logo

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Hướng dẫn lập Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh lớp 9 ngắn gọn nhất. Tổng hợp loạt bài Sơ đồ tư duy Ngữ Văn 9 chi tiết, đầy đủ, ngắn gọn bám sát nội dung tác phẩm sách giáo khoa Ngữ văn 9.


Tóm tắt về tác giả, tác phẩm trước khi vẽ Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Giới thiệu về Tác giả Lê Anh Trà

1. Tiểu sử

- Lê Anh Trà (1927 – 1999)

- Quê: xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông vừa là một nhà quân sự vừa là một nhà văn – nhà văn hóa.

- Trong kháng chiến chống Pháp, Lê Anh Trà từng giữ cương vị Chủ tịch liên đoàn Văn hóa Cứu quốc ở Quảng Ngãi. Đồng thời giữ những vai trò quan trọng trong một số tờ báo cổ động Cách mạng như biên tập báo “Tiến hóa”, Thư ký tòa soạn báo “Cứu quốc”.

- Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ cương vị cán bộ liên hiệp đình chiến liên khu 5 – cán bộ Ban thống nhất TW và Tổng biên tập tạp chí “Văn hóa nghệ thuật”.

- Lê Anh Trà đã được trao tặng những giải thưởng cao quý như:

+ Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì

+ Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất

+ Huy hiệu chiến sĩ văn hóa....

2. Sự nghiệp văn học

* Tác phẩm chính

- Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Anh Trà là:

+ Giáo dục thẩm mỹ và xây dựng con người mới Việt Nam (1982)

+ Đường vào văn hóa (1993)

+ Hồ Chí Minh, tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ (1997)

+ Phong cách Hồ Chí Minh

Đôi nét về Tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

1. Xuất xứ

-  “Phong cách Hồ Chí Minh” được rút trong bài “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái cao cả” của Lê Anh Trà.

- In trong cuốn sách “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” do Viện Văn hóa xuất bản năm 1990.

2. Bố cục ( 3 phần )

- Phần 1 (từ đầu đến “rất hiện đại”) : Con đường hình thành phong cách Hồ Chí Minh

- Phần 2 (tiếp theo đến ... “hạ tắm ao”): Những nét đẹp trong lối sống của Hồ Chí Minh.

- Phần 3 (còn lại): Bình luận và khẳng định ý nghĩa của phong cách Hồ Chí Minh

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

* Giá trị nội dung

- Vẻ đẹp của Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa thanh cao và giản dị.

* Giá trị nghệ thuật

- Kết hợp đan xen nhiều phương thức biểu đạt: thuyết minh, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục,  dẫn chứng được chọn lọc vừa cụ thể, vừa tiêu biểu, lại chính xác và toàn diện.

- Vận dụng các hình thức so sánh, các biện pháp nghệ thuật đối lập.


Cách vẽ sơ đồ tư duy môn văn đẹp và hiệu quả nhất

Để vẽ sơ đồ tư duy môn Văn hiệu quả, bạn cần chú ý các bước quan trọng sau:

- Tạo ý tưởng chính (ý tưởng trung tâm) cho bài

- Tạo các nhánh cho bản đồ tư duy

- Thêm các hình ảnh trong sơ đồ

Mindmap như một phương thức trực quan và hiệu quả trong việc ghi nhớ những tác phẩm, những ý chính trong văn học, chúng được dùng để thay thế rất hiệu quả cho những con chữ dài lê thê trong Văn học

Ngoài ra, bạn cũng nên thêm thắt những hình ảnh gợi nhớ trong Mindmap môn Văn. Khi sử dụng hình ảnh có tác dụng kích thích thị giác khiến não bộ tiếp nhận thông tin nhanh hơn, qua đó giúp bạn tiết kiệm thời gian học bài mà vẫn không quên các nội dung chính cần nhớ.


Sơ đồ Tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 1

 

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh lớp 9 ngắn gọn nhất

Mẫu số 2

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 3

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 4

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 5

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 6

Sơ đồ tư duy bài Phong cách Hồ Chí Minh

Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

Mẫu số 1

     “Phong cách Hồ Chí Minh” được rút trong bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của Lê Anh Trà in trong cuốn sách “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam, năm 1990. Bài viết trên đã trình bày hai luận điểm để chứng minh cho nét đẹp trong phong cách của Bác Hồ.

     Luận điểm thứ nhất mà người viết nêu lên là tầm sâu rộng vốn tri thức văn hóa của Hồ Chí Minh. Do đâu mà có vốn tri thức văn hóa ấy? Hồ Chí Minh có một cuộc sống phong phú, sôi nổi. Người “đã tiếp xúc” với văn hóa nhiều nước ở phương Đông và phương Tây. Người “đã ghé lại” nhiều hải cảng, “đã thăm” các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người “đã sống dài ngày” ở Anh, ở Pháp. Lúc làm bồi, lúc cuốc tuyết, lúc làm nghề rửa ảnh. Chế Lan Viên cũng đã có lần viết:

“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể,

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi

Những đất tự do, những trời nô lệ

Những con đường cách mạng đang tìm đi”.

                               (Người đi tìm hình của nước)

     Người “nói và viết thạo” nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh, Hoa, Nga. Không phải là lắm tiền đi du lịch mà trái lại cuộc đời Người “đầy truân chuyên”. Người “đã làm nhiều nghề”, và đặc biệt là “đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm”. Hồ Chí Minh “đã tiếp thu” mọi cái hay cái đẹp của các nền văn hóa và “đã nhào nặn” tới cái gốc văn hóa dân tộc đã thấm sâu vào tâm hồn mình, máu thịt mình, nên đã trở thành “một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”. Cách lập luận chặt chẽ, cách nêu luận cứ xác đáng, lối diễn đạt tinh tế của Lê Anh Trà đã tạo nên sức thuyết phục lớn.

     Luận điểm thứ hai mà tác giả đưa ra là lối sống rất bình dị của Hồ Chí Minh. Lê Anh Trà đã sử dụng 3 luận cứ (nơi ở, trang phục, cách ăn mặc) để giải thích và chứng minh cho luận điểm này. Cái “cung điện” của vị Chủ tịch nước là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc bên trong cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Trang phục của Người “hết sức giản dị” với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp “thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn”. Cách ăn uống cũng “rất đạm bạc”: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa, đó là “những món ăn dân tộc không chút cầu kì”. Những luận cứ mà người viết nêu ra không có gì mới. Nhưng Lê Anh Trà đã viết một cách chân thực mà đầy thân tình.

Phần còn lại, tác giả đã bình luận phong cách Hồ Chí Minh. So sánh với cuộc sống của một vị lãnh tụ, một vị tổng thống, một vị vua hiền, rồi ông ngạc nhiên khẳng định Hồ Chí Minh đã “sống đến mức giản dị và tiết chế như vậy”. Lê Anh Trà “bất giác nghĩ đến”, liên tưởng đến Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích dẫn hai câu thơ của Trạng Trình: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá - Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” để đi tới ca ngợi nếp sống giản dị và thanh đạm của Hồ Chí Minh, của các vị danh nho không phải là “tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời” mà là “lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc, thanh cao cho tâm hồn và thể xác”.

     Tóm lại, Lê Anh Trà đã lập luận một cách chặt chẽ, nêu lên những luận cứ xác thực, chọn lọc, trình bày khúc chiết với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, ngợi ca Bác Hồ: “Nhà văn hóa lớn, nhà đạo đức lớn, nhà cách mạng lớn, nhà chính trị lớn đã quyện chặt với nhau trong con người Hồ Chí Minh, một con người rất giản dị, một con người Việt Nam gần gũi với mọi người”.

     Đọc bài viết của Lê Anh Trà, chúng ta học tập được bao điều tốt đẹp về phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Mẫu số 2

“Phong cách Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Anh Trà được trích từ bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Với lời văn dung dị nhưng hết sức lôi cuốn, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp giản dị trong phong cách của Bác. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giản dị mà vẫn vô cùng thanh cao.

Tác phẩm được chia làm hai phần rõ ràng: phần thứ nhất đề cập tới sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm nên phong cách Hồ Chí Minh, phần thứ hai là vẻ đẹp văn hóa trong phong cách của Bác. Các phần này liên kết chặt chẽ với nhau, làm nổi bật lên vẻ đẹp phong cách trong con người, tâm hồn Bác.

Trước hết, vẻ đẹp trong phong cách của Bác là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chúng ta đều biết rằng năm 1911, Bác rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình tìm đường cứu nước Bác đã đến nhiều nơi, tiếp xúc văn hóa của nhiều nước bao gồm cả phương Đông và phương Tây. Đến bất cứ nơi nào Bác cũng chăm chút, tỉ mỉ quan sát. Nhưng sự học hỏi của Bác không phải là bắt chước mà là sự học hỏi có chọn lọc. Bác lựa chọn những gì tinh túy nhất, hay nhất để học cho mình. Tinh hoa văn hóa nhân loại - “những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông”. Như vậy ta có thể thấy, phong cách của Bác là sự kết hợp hài hòa giữa cái mới mẻ, hiện đại của nhân loại nhưng cũng rất truyền thống của dân tộc ta. Chính bởi sự kết hợp hài hòa, hòa nhập mà không hòa tan ấy tạo nên những nét đặc biệt trong phong cách Hồ Chí Minh.

Để làm rõ hơn những nét đẹp trong phong cách của Bác, phần còn lại của tác phẩm tập trung vào các khía cạnh trong lối sống của Người để làm nổi bật vẻ đẹp phong cách ấy. Thời điểm lúc bấy giờ, Bác là người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng nơi ở và nơi làm việc lại hết sức đơn sơ, giản dị. Đó là một căn nhà sàn gỗ nhỏ, được chia làm vài phòng khác nhau. Ngôi nhà đơn sơ ấy nằm cạnh một hồ ao sen, quả thật chẳng khác gì làng quê Việt Nam. Có lẽ không thể tìm ở bất cứ đâu trên thế giới này “cung điện” của một vị lãnh tụ lại mộc mạc đến vậy. Điều đó càng cho thấy rõ hơn sự giản dị trong phong cách của Bác. Trang phục, tư trang của Bác cũng hết sức ít ỏi: “bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ, tư trang ít ỏi, chỉ là chiếc va li con với vài ba bộ quần áo”. Đó là những trang phục, tư trang hết sức bình thường mà bất cứ người nào cũng có. Không chỉ vậy, bữa cơm của Bác không có sơn hào hải vị, không có những món cầu kỳ mà chỉ là bữa ăn hết sức đạm bạc: cá kho, rau luộc, cà muối, cháo hoa. Dường như mọi sinh hoạt của Bác từ miếng ăn đến giấc ngủ chẳng khác gì một người dân bình thường. Vẻ đẹp đó đã từng được nhà thơ Việt Phương ghi lại qua những câu thơ hết sức chân thực:

“Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn quả cà xứ Nghệ
Không thích nói to và đi rất khẽ cả trong vườn”

Là một vị chủ tịch nước, phải gánh trong mình trọng trách lớn lao nhưng đời sống vật chất của Bác lại tối giản ở mức tối đa, để con người được sống giản dị, mộc mạc, hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng cái đẹp giàu có, vô tận của thiên nhiên nên có thể thấy đây là lối sống vô cùng thanh cao. Cuộc sống của Bác phản chiếu chiều sâu văn hóa. Nó bắt nguồn từ quan điểm sống đẹp đẽ, lành mạnh, đó là cái đẹp nằm trong sự dung dị, gần gũi, và rất đỗi đời thường.

Từ lối sống của Bác tác giả liên tưởng đến các vị danh nho xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm để thấy được nét tương đồng và khác biệt giữa Bác và họ. Bác và các vị hiền triết đều mang trong mình những nét giản dị, thanh cao, cuộc sống tuy đạm bạc mà không khắc khổ, hòa mình vào thiên nhiên để di dưỡng tinh thần. Nhưng giữa Bác và các vị hiền triết vẫn có những điều khác biệt. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là con người sống ở thời trung đại, nên những gì ông tiếp thu thuần túy là văn hóa dân tộc, văn hóa Nho giáo. Còn Bác sống trong thời hiện đại, lại được đi và tiếp xúc văn hóa nhiều nước nên phong cách của Bác là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa truyền thống với tinh hoa văn hóa nhân loại.

Văn bản có sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và nghị luận: đan xen lời kể và lời bình luận của người viết khiến bài văn trở nên sâu sắc, thuyết phục hơn. Để nói về phong cách của Bác, tác giả đã lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu: cái nhà, lối sống. Ngoài ra còn phải kể đến cách tác giả dùng từ Hán Việt, dẫn chứng thơ cổ gợi sự gần gũi giữa Bác Hồ với các bậc hiền triết. Sự kết hợp hài hòa các yếu tố nghệ thuật đó đã làm bật lên nét giản dị và thanh cao của Bác.

Bài viết của Lê Anh Trà đã cho ta thấy vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, vĩ đại và bình dị. Để từ đó ta càng thêm kính yêu Bác và học tập theo gương giản dị, thanh cao ngời sáng của Bác.


Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh chi tiết

1. Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào ? Vì sao Người lại có được vốn tri thức sâu rộng như vậy ?

- Vốn kiến thức sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh :

+ Nói được nhiều thứ tiếng : Pháp, Anh, Hoa, Nga,...

+ Làm nhiều nghề

+ Học hỏi đến mức uyên thâm

- Người có được vốn kiến thức sâu rộng đến vậy vì:

+ Người đã đi nhiều, tiếp xúc nhiều

+ Lao động để học hỏi

+ Tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nước ngoài, dám phê phán, khen ngợi; nhưng tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn không bị xói mòn.

2. Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?

- Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới nơi con người của Bác

- Lối sống của Bác, của một vị "vua", nhưng lại rất bình dị và rất đỗi đời thường, như phong cách sống đạo đứa, giống với phong cách sống của những bậc hiền tiết ngày xưa: vua Nghiêu, vua Thuấn,...

3. Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp hài hòa giữa thanh cao và giản dị ?

- Giản dị:

+ Nơi ở và làm việc: đơn sơ và giản dị: nhà sàn nhỏ bằng gỗ với vài căn phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ. Đồ dùng đơn sơ => Nơi sống không thể tưởng với tư cách là "vua" của một nước, là một vị Chủ tịch, một nhà lãnh đạo cao cả.

+ Trang phục: hết sức giản dị, ít ỏi: bộ quần áo bà ba nâu, áo trấn thủ, đôi dép lốp.

+ Ăn uống: đạm bạc: những món ăn dân tộc không một chút cầu kỳ như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.

- Thanh cao:

+ Không phải lối sống khắc khổ của con người tự vui trong cảnh nghèo khó

+ Không phải cách thần thánh hóa làm cho khác đời, hơn đời

+ Cách sống của Người như một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại cuộc sống thanh cao cho tâm hồn và thể xác.

4. Cảm nhận về những điểm đã tạo nên vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh:

- Con người Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, trọn vẹn giữa truyền thống văn hóa dân tộc với văn hóa tinh hoa nhân loại. - Lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam của Bác gợi cho ta nhớ đến các vị hiền triết trong lịch sử như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn với lối sống giản dị, thanh cao: “Ao cạn vớt bèo cấy muống Đìa thanh phát cỏ ương sen”. Hay Nguyễn Bỉnh Khiêm với lối sống thanh bạch: “Thu ăn măng thúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 23/06/2022