logo

Soạn bài: Qua Đèo Ngang

Ngoài các bản Soạn Văn 7 ngắn nhất và siêu ngắn, các thầy cô giáo tại TOPLOIGIAI đã biên soạn thêm bản Soạn văn 7 chi tiết để giúp các bạn học sinh hiểu kĩ hơn, sâu sắc hơn nội dung bài học. Cùng tham khảo phần soạn bài Qua Đèo Ngang dưới đây nhé


Tìm hiểu chung tác phẩm Qua Đèo Ngang

Bố cục chung của bài thơ đúng với thể thơ thất ngôn bát cú thường thấy, gồm có 4 phần: đề, thực, luận, kết

- Đề (2 câu đầu): cái nhìn bao quát chung với cảnh sắc xung quanh

- Thực (2 câu tiếp): điểm nhìn miêu tả di chuyển sang cuộc sống của con người

- Luận (2 câu tiếp): thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ

- Kết (2 câu cuối): khắc họa, nhấn mạnh nỗi cô đơn, buồn tủi của nhân vật trữ tình


Soạn bài Qua Đèo Ngang Đọc - Hiểu


Câu 1. Thể thơ

Bài thơ được viết theo thể “Thất ngôn bát cú Đường luật”

Đặc điểm của thể thơ này

- Bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu gồm có 7 tiếng.

- Gieo vần ở tất cả các câu trừ câu 3, 5, 7

- Đối: câu 3 và câu 4; câu 5 và câu 6

- Gồm có 4 phần chủ yếu là: đề - thực – luận – kết


Câu 2. Thời gian miêu tả

Nhà thơ lựa chọn thời điểm hoàng hôn, chiều tà để xây dựng và khắc họa cảnh vật. Đây là thời điểm hay được lựa chọn trong các thơ ca cổ để khắc họa sâu sắc nỗi buồn và đơn côi của con người. Hoàng hôn là thời điểm chim về tổ, con người cũng tất bật trở về sum vầy đoàn tụ với gia đình. Khoảnh khắc này khiến đất trời cảnh sắc bỗng trở nên rộng lớn, tịch mịch hơn. Những con người lang bạt muôn nẻo ngoài kia lại càng thấm thía sự cô liêu hơn. Nói chung, đây là khoảng thời gian gợi buồn, gợi thương da diết nhất.

Liên hệ đến hoàn cảnh của người viết, tác giả dừng chân ở nơi đất khách xa lạ, trong khoảnh khắc chiều tà chợt dâng nỗi cô liêu nên tức cảnh mà sinh tình.


Câu 3. Cảnh sắc ở đèo Ngang

Những chi tiết khắc họa cảnh sắc qua đèo Ngang được thể hiện khá rõ.

- Thời gian: “xế tà” => như đã phân tích ở câu 2, đây là khoảng thời gian khơi gợi nhiều nỗi niềm mà chủ yếu là buồn thương, cô đơn da diết

- Cảnh sắc: có cỏ cây, có hoa lá, có đá => mặc dù có đủ tất cả mọi thứ nhưng trật tự sắp xếp vừa rối bời lại vừa rời rạc. Động từ “chen” thể hiện rất rõ sự không ăn nhập của cảnh. Điều này khiến cho không gian có phần xơ xác và tiêu điều hơn.

- Con người và cuộc sống sinh hoạt:

+ Bóng người xuất hiện trong bức tranh đèo Ngang khá vắng vẻ và thưa thớt, thể hiện qua đảo ngữ “lom khom, lác đác” và các từ “vài, mấy”. Điều này cũng dễ hiểu bây đây là khoảng thời gian mà con người quây quần với nhau và vui vầy bên gia đình. Có mấy người khách tha hương còn đang lỡ bước để làm vui cảnh hơn.

+ Cuộc sống sinh hoạt được khắc họa qua hình ảnh chợ. Chợ là nơi tụ tập đông đúc, xôn xao thậm chí là ồn ào. Đây cũng là biểu tượng cho cuộc sống thường nhật của con người. Tuy nhiên hình ảnh chợ trong bài thơ lại vô cùng heo hút, tiêu điều.

Âm thanh: bức tranh ấy không chỉ có cảnh, có người mà còn có cả âm thanh. Cứ ngỡ là như vậy sẽ giúp cho không gian có thêm sức sống nhưng ngược lại, tiếng kêu của chim cuốc lại chỉ khiến cho vạn vật thêm bi thương và u sầu.


Câu 4. Nhận xét cảnh tượng

Qua những đặc điểm đã phân tích ở câu 3, có thể rút ra được một số nhận xét về cảnh sắc của đèo Ngang thông qua những nét vẽ của Bà huyện Thanh Quan như sau:

- Đây là một bức tranh đẹp nhưng là vẻ đẹp cô liêu và tịch mịch, một vẻ đẹp nhuốm nỗi buồn thương da diết. Cảnh vật có đầy đủ nhưng rời rạch, thiếu sức sống. Nhà thơ bắt nhận được những nét vẽ rất chuẩn từ thiên nhiên và đã dùng ngòi bút tinh tế để lột tả một cách toàn vẹn.

- Không chỉ có thiên nhiên mà con người trong bức tranh đèo Ngang này cũng vô cùng yếu ớt, lẻ loi.


Câu 5. Tâm trạng nhà thơ

- Thể hiện gián tiếp: tả cảnh ngụ tình

Mượn hình ảnh thiên nhiên, cảnh sắc con người ở vùng đất đèo Ngang, nhà thơ muốn thổ lộ tiếng lòng buồn thương nhớ nước, nhớ nhà. Người xưa từng có câu nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh buồn hay cũng chính là tâm trạng con người u uất, nhiều tâm sự nhưng không thể tỏ rõ.

Không chỉ thể hiện qua bức tranh thiên nhiên mà nữ sĩ còn gửi gắm thông qua âm thanh tiếng chim. Điệp âm “con cuốc cuốc”, “cái da da” khiến cho nhịp thơ du dương nhưng lại rất não nề như tiếng thổn thức không nói nên lời. Thủ pháp “lấy động tả tĩnh”, tả âm thanh trên khung cảnh tiêu điều, quạnh quẽ không giúp cảnh vui hơn mà ngược lại còn nhấn mạnh được nỗi đau khắc khoải của mình. Mượn điển tích chim đỗ quyên khóc than mất nước để bày tỏ tâm sự của bản thân trước hoàn cảnh giang sơn loạn lạc, nước mất nhà tan còn mình thì thân gái dặm trường phải xa gia đình,…

- Mô tả trực tiếp cảm xúc: “trời non nước” “một mảnh tình riêng”, “ta với ta”: Trời non nước là cảnh tượng bao la rộng lớn, trong khi tác giả chỉ có một mình nhỏ bé cô đơn, không nơi nương tưa, không chỗ bấu víu. Mảnh tình ấy cũng không biết tỏ cùng ai, chỉ có thể tự mình san sẻ với mình.


Câu 6. “mảnh tình riêng”

Trước khi phân tích về mảnh tình riêng của tác giả, còn đặt trong khung cảnh vô cùng kì vĩ được khắc họa trong câu thứ bảy đấy là “trời non nước”. Khi người lữ khách quá mệt mỏi với chuyến hành trình rong ruổi “dừng chân đứng lại” thì cảnh tượng chờ họ không phải là một mái ấm mà chỉ là “trời non nước”. Cả ba đối tượng này đều vô cùng rộng lớn, vĩ đại, vô cùng vô tận. Đứng trước cái rộng lớn ấy, nhân vật trữ tình nhỏ bé biết bao khi chỉ mang trong mình một “mảnh tình riêng”. Đó là bầu tâm sự khó thể chia sẻ cùng ai. Mảnh tình riêng ấy đại diện cho nỗi lòng nhớ nước thương nhà, thương cho quá khứ vàng son của dân tộc. Mảnh tình riêng ấy là nỗi cô đơn, quạnh quẽ khi phải phiêu bạt nơi xứ người. Mảnh tình riêng ấy còn có thể là cảm xúc buồn thương khi phải chứng kiến sự tiêu điều, xơ xác của cảnh vật. Cô liêu đến mức “mảnh tình riêng” nhỏ bé ấy cũng khó tìm được người chia sẻ, đồng cảm, trái lại chỉ có “ta với ta” tự trải lòng với chính mình.


Soạn bài Qua Đèo Ngang Luyện tập


Câu 1. “Ta với ta”

“ta” là đại từ tự xưng của chính nhà thơ hay nhân vật trữ tình. Quan hệ từ “với” nối liền hai đại từ nhân xưng này khắc họa nỗi cô đơn và buồn tủi của nhà thơ khi mang một bầu tâm sự đứng giữa đất trời rộng lớn, mênh mang mà chẳng tìm được sự sẻ chia và thấu hiểu.

Soạn bài: Qua Đèo Ngang (chi tiết) | Soạn văn 7


Các bài viết liên quan bài Qua Đèo Ngang:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác