logo

Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ

Hướng dẫn lập Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ lớp 8 ngắn gọn nhất. Tổng hợp loạt bài Sơ đồ tư duy Ngữ Văn 8 chi tiết, đầy đủ, ngắn gọn bám sát nội dung tác phẩm sách giáo khoa Ngữ văn 8.


Giới thiệu tác giả, tác phẩm trước khi vẽ Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ

I. Đôi nét về tác giả Nguyên Hồng

- Nguyên Hồng (1918- 1982), tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng

- Quê quán: Nam Định

- Cuộc đời và sự ngiệp sáng tác

   + Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7

   + Năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ Vỏ"

   + Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957

   + Năm 1980 cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế"

   + Những tác phẩm tiêu biểu: Bỉ vỏ, Trời xanh, Sóng ngầm, Khi đứa con ra đời,…

- Phong cách sáng tác: Ông được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ

II. Đôi nét về tác phẩm Trong lòng mẹ

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Trong lòng mẹ là chương thứ IV của tác phẩm Những ngày thơ ấu (gồm 9 chương), tập hồi kí về tuổi thơ ít niềm vui, nhiều cay đắng của tác giả.

2. Tóm tắt

   Bé Hồng sinh ra là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa người bố nghiện ngập và người mẹ trẻ trung luôn khao khát có được tình yêu thương nhưng đành ngậm ngùi chôn vùi tuổi xuân bên người chồng nghiện ngập. Khi bố Hồng mất, người mẹ bỏ hai anh em Hồng lại để đi tha hương cầu thực, anh em Hồng luôn sông trong sự ghẻ lạnh của nhà nội. Nhất là bà cô, luôn gieo rắc vào đầu Hồng những rấp tâm tanh bẩn để Hồng ghét bỏ mẹ của mình. Nhưng Hồng không những không ghét mẹ mà còn thông cảm và yêu mẹ nhiều hơn, em căm thù những hủ tục đã đày đọa mẹ mình. Chiều hôm đó khi vừa tán học, em thoáng thấy bóng dáng mẹ, em liền gọi theo với hi vọng và giọng bối rối. Khi mẹ em quay đầu lại, Hồng sà vào lòng mẹ, trong lòng mẹ, Hồng chẳng còn mảy may đến những lời nói thâm độc của bà cô mà chỉ cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, chan chứa.

3. Giá trị nội dung

- Đoạn văn “Trong lòng mẹ” trích hồi kí “ Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng và tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh, đáng thương của mình

4. Giá trị nghệ thuật

- Lời văn nhẹ nhàng, tình cảm, giàu hình ảnh và chan chứa cảm xúc

- Mạch truyện, mạch cảm xúc tự nhiên, chân thực

- Kết hợp lời văn kể chuyện với miêu tả, biểu cảm

- Khắc họa thành công hình tượng nhân vật bé Hồng thông qua lời nói, hành động, tâm trạng sinh động chân thật.


Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ - Mẫu số 1

Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ lớp 8 ngắn gọn nhất


Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ - Mẫu số 2

Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ lớp 8 ngắn gọn nhất (ảnh 2)


Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ - Mẫu số 3

Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ lớp 8 ngắn gọn nhất (ảnh 3)


Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ - Mẫu số 4

Sơ đồ tư duy bài Trong lòng mẹ lớp 8 ngắn gọn nhất (ảnh 4)


Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Trong lòng mẹ

     Nguyên Hồng là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam. Ông để lại số lượng tác phẩm tương đối phong phú và giàu giá trị. Ông là nhà văn của những người cùng khổ, đồng cảm và có tình yêu thương tha thiết với họ, bênh vực và bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp trong họ. Những ngày thơ ấu là tập hồi kí tiêu biểu cho phong cách Nguyên Hồng: giản dị, chân thành, đậm chất trữ tình. Trong lòng mẹ thuộc chương thứ IV của tác phẩm, thể hiện tình yêu thương sâu sắc của bé Hồng với mẹ.

     Bé Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cha mất sớm, mẹ vì cùng túng phải đi tha phương cầu thực. Hồng sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của bà cô. Dù xa mẹ nhưng cậu luôn nhớ và yêu thương mẹ, khao khát có ngày được gặp lại mẹ. Tình yêu thương đó được thể hiện trong cuộc đối thoại với bà cô và khi bất ngờ được gặp lại mẹ.

     Trong tác phẩm gồm hai nhân vật: bà cô, bé Hồng. Qua ngôn ngữ, cử chỉ và tâm trạng của mỗi nhân vật ta thấy được những nét tính cách tiêu biểu, cảm xúc của các nhân vật.

     Trước hết bà cô là một người thâm hiểm, độc ác. Trước tình cảnh của Hồng, bà ta “Cười hỏi: Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?”. Là cười hỏi chứ không phải vì lo lắng, quan tâm mà hỏi, bà ta là kẻ bên ngoài ngọt ngào, yêu thương mà bên trong thực chất là kẻ độc ác, thâm hiểm. Không chỉ vậy từng hành động, lời nói của bà ta còn mang ý xúc phạm đến mẹ bé Hồng, đặc biệt hai chữ “em bé” kéo dài thể hiện rõ sự độc ác, tính toán của bà ta. Trước sự kháng cự yếu ớt của bé Hồng, bà cô tiếp tục cười rồi kể chuyện mẹ Hồng gầy gò, ốm yếu, chật vật với cuộc sống ra sao. Những lời lẽ thâm độc này nhằm làm bé Hồng tổn thương, khiến Hồng oán hận mẹ. Bé Hồng càng đau đớn bao nhiêu thì bà cô càng sung sướng thỏa mãn bấy nhiêu. Bà ta là kẻ độc ác, tàn nhẫn, thích thú khi nhìn người khác đau khổ. Với hình thức đối thoại theo trình tự tăng tiến, người đọc ngày càng thấy rõ sự độc ác của bà cô. Khi nỗi đau của bé Hồng bị đẩy lên cùng cực, bà cô mới “ngậm ngùi”: “Mấy lại rằm tháng tám này là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày cũng còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ”, sự ngậm ngùi lại càng cho thấy rõ hơn bản chất chơ trẽn, xảo trá của mụ. Bà cô là kẻ độc ác, thâm hiểm, đại diện cho những định kiến hẹp hòi, tàn nhẫn với người phụ nữ trong xã hội cũ.

     Bé Hồng là nhân vật chính của đoạn trích, thể hiện tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Trước hết là trong cuộc đối thoại với bà cô. Khi nghe bà cô hỏi, là một đứa bé nhạy cảm Hồng nhận ra ngay ý cay độc sau giọng nói và nét mặt “rất kịch” của bà cô. Cậu thầm nghĩ về mẹ và không đáp lại lời bà cô, trong lòng cậu vẫn có một niềm tin mãnh liệt chắc chắn thế nào mẹ cũng về, cậu trả lời bà cô mà lòng thắt lại, khóe mắt đã bắt đầu cay cay. Rồi liên tiếp bị những lời lẽ bà cô dồn ép, nước mắt cậu chảy ròng ròng, vì thương mẹ, cũng vì đau đớn khi mẹ đã giấu mình sinh em bé. Hai chữ “em bé” như bóp nghẹt trái tim nhỏ bé, non nớt của cậu. Bé Hồng cười dài trong tiếng khóc. Giận dữ vì những hủ tục đã đầy đọa mẹ mình và ước chúng là những vật hữu hình như đầu mẫu gỗ, hay cục thủy tinh mà nhai, mà cắn cho nát vụn mới thôi. Cậu bé đau đớn, xót xa trước những lời gièm pha, xúc xiểm với người mẹ bất hạnh của bà cô. Hồng là một người mang trái tim nhân hậu, có niềm tin và tình yêu thương mẹ sâu sắc.

     Tình yêu đó được thể hiện rõ hơn khi Hồng bất ngờ gặp lại mẹ. Bỗng thấy bóng dáng quen thuộc, cậu vội vàng chạy theo: gọi bối rối, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, ríu cả chân lại. Hàng loạt động từ đã cho thấy khao khát gặp mẹ mãnh liệt của Hồng. Khi biết đó chính là mẹ, cậu bé òa khóc nức nở. Đây là những giọt nước mắt bị dồn nén bấy lâu nay, là những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải những giọt nước mắt phẫn uất, đau đớn tủi hổ: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Cậu nằm trong lòng mẹ và cảm nhận hơi ấm từ mẹ sang mình.

     Hình ảnh mẹ trong cảm nhận của Hồng thật gần gũi, thân quen lại vừa có gì đó mới mẻ, lạ lẫm: “vạt áo nâu”, “gương mặt tươi sáng với đôi mắt trong” vẫn thật ấm áp, quen thuộc. Nhưng từ hơi quần áo đến hơi thở của mẹ đều “thơm tho lạ thường”. Những cảm giác của tình mẫu tử bao lâu nay mất đi thì bỗng lại mơn man khắp da thịt: “để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Lúc này chỉ còn tình mẹ con, tình mẫu tử thiêng liêng tồn tại còn bao nhiêu lời nói, ý nghĩ cay độc của bà cô đều tan biến hết thảy.

     Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình qua việc xây dựng tình huống, ngôn ngữ và cử chỉ của nhân vật. Nghệ thuật tăng tiến độc đáo, sự độc ác của bà cô ngày càng tăng lên thì cùng với đó tình yêu thương, sự bảo vệ của bé Hồng với mẹ cũng ngày một nhiều hơn. Những hình ảnh so sánh độc đáo, thể hiện được cung bậc cảm xúc, tình yêu thương mẹ mãnh liệt của bé Hồng. Câu chuyện đậm chất trữ tình được thể hiện rõ qua tình huống, nội dung và ngôn ngữ kể chuyện giàu cảm xúc, đầy chất thơ.

     Chỉ với một phần trích ngắn ngủi nhưng cũng đủ để người đọc cảm nhận được tình cảm mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc mà bé Hồng dành cho mẹ. Không chỉ vậy tác phẩm còn thể hiện niềm cảm thông, lên án những hủ tục phong kiến đã đẩy người phụ nữ vào con đường bất hạnh, cùng cực.

Trên đây là Sơ đồ tư duy Trong lòng mẹ do Top lời giải tổng hợp và biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt bộ môn Văn. Tham khảo thêm nhiều bài Văn mẫu 8 được cập nhật liên tục tại toploigiai.vn em nhé.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021
/* */ /* */
/*
*/