logo

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao

Gợi ý Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao hay nhất. Tuyển tập Soạn ngữ văn 11 nâng cao ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ.

Cùng đến ngay với bài soạn Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao dưới đây cùng Top lời giải nhé:


Hướng dẫn Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ Ngữ văn 11 nâng cao

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ Ngữ văn 11 nâng cao

Câu 1: Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ ngiêng về một cảnh sắc, một tâm tình. Hãy nêu nhận xét về sắc thái khác nhau ở mỗi khổ thơ và mạch liên kết giữa các khổ.

Gợi ý:

- Cảnh sắc, tâm tình được thể hiện trong mỗi khổ thơ có một sắc thái riêng. Trong khổ đầu, cảnh hiện lên tươi trong, sắc nét, gieo vào lòng người một cảm xúc nhẹ nhàng, hân hoan. Sang khổ hai, cảnh trở nên bất định, mơ hồ, được bao bọc trong một thứ ánh trăng mơ màng, da diết, biểu hiện nỗi khắc khoải, bất an của một cõi lòng tràn đầy dự cảm về sự chia lìa. Ở khổ cuối, hư thực dường như không còn phân biệt được, khoảng cách dù tương đối giữa ngoại cảnh và nội tâm bị xoá đi và người đọc tưởng như nghe được những tiếng nói trái ngược nhau của một nội tâm đầy bi kịch.

Câu 2: Mỗi khổ thơ trong bài đều chứa đựng câu hỏi. Các câu hỏi ấy đã góp phần tạo nên âm điệu riêng của bài thơ. Âm điệu ấy đã thể hiện mạch tâm trạng gì của tác giả?

Gợi ý:

- Mỗi khổ thơ trong bài chứa đựng một câu hỏi. Những câu hỏi này đã giúp độc giả nhận ra được tiếng nói trữ tình sâu thẳm của bài thơ. Với câu hỏi đầu tiên vốn có dáng dấp của một lời tự nhắc (“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”), ta nghe được niềm xốn xang trong lòng nhân vật trữ tình khi kỉ niệm về Huế, về thôn Vĩ được đánh thức một cách đột ngột. Câu hỏi thứ hai (“Có chở trăng về kịp tối nay ?”) cho thấy nhân vật trữ tình đang dần chìm sâu vào mặc cảm về thân phận và tự thấy mình là kẻ “chậm chân”, “lỡ chuyến” giữa cuộc đời. Câu hỏi xuất hiện cuối bài (“Ai biết tình ai có đậm đà ?”) chứa đựng một chút hoài nghi, một chút trách móc, vừa thoáng vẻ cam chịu vừa nhói lên khát vọng sống khôn cùng.

Câu 3: Hình ảnh "nắng hàng cau nắng mới lên" thật giản dị, cũng thật giàu sức gợi. Hãy dùng những hiểu biết và trí tưởng tượng của mình để cảm nhận và tái tạo vẻ đẹp của hình ảnh ấy.

Gợi ý:

- Khổ thơ đầu giống như một bức tranh tuyệt đẹp về vườn thôn Vĩ. Gây ấn tượng trước hết là hình ảnh hàng cau thẳng vút đang vươn lên để đón nhận những tia nắng đầu tiên, tinh khiết của buổi mai. Tiếp theo, cả khu vườn ửng rạng lên trong một thứ ánh sáng huyền ảo như ngọc. Sau nhành lá trúc, ta thấy thấp thoáng một khuôn mặt chữ điền bình dị, gợi cảm xúc thân thụộc, đầm ấm. Đằng sau lời thơ tả cái mướt của cây lá đẫm sương đêm, ta nghe được một tiếng reo trầm trồ, ngỡ ngàng, thán phục,… Tuy nhiên, bức tranh này cũng đậm màu sắc tượng trưng. Vườn thôn Vĩ thực chất cũng là “vườn mơ ước”, cõi mơ ước của tác giả.

Câu 4: Anh (chị) có cảm nhận gì về ý nghĩa của hai câu thơ: "Gió theo lối gió mây đường mây - Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"?

Gợi ý:

- Xét theo lô gích thông thường, hai câu thơ đầu của khổ hai thật vô lí vì nó diễn tả một điều không xảy ra trong thực tế : gió và mây mỗi thứ đi mỗi đường chứ không phải là gió thổi mây bay, mây cuốn theo chiều gió. Thêm nữa, từ buồn thiu cũng như muốn thông báo về một cái gì khác hơn việc vẽ cảnh dòng nước trôi chậm quạnh hiu. Đặt vào mạch cảm xúc của bài thơ, ta hiểu hai câu này còn muốn gợi lên tình trạng phân rẽ, chia lìa trong cuộc đời, trong tình yêu và tình trạng đó đem lại cho nhân vật trữ tình một nỗi buồn lạ lùng, thảm đạm, không có cách gì làm tan loãng được.

Câu 5: Khổ thơ thứ hai có hai câu: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay?". Chữ "kịp" gợi lên điều gì về mối tâm tư đầy uẩn khúc của tác giả?

Gợi ý:

- Đúng là từ kịp ờ câu “Có chở trăng về kịp tối nay?” mang thông điệp về một số phận, cho dù tác giả có thể không hoàn toàn ý thức được điều này. Nhìn bề ngoài, câu thơ khá “tối nghĩa”, tuy vậy, nó đã biểu đạt được một cách thật “sáng rõ” cảm giác lo âu, bồn chồn, phấp phỏng, nghi ngờ,… đang dấy lên trong lòng nhân vật trữ tình – thứ cảm giác thường đến “làm bạn” với những con người có số phận không may mắn hoặc đau khổ.

Câu 6: Câu thơ "Ai biết tình ai có đậm đà?" có chút hoài nghi. Theo anh (chị), đó là nỗi hoài nghi của sự chán đời hay của niềm tha thiết với cuộc đời? Tại sao? 

Gợi ý:

- Hình ảnh “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một hình ảnh thơ đa nghĩa, gợi nhiều cách lí giải khác nhau. Thực ra, đây không hoàn toàn là một hình ảnh. Đúng hơn, đây là một cảm giác, cảm nhận. Qua nó, dường như nhân vật trữ tình tự thú sự bất lực trong việc thu hẹp khoảng cách giữa mình với những cái gì mơ ước (cũng có thể cái mơ ước đó là cái vốn thân thuộc nhưng bây giờ đã tuột ra khỏi tầm tay). Màu áo trắng kì lạ có thể hiểu là biểu tượng của một cái gì thực sự hiện hữu nhưng lại không thể tri giác được và có sức ám ảnh vô cùng lớn đối với thi nhân.

- Lòng yêu đời không phải bao giờ cũng được diễn đạt theo chiều thuận. Đọc khổ thơ sau cùng ta có thể thấy rõ điều này. Câu hỏi cuối có thoáng qua một ý trách móc, nghi ngờ, giận dỗi (tất nhiên, không phải là sự trách móc, nghi ngờ, giận dỗi đối vói một cá nhân cụ thể nào). Tất cả các cung bậc tình cảm đã nêu không hề nói lên sự lụi tắt của niềm hi vọng. Ngược lại, nó giúp ta nhận ra bản năng sống mạnh mẽ của nhân vật trữ tình – một con người dù lâm vào tình thế bi đát vẫn không thôi tra vấn, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời.

>> Xem thêm: Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn nhất

Sau khi đã cùng Top lời giải trả lời các câu hỏi bài Đây thôn Vĩ Dạ trong chương trình Ngữ văn 11 nâng cao, mời các bạn tham khảo bài văn mẫu phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ sau đây để tìm hiểu chi tiết hơn về tác phẩm nhé


Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ chương trình nâng cao

     Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những tuyệt phẩm mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho nhân gian. Đó là những áng thơ bay bổng và ngọt ngào. Trước khi viết bài thơ thì thi sĩ đã mắc bệnh phong nhưng vẫn mang trong mình nỗi nhớ thương, đau đáu nhớ về quê hương Vĩ Dạ đó là nơi chứa biết bao nhiêu thời gian đẹp đẽ mà nhà thơ đã gắn bó ở đây.

     Xứ Huế chính là quê hương thứ hai của nhà thơ Hàn Mặc Tử khi ông đang còn làm nhân viên sau đó mới chuyển vào Sài Gòn và viết báo. Cố đô Huế hiện lên trong tác phẩm của nhà thơ có biết bao cảnh đẹp trữ tình mà con người nơi đây cũng đẹp đẽ. Huế cũng chính là mảnh đất có đặc trưng trồng rất nhiều cây cau ấy vậy mà trong thơ Hàn Mặc Tử có nói đến:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

     Đó là lời trách mắng dịu dàng và nhẹ nhàng mà khi ai đọc đến cũng có thể đoán được đó chính là lời trách của một cô gái đối với một chàng trai. Nhưng nghe câu nói sao thấy mượt mà nửa dỗi hơn đáng yêu đến vậy! Cô gái trách cứ với chàng trai rằng sao không về chơi thôn vĩ để xem những hàng cau mới mọc lên và được những ánh nắng “rót” vào.

     Những cây cau mọc cao và có lá màu xanh mướt nhìn đã rất đẹp nay lại còn được phủ trên mình những ánh nắng màu vàng óng ả nữa! Ôi chao thật đẹp đúng là một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp chan hòa ánh sáng. Chưa dừng lại ở đó mà khi đọc đến hai câu thơ tiếp theo ta lại được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoàn mỹ đến khó tưởng:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

     Nếu các bạn đã từng đi tham quan ở Huế thì sẽ thấy những mảnh vườn xinh xắn có cỏ và những cây cau mọc bên vườn. Người Huế đơn giản lắm họ chỉ cần sống gần gũi với thiên nhiên mộc mạc mà trữ tình vậy thôi cũng đủ cho ta thấy cuộc sống của họ thật nên thơ và tuyệt đẹp khi họ không cần những tòa nhà cao tầng chọc trời hay những chiếc xe ô tô to lớn, khi vào đến Huế chúng ta mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của ngày xưa được hiện diện như thế nào.

     Đường phố thì đông đúc người qua lại người đi bộ người đi xe đạp không hề ồn ào cũng không hề hấp tấp. Tác giả miêu tả: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” chính là vẻ đẹp của những cây cỏ xanh mướt được những giọt sương sớm đọng lại. Khoảnh khắc ấy đã tuyệt đẹp nay còn đẹp hơn khi có những tia nắng chiếu vào.

     Cảnh vật như hoa lệ và mỹ miều hơn bao giờ hết. Mướt quá chỉ sự vật cỏ cây mọc tốt mà xanh non quá đến nỗi xanh như ngọc. Mà ngọc có màu xanh thể hiện cho màu xanh biếc. Tác giả thật khéo liên tưởng giữa màu xanh của cỏ cây và màu xanh của ngọc. Qua đây ta mới thấy được sự tinh tế cũng như khéo quan sát của nhà thơ Hàn Mặc Tử biết bao.

     Người xứ Huế hiện lên vẻ đẹp trung thực và hiền lành biết bao qua câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Khuôn mặt hình chữ điền chính là sự thể hiện cho phúc hậu, vuông vắn mà toát lên sự hiền lành và đôn hậu của những con người nơi đây. Đến khổ thơ thứ hai thì tác giả đã đặc biệt khắc họa rõ nét hơn về nhịp sống của những con người nơi xứ Huế chậm rãi mà êm ả:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

     Dòng nước chảy chậm đến nỗi mà “buồn thiu” hoa bắp lay động cũng rất chậm. Câu thơ khiến ta cũng liên tưởng tới sự xa cách giữa lối gió một hướng , hướng mấy một hướng. Phải chăng đó chính là sự ly biệt, là đường thẳng song song không bao giờ có điểm chung của mối tình giữa chàng trai Hàn Mặc Tử và cô gái Hoàng Thị Kim Cúc - một cô gái mà ngày xưa nhà thơ đã thầm thương trộm nhớ.

     Và khi đọc đến câu thơ: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay?” khiến người đọc có thể liên tưởng được một thuyền nằm trên mặt sông và nơi đó có cả vầng trăng sáng. Thuyền đi đến đâu như thể chở trăng đi theo đến đó. Liệu thuyền có chở trăng kịp về hay không?

     Khổ thơ cuối chính là tình cảm của tác giả Hàn Mặc Tử dành cho cô gái xứ Huế mà ông vẫn luôn thương thầm được miêu tả cụ thể qua 4 câu thơ cuối:

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

     Tác giả mơ đến một giấc mơ ở đó có người khách lạ mà đó chính là cô gái mà tác giả đang yêu. Áo trắng quá khiến nhà thơ không còn nhận ra được cô gái nữa rồi. Màu áo trắng cũng làm chúng ta dễ dàng liên tưởng đến màu áo trắng của tà dài nữ sinh Huế. Câu thơ lặp từ khách đường xa đến 2 lần càng thể hiện sự sâu lắng và xa lạ giữa nhà thơ với nhân vật mà tác giả nhắc đến.

     Sương và khói đã làm mờ đi hình ảnh của người con gái khiến cho tác giả cảm giác xa xôi, khó gần. Tác giả tự hỏi bản thân mình: “Ai biết tình ai có đậm đà?” không biết liệu rằng cô nàng đó còn nhớ và còn thương Mặc Tử hay không? Đọc xong câu thơ cảm thấy phảng phất nỗi buồn, đó là tình yêu dạt dào của tác giả đơn phương gửi gắm đến một cô gái mà không được đáp trả lại.

Như vậy, Top lời giải đã hướng dẫn các bạn Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao, hi vọng qua bài soạn này các bạn đã nắm được nội dung của tác phẩm, qua đó có thêm kiến thức cơ bản để học tốt bộ môn Ngữ văn 11 nâng cao. Đừng quên xem thêm các bài Văn mẫu 11 hay nhất của Top lời giải nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021