nghệ hiện đại, lao động có tay nghề cao đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, được nhiều người tiêu dùng yêu thích như: bánh mì, bánh bông lan, bánh trung thu, kẹo sữa... Công ti còn là nguồn cung ứng nguyên vật liệu uy tín cho các đơn vị cùng ngành và tạo ra việc làm ổn định cho một lượng lớn người lao động, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương.

- Điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ti A là gì?

- Hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại giá trị gì cho Công ti A và xã hội?

Lời giải:

- Trường hợp trên ta thấy điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ti A:

Công ti có hệ thống dây chuyền chuyên nghiệp gồm máy móc, nhà xưởng, công nghệ hiện đại cùng những lao động có tay nghề cao. 

Cung cấp nguyên vật liệu chất lượng cho các đơn vị cùng ngành.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại cho Công ti A nhiều lợi ích như doanh thu cao, chiếm được một vị thế tốt trên thị trường và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương.


2. Một số mô hình sản xuất kinh doanh

Trả lời câu hỏi trang 45 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau và thực hiện yêu cầu.

Tận dụng đất đai vườn nhà, chị T đã xây dựng mô hình vườn ao chuồng với số lượng đàn lợn hơn 250 con, diện tích hồ cá lên đến 1 500 m, gà vịt hơn 500 con. Ngoài ra, chị T còn đầu tư trồng hơn 400 gốc xoài diện tích hơn 1 ha; đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp, phục vụ nhu cầu của người dân khi đến mùa gặt. Mô hình của chị còn tạo được công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho 6 nhân công ở địa phương. “Những năm đầu thực hiện mô hình, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm, lợn nuôi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, xoài chưa đạt chất lượng. Toàn bộ tài sản đều đầu tư vào mô hình nên có lúc phải vay từ các quỹ hỗ trợ, ngân hàng nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn. Dần dần, nhờ học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế và qua các lớp tập huấn, hội thảo khuyến nông ở địa phương, gia đình tôi đã áp dụng vào sản xuất và đạt được kết quả tích cực”, chị T chia sẻ. Gia đình chị T đã được chính quyền tuyên dương là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Nêu những đặc điểm và hiệu quả của mô hình hộ sản xuất kinh doanh trên.

Bài giải:

Trường hợp trên có đặc điểm và hiệu quả của mô hình hộ sản xuất kinh doanh là:

- Đặc điểm: Mô hình vườn ao chuồng => chăn nuôi lợn, cá, gà vịt, đồng thời kết hợp trồng trọt xoài, đầu tư máy gặt cho thuê.

- Hiệu quả của mô hình mang lại: 

Bằng việc tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, mô hình kinh doanh của chị T đã đạt được kết quả cao, tạo công ăn việc làm cho 6 công nhân ở địa phương. 

Gia đình chị T đã xuất sắc được chính quyền tuyên dương là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trả lời câu hỏi trang 46 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi.

Trường hợp 1.

Hợp tác xã Q hoạt động trong lĩnh vực vận tải với các loại hình kinh doanh, dịch vụ như: dịch vụ vận tải hàng hoá, vận tải hành khách theo tuyến cố định và theo hợp đồng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt,... Hợp tác xã có 38 thành viên tự nguyện hợp tác với nhau cùng góp vốn. Hợp tác xã hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí. Doanh thu hợp tác xã liên tục tăng từng năm, nâng cao thu nhập bình quân cho các thành viên, người lao động.

Trường hợp 2.

Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M thành lập có 4 hợp tác xã cùng hợp tác tương trợ lẫn nhau gồm: hợp tác xã chế biến, thương mại dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; hợp tác xã sản xuất nước mắm; hợp tác xã thu mua và chế biến hải sản. Tổng số vốn điều lệ đăng kí ban đầu là 1 tỉ đồng với ngành nghề sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản; dịch vụ thu mua, chế biến hải sản, hải sản khô, hải sản tươi đông lạnh;... Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí.

- Hợp tác xã Q và Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M được thành lập theo cách thức nào và hoạt động dựa trên nguyên tắc nào?

- Mô hình hợp tác xã có ưu điểm như thế nào so với mô hình hộ sản xuất kinh doanh?

Lời giải:

- Trong cả hai trường hợp, Hợp tác xã Q và Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp M được thành lập theo cách thức đồng sở hữu, do các thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Có thể thấy, sự hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí.

- Tình huống trên cũng cho thấy ưu điểm của mô hình hợp tác xác so với mô hình hộ sản xuất kinh doanh là: đối với mô hình Hợp tác xã, các thành viên có sự tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trả lời câu hỏi trang 46 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu.

THÔNG TIN.

1. Công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu.

2. Công ti trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.

3. Công ti cổ phần với đặc điểm vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

5. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước được quản lí dưới hình thức công ti trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần.

6. Công ti hợp danh là doanh nghiệp: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ti, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ti có thể có thêm thành viên góp vốn.

- Kể tên các loại hình doanh nghiệp và đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp.

- Nêu ưu và nhược điểm của các mô hình sản xuất kinh doanh trên.

Lời giải:

- Dựa theo các ý trên, tên và đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp:

Tên

Đặc điểm

Ưu điểm

Nhược điểm

Công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu.

 

- chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến oạt động của công ty, không cần xin ý kiến hay góp ý từ các chủ thể khác;

- Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).

 

- Khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty TNHH một thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Công ty TNHH nói chung không được phát hành cổ phiếu.

Công ti trách nhiệm hữu hạn hai thành viên

Doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.

 

- các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;

- Số lượng thành viên công ty không nhiều, các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau nên việc điều hành, quản lý công ty không quá phức tạp;

- dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.

- không có quyền phát hành trái phiếu.

- Chịu sự quản lý của pháp luật chặt chẽ  hơn so với các công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.

- Trong một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.

Công ti cổ phần

- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần

- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa

- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp

- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Có tư cách pháp nhân;

- có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn, việc huy động vốn dễ dàng, linh hoạt hơn và huy động được số vốn lớn hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

 

- dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn;

- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.

 

Doanh nghiệp tư nhân

Do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Thủ tục thành lập công ty đơn giản;

- Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Cơ cấu tổ chức tương đối đơn giản;

- Phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh nên có thể dễ dàng tạo dựng sự tin tưởng từ đối tác, khách hàng.

- Không có tư cách pháp nhân, rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình;

- Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường;

- Không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác;

- Chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

 

Doanh nghiệp nhà nước

- Do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

- Được quản lí dưới hình thức công ti trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần.

- Cách giải quyết mang tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nền kinh tế.

- Nguồn lực tài chính vững chắc, quy mô lớn, tiếp cận thông tin thương mại, thị trường nhanh.

 

- không năng động sáng tạo vì các doanh nghiệp chỉ thụ động trong sản xuất, mọi quyền quyết định đều thuộc quản lí cấp trên. Lợi nhuận có được cũng thuộc về nhà nước, các doanh nghiệp chỉ được hưởng mức lương ấn định.

- Nhân sự các công ty nhà nước đôi khi không có sự năng động, và tính cạnh tranh công việc cao như doanh nghiệp ngoài nhà nước. điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của chính doanh nghiệp nhà nước.

Công ti hợp danh

- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ti, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung.

- Ngoài các thành viên hợp danh, công ti có thể có thêm thành viên góp vốn.

- Thành viên công ty hợp danh là những cá nhân có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp nên tạo được sự tin cậy cho đối tác;

- Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy với đối tác kinh doanh.

 

- Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên đối với các thành viên hợp danh của công ty có rủi ro hơn khi kinh doanh;

- Công ty không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

 

Trả lời câu hỏi trang 47 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi.

Trường hợp 1.

Ông T là một người tâm huyết với những công trình xây dựng cầu đường. Ông thành lập Công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên T do ông đứng tên, với số vốn đăng kí kinh doanh là 7 tỉ đồng. Ông chịu hoàn toàn trách nhiệm trong số vốn đã góp. Với bộ máy tinh gọn và đội ngũ nhân viên tâm huyết, chỉ sau 4 năm, ông đã thành công với nhiều công trình lớn nhỏ và nâng số vốn đăng kí kinh doanh lên 17 tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động cũng như đóng thuế và tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước.

Trường hợp 2.

Khi Nhà nước thực hiện việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế ông A quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh thành công ti cổ phần. Ông ưu tiên cho nhân viên công ti tham gia cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào, được quyền nhượng cổ phần. Công ti cũng đã nhiều lần phát hành trái phiếu thành công, tạo ra nguồn tài chính cho công ti. Các cổ đông được chia lợi tức tăng hằng năm, khiến họ càng tin tưởng vào công ti hơn.

- Công ti của ông A khi cổ phần hóa có đặc điểm gì?

- Mô hình công ti cổ phần có phương thức hoạt động như thế nào?

Lời giải:

- Dựa theo trường hợp 1, công ti của ông A cổ phần hóa có các đặc điểm: 

Nhân viên công ti được ưu tiên tham gia cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào, được quyền nhượng cổ phần. 

Công ti cũng đã nhiều lần phát hành trái phiếu thành công. 

- Phương thức hoạt động của công ti: 

Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào, được quyền nhượng cổ phần. 

Các cổ đông được chia lợi tức và hoa hồng hàng năm. 


3. Lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp

Trả lời câu hỏi trang 48 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu.

Trường hợp 1.

Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm thủ công mĩ nghệ ngày càng cao. Anh P quyết định xây thêm nhà xưởng, tuyển thêm thợ lành nghề, thiết lập quy trình sản xuất chặt chẽ, liên kết với nhiều đơn vị cung ứng nguyên vật liệu. Anh đã làm hài lòng khách hàng bằng các sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng và chất liệu. Cửa hàng của anh vừa bán trực tiếp vừa bán trực tuyến và doanh thu luôn tăng trưởng. Anh còn sẵn sàng nhận các học viên để truyền nghề, giúp cho nghề truyền thống của cha ông không bị mai một.

- Hãy nêu những yếu tố tạo nên sự thành công trong mô hình kinh doanh hộ gia đình của anh P.

- Cho biết bài học mà em rút ra được qua trường hợp trên.

Trường hợp 2.

Tận dụng lợi thế của địa phương với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, Công ti lữ hành H đã đưa ra nhiều chuyến tham quan với giá ưu đãi. Công ti đã đầu tư nhiều chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ con người, nhất là hướng dẫn viên chuyên nghiệp, yêu nghề, có kiến thức sâu rộng, khả năng giao tiếp, xử lí tình huống tốt,... Sản phẩm hành trình du lịch hấp dẫn, liên kết được nhiều đơn vị khách sạn, nhà hàng, bảo hiểm uy tín,... nên Doanh nghiệp H đã gặt hái nhiều thành công và tạo được lòng tin của khách hàng.

- Nêu những yếu tố tạo nên thành công mà Doanh nghiệp H đạt được.

- Cho biết em học hỏi được điều gì từ thành công của Doanh nghiệp H.

Lời giải:

Trường hợp 1:

- Trong trường hợp này, những yếu tố tạo nên sự thành công trong mô hình kinh doanh hộ gia đình của anh P là: 

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường.

Có kế hoạch mở rộng kinh doanh đúng đắn

Qui trình sản xuất được bảo đảm.

Hình thức kinh doanh, sản phẩm đa dạng.

- Qua câu chuyện này, em rút ra được bài học là: Để kinh doanh thành công, cần nhạy bén với sự thay đổi xu hướng, biến động của thị trường để có những biện pháp điều chỉnh hợp lí như mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh, chuyển đổi hình thức, sản phẩm kinh doanh,... lên kế hoạch kinh doanh cụ thể, đảm bảo chất lượng trong dây chuyền sản xuất.

Trường hợp 2:

- Trong trường hợp này, những yếu tố tạo nên thành công mà Doanh nghiệp H đạt được: 

Tận dụng tốt những lợi thế của vùng miền, nhanh chóng có kế hoạch kinh doanh tốt, đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Liên kết với những đơn vị liên quan để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, thuận tiện nhất.

- Những điều em học hỏi được qua trường hợp trên là cách làm việc chuyên nghiệp, sự đầu tư đúng đắn để nâng cao hiệu quả dịch vụ của doanh nghiệp. Chính sự tập trung phát triển về mặt nhân sự, cùng việc liên kết với các công ti uy tín, doanh nghiệp H đã mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và nhận được sự tin tưởng từ phía khách hàng.


Luyện tập

Trả lời câu hỏi trang 50 Kinh tế pháp luật 10:Thảo luận cùng các bạn và cho biết, em đồng tình hay không đồng tình với các nhận định dưới đây. Vì sao?

a. Sản xuất kinh doanh là yếu tố góp phần tạo ra động lực phát triển xã hội một cáchbền vững.

b. Chỉ có hạn chế ản xuất kinh doanh mới hạn chế được ô nhiễm môi trường.

c. Khi doanh nghiệp quan tâm đến nguồn nhân lực, cũng như nâng cao khoa học kĩ thuật sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao cùng nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

d. Mục tiêu chính của sản xuất kinh doanh là tạo ra lợi nhuận cho nhà sản xuất. 

Lời giải:

Trong các ý kiến trên, em đồng tình với các nhận định a, c, d và không đồng tình với nhận định b 

Lý do là nếu hạn chế sản xuất thì sẽ không thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời sẽ làm hàng hóa trên thị trường trở nên khan hiếm, dẫn đến những bất ổn trong đời sống xã hội và người dân. Chỉ nên hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách nâng cao ý thức của doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các qui định về bảo vệ môi trường.

Trả lời câu hỏi trang 27 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy lập bảng so sánh điểm khác nhau giữa các mô hình sản xuất kinh doanh sau:

- Mô hình hộ sản xuất kinh doanh và mô hình hợp tác xã.

- Mô hình doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Lời giải:

- Mô hình hộ sản xuất kinh doanh và mô hình hợp tác xã:

 

Hộ sản xuất kinh doanh

Hợp tác xã

Đối tượng được đăng ký tham gia 

 

Cá nhân, hộ gia đình là công dân Việt Nam. 

 

- Cá nhân, hộ gia đình là công dân Việt Nam;

- Người nước ngoài;

- Các tổ chức.

 

Quyền hạn đăng ký tham gia 

 

Chỉ được đăng ký một HKD cá thể duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam.

Có thể đăng ký trở thành thành viên của nhiều HTX khác. 

 

 Quyền hạn quyết định của thành viên

 

Do chủ hộ kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa các thành viên trong hộ gia đình

Có quyền bình đẳng giữa các thành viên trong mọi quyết định, hoạt động của hợp tác xã

Người đại diện theo pháp luật

 

Chủ hộ kinh doanh

Chủ tịch hội đồng quản trị

Cơ cấu quản lý tổ chức

 

Chủ hộ kinh doanh, thành viên

Đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên

Tư cách pháp nhân

 

Không

Căn cứ phân chia lợi nhuận

 

Phân chia lợi nhuận sẽ do cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình xác định, thống nhất.

Lợi nhuận được phân chia chủ yếu dựa theo công sức thành viên đóng góp và mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Phần còn lại mới được chia theo tỷ lệ vốn góp.

Quyền và trách nhiệm tài sản

 

Chịu trách nhiệm vô hạn

Chịu trách nhiệm hữu hạn

 

Bản chất thành lập

Mục đích chính thành lập hộ kinh doanh nhằm tăng thu nhập, nhắm đến lợi ích kinh tế

 

Được thành lập nhằm giúp đỡ, tạo việc làm, đào tạo và phát triển chuyên môn của thành viên hợp tác xã

Thành viên góp vốn điều lệ

Thành viên trong hộ kinh doanh tự thỏa thuận về tỷ lệ vốn góp

 

Thành viên không được góp vốn vượt quá 20% vốn điều lệ

Góp vốn, mua bán cổ phần, thành lập doanh nghiệp

Chỉ được tham gia với tư cách pháp nhân trong các hoạt động mua, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp.

Được phép góp vốn, mua bán cổ phần và thành lập doanh nghiệp với tư cách hợp tác xã nhưng không được vượt quá 50% vốn điều lệ (ghi trong báo cáo tài chính gần nhất).

Quy định về quyền khắc và sử dụng con dấu 

 

Không được khắc dấu

Được quyền khắc và sử dụng con dấu.

 

 

- Mô hình doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước:

 

Tiêu chí

Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp tư nhân

Chủ sở hữu

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

- Do cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân khác làm chủ sở hữu (bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài);

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Hình thức tồn tại

- Công ty cổ phần;

- Công ty TNHH 1 thành viên;

- Công ty TNHH 2 thành viên.

- Công ty cổ phần;

- Công ty TNHH 1 thành viên;

- Công ty TNHH 2 thành viên;

- Công ty hợp danh;

- Doanh nghiệp tư nhân (quy định tại Chương VII Luật Doanh nghiệp 2020).

Quy mô

Quy mô lớn. Thường được tổ chức theo các hình thức như công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế.

Đa dạng về quy mô. Tuy nhiên doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Ngành nghề hoạt động

Hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề kinh tế then chốt. Một số ngành, nghề kinh doanh độc quyền như:

- Hệ thống truyền tải điện quốc gia;

- Nhà máy thủy điện có quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân;

- In, đúc tiền và sản xuất vàng miếng;

- Xổ số kiến thiết;

- Hoạt động trong phạm vi ngành nghề quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

- Không được kinh doanh các ngành nghề độc quyền dành cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời câu hỏi trang 50 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi.

Địa phương T có nhiều hộ gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đã được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương tin dùng, đặt hàng. Chính quyền địa phương đang vận động các hộ vào Hợp tác xã để phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân.

- Em có nhận xét gì về việc làm của địa phương T?

- Ưu điểm của mô hình hợp tác xã so với mô hình hộ gia đình là gì?

Lời giải:

- Trong trường hợp trên em có nhận xét việc làm của địa phương T là hợp lí 

Lý do là khi tập hợp thành hợp tác xã, các hộ sản xuất có thể tương trợ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cho nhau để tạo nên một tập thể đoàn kết, phối hợp làm ra được nhiều sản phẩm hơn khi sản xuất đơn lẻ, từ đó mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn.

- Ta nhận thấy ưu điểm của mô hình hợp tác xã so với mô hình hộ gia đình: có sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất.

Trả lời câu hỏi trang 27 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy chia sẻ dự định về nghề nghiệp của em trong tương lai. Mô tả về mô hình sản xuất kinh doanh trong tương lai mà em thích.

Lời giải:

Một số dự định về nghề nghiệp của em trong tương lai

Dự định của em trong tương lai là muốn kết hợp với những người có cùng ý tưởng và đam mê kinh doanh góp vốn để mở một quán cà phê sách nhỏ, phục vụ các bạn trẻ vừa muốn có không gian yên tĩnh để đọc sách, vừa có thể thưởng thức các món đồ uống mình thích.


Vận dụng

Trả lời câu hỏi trang 27 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy quan sát và tìm hiểu về một mô hình kinh tế thành công (sản phẩm, địa điểm, quy mô, mức độ yêu thích của người dân về sản phẩm, thương hiệu, những đóng góp cho xã hội,...) trong khu vực em sinh sống.

Lời giải:

Em tự tìm hiểu trong khu vực em sinh sống.

Ví dụ tham khảo:

Trước đây, anh Trần Mạnh Giang làm việc tại Trạm Khuyến Nông huyện Văn Yên. Đến năm 2007 anh xin nghỉ làm và về địa phương xây dựng mô hình kinh tế VAC. Nhận thấy mảnh đất của gia đình có điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nên anh đã bàn với gia đình để triển khai thực hiện. Lúc đầu vợ và bố mẹ anh không đồng ý nhưng với sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, anh đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và của anh em, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng lợn, mua giống và trồng cây bưởi. Bắt đầu triển khai từ năm 2010, với diện tích đất khoảng 4 sào đủ cho anh nuôi được 100 con lợn và trồng vài chục gốc bưởi. Sau hơn 5 năm nuôi lợn, trồng bưởi, anh đã trả hết nợ và tích cóp được một khoản tiền kha khá. Số tiền lãi này anh lại tiếp tục mua thêm đất của người dân để mở rộng quy mô, phát triển các loại hình chăn nuôi, trồng trọt mới. Vì vậy, tổng diện tích trồng trọt của anh Trần Mạnh Giang đã lên tới 2 ha. Sau đó anh còn đầu tư trồng thêm 70 gốc bưởi và nay đã có 150 gốc bưởi đang cho thu hoạch. Năm 2018, anh chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm thêm 3 ao nuôi cá với diện tích mặt nước 3.600 m2 và chủ yếu nuôi các loại cá thông thường như: trắm cỏ, trôi, rô đơn tính…Theo anh Giang nuôi cá không mất nhiều công chăm sóc, hàng ngày chỉ tranh thủ 30 phút để cắt cỏ cho cá ăn và cho ăn cám. Anh đã tận dụng bờ ao và khoảng đất trống ở ngoài mép vườn để trồng cỏ voi làm thức ăn cho cá. Chưa dừng lại ở đó, anh Giang tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng chuồng và mua giống bò, trâu về nuôi. Đến nay, mô hình VAC của gia đình hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả. Mô hình VAC của anh Giang không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 1-3 lao động tại địa phương. Ngoài việc chăn nuôi anh còn mở thêm quán để bán các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tổng lợi nhuận thu về 360 triệu đồng/năm.

Trả lời câu hỏi trang 27 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy lựa chọn một mô hình kinh tế thích hợp với bản thân, lập ý tưởng kinh doanh và chia sẻ với các bạn trong lớp về ý tưởng kinh doanh đó.

HS tự thực hiện.

>>> Xem toàn bộ: Soạn Kinh tế Pháp luật 10 - Chân trời sáng tạo

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn Kinh tế Pháp luật 10 Bài 8: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh trong bộ SGK Chân trời sáng tạo theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 01/07/2022 - Cập nhật : 27/09/2022