logo

Soạn bài: Chiếc lược ngà (ngắn nhất)

Để đáp ứng được mong muốn của các bạn học sinh có 1 bản Soạn văn 9 ngắn nhất, dễ hiểu nhưng vẫn phải đầy đủ các ý chính, các thầy cô giáo tại TOPLOIGIAI đã biên soạn bài Chiếc lược ngà ngắn nhất theo phương pháp đó. Hi vọng bản soạn văn này sẽ giúp các bạn hiểu bài nhanh chóng hơn.


Tác giả


1. Tiểu sử

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Chiếc lược ngà

- Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký Hội khóa 4.

- Ông mất tại nhà riêng ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 17 giờ ngày 13 tháng 2 năm 2014.


2. Sự nghiệp văn học

- Những năm chống Mĩ, Nguyễn Quang Sáng trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học.

- Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.


Khái quát tác phẩm Chiếc lược ngà 

Soạn bài: Chiếc lược ngà (ngắn nhất) | Soạn văn 9 ngắn nhất – TopLoigiai


Tóm tắt 2

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là anh Sáu và bé Thu. Ông Sáu – một cán bộ kháng chiến xa nhà đã 8 năm. Mãi ông có có 3 ngày nghỉ phép về thăm nhà, nhưng thật buồn là bé Thu – con gái anh lại không nhận ra Ba. Điều khiến bé Thu không nhận ra ba mình là bởi vết sẹo dài trên mặt của anh Sáu khác với hình ảnh ba của bé Thu trong bức ảnh. Đến khi bé Thu nhận ra đó chính là ba của mình, tình cảm cha con trỗi dậy mãnh liệt thì lại là lúc anh sáu phải đi. Nơi chiến khu, anh Sáu dành hết tình yêu thương con gửi gắm vào chiếc lược ngà mà anh làm để tặng bé Thu. Nhưng không may, chiếc lược ngà anh còn chưa kịp gửi người bạn của anh trao lại cho bé Thu thì anh đã hi sinh.


Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến "chị cũng không muốn bắt nó về"): tạo ra tình huống chuyện về sự gặp gỡ của hai cha con đó là trong 3 ngày nghỉ phép của ông Sáu, nhưng con ông lại không nhận ra ông vì vết sẹo dài trên mặt  của ông Sáu.

- Phần 2 (tiếp theo đến "vừa nói vừa từ từ tuột xuống"): Lúc bé Thu nhận ra ông Sáu chính là ba của mình, nhưng lúc đó cũng là lúc hai cha con phải chia tay

- Phần 3 (đoạn còn lại): Trở lại chiến trường, ông Sáu dốc hết tâm sức làm chiếc lược để tặng con, nhưng chưa kịp trao tận tay cho con thì ông đã hi sinh.


Soạn bài: Chiếc lược ngà (ngắn nhất)


Câu 1 (trang 202 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)

Tác giả đã tạo nên các tình huống để khơi dậy để nhân vật bộc lộ tình cảm cha con sâu sắc là:

- Tình huống 1: anh Sáu được nghỉ phép 3 ngày sau những năm tháng dài kháng chiến, nhưng bé Thu, con gái anh lại không nhận ra ba của mình .

- Tình huống 2: Ngày cuối cùng ở lại nhà, đến lúc anh Sáu phải đi, thì bé Thu mới nhận ba mình, tình cảm cha con trỗi dậy mãnh liệt,  nhưng đành phải chia tay trong bao lưu luyến.

- Tình huống 3:Tại chiến khu, anh Sáu dốc hết tâm sức và tình yêu thương làm chiếc lược ngà tặng con gái, nhưng chưa kịp trao tận tay con thì anh đã hi sinh.


Câu 2 (trang 202 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)

Diễn biến tâm lí của bé Thu trong lần gặp ba cuối cùng:

- Trước khi chưa nhận ra ba:anh Sáu cố gần thì bé Thu lại càng lạnh nhạt, chính vết thẹo trên má của ông Sáu làm khuôn mặt anh Sáu khác đi so với bức ảnh mà ba mẹ bé Thu chụp chung với nhau

- Khi nhận ra đó chính là ba mình: bé thu thay đổi thái độ và kêu thét lên. Chạy tới hôn tóc, hôn cổ,  hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa. Nó dang hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, đôi vai của nó run run. Dường như những yêu thương dồn nén, nỗi nhớ ba suốt những năm tháng xa ba bây giờ mới được bộ phát trong bé Thu.

⇒ Qua diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu, tác giả đã thể hiện thành công tính cách nhân vật bé Thu, mạnh mẽ, dứt khoát và có tình yêu thương cha sâu sắc.     


Câu 3 (trang 202 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)

Tình cảm yêu thương con của anh Sáu được thể hiện qua những chi tiết sau:

- Mong ngóng ngày về để gặp bé Thu, có thể yêu thương vỗ về con, nhưng lại buồn và hụt hẫng khi bé Thu không nhận ra mình, sợ và bỏ chạy.

- 2 hôm ở nhà, anh Sáu cố gắng gần gũi làm thân với con, nhưng càng thân bé Thu càng lạnh nhạt, không kìm nén được cảm xúc, anh Sáu đã đánh mắng con.

- Đến hôm phải đi, anh sáu đua khổ, bất lực khi muốn ôm con mà sợ con phản kháng nên lại thôi.

- Sung sướng và hạnh phúc vỡ òa khi nghe con gái gọi một tiếng Ba

- Dành hết tâm sức và tình yêu thương để làm chiếc lược ngà tặng con, nhờ người bạn trao chiếc lược cho con gái trước lúc hi sinh.

⇒ Qua nhân vật anh Sáu chúng ta thấy được ở anh không chỉ là một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất mà còn có tình yêu thương con vô bờ bến.


Câu 4 (trang 202 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)

- Truyện được kể theo lời trần thuật của nhân vật “tôi” – Bạn anh Sáu

- Cách chọn vai kể như vậy giúp cho cách kể chuyện mang tính khách quan, toàn cảnh, người kể chuyện có thể đánh giá, nhận xét được một cách tổng thể những hành động, tâm lí nhân vật.


Luyện tập

Câu 1 

Thái độ và hành động của bé Thu, có sự trái ngược nhưng cũng nhất quán trong tính cách của nhân vật. 2 ngày đầu, do chưa nhận ra đó là ba của mình, nên bé Thu có những hành động lạnh nhạt, lảng tránh ba, bới vết thẹo trên mặt anh Sáu làm bé Thu nghĩ đó không phải ba mình vì khác với hình ảnh khi chụp với mẹ bé Thu. Nhưng đến hôm cuối cùng khi nghe bà giải thích, bé Thu đã nhận ra và tình yêu thương dành cho ba bộc lộ ra một cách mạnh mẽ. dù thế nào đi chăng nữa, bé Thu vẫn luôn mong chờ ba, mong được ba yêu thương vỗ về và được ôm chầm lấy ba, đó là tình cha con thiêng liêng không thể nào chối bỏ được.

Câu 2 

Vào buổi sáng cuối cùng ba tôi ở nhà, họ hàng hai bên nội ngoại đều đến rất đông để tiễn ba trở lại chiến khu, tôi cũng theo ngoại về nhà. Tôi đứng một góc tường rồi lén nhìn mọi người bên ngoài. Sau khi tôi hiểu ra qua lời giải thích của bà tôi biết người đàn ông đó chính là bố tôi, là người bố mà suốt 8 năm xa nhà tôi mong ngóng được yêu thương vỗ về. Tôi muốn chạy đến gọi một tiếng ba nhưng lại ngại ngùng xấu hổ. Rồi, bỗng ba tôi bước đến chào tạm biệt tôi, tôi như cảm nhận được rằng đây có thể là ngày cuối cùng tôi được gặp ba. Tôi bắt đầu có những cảm giác sợ hãi, nỗi nhớ ba luôn thường trực trong tôi và tôi không thể kìm nén được nữa, tôi hét to “ba…a…a…ba!” Tôi ôm cổ ba, hôn tóc, hôn má hôn lên cả vết sẹo trên mặt ba, tôi níu ba lại mà khóc thút thít. Ba vừa ôm tôi vừa vội ruýt chiếc khăn ra lau nước mắt, cái hôn nhẹ của ba đặt lên mái tóc tôi và bảo “ba đi rồi ba sẽ về với con”. Giây phút này phải chia tay tôi càng cảm thấy hối hận về những hành động của mình trước đó. Tôi mếu máo nói với ba “ba về! ba mua cho con một chiếc lược ngà nghe ba!”. Trong lòng tôi biết rằng, cây lược chỉ là cái cớ để tôi muốn ba về, tôi muốn ba về với tôi, để có thể yêu thương vỗ về, để bù đắp lại những ngày tháng xa cách của hai cha con.


Kiến thức mở rộng bài chiếc lược ngà


1. Tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí:

  – Truyện xoay quanh hai nhân vật: ông Sáu và bé Thu. Tham gia kháng chiến, ông Sáu bị thương, vết thương để lại trên khuôn mặt ông một vết thẹo lớn. Vì vết thẹo ấy, trong lần về thăm nhà ông Sáu đã phải chịu nỗi đau tinh thần: đứa con gái ông hằng thương nhớ, khát khao gặp mặt suốt bảy năm đằng đẵng lại vì vết thẹo mà không chịu nhận cha mặc dù lần gặp con này là cơ hội gần gũi, yêu thương duy nhất của ông vì ông chuẩn bị tập kết ra Bắc, không biết khi nào quay lại.

– Đó là một tình huống bất ngờ, éo le mà tự nhiên, hợp lí:

+ Bé Thu đã lâu ngày không gặp cha. Hình ảnh của người cha trong tâm trí nó chỉ được khắc ghi qua tấm ảnh đã cũ rồi. Người cha trong nó hiền lành lắm! Còn ông Sáu, với vết thẹo dữ dằn kia, khác người đàn ông trong ảnh quá!

+ Điều này gây bất ngờ với bé Thu vì gương mặt ông Sáu giờ đã quá xa lạ. Và phản ứng không nhận cha của Thu cũng gây bất ngờ cho ông Sáu bới nó hoàn toàn trái ngược với những mong muốn và tưởng tượng của ông Sáu về cuộc đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách. Nhưng nó cũng rất tự nhiên, hợp với tâm lí, tình cảm của một đứa trẻ thơ.

+ Tình huống càng trở nên éo le, khiến người đọc phải hồi hộp theo dõi từng trang truyện vì thời gian ông Sáu ở nhà không nhiều và dù chỉ còn một ngày nữa, đứa bé vẫn quyết không nhận cha.

– Có thể coi đó là tình huống thử thách, thử thách để con nhận cha, cha chứng minh với con. Qua tình huống này, tình cha con sâu nặng và cao đẹp càng được thể hiện rõ nét hơn.

=>Tình huống truyện giúp nhà văn thể hiện rõ nét tình thương con sâu sắc của anh Sáu và nét tính cách đặc biệt của bé Thu:

- Trong phút đầu gặp lại con sau nhiều năm xa cách, anh Sáu đã không kìm được nỗi vui mừng nhưng trớ trêu, đáp lại sự vồ vập của anh, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh.

- Trong ba ngày ngắn ngủi, anh Sáu càng muốn được gần con, khao khát được nghe con gọi tiếng “ba” thì bé Thu càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách và kiên quyết không gọi anh là ba.

- Cách ứng xử của bé Thu với anh Sáu như vậy chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba. Trong giờ phút chia tay, tình cảm sâu sắc của bé Thu đối với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, bùng ra thật mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt.

- Tình cảm của anh Sáu đối với bé Thu được biểu hiện tập trung và sâu sắc lúc anh ở khu căn cứ. Lời dặn của con đã thúc đẩy anh nghĩ đến việc làm chiếc lược ngà cho con. Có chiếc lược, anh nguôi ngoai nỗi nhớ con và càng mong sớm gặp lại con. Nhưng anh đã hi sinh khi chưa kịp trao tận tay món quà ấy cho con gái.


2. Tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ chiến tranh:

Tình cảm cha con được thể hiện qua cả hai nhân vật, đặc biệt là nhân vật ông Sáu. Tác giả không chú ý đến khắc họa phần anh hùng trong cuộc đời ông Sáu mà chỉ chú trọng khắc họa chân dung người cha với những tình cảm sâu sắc, cao đẹp và những nỗi đau, bất hạnh trong cuộc đời ông.

Soạn bài: Chiếc lược ngà (ngắn nhất)

Nhân vật bé Thu

  – Ban đầu, khi ông Sáu mới về, bé Thu không chịu thừa nhận cha: không chịu vâng lời ông Sáu nói, không gọi “ba”, nói trống không, hất miếng trứng cá mà ông Sáu gắp cho nó ra khỏi bát, bỏ sang nhà ngoại khi giận ông Sáu…

– Sau khi được bà ngoại giải thích cặn kẽ, bé Thu mới hiểu ra đó là ba mình. Tiếng thét của bé Thu “Ba…a…a…ba!” chứa đựng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ và sự ân hận. Cô bé nhất định “không cho ba đi nữa”,“hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”…

– Lớn lên, Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm, cùng tham gia kháng chiến, tiếp bước con đường của cha cô, để lí tưởng của cha còn sáng mãi. Hai cha con quả “đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Nhân vật ông Sáu

* Người cha những ngày ở nhà:

–  Tâm trạng háo hức, niềm xúc động khi được gặp con: cái thẹo trên má anh đỏ ửng lên, giần giật; giọng run run.

– Nỗi đau khổ khi bị con gái cự tuyệt: mặt sầm lại trông rất đáng thương, hai tay buông xuống như bị gãy.

– Cố gắng tìm mọi cách để chuyện trò, vỗ về con: gắp trứng cá cho con.

– Cơn giận và việc đánh con cũng xuất phát từ nỗi đau khổ của một người cha bị con cự tuyệt.

– Phút chia tay, niềm hạnh phúc khi được bé Thu gọi “ba” khiến anh bật khóc.

* Người cha ở chiến khu:

–  Bao nhiêu tình cảm yêu thương, nhớ nhung ông dồn vào việc làm chiếc lược ngà, món quà kỉ niệm ông đã hứa tặng con gái ngày ra đi: “Lúc rảnh rỗi anh ngồi cưa từng chiếc răng lược cho đến khi hoàn thành, những đêm nhớ con anh lấy cây lược ra ngắm nghía”.

–  Chiếc lược ngà đối với ông là vật kỉ niệm, vật mang tâm hồn, chứa đựng biết bao tình thương, nỗi nhớ của ông đối với con gái yêu. Chiếc lược là niềm an ủi, động viên ông ttrong những ngày tháng gian khổ. Có thể nói, chiếc lược ngà là biểu tượng tình cảm cha con – một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng và bất diệt.

–  Bị thương nặng, chỉ đến khi gửi lại chiếc lược ngà lại cho bạn với lời nhắn nhủ sẽ trao tận tay bé Thu, ông mới yên lòng nhắm mắt.


3. Giá trị nội dung

- Đoạn trích truyện Chiếc lược ngà đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.


4. Giá trị nghệ thuật

- Tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc biệt là nhân vật trẻ em.

Các bài viết liên quan truyện Chiếc lược ngà:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác