logo

Sơ đồ tư duy Bắc sơn

Hướng dẫn lập Sơ đồ tư duy Bắc sơn lớp 9 ngắn gọn nhất. Tổng hợp loạt bài Sơ đồ tư duy Ngữ Văn 9 chi tiết, đầy đủ, ngắn gọn bám sát nội dung tác phẩm sách giáo khoa Ngữ văn 9.


Đôi nét về tác phẩm Bắc Sơn

1. Tác giả

Nguyễn Huy Tưởng (sinh năm 1912)

- Quê quán: làng Dục Tú, từ Sơn, bắc Ninh nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng

+ Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.

+ Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới

+ Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996

- Tác phẩm tiêu biểu: Bốn năm sau, An Tư công chúa, Truyện Anh Lục…

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Vở kịch Bắc Sơn được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác và đưa lên sân khấu vào đầu năm 1946 trong không khí sôi sục của những năm đầu cách mạng.

b. Bố cục

Vở kịch gồm 5 hồi. Đoạn trích đưa vào Sgk là hai lớp của hồi 4:

- Lớp I (tóm tắt): Đối thoại giữa vợ chồng Thơm và Ngọc. Mâu thuẫn giữa hai người, Thơm dần dần nhận ra con người thật của Ngọc. Cô đau xót và ân hận.
- Lớp II: Thơm - Thái - Cửu: Giới thiệu tình huống kịch, tạo điều kiện cho mâu thuẫn, xung đột phát triển. Thái - Cửu, hai cán bộ , chiến sĩ cách mạng chạy chốn, tình cờ trong lúc bối rối chạy vào nhà Thơm và cô quyết định cho hai người trốn ở buồng ngủ của mình.
- Lớp III: Thơm - Ngọc: Ngọc đột ngột về nhà, Thơm tìm cách giấu chồng qua câu chuyện, càng bộc lộ tâm trạng mâu thuẫn, day dứt trong lòng Thơm. Một mặt dù nhận ra bản chất phản động của Ngọc, đã quyết định che giấu hai cán bộ cách mạng, mặt khác Thơm vẫn chưa đủ cương quyết để hành động...
c. Giá trị nội dung

Đoạn trích thể hiện những xung đột diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng, làm nổi bật vẻ đẹp và sự chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Thơm.

d. Giá trị nghệ thuật

Tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống kịch: tình huống éo le, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển, tác giả đã tổ chức được các đối thoại với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch.


Cách vẽ sơ đồ tư duy môn văn đẹp và hiệu quả nhất

Để vẽ sơ đồ tư duy môn Văn hiệu quả, bạn cần chú ý các bước quan trọng sau:

- Tạo ý tưởng chính (ý tưởng trung tâm) cho bài

- Tạo các nhánh cho bản đồ tư duy

- Thêm các hình ảnh trong sơ đồ

Mindmap như một phương thức trực quan và hiệu quả trong việc ghi nhớ những tác phẩm, những ý chính trong văn học, chúng được dùng để thay thế rất hiệu quả cho những con chữ dài lê thê trong Văn học

Ngoài ra, bạn cũng nên thêm thắt những hình ảnh gợi nhớ trong Mindmap môn Văn. Khi sử dụng hình ảnh có tác dụng kích thích thị giác khiến não bộ tiếp nhận thông tin nhanh hơn, qua đó giúp bạn tiết kiệm thời gian học bài mà vẫn không quên các nội dung chính cần nhớ.


Sơ đồ tư duy Bắc sơn - Mẫu số 1

Sơ đồ tư duy Bắc sơn

Sơ đồ tư duy Bắc sơn - Mẫu số 2

Sơ đồ tư duy Bắc sơn

Bài văn mẫu phân tích vở kịch Bắc sơn


Mẫu số 1

     Nguyễn Huy Tưởng là một nhà viết kịch tài ba của Việt Nam, ông đã để lại rất nhiều vở kịch hay, có giá trị về nội dung cũng như tư tưởng như vở kịch “Vĩnh biệt cửu trùng đài”… nhưng tác phẩm kịch mở đầu cho sự nghiệp sáng tác kịch về đề tài chiến tranh phải kể đến vở kịch “Bắc Sơn”, đây là vở kịch viết về đề tài cách mạng, qua đó cũng thể hiện được nhiều xung đột kịch được nhà văn hé mở và giải quyết một cách khéo léo và cuối cùng, qua những xung đột ấy đã khắc họa được thành công vẻ đẹp của nhân Thơm, người đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, bỏ qua những tình cảm cá nhân mà một lòng đi theo và ủng hộ Cách mạng.

     Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc hồi bốn của vở kịch “Bắc Sơn”. Ở trong hồi này, nhân vật trung tâm của những xung đột và hành động kịch xoay quanh cuộc đối thoại của hai nhân vật Thơm và Ngọc. Và cuối cùng, sau sự đấu tranh nội tâm dữ dội cùng với sự day dứt,đau khổ khôn nguôi thì Thơm cũng quyết định đi theo và tin tưởng cách mạng, một lòng ủng hộ phong trào Bắc Sơn, đứng về phía Cách mạng thay vì bênh vực người chồng đầu gối tay ấp nhưng lại là tên Việt gian bán nước của mình. Ta có thể thấy qua tác phẩm quyết định này của Thơm không hề dễ dàng chút nào, và xoay quanh bao nhiêu xung đột kịch thì Nguyễn Huy Tưởng cũng đã giải quyết một cách khéo léo, để cho nhân vật Thơm đi theo cách mạng cũng là tư tưởng, lòng tin của ông dành cho cuộc khởi nghĩa này.

     Cái tạo nên sự hấp dẫn của các vở kịch không chỉ là những nhân vật kịch, tình huống kịch mà còn là những xung đột kịch mà các nhà viết kịch khéo léo lồng vào, tạo ra sự đấu tranh của các nhân vật sau đó thì gỡ nút thắt của những xug đột kịch ấy bằng những giải quyết, những lựa chọn sáng suốt, qua đó để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật kịch cũng như thể hiện được ý niệm, quan điểm của nhà văn trong đó. Trong vở kịch Bắc Sơn, cụ thể ở hồi mười bốn này thể hiện được những xung đột kịch gay cấn, đẩy nhân vật Thơm vào những sự đau khổ, day dứt và cuối cùng phải đưa ra những lựa chọn đầy khó khăn, theo ai và bỏ ai, theo chồng phản Cách mạng hay theo cách mạng mà phản bội lại tình cảm vợ chồng.

     Thơm là con gái của cụ Phương và là chị gái của Sáng, đây là hai người chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết mình chiến đấu trong phong trào Bắc Sơn, họ là những người anh hùng thực sự. Nhưng thật éo le thay khi Thơm cũng là vợ của Ngọc, một tên Việt gian bán nước, vì tiền bạc, lợi ích cá nhân mà Ngọc đã phản bội lại Cách mạng, hắn ta đầu hàng giặc, làm tay sai cho chúng. Hắn cũng là tên chỉ điểm cho bọn thực dân Pháp địa điểm làng Vũ Lăng, là nơi tập trung, là căn cứ điểm của phong trào Bắc Sơn, cũng vì sự phản bội này mà bao nhiêu người yêu nước đã bị hắn gián tiếp sát hại, phong trào cách mạng lao đao bởi sự truy lùng dáo diết của quân Pháp.

     Như vậy, ta có thể thấy ngay phần đầu thì nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt Thơm vào những xung đột, nhưng điều đáng nói là Thơm không hề biết bộ mặt thật của Ngọc, không biết chồng mình là một tên Việt gian bán nước mà vẫn một lòng yêu thương cũng như tin tưởng chồng. Vì vậy, trước những hành động và lời nói đáng nghi ngờ của Ngọc cùng với những dự cảm bất an về con người thật của chồng thì Thơm đã có những đấu tranh nội tâm gay gắt, đó cũng là khi xung đột kịch được bắt đầu. Tình huống mà Thơm biết rõ về sự thật nghiệt ngã về Ngọc, đó là khi Ngọc dẫn người truy bắt hai chiến sĩ cách mạng là Thái và Cửu.

     Nhưng trùng hợp thay, Thái và Cửu lại chạy trốn, ấp nấp vào trong chính ngôi nhà của Thơm và Ngọc, trong cuộc truy bắt, Ngọc đã có cuộc đối thoại với Thơm, ở đây thì xung đột chính thức diến ra. Dù đã nghe rất nhiều lời không hay về Ngọc nhưng với tấm lòng của một người vợ thủy chung, luôn yêu thương, tin tưởng chồng thì Thơm vẫn không tin rằng chồng mình là kẻ bán nước. Trong cuộc đối thoại với chồng, Thơm đã nảy sinh những nghi ngờ, che giấu cho Thái và Cửu. Nhưng những hoài nghi của Thơm đều bị cho những lời lẽ ngon ngọt của Ngọc làm cho lung lay, Ngọc nới với Thơm rằng Thái và Cửu là những kẻ mật thám, và mình cũng không phải kẻ phản bội. Khi ấy Thơm đã vô cùng bấn loạn, cô không biết phải suy nghĩ sao cho đúng, mặc dù không muốn tin là chồng là kẻ bán nước nhưng linh tính lại mách bảo những điều ngược lại. Đây chính là xung đột đầu tiên của vở kịch.

     Xung đột thứ hai của vở kịch, đó là khi Thơm quyết định tin và đi theo Cách mạng, xung đột này diễn ra giữa ba nhân vật, đó chín là Thơm, Cửu và Thái. Trước sự lưỡng lự của Thơm, Cửu đã rút súng định bắn thơm vì cho rằng Thơm cũng giống như tên việt gian bán nước chồng mình, nhưng lúc đó Thái đã ngăn cản kịp thời, chính hành động của Thái ấy đã tác động, cảm hóa đến Thơm, cô quyết tâm ủng hộ cách mạng, dùng lời nói của mình để đánh lạc hướng chú ý của Ngọc đến Cửu và Thái, bảo vệ những người chiến sĩ Cách mạng ấy.

     Như vậy, vở kịch “Bắc Sơn” là một vở kịch viết về đề tài chiến tranh, với những tình huống, xung đột kịch mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xây dựng, chân dung của con người Cách mạng đã xuất hiện rõ nét, đứng trước những sự lựa chọn khó khăn, cuối cùng Thơm vẫn theo và tin tưởng cách mạng, gác bỏ tình cảm cá nhân mà theo tình cảm đất nước. Đây cũng là nhân vật tư tưởng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, thể hiện được lòng tin của nhà văn vào Cách mạng.


Mẫu số 2

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh - Hà Nội. Ông bắt đầu viết văn từ trước 1945. Sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đề cao tinh thần dân tộc và giàu cảm hứng lịch sử. Từ sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn chủ chốt của nền văn học cách mạng. Văn bản Bắc Sơn được trích từ vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng, viết về cuộc đấu tranh giữa những người dân yêu nước, ủng hộ cách mạng với những kẻ phản động, bán rẻ lương tâm, sẵn sàng quỳ gối làm tay sai cho giặc thời cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước.

Các sự việc trong đoạn trích này diễn ra chủ yếu ở gia đình Thơm - Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần dần nhận ra bộ mặt phản bội của Ngọc. Cô vô cùng đau xót, ân hận. Thái và Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu và cứu thoát.

Trong một vở kịch, tình huống đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó thúc đẩy nhanh diễn biến sự việc, buộc các nhân vật phải hành động, qua đó bộc lộ tính cách, phẩm chất cũng như tư tưởng, quan điểm... Xung đột kịch trong hồi bốn được bộc lộ qua tình huống hết sức căng thẳng. Ngọc dẫn bọn lính đi lùng bắt cán bộ và du kích. Thái và Cửu bị Ngọc và đồng bọn đuổi bắt lại chạy đúng vào nhà Ngọc. Tình huống ấy buộc Thơm phải có sự lựa chọn dứt khoát: hoặc là để cho Ngọc bắt cán bộ thì được yên thân, hoặc là che giấu họ ngay trong nhà mình thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Bằng việc che giấu cho hai người, Thơm đã đứng hẳn về phía cách mạng.

Sự xuất hiện của hai người cán bộ cách mạng ở Lớp II đã đẩy mâu thuẫn kịch phát triển theo một chiều hướng khác. Trong hoàn cảnh bị địch truy bắt, lòng tin của những người cán bộ cách mạng đối với quần chúng nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến sinh mệnh của mỗi người, rộng hơn nữa là liên quan đến sự thành bại của cách mạng.

Trong lớp kịch này, sức hấp dẫn từ nhân vật Thơm không phải là cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, cũng không ở sự đắn đo nên che giấu hay khai báo việc hai người cán bộ đang ở trong nhà mình. Khi Cửu và Thái mới xuất hiện, Thơm có hoảng hốt nhưng chủ yếu là do bị bất ngờ. Qua phút hốt hoảng ban đầu, Thơm đã quyết bảo vệ hai người cán bộ. Cô không băn khoăn đến mối nguy hiểm khi cả gan che giấu cán bộ cách mạng mà chỉ lo lắng vì không biết bảo vệ họ như thế nào. Hoàn cảnh bức bách đã làm bật lên hành động cao đẹp của một quần chúng yêu nước. Cô nhanh trí đẩy họ vào buồng trong (theo phong tục của nhiều dân tộc thiểu số, gian buồng là nơi cấm kị đối với người lạ). Bằng cách táo bạo ấy, cô đã khiến cho Ngọc không mảy may nghi ngờ.

Ở Lớp III, tính chất khốc liệt và éo le của hoàn cảnh đã đẩy mâu thuẫn kịch phát triển đến đỉnh cao. Một bên là Thơm, người đã cả gan vượt khỏi tập tục, chống lại chồng, che giấu cán bộ cách mạng ngay trong buồng nhà mình. Một bên là Ngọc, đang trong cuộc vây bắt cán bộ để lập công với kẻ thù. Ngọc hoàn toàn không biết những người cán bộ mà hắn rắp tâm truy bắt để lập công lại đang ở ngay trong buồng nhà mình. Hắn nấn ná ở lại, không chịu đi ngay chỉ vì ham quấn quýt với người vợ trẻ đẹp của mình.

Hoàn cảnh trớ trêu đó đã làm cho tính kịch được tô đậm. Ngọc chỉ vô tình nhưng hắn càng nấn ná thì Thơm lại càng sốt ruột. Diễn biến tâm lí của nhân vật diễn ra khá phức tạp, có thể hình dung theo các giai đoạn: Ban đầu, Thơm giả bộ ngọt ngào với chồng, lại còn tỏ ra ân hận về những lời nói không phải với chồng trước đó, mục đích để Ngọc không nghi ngờ gì. Khi biết lối ra vườn đã vô tình bị chặn (do đồng bọn của Ngọc đợi hắn ngoài đó), Thơm cố tình nói to lên để cán bộ biết mà đề phòng, không ra theo lối ấy. Thơm tìm cách đẩy chồng đi để nhanh chóng giải thoát cho hai người cán bộ. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với thái độ của Thơm ban đầu (cố giữ chồng ở nhà). Mặc dù tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng rất may là Ngọc không nhận thấy sự bất thường đó có nghĩa gì.

Trong lớp này, mọi lời nói, hành động của Ngọc chỉ vô tình nhưng sự vô tình đó lại làm cho vở kịch thêm hấp dẫn. Người nghe, người xem hồi hộp theo dõi mọi lời nói, hành động của nhân vật Thơm. Thơm ở trong tình cảnh rất khó xử: nếu đẩy chồng đi lộ liễu quá sẽ làm cho hắn nghi ngờ. Nếu giữ chồng lại như ban đầu, biết đâu hắn chẳng ở lại thật, như thế hai người cán bộ sẽ gặp phải nguy hiểm. Bởi vậy, một mặt Thơm phải khéo nói dựa theo những lời của chồng khiến hắn không nghi ngờ gì, mặt khác lại phải tìm cách đẩy hắn đi thật nhanh. Lòng tin và quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng đã khiến Thơm trở nên nhanh trí, chính xác trong lời nói cũng như việc làm. Cô không những đã cứu cho hai người cán bộ khỏi bị địch bắt mà còn mang đến cho họ lòng tin vào sức mạnh của quần chúng.

Trong hồi bốn, Ngọc đã bộc lộ đầy đủ bản chất cua một tên Việt gian bán nước. Vốn chỉ là một anh nho lại có địa vị thấp kém, Ngọc nuôi tham vọng ngoi lên để thoảm mãn lòng ham muốn địa vị và tiền bạc. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Ngọc đã rắp tâm làm tay sai cho giặc. Hắn dẫn quân Pháp về đánh Vũ Lăng - căn cứ của lực lượng khởi nghĩa, sau đó lại ra sức truy lùng những người cách mạng, đặc biệt là Thái và Cửu. Tuy Ngọc cố che giấu nhưng dần dần bản chất xấu xa của Ngọc đã bị lộ ra, điều đó càng thúc đẩy Thơm dứt khoát đứng về phía cách mạng.

Trong hổi bốn, Thái và Cửu chỉ là những nhân vật phụ, xuất hiện trong chốc lát. Bị giặc truy đuổi, lại chạy nhầm vào chính nhà tên Ngọc nhưng Thái đã hết sức bình tĩnh, sáng suốt, đồng thời rất tin tưởng vào sự ủng hộ của quần chúng, ngay cả khi đó là vợ cua rmột tên Việt gian. Khác với Thái, Cửu có phần nôn nóng, thiếu chín chắn. Anh nghi ngờ Thơm, thậm chí còn định bắn cô...Việc tác giả xây dựng những tính cách vừa đối lập vừa khác biệt ấy cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hành động kịch, đồng thời tạo được sức cuốn hút đối với bạn đọc.

Tuy mâu thuẫn chưa được đẩy đến mức gay gắt, quyết liệt nhưng đoạn trích (và tác phẩm nói chung) đã tạo nên được sức hấp dẫn lớn đối với người đọc, người xem bởi nó đã đặt ra và giải quyết được những vấn đề lớn của cách mạng: đó là mối quan hệ giữa cách mạng và nhân dân, là lòng tin của người cán bộ cách mạng vào tình cảm yêu nước cũng như lòng nhiệt tình cách mạng của quần chúng. Vở kịch đã chứng minh rằng: khi đã được nhân dân tin yêu và bảo vệ, những người chiến sĩ cách mạng có thể vượt qua bất cứ trở ngại, khó khăn nào.

Trên đây là Sơ đồ tư duy Bắc sơn do Top lời giải tổng hợp và biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt bộ môn Văn. Tham khảo thêm nhiều bài Văn mẫu 9 được cập nhật liên tục tại toploigiai.vn em nhé.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 23/06/2022