logo

Soạn bài Tương tư nâng cao

Gợi ý Soạn bài Tương tư nâng cao hay nhất. Tuyển tập Soạn ngữ văn 11 nâng cao ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ.

Cùng đến ngay với bài soạn Tương tư nâng cao dưới đây cùng Top lời giải nhé:


Hướng dẫn Soạn bài Tương tư Ngữ văn 11 nâng cao

Soạn bài Tương tư Ngữ văn 11 nâng cao

Câu 1: "Tương tư" có nghĩa là nhớ nhung, nhưng tâm trạng tư tương ở đây có phải chỉ đơn thuần là nhớ nhung không? Nỗi tương tư ở bài thơ này đã diễn biến qua những sắc thái cảm xúc nào?

Gợi ý:

- Nhan đề Tương tư: là tâm trạng nhớ nhung trong tình yêu, (thường là tình yêu đơn phương, xa cách). Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ là nỗi nhớ mà Tương tư còn là phức hợp đan xen các cung bậc cảm xúc vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất, hợp lí: chờ đợi, bâng khuâng, mơ tưởng, ước ao…

- Những cung bậc của nỗi tương tư mà chàng trai thôn Đoài đã trải qua: nhớ - tự phân tích nỗi nhớ - trách móc, ngờ vực, băn khoăn - ngậm ngùi thương mình, mong được chia sẻ - đợi chờ phấp phỏng và khao khát gặp gỡ, sum vầy.

Câu 2: Trong bài thơ, chàng trai có ý trách móc cô gái, điều này có lí hay vô lí? Nó giúp ta hiểu được gì về quy luật tâm lí trong tình yêu?

Gợi ý:

- Trong quan hệ yêu đương, sự trách móc nhau vẫn thường xảy ra. Ở đây, lời trách của chàng trai rất thiếu cơ sở: chuyện của hai thôn vốn thuộc lĩnh vực hành chính, làm sao có thể đồng nhất với chuyện tình yêu vốn thuộc lĩnh vực của trái tim được. Giữa chúng chẳng có mối liên hộ tất yếu nào. Thêm vào đó, không sang không phải là chuyện của khoảng cách địa lí mà là chuyện của khoảng cách tình cảm. Vin vào đó để bắt bẻ quả không tránh khỏi sự hồ đồ. Tuy nhiên, kẻ đang yêu có bao giờ hiểu được điều đó. Lí lẽ của một trái tim yêu quả thật khác thường và cũng thật đáng cảm thông!

Câu 3: Tìm hiểu nghệ thuật diễn tả thời gian và tâm trạng trong hai câu: "Ngày qua ngày lại qua ngày - Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng".

Gợi ý:

- Hai câu thơ “Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” cho thấy rất rõ sự tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Hai từ ngày, qua được lặp đi lặp lại đầy biến hoá đã diễn tả rất hay một thực tế không hề biến hoá : hết qua rồi lại qua, tất cả vẫn không có gì khác ngoài cái ngày vô vị ấy ! Từ lại được cài vào rất nghệ thuật cũng góp phần biểu đạt sâu sắc thêm cảm giác này ở nhân vật trữ tình. Trong câu thơ sau, âm điệu của từ nhuộm cũng như hiện tượng đảo vị trí từ vừa xác nhận dấu ấn rõ rệt của thời gian in trên cây lá, vừa khắc hoạ thật tài tình tâm trạng nặng nề của kẻ tương tư không làm sao tránh được sự nhắc nhở thường xuyên của thời gian.

Câu 4: Mối duyên quê của lứa đôi đã hòa quyện trong cảnh quê như thế nào?

Gợi ý:

- Nhân vật trữ tình tự nhìn thấy mình như một bộ phận của thiên nhiên, vũ trụ và hiểu rõ mối tương quan hoà hợp giữa các đối tượng, sự vật.

- Tuy có băn khoăn, nghi ngờ, chàng trai vẫn không thôi hi vọng ; đằng sau từ bao giờ đầy mơ hồ, khắc khoải là một niềm tin – cái niềm tin vẫn tiềm tàng trong những, con người sống cuộc đời bình dị đằng sau luỹ tre xanh.

- Tình cảm tương tư đã được biểu hiện một cách ý nhị, kín đáo, khá phù hợp với văn hoá nói năng, ứng xử của người Việt xưa, v.v.

Câu 5: Phân tích hình ảnh, tâm trạng và cách diễn tả đậm chất dân gian của thơ Nguyễn Bính (lối bố cục, lối liên tưởng, cách dùng địa danh và ngôn ngữ,...)

Gợi ý:

- Trong bài thơ, Nguyễn Bính đã tạo dựng được một không gian nghệ thuật riêng phù hợp với mối tình chân quê mà ông nói tới. Ta thấy bao trùm ở đây hình ảnh của thôn Đoài, thôn Đông với mái đình, giàn trầu, hàng cau liên phòng cùng những cây lá đổi màu theo bước mùa đi,… Nhờ nó, người đọc mới có được ấn tượng đặc biệt đến vậy về nỗi mong nhớ mơ hồ xa xôi, cách tính đếm thời gian theo dấu ấn của mùa trên cây cỏ, chút ỡm ờ trong cách biểu đạt cảm xúc của chàng trai. Không gian làng quê lúc này không tồn tại như một bối cảnh thuần tuý mà tự nó cũng toát lên, cũng hàm chứa một “nội dung” sâu xa.

- Dù có giọng “quê mùa”, Tương tư vẫn là một bài thơ mới đích thực nội tâm con người, đặc biệt là cảm xúc yêu đương được mổ xẻ tường tận và miêu tả một cách tinh tế xen vào giữa các câu có cách diễn đạt lấp lửng, kín đáo là một’ số câu dám gọi đích danh sự vật, tạo môi trường cho cái tôi cá nhân lộ ra ở bình diện thứ nhất,…

Câu 6: Khát vọng lứa đôi trong mối tương tư này còn được biểu hiện tinh vi bằng nhiều hình ảnh cặp đôi trong bài. Hãy tìm, thống kê và phân tích hệ thống hình ảnh ấy.

Gợi ý:

- Có một hệ thống hình ảnh cặp đôi tồn tại trong bài thơ: thôn Đoài - thôn Đông, bến - đò, hoa khuê các - bướm giang hồ, cưu - giậu (trầu). Hệ thống hình ảnh này thật giàu màu sắc dân gian, biểu đạt rất hay khát vọng lứa đôi của các đối tượng được giả định là bình dân. Về hình ảnh trầu - cau, ai cũng biết nó gắn liền với chuyện kết duyên, chuyện cưới hỏi. Đây là hình ảnh cặp đôi được nhắc sau cùng, thể hiện đúng mạch “đi tới” của tình cảm tương tư và quy luật phát triển của tình yêu ở người dân quê : tình yêu tất gắn với hôn nhân. Bốn câu cuối của bài thơ được tổ chức thành các vế song song. Hai câu trên muốn nói: tiền đề của sự giao kết đã ngầm chứa sẵn trong thực tế khách quan. Nếu cau hày trầu chỉ trơ trọi một mình thì chúng sẽ mất hết giá trị. Theo áp lực nghĩa của hai câu đó, dù bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi lửng lơ, ta vẫn đọc ra được “lời đáp” trong mong chờ và tin tưởng: cau thôn Đoài không nhớ, không làm bạn với trầu không thôn Đông thì còn nhớ, còn làm bạn với cái gì, với ai được nữa!

>> Xem thêm: Soạn bài Tương tư ngắn gọn nhất

Sau khi đã cùng Top lời giải trả lời các câu hỏi bài Tương tư trong chương trình Ngữ văn 11 nâng cao, mời các bạn tham khảo bài văn mẫu phân tích bài Tương tư sau đây để tìm hiểu chi tiết hơn về tác phẩm nhé


Phân tích bài Tương tư chương trình nâng cao

      Tác giả Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ đi tiên phong và tiêu biểu cho phong trào thơ mới. Tuy nhiên khác với các nhà thơ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp thì thơ của Nguyễn Bính lại thường đậm đà truyền thống dân tộc, văn hóa dân gian, gắn bó với sự bình dị, mộc mạc của đồng quê. Bài thơ “Tương tư” của ông nằm trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” là một bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của ông.

      Nhan đề bài thơ là “Tương tư” ám chỉ một trạng thái của con người, tương tư có nghĩa là nhớ nhung, nhưng lại không đơn thuần là nhớ nhung mà còn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nữa. Sự tương tư thường bắt đầu với những con người đang yêu, và trong bài thơ này, nhân vật trữ tình tương tư là một chàng trai quê chân thật, chất phác. Diễn biến trong tâm trạng của chàng trai chính là mạch cảm xúc của bài thơ, trong bốn câu thơ đầu ta cảm nhận được nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

      Nỗi nhớ ấy được tác giả thể hiện bằng những hình thức quen thuộc của ca dao xưa, có thể thấy hình ảnh hoán dụ “thôn Đoài” và “thôn Đông” chính là con người, và chính là chàng trai của thôn Đoài đang nhớ tới người mình yêu ở thôn Đông. Rồi lại đong đếm cụ thể nỗi nhớ mong ấy bằng thành ngữ dân gian “chín nhớ mười mong”. Có thể thấy nỗi nhớ ấy đã quá đong đầy, chan chứa. Hình ảnh ví von đầy hài hước “nắng mưa” là bệnh của trời đó là lấy cái quy luật của tự nhiên, của trời đất để thể hiện cho sự tương tư trong tình yêu cũng là một lẽ tự nhiên như thế. Tưởng như đó là một đôi trai gái đã bén duyên nhau, nhưng thực ra lại vừa rõ ràng vừa mơ hồ, tình cảm của chàng trai thì đã rõ, còn cô gái thì vẫn thấp thoáng, vu vơ. Bởi thế mà trong ba khổ thơ sau, lời hờn trách của chàng trai được bộc lộ ra, trách sao người mình yêu quá hững hờ:

“Hai thôn chung lại một làng…

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”

      Nỗi nhớ tương tư của chàng trai đang dần rơi vào nỗi khổ tâm, bởi có thương đi mà chẳng có thương lại. Sự trách móc nhẹ nhàng sao gần nhau chỉ cách nhau có “một đầu đình” mà bên ấy lại chẳng sang bên này, để cho bên này chờ mong mòn mỏi. Trách móc rồi lại tự bộc bạch rằng vì tương tư về người mình yêu mà đã thức trắng bao đêm, chỉ mong ước được gặp người mình yêu, thế nhưng càng nhớ, càng trách, càng hỏi thì người ta vẫn cứ hững hờ, xa xôi. Tình yêu như thế ở đời không phải ít, một bên thì yêu đến si tình, tương tư đến khổ tâm còn một bên lại mơ hồ, vô định.

      Vậy nên có trách móc hay tương tư cũng đều rơi vào khoảng không, không ai cảm thấu, càng khiến cho nỗi tương tư thêm xót xa, chua chát. Sự cách biệt giữa bên ấy bên này ngày càng xa xôi, thời gian đã dài đằng đẵng “ngày lại qua ngày” đến nỗi la xanh nhuộm chuyển thành lá vàng, thế nhưng thời gian trôi lạnh lùng như chính sự lạnh lùng của bên ấy. Hỏi cứ như vậy làm sao bên này lại chẳng chờ đợi đến héo mòn, khô úa.

      Như vậy cho đến những khổ thơ này ta đã rõ: tất cả đều là từ một phía, chỉ là nỗi tương tư chân thành của chàng trai không được đáp lại. Yêu người nhưng chẳng được người yêu lai, nhớ mong nhưng chẳng được gặp gỡ, bởi người ta cũng chẳng muốn gặp mình, chàng trai lại đành quay lại với chính mình, trở lại với niềm mơ ước thầm kín của mình về một mối nhân duyên tốt đẹp:

“Nhà em có một giàn giầu…

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

      Chàng trai đã mạnh dạn xưng “anh” và gọi người mình yêu là “em”, chẳng cần bóng gió, vòng vo xa xôi nữa mà đi thẳng tới vấn đề muốn được kết tóc se duyên, muốn được ở bên cạnh người mình yêu thương. Thế nhưng thật trớ trêu thay chàng trai vẫn không thoát khỏi được nỗi nhớ mong chẳng được đền đáp, vẫn là câu hỏi không ai hồi đáp.

      Qua bài thơ “Tương tư” chúng ta thấy được một mảnh hồn thơ của Nguyễn Bính trong đó, đó chính là cái giản dị, hồn nhiên mà dân giã, không kém phần thơ mộng, lãng mạn. Chỉ là nói chuyện tương tư nhưng sâu thẳm là nhà thơ đang nhắc tới khát khao tình yêu và hạnh phúc.

Như vậy, Top lời giải đã hướng dẫn các bạn Soạn bài Tương tư nâng cao, hi vọng qua bài soạn này các bạn đã nắm được nội dung của tác phẩm, qua đó có thêm kiến thức cơ bản để học tốt bộ môn Ngữ văn 11 nâng cao. Đừng quên xem thêm các bài Văn mẫu 11 hay nhất của Top lời giải nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021