logo

Soạn Bài Sọ Dừa ngắn gọn (Kết nối tri thức)

Hướng dẫn Soạn Bài Sọ Dừa ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ các câu hỏi trong SGK Ngữ Văn 6 bộ Sách Kết nối tri thức theo chương trình mới.


I. Tìm hiểu tác phẩm Sọ Dừa sách Kết nối tri thức để soạn bài Sơn Tinh Thủy Tinh

1. Bố cục bài Sọ Dừa

- Phần 1 (từ đầu đến “đặt tên là Sọ Dừa”): Sự ra đời của Sọ Dừa

- Phần 2 (tiếp đó đến “phòng khi dùng đến”): Sọ Dừa đi ở cho nhà phú ông, cưới cô út, quay về hình dạng tuấn tú và thi đỗ trạng nguyên.

- Phần 3 (còn lại): Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ vợ chồng.

2. Tóm tắt bài Sọ Dừa 

   Xưa có đôi vợ chồng nghèo lại hiếm muộn con cái. Một lần bà vợ uống nước trong cái vỏ dừa, về nhà có mang, sinh ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn như quả dừa. Toan vứt đi nhưng không nỡ nên bà mẹ giữ đứa bé lại, đặt tên Sọ Dừa. Lớn lên, Sọ Dừa xin mẹ đi chăn bò cho nhà phú ông và cậu chăn bò rất giỏi. Ba cô con gái nhà phú ông thay nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kiêu kì, chỉ có cô út đối đãi tử tế với Sọ Dừa. Một ngày, cô út phát hiện vẻ đẹp con người Sọ Dừa, đem lòng thương yêu. Cuối mùa ở, Sọ Dừa xin mẹ hỏi cưới cô út. Dù bị thách cưới cao, Sọ Dừa vẫn đáp ứng đầy đủ. Sọ Dừa trở về hình dáng một chàng trai tuấn tú đến đón cô út về làm vợ khiến hai cô chị nhà phú ông vô cùng ghen tức. Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên được vua cử đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà đề phòng tai họa. Sọ Dừa đi vắng, hai người chị hãm hại cô út, đẩy cô xuống biển nhằm cướp chồng em. Nhờ những đồ vật chồng đưa, cô út thoát chết, được chồng cứu trên đường đi sứ về. Hai vợ chồng đoàn tụ. Hai cô chị xấu hổ bỏ nhà đi biệt xứ.


II. Hướng dẫn soạn Sọ Dừa sách Kết nối tri thức


1. Trước khi đọc

Câu 1. Đã bao giờ em đánh giá người khác chỉ qua hình thức bên ngoài? Cách đánh giá như vậy có chính xác không?

- Em đã từng đánh giá người khác chỉ qua hình thức bên ngoài.

- Cách đánh giá như vậy là không chính xác.

- Ví dụ: Trên đường đi học về, em nhìn thấy một anh thanh niên nhuộm tóc đỏ, ăn mặc luộm thuộm, cánh tay xăm nhiều hình thù đáng sợ. Em cho rằng đó là một người ăn chơi, xấu xa. Nhưng khi đi đến ngã tư, em nhìn thấy anh ấy đưa một bà cụ sang đường, còn cầm giúp bà túi đồ rất nặng.

Câu 2. Nhan đề văn bản gợi cho em liên tưởng gì?

 Nhan đề “Sọ Dừa” gợi cho em liên tưởng về một nhân vật có ngoại hình khác thường (giống như quả dừa).


2. Đọc văn bản

1. Sự ra đời của Sọ Dừa

- Bà mẹ vào rừng hái củi, khát nước mà không tìm thấy suối, bà uống nước mưa trong cái sọ dừa bên gốc cây to rồi mang thai.

- Bà sinh ra một đứa bé không chân, không tay, tròn như quả dừa nhưng lại biết nói.

→ Sự ra đời kì lạ. Qua đó, đề cập đến những người đau khổ, thấp hèn trong xã hội xưa, vẻ ngoài xấu xí, nhân dân nhận thức sâu sắc về số phận và địa vị xã hội của mình.

2. Sọ Dừa cưới cô út, trở về với hình dạng ban đầu và thi đỗ trạng nguyên

- Tài năng của Sọ Dừa:

   + Chăn bò rất giỏi: ngày nắng cũng như ngày mưa,bò con nào con nấy bụng no căng.

   + Thổi sáo rất hay: thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ.

   + Tự biết khả năng của mình: gì chứ chăn bò cho phú ông thì con cũng làm được, muốn cưới con gái phú ông làm vợ.

→ Tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng Sọ Dừa có bên trong đẹp đẽ.

- Nhân vật cô út:

   + Hiền lành, tử tế, thông minh, biết xử trí kịp thời để thoát nạn, là người đầy tình thương.

   + Cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa vì tính tình hiền lành, tử tế, không phân biệt, xét đoán qua vẻ bề ngoài; cô nhận ra vẻ đẹp bên trong Sọ Dừa, tình yêu chân thành.

- Sọ Dừa lấy cô út:

   + Có đầy đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông.

   + Sọ Dừa trở về hình dạng ban đầu là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú.

- Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên và được cử đi sứ.

→ Mơ ước đổi đời của nhân dân lao động.

3. Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ của vợ chồng Sọ Dừa

- Trong thời gian Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để làm bà trạng

- Nhớ lời dặn của chồng, cô út thoát được chết, dựng lều sống giữa đảo vắng.

- Sọ Dừa gặp lại vợ ở đảo vắng,đón vợ về nhà.

- Kết thúc: hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc, hai cô chị bỏ đi biệt xứ.

→ Mơ ước về một xã hội công bằng, cái thiện chiến thắng cái ác.

4. Ý nghĩa của truyện

- Đề cao, ca ngợi giá trị bên trong của con người → kinh nghiệm khi đánh giá con người: tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

- Đề cao lòng nhân ái.

- Khẳng định niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của sự công bằng.

- Bài học cho bản thân: có lòng yêu thương mọi người, không đánh giá con người bởi vẻ bề ngoài…


3. Sau khi đọc – Trả lời văn bản

Câu 1. Truyện cổ tích thường kể về nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người mang lốt vật...), nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh. Theo em, Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật nào?

Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật bất hạnh (có hình dạng xấu xí).

Câu 2. Sắp xếp lại các sự việc theo đúng trình từ xảy ra trong truyện:

a. Bà mẹ đi hái củi, uống nước trong Sọ Dừa rồi có mang, sinh ra Sọ Dừa dị hình dị dạng.

b. Sọ Dừa chăm lo học hành, đỗ trạng và đi sứ.

c. Sọ Dừa đi sứ về, hết sức vui mừng khi gặp lại vợ trên đảo.

d. Ở nhà phú ông, Sọ Dừa gặp được cô út và kết hôn với cô, trút bỏ lốt xấu xí.

đ. Hai người chị hại em, đẩy vợ Sọ Dừa xuống biển.

e. Nhờ làm theo lời dặn của chồng, người vợ thoát nạn và sống trên đảo hoang.

g. Hai người chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

h. Sọ Dừa xin đi chăn bò ở nhà phú ông để phụ giúp mẹ già.

Sắp xếp: a - h - d - b - đ - e - c - g

Câu 3. Phẩm chất của nhân vật trong truyện cổ tích thường được bộc lộ qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm. Điều này được thể hiện như thế nào qua nhân vật Sọ Dừa?

Phẩm chất của nhân vật Sọ Dừa được bộc lộ qua chuỗi hành động:

- Sau khi lớn lên, Sọ Dừa xin mẹ cho đi chăn bò ở nhà phú ông.

- Cậu chăn bò rất giỏi, con nào con nấy bụng no căng.

- Sọ Dừa học hành chăm chỉ đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ.

- Trước ngày lên đường, chàng đưa cho vợ một con dao, hai quả trứng gà, dặn luôn mang bên người.

=> Những hành động trên thể hiện sự tài năng, thông minh và biết lo xa của Sọ Dừa.

Câu 4. Hãy chỉ ra các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa. Theo em, các yếu tố kì ảo trong truyện này có vai trò gì?

- Các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa:

+ Bà vợ vào rừng hái củi, khát quá mà không tìm thấy suốt. Thấy cái Sọ Dừa đựng đầy nước bèn bưng lên uống.

+ Về nhà, bà có mang, ít lâu sau, sinh ra một đứa bé không chân không tay tròn như một quả dừa.

+ Sọ Dừa không chân không tay, nhưng chăn bò rất giỏi.

+ Đến ngày cưới, Sọ Dừa bỗng trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú.

+ Vợ Sọ Dừa bị một con cá kình nuốt chửng vào bụng. Sẵn có con dao mà Sọ Dừa đưa cho cô rạch bụng nó, con cá chết xác dạt vào hòn đảo.

- Các yếu tố kì ảo có vai trò:

+ Sự đối lập giữa ngoại hình và phẩm chất của Sọ Dừa đ ã đề cao phẩm chất bên trong của con người mới là điều đáng trân trọng, đồng thời thể hiện ước mơ về sự đổi đời của người lao động.

+ Thể hiện ước mơ của nhân dân về sự đổi đời: những người hiền lành, tốt bụng sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.

+ Giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

Câu 5. Xác định đề tài của truyện.

Đề tài: Đề cao vẻ đẹp phẩm chất bên trong của con người.

Câu 6. Cho biết chủ đề của truyện.

Chủ đề: Truyện thể hiện tấm lòng nhân ái với những con người hiền lành, tốt bụng và niềm thương cảm với những con người bất hạnh.

Câu 7. Qua truyện Sọ Dừa, em học gì về cách nhìn nhận, đánh giá con người?

   Qua truyện Sọ Dừa, em học được rằng không nên nhìn nhận, đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài của họ. Điều quan trọng là vẻ đẹp phẩm chất bên trong của con người.


III. Tổng kết bài soạn Sọ Dừa sách Kết nối tri thức

1. Giá trị nội dung bài Sọ Dừa

   Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Nhân vật chính của loại truyện cổ tích này có hình hài dị dạng, thường mang lốt vật, thường bị mọi người xem thường, coi là “vô tích sự”. Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất, tài năng đặc biệt. Cuối cùng, nhân vật trút bỏ lốt vật, kết hôn cùng người đẹp, sống cuộc đời hạnh phúc. Truyện đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh.

2. Đặc sắc nghệ thuật bài Sọ Dừa

- Sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng hoang đường, kì ảo. 

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập.


IV. Dàn ý bài Sọ Dừa sách Kết nối tri thức

1/ Mở bài

   Giới thiệu về truyện cổ tích Sọ Dừa: Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có vô vàn những câu truyện dân gian hay, cảm động và có ý nghĩa, trong số đó có truyện “Sọ Dừa” một câu chuyện với nhiều tình tiết hoang đường đầy ly kỳ nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa cuộc sống nhất là ước mơ của những người nông dân nghèo.

2/ Thân bài

– Sự ra đời của Sọ Dừa:

+ Sọ Dừa ra đời một cách vô cùng huyền bí và li kì với nhiều tình tiết hư cấu, kì ảo.

+ Một bà mẹ đã lâu chưa có con một ngày bà đi làm đồng do khát nước lại thấy nước trong một chiếc sọ dừa liền uống.

+ Về nhà bà có thai sau đó đẻ ra một bé trai không chân và không tay, duy nhất chỉ có mỗi một cái đầu nhìn như sọ dừa, nên cậu bé được đặt là Sọ Dừa. Khi Sọ Dừa lên 7-8 tuổi thì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

- Tấm lòng của một người con hiếu thảo

+ Khi mẹ nói Sọ Dừa rằng nhà càng lúc càng nghèo và không biết lấy gì để nuôi Sọ Dừa nữa, không biết rồi cuộc sống của hai mẹ con ta sẽ ra sao.

+ Sọ Dừa liền nói với mẹ: “mẹ yên tâm con lớn rồi con sẽ đi ở đợ cho nhà phú hộ kiếm tiền nuôi mẹ”.

=> Cho thấy Sọ Dừa tuy là đứa trẻ tật nguyền nhưng lại vô cùng có hiếu, là đứa con ngoan biết giúp đỡ gia đình.

– Hành trình làm cho nhà phú ông và lấy được vợ:

+ Tuy Sọ Dừa mang hình hài xấu xí nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn và hoạt bát, nên khi xin đi ở đợ cho nhà phú ông, ban đầu phú ông không nhận nhưng sau một hồi tính toán thiệt hơn, thấy Sọ Dừa nuôi cơm đỡ tốn nên nhận Sọ Dừa.

+ Sọ Dừa hàng ngày đều đưa trâu đi ăn đồng xa, nhìn con nào con nấy đều béo tốt và khỏe mạnh, phú ông lấy làm mừng lắm, càng tin tưởng Sọ Dừa hơn.

+ Nhà phú ông có ba cô con gái nhưng chỉ có cô út là dịu dàng, nết na, hay nhận việc mang cơm cho Sọ Dừa.

+ Sọ Dừa nói với mẹ mình muốn lấy con gái phú ông, vì thương con mẹ Sọ Dừa cũng qua thưa chuyện. Phú ông lấy làm điều nực cười lắm nhưng không từ chối thẳng thừng mà thách Sọ Dừa mang thật nhiều sính lễ là vàng bạc châu báu thì phú ông mới gả con gái cho.

+ Sọ Dừa vốn dĩ là tiên xuống trần gian để thử lòng con người, vì vậy Sọ Dừa biến được nhiều vàng bạc để làm sính lễ.

=> Hai cô chị nhà phú ông thấy Sọ Dừa xấu xí, khác người thì đã lắc đầu bĩu môi không thèm nhìn, chỉ có mỗi cô út là gật đầu đồng ý. Sau khi lấy được vợ Sọ Dừa trở về hình hài là một chàng trai tuấn tú, thông minh,

- Tinh thần nhân văn, và ước muốn của nhân dân ta:

+ Hình ảnh Sọ Dừa khác người, hình dạng xấu xí, đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, sự thương cảm và lòng ưu ái, cảm thông của nhân ta đối với những số phận thiếu may mắn, bất hạnh, khi sinh ra bị khiếm khuyết.

+ Câu truyện cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người không nên chỉ chú trọng vẻ bên ngoài mà đánh đồng những đức tính bên trong của con người. Sọ Dừa khiếm khuyết nhưng nhiều tài, thông minh, nhanh nhẹn.

=> Vẻ bề ngoài không thể biểu hiện được cả mặt chất và lượng của một con người.

3/ Kết bài:  Ý nghĩ của truyện Sọ Dừa: Qua nhân vật Sọ Dừa nhân dân ta khi xưa muốn ngợi ca tình yêu một tình yêu trong sáng, không hám danh lợi, tình yêu chung thủy, không vì cái ngoại hình bên ngoài mà chia rẽ được tình cảm lứa đôi. Vì tình yêu con người ta có thể vượt qua được tất cả những khó khăn, thử thách. Đó chính là ước muốn, thông điệp của nhân dân qua hình ảnh nhân vật Sọ Dừa.

icon-date
Xuất bản : 11/09/2021 - Cập nhật : 11/10/2022