logo

Quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học trong hoạt động giáo dục và dạy học


Câu hỏi: Quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học trong hoạt động giáo dục và dạy học

Trả lời:

* Quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh thường gồm 6 bước chính như sau:

Quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học trong hoạt động giáo dục và dạy học

Nội dung cụ thể của các bước trong quy trình trên được thể hiện như sau:

- Bước 1: Thu thập thông tin của học sinh: Giáo viên quan tâm tìm hiểu thông tin liên quan đến học sinh (điểm mạnh, điểm yếu; mối quan hệ với thành viên trong gia đình, bạn bè; thói quen và lực học; tiền sử bệnh tật; sở thích…) và vấn đề các em đang gặp phải, từ nhiều nguồn khác nhau (bản thân học sinh, cha mẹ/người chăm sóc, bạn thân, anh/chị em…).

- Bước 2: Liệt kê các vấn đề/ khó khăn của học sinh: Sau khi thu thập thông tin từ nhiều nguồn, giáo viên cần có một danh sách các vấn đề mà học sinh đang gặp phải, trong đó xác định những vấn đề chính/nghiêm trọng và những vấn đề phụ/ít nghiêm trọng, có thể là hệ quả của vấn đề chính. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phân loại đâu là vấn đề khách quan (do những người khác không phải học sinh nói ra) và đâu là vấn đề chủ quan (do học sinh tự nói ra).

- Bước 3: Xác định vấn đề của học sinh: Trên cơ sở danh sách các vấn đề được xác định từ bước 2, giáo viên tiến hành thảo luận với đồng nghiệp hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn để xác định vấn đề chính của học sinh, đồng thời lí giải nguyên nhân, điều kiện duy trì và phát triển vấn đề của các em.

- Bước 4: Xây dựng kế hoạch tư vấn, hỗ trợ học sinh

Kế hoạch tư vấn, hỗ trợ cần có các nội dung sau: 

1. Mục tiêu: Kế hoạch tư vấn, hỗ trợ cần xác định mục tiêu dài hạn cần đạt được sau khi kết thúc tư vấn, hỗ trợ và mục tiêu theo từng giai đoạn ứng với các vấn đề ưu tiên. Lưu ý là khi xây dựng kế hoạch, giáo viên và cán bộ tâm lí học đường (chuyên trách hay kiêm nhiệm) nên hỏi ý kiến học sinh xem các em mong muốn điều gì nhất; 

2. Hướng hỗ trợ/tư vấn: Nêu các hướng hỗ trợ với các giải pháp thay thế cụ thể để học sinh lựa chọn thực hiện. Lưu ý, khi đưa ra các hướng tư vấn, hỗ trợ cần chỉ rõ dựa trên các nguyên tắc hỗ trợ và tư vấn nào? (nguyên tắc bảo mật, nguyên tắc tôn trọng học sinh, nguyên tắc không phán xét, nguyên tắc giành quyền tự quyết cho học sinh, nguyên tắc trung thực và trách nhiệm); 

3. Nguồn lực: Dự kiến các nguồn lực để thực hiện các phương án thay thế trên như mời chuyên gia, ban giám hiệu hay bố mẹ...

4. Sử dụng kênh thông tin, phối hợp với gia đình trong hỗ trợ, tư vấn cho học sinh: Dự kiến hoặc chỉ rõ những kênh thông tin nào có thể sử dụng và phối hợp với gia đình trong việc hỗ trợ, tư vấn cho từng trường hợp cụ thể; 

5. Lưu ý: Mỗi trường hợp thực tiễn khi tư vấn, hỗ trợ, cần được quản lí bằng hồ sơ với mã số riêng.

- Bước 5: Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh: Giáo viên trực tiếp tiến hành các hỗ trợ cần thiết như: quan tâm, động viên, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất, kết nối nguồn lực và tư vấn cung cấp thông tin cũng như tư vấn tâm lí để giúp học sinh nhận diện, đối mặt với khó khăn của bản thân và chủ động thay đổi để giải quyết vấn đề từ đó nâng cao kĩ năng ứng phó với tình huống trong tương lai.

- Bước 6: Đánh giá kết quả tư vấn, hỗ trợ học sinh: Sau thời gian hỗ trợ, tư vấn học sinh theo mục tiêu đề ra, giáo viên nên tổng kết lại những kết quả đạt được và những điều chưa làm được, lí giải nguyên nhân và hướng khắc phục cũng như đề xuất cho những người liên quan.

*  Lưu ý: Với những học sinh gặp khó khăn ở mức độ thấp, đơn giản thì quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh có thể được rút gọn thành 4 bước cơ bản, gồm:

+ Bước 1: Xác định khó khăn cơ bản mà học sinh đang gặp phải;

+ Bước 2: Tìm hiểu nguyên nhân (hoặc những nguyên nhân) dẫn đến khó khăn đó và xác định nguyên nhân chính;

+ Bước 3: Dự kiến các biện pháp có thể thực hiện. Lựa chọn biện pháp khả thi và huy động các lực lượng có liên quan cùng tham gia tư vấn, hỗ trợ học sinh.

+ Bước 4: Theo dõi sự tiến bộ của học sinh sau khi thực hiện biện pháp tư vấn, hỗ trợ.

* Nhìn chung, vấn đề mấu chốt của việc phân tích trường hợp thực tiễn là xác định vấn đề chính - nguyên nhân - biện pháp tư vấn, hỗ trợ. Do đó, tùy vào mức độ khó khăn mà học sinh đang gặp phải và các nguồn lực hỗ trợ thực tế mà giáo viên có thể thực hiện việc phân tích trường hợp thực tiễn một cách linh hoạt, miễn là đảm bảo được vấn đề mấu chốt trên, mà không nhất thiết phải đi theo tất cả các bước trong quy trình.


Tìm hiểu về các hoạt động giáo dục và dạy học

Hoạt động là sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng, nhằm biến đổi đối tượng theo mục tiêu mà chủ thể đặt ra. Quá trình chủ thể tác động vào đối tượng nhằm tạo ra sản phẩm.

Hoạt động giáo dục là dưới tác động chủ đạo của thầy giáo, người học chủ động thực hiện hoạt động nhằm lĩnh hội tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, phát triển trí tuệ, hình thành thế giới quan khoa học và phẩm chất, nhân cách.

Luật Giáo dục năm 2005 đã ghi: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Nguyên lý giáo dục là nguyên tắc chung, phương pháp tổng quát của hoạt động giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục tất cả các cấp đều phải vận hành hệ thống giáo dục theo nguyên lý này. Các chương trình bộ môn, kế hoạch dạy – học đều phải được xây dựng theo nguyên tắc chung đó.

Chương trình môn học, hoạt động giáo dục là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình môn học là cơ sở để biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập cho môn học. Cùng với Chương trình tổng thể, Chương trình môn học còn là căn cứ để biên soạn nội dung giáo dục địa phương và xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Mục tiêu chung của giáo dục phổ thông là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 22/04/2024