logo

Soạn GDCD 12 Bài 1 ngắn nhất trang 4, 5,..., 14, 15: Pháp luật và đời sống

Hướng dẫn Soạn GDCD 12 Bài 1 ngắn nhất: Pháp luật và đời sống bám sát nội dung SGK GDCD 12 trang 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 theo chương trình SGK GDCD 12. Tổng hợp lý thuyết GDCD 12 đầy đủ, giúp các bạn nắm vững nội dung bài học.

Bài 1: Pháp luật và đời sống trang 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 SGK GDCD 12


Soạn GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống (ngắn gọn nhất)

Trả lời câu hỏi 1 trang 14 SGK GDCD 12: Pháp luật là gì? Tại sao cần phải có pháp luật?

Lời giải:

– Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

– Để quản lí xã hội, mỗi nhà nước cần phải xây dựng và ban hành hệ thống quy tắc xử sự chung áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội, làm cho mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức diễn ra trong vòng ổn định, trật tự. Hệ thống quy tắc xử sự chung đó được gọi là pháp luật. Đó là các chuẩn mực về những việc được làm, những việc phải làm và những việc không được làm, nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trả lời câu hỏi 2 trang 14 SGK GDCD 12: Em hãy nêu các đặc trưng của pháp luật. Theo em, nội quy nhà trường, Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Lời giải:

– Các đặc trưng của pháp luật:

+ Tính quy phạm phổ biến: Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó làm nên giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật, vì bất kì ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng pahri xử sự theo khuôn mẫu được pháp luật quy định.

+ Tính quyền lực, bắt buộc chung: Pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, là quy định bắt buộc với tất cả mọi cá nhân, tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng những biện pháp cần thiết, kể cả cưỡng chế để buộc họ tuân theo hoặc để khắc phục những hậu quả do việc làm trái pháp luật của họ gây nên.

+ Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức: Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chưa quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, gọi là các văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản này đòi hỏi diễn đạt phải chính xác, một mặt nghĩa để ai đọc cũng hiểu đúng và thực hiện chính xác các quy định; cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành những hình thức văn bản nào đều được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

– Nội quy trường, Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh không phải là văn bản quy phạm pháp luật vì:

Nội quy trường học do Bam Giám hiệu nhà trường ban hành, có tính bắt buộc đối với học sinh trong phạm vi nhà trường ấy. Còn điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là sự thỏa thuận cam kết thi hành của những người tự nguyện gia nhập tổ chức Đoàn. Những văn bản này không mang tính quy phạm phổ biến, không mang tính bắt buộc chung và không phải là văn bản quy phạm mang tính quyền lực của nhà nước.

Trả lời câu hỏi 3 trang 14 SGK GDCD 12: Hãy phân tích bản chất giai cấp và bản chất xã hội của pháp luật.

Lời giải:

– Bản chất giai cấp của pháp luật:

+ Pháp luật mang bản chất giai cấp sâu sắc vì pháp luật do nhà nước, đại diện cho giai cấp cầm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện.

+ Các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện.

+ Bản chất giai cấp là biểu hiện chung của bất kì kiểu pháp luật nào nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có biểu hiện riêng của nó: pháp luật tư sản quy định cho nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ nhưng về cơ bản vẫn thực hiện ý chí và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản; pháp luật xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân mà đại diện là nhà nước của nhân dân lao động.

– Bản chất xã hội của pháp luật:

+ Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ xã hội, do các thành viên của xã hội thực hiện, vì sự phát triển của xã hội.

+ Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp xã hội, được các cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận, coi là chuẩn mực, là quy tắc xử sự chung.

+ Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội vì sự phát triển của xã hội.

Trả lời câu hỏi 4 trang 14 SGK GDCD 12:  Em hãy phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa đạo đức và pháp luật bằng cách ghi ý kiến của em vào bảng dưới đây.

Lời giải:

  Đạo đức Pháp luật
Nguồn gốc (hình thành từ đâu?) Hình thành từ đời sống xã hội Các quy tắc xử sự trong đời sống xã hội, được nhà nước ghi nhận thành các quy phạm pháp luật.
Nội dung Các chuẩn mực, quan niệm thuộc đời sống tinh thần con người (thiện ác, lương tâm, nhân phẩm, danh dự). Các quy tắc xử sự (việc được làm, việc phải làm, việc không phải làm).
Hình thức thể hiện Nhận thức, tình cảm con người, ca dao, tục ngữ,.. Văn bản quy pháp pháp luật.
Phương thức tác động Dư luận xã hội, lương tâm. Giáo dục, cưỡng chế bằng quyền lực nhà nước.

Trả lời câu hỏi 5 trang 15 SGK GDCD 12: Em hãy sưu tầm 3 – 5 câu ca dao tục ngữ, châm ngôn về đạo đức đã được Nhà nước ghi nhận thành nội dung các quy phạm pháp luật, qua đó phân tích quan hệ giữa pháp luật với đạo đức.

Lời giải:

– Ca dao, tục ngữ:

+ “Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Quy tắc đạo đức này đã được nâng lên thành quy phạm pháp luật tại điều 70 khoản 2, luật Hôn nhân và gia đình 2014: Con cái “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

+ “Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Quy tắc đạo đức này đã được nâng lên thành quy phạm pháp luật tại điều 105, luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”.

+ “Pháp bất vị thân”

Quy tắc này được nâng lên thành quy phạm pháp luật tại điều 16, Hiến pháp 2013:

“1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

– Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức:

+ Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

+ Trong hàng loạt các quy phạm pháp luật luôn thể hiện các quan niệm về đạo đức, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, văn hóa, xã hội, giáo dục. Khi đó, các giá trị đạo đức đã được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Do đó, có thể nói, pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.

+ Pháp luật là khuôn mẫu chung cho cách xử sự của mọi người trong hoàn cảnh, điều kiện như nhau, là thể hiện cụ thể của công lí, công bằng và giới hạn tự do của mỗi người trong việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính những giá trị cơ bản nhất của pháp luật – công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải, cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người luôn hướng tới.

Trả lời câu hỏi 6 trang 15 SGK GDCD 12: Thế nào là quản lí xã hội bằng pháp luật? Muốn quản lí xã hội bằng pháp luật, Nhà nước phải làm gì?

Lời giải:

– Quản lý xã hội bằng pháp luật nghĩa là nhà nước ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội, đưa pháp luật vào đời sống của từng người dân và của toàn xã hội.

– Muốn quản lí xã hội bằng pháp luật, nhà nước phải làm cho dân biết pháp luật, biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Do đó, nhà nước phải công bố công khai, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, tiến hành nhiều biện pháp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện báo, đài, truyền hình; đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan, trường học,… để “dân biết” và “dân làm” theo pháp luật.

Trả lời câu hỏi 7 trang 15 SGK GDCD 12: Em và gia đình đã bao giờ có những bất đồng, tranh chấp với hàng xóm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa? Nếu có thì em với gia đình đã giải quyết như thế nào?

Tại xã/phường hay thị trấn nơi em ở có Tủ sách pháp luật không? Theo em, Tủ sách pháp luật có ý nghĩa gì đối với nhân dân trong xã?

Lời giải:

– Em và gia đình đã từng có những bất đồng, tranh chấp với hàng xóm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Em và gia đình đã giải quyết vấn đề trên phương diện tình cảm, hàng xóm láng giềng với nhau. Chỉ khi nào không thể giải quyết được bằng tình cảm thì mới đưa ra pháp luật để giải quyết, nhờ chính quyền địa phương can thiệp giúp.

– Xã em có tủ sách pháp luật đặt tại bưu điện. Tủ sách pháp luật là nơi để người dân tìm hiểu thông tin pháp luật, tự bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác.

Trả lời câu hỏi 8 trang 15 SGK GDCD 12: Chọn câu trả lời đúng trong các câu sau:

Người nào tuy có điều kiện mà không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến hậu quả người đó chết, thì:

a) Vi phạm quy tắc đạo đức

b) Vi phạm pháp luật hình sự

c) Vi phạm pháp luật hành chính

d) Bị xử phạt vi phạm hành chính

e) Phải chịu trách nhiệm hình sự

f) Bị dư luận xã hội lên án

Lời giải:

⇒ Chọn đáp án b). Vi phạm pháp luật hình sự.

Vì đây là một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Tóm tắt lý thuyết GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết GDCD 12: Bài 1. Pháp luật và đời sống

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống trong bộ SGK GDCD 12. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 16/10/2022 - Cập nhật : 25/11/2022
/* */ /* */
/*
*/