1. Phương pháp là gì?
- Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội, ví dụ: phương pháp biện chứng, phương pháp so sánh thực nghiệm.
- Phương pháp là hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó, ví dụ: phương pháp học tập, làm việc có phương pháp.
Theo phạm vi ảnh hưởng, có thể phân phương pháp thành các cấp độ sau:
- Phương pháp riêng (ngành): là các phương pháp chỉ sử dụng trong các ngành riêng biệt. Mỗi khoa học đều có các phương pháp đặc thù, chỉ sử dụng riêng trong ngành mình, không thể sử dụng cho ngành khác; ví dụ: ẩn dụ, thậm xưng, … trong văn học; log, tích phân, … trong toán học.
- Phương pháp chung: là các phương pháp có thể được áp dụng trong nhiều ngành khác nhau; ví dụ: quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học, xác suất thống kê, …
- Phương pháp chung nhất: là các phương pháp có thể sử dụng cho tất cả các ngành khoa học, đó là phương pháp của triết học.
2. Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật về phương pháp
Chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật đối lập với nhau trong quan niệm về nguồn gốc của phương pháp.
– Chủ nghĩa duy tâm coi phương pháp là những quy tắc do lý trí con người tự ý đặt ra để tiện cho nhận thức và hành động. Do đó, đối với họ, phương pháp là một phạm trù thuần túy chủ quan.
– Trái lại, chủ nghĩa duy vật biện chứng coi phương pháp có tính khách quan, mặc dù phương pháp là của con người, do con người tạo ra và được con người sử dụng như những công cụ để thực hiện mục đích nhất định.
Phương pháp gắn liền với hoạt động có ý thức của con người. Không có phương pháp tồn tại sẵn trong hiện thực và ở ngoài con người. Nhưng như vậy không có nghĩa phương pháp là một cái gì tùy ý, tùy tiện.
Phương pháp là kết quả của việc con người nhận thức hiện thực khách quan và từ đó rút ra những nguyên tắc, những yêu cầu để định hướng cho mình trong nhận thức và trong hành động thực tiễn tiếp theo. Những quy luật khách quan đã được nhận thức là cơ sở để con người định ra phương pháp đúng đắn.
Sức mạnh của phương pháp là ở chỗ trong khi phản ánh đúng đắn những quy luật của thế giới khách quan, nó đem lại cho khoa học và thực tiễn một công cụ hiệu quả để nghiên cứu và cải tạo thế giới.
3. Phân loại phương pháp
Có rất nhiều loại phương pháp khác nhau. Có thể phân chia phương pháp thành phương pháp nhận thức và phương pháp hoạt động thực tiễn, phương pháp riêng, phương pháp chung và phương pháp phổ biến.
Các phương pháp trên đây khác nhau về nội dung, về mức độ phổ biến và phạm vi ứng dụng.
Phương pháp riêng chỉ áp dụng cho từng môn khoa học, như phương pháp vật lý, phương pháp xã hội học, phương pháp sinh học…
Phương pháp chung được áp dụng cho nhiều ngành khoa học khác nhau, ví dụ như phương pháp quan sát, thí nghiệm, mô hình hóa, hệ thống cấu trúc…
Phương pháp phổ biến là phương pháp của triết học Mác – Lênin, được áp dụng trong mọi lĩnh vực khoa học và hoạt động thực tiễn. Có thể nói, phép biện chứng của chủ nghĩa duy vật là một phương pháp phổ biến nhất, bao quát nhất.
Các phương pháp nhận thức khoa học tuy khác nhau song lại có quan hệ biện chứng với nhau. Trong hệ thống các phương pháp khoa học, mỗi phương pháp đều có vị trí nhất định. Do đó không nên coi phương pháp là ngang bằng nhau hoặc thay thế nhau; không nên cường điệu phương pháp này và hạ thấp phương pháp kia, mà phải biết sử dụng các phương pháp.
Ta có thể liệt kê một số phương pháp nhận thức khoa học tiêu biểu sau:
– Các phương pháp thu nhận tri thức và kinh nghiệm:
+ Quan sát.
+ Thí nghiệm.
– Các phương pháp xây dựng và phát triển lý thuyết khoa học:
+ Phân tích và tổng hợp.
+ Quy nạp và diễn dịch.
+ Lịch sử và lô-gíc.
+ Từ trừu tượng đến cụ thể.
4. Vai trò của phương pháp luận triết học Mác – Lênin
Vai trò của phương pháp luận triết học đối với nhận thức và thực tiễn thể hiện ở chỗ nó chỉ đạo sự tìm kiếm, xây dựng; lựa chọn và vận dụng các phương pháp để thực hiện hoạt động nhận thức và thực tiễn; đóng vai trò định hướng trong quá trình tìm tòi, lựa chọn và vận dụng phương pháp.
Với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó, triết học đóng vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan. Triết học giữ vai trò định hướng cho quá trình củng cố và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong lịch sử.
Trang bị thế giới quan đúng đắn mới chỉ là một mặt của triết học Mác - Lênin. Với tư cách là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó, triết học thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất. Phương pháp luận của triết học Mác - Lênin đã góp phần quan trọng chỉ đạo, định hướng cho con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Chính vì những điều trên, trong quá trình giảng dạy triết học, giảng viên cần phải chú trọng hơn vào phần ý nghĩa phương pháp luận, tập trung làm rõ nội dung ý nghĩa phương pháp luận.
Trong kết cấu, phần ý nghĩa phương pháp luận nằm ở cuối bài, ngay sau phần nội dung. Phần này định hướng cho học viên áp dụng kiến thức lý luận đã học vào trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Theo logic thì đây chính là phần cần thiết nhất, phục vụ trực tiếp cho người học. Học viên cần phải nắm vững và ghi nhớ phần này. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải chỉ rõ cơ sở lý luận để rút ra ý nghĩa phương pháp luận đó, như thế học viên mới có cơ sở để thừa nhận ý nghĩa phương pháp luận đó bằng sự hiểu biết có cơ sở khoa học chứ không phải bằng sự áp đặt. Cơ sở của ý nghĩa thường nằm ở phần nội dung, chẳng hạn cơ sở của quan điểm khách quan chính là tính thứ nhất của vật chất, cơ sở của quan điểm toàn diện là ở mối liên hệ phổ biến. Vì vậy, giảng viên cần phải chỉ ra mối liên hệ giữa nội dung và phần ý nghĩa, qua đó, họ viên có sự liên tưởng logic hơn.
Khi giảng nội dung ý nghĩa phương pháp luận, giảng viên cần lấy ví dụ để làm rõ nội dung. Từ một hiện tượng, nhiệm vụ cụ thể, giảng viên phải chỉ ra trong nhận thức học viên cần phải như thế nào, và có những hành động gì để hiện thực hóa lý luận đã học. Ví dụ: từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, giảng viên phải chỉ cho học viên quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể trong nhận thức, đồng thời phải có những tác động vào từng mối liên hệ, có trọng tâm trọng điểm, tránh cào bằng, dàn trãi trong hành động. Đồng thời với đó, giảng viên chỉ ra những quan điểm đối lập, những hạn chế cần phải khắc phục trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Ví dụ: trong khi nhấn mạnh vai trò của thực tiễn thì phải chỉ ra cách phòng chống bệnh kinh nghiệm, đề cao vai trò lý luận thì phải tránh bệnh giáo điều, …
Những luận điểm trên đã minh chứng phải hiểu đúng và phương pháp và phương pháp luận, từ đó có thái độ đúng đắn với phương pháp luận triết học Mác – Lênin, đồng thời giúp học viên học chương trình Trung cấp LLCT-HC ở các trường chính trị có cách nhìn các sự vật, hiện tượng trong đời sống kinh tế - xã hội và có cách giải thích, giải quyết hợp lý, cách biến tư duy thành hành động, biến lý luận khoa học thành thực tiễn cải tạo tự nhiên, xã hội.