logo

Phân tích về chi tiết giọt nước mắt của A Phủ

Câu hỏi: Phân tích hình ảnh giọt nước mắt của A Phủ 

Trả lời:

Phân tích về chi tiết giọt nước mắt của A Phủ

Tô Hoài là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ với nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, thông qua câu chuyện về đôi vợ chồng người H’ Mông, tác giả Tô Hoài đã khắc họa thành công bi kịch của người nông dân trong xã hội xưa. Dưới sự áp bức của cường quyền, con người không chỉ bị chà đạp về nhân phẩm mà còn bị tước đoạt tự do, hạnh phúc. Chi tiết giọt nước mắt của A Phủ gần cuối tác phẩm là chi tiết đắt giá khi không chỉ thức tỉnh sức sống, sự phản kháng trong Mị mà còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao.

Chi tiết văn học hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là những biểu hiện, những tình tiết góp phần xây dựng lên cốt truyện, đồng thời thể hiện được tư tưởng chủ đề của truyện. Đối với những tình tiết đặc sắc trong tác phẩm còn có thể chứa đựng được những cảm xúc lớn lao, những tư tưởng sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm của mình.

Giọt nước mắt A Phủ là một trong những chi tiết đặc sắc nhất trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Giọt nước mắt của a Phủ không chỉ thể hiện cảm xúc của nhân vật khi cái chết đang cận kề mà còn mang sức mạnh của sự thức tỉnh bởi chính giọt nước mắt ấy đã đánh thức sức sống tiềm tàng, khả năng phản kháng tưởng chừng đã ngủ quên bên trong con người của Mị.

A Phủ là chàng trai khỏe mạnh, một người lao động giỏi, chỉ vì đánh nhau với con trai Thống Lí mà A Phủ buộc phải trở thành người ở trừ nợ cho gia đình thống lí. Sống trong cuộc sống của con trâu con ngựa nhưng A Phủ không bao giờ bi quan trước cuộc đời, anh vẫn nỗ lực vươn lên, làm việc chăm chỉ để mang đến những lợi ích cho gia đình thống lí. Tuy nhiên, do sơ ý để hổ bắt mất một con bò của thống lí mà A Phủ bị trói đứng ở giữa sân, bỏ mặc đói rét suốt mấy ngày liền mà theo nhận thức của Mị thì chỉ đêm nay, đêm mai người kia sẽ chết, một cái chết đầy đau đớn.

Cũng giống như A Phủ, Mị là cô gái xinh đẹp nhưng gia cảnh nghèo hèn nên đã phải trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí. Xét về địa vị, Mị là con dâu của Thống lí Pá Tra, vợ của A Sử nhưng trong thực tế Mị chỉ là một người ở đợ không hơn không kém, cô phải làm việc quần quật ngày đêm như con trâu con ngựa. Sống lâu trong sự đày đọa đã khiến Mị mất đi khả năng phản kháng, sống cam chịu như con rùa nuôi trong xó cửa. Trong những ngày A Phủ bị trói đứng ngoài sân, đêm nào Mị cũng thức dậy thổi lửa hơ tay, cũng chính hoàn cảnh này đã làm cho Mị chứng kiến giọt nước mắt của A Phủ. Sống trong gia đình thống lí, Mị thường xuyên chứng kiến cảnh những con người bất hạnh bị trói đứng đến chết, do đó lúc đầu khi thấy A Phủ phải trói đứng ở sân Mị chỉ dửng dưng, vô cảm.

Sau mọi nỗ lực tự giải cứu mình nhưng không thành, trong nỗi bất lực, tuyệt vọng đến cùng A Phủ đã khóc. Đúng lúc ấy Mị thức dậy thổi lửa hơ tay và chứng kiến cảnh giọt nước mắt đang bò trên hõm má của A Phủ. Giọt nước mắt ấy có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Mị, mang đến những thay đổi lớn bên trong người đàn bà bất hạnh ấy.

Giọt nước mắt của A Phủ đã mang đến sự thay đổi lớn lao trong tâm lí của Mị. Mị nhớ lại mình cũng từng bị trói đứng như thế, sợi dây thít chặt vào thân thể, Mị khóc nhưng cũng không thể tự lau nước nước. Nhớ đến tình cảnh của bản thân, Mị đã đồng cảm sâu sắc với nỗi cô đơn và tuyệt vọng của A Phủ.

Từ mối đồng cảm với A Phủ, Mị càng hiểu sâu sắc hơn cuộc sống đọa đầy của hiện tại cũng như cảm nhận đến tận cùng sự độc ác của cha con thống lí “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết…Chúng nó thật độc ác”. Mị thấy rõ được sự nguy khốn vô lí, tàn nhẫn đang ập xuống A Phủ mà cái kết chỉ có một, đó là cái chết “ chỉ đêm nay, đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Tấm lòng trắc ẩn bên trong Mị đã thức dậy, Mị đã có hành động vô cùng liều lĩnh, cắt dây cởi trói cho A Phủ.

Như vậy, nếu trong đêm tình mùa xuân, sức sống bên trong Mị được đánh thức bởi tiếng sáo và tiếng gọi bạn tình thì giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức sức sống tiềm tàng bên trong con người Mị, Mị đã giải cứu cho A Phủ đồng thời giải cứu cho chính mình khỏi cuộc sống đọa đầy, không có tự do để hướng đến cuộc sống hạnh phúc, tươi sáng.

Ngoài ra, các em cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về nhân vật A Phủ  trong Vợ chồng A Phủ nhé!

1. Phân tích nhân vật A Phủ

Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Tô Hoài viết về đề tài Tây Bắc. Tác phẩm đặc sắc này sau đó đã được dựng thành phim và được đông đảo khán giả đón nhận. Cùng với đó, những nhân vật ở trong tác phẩm đã trở thành những nhân vật điển hình. Trong đó nổi bật lên là hình tượng A Phủ, mang những vẻ đẹp của người Tây Bắc và bản lĩnh dám vượt lên số phận.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài mở đầu khi giới thiệu nhân nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý và cuốn hút độc giả: "Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Và từ một hình ảnh đó, để rồi khi liên kết xâu chuỗi với nhau, tác giả làm nổi bật được hình tượng nhân vật trong tác phẩm, mà chính hình ảnh này cũng khiến cho nhân vật A Phủ và Mị có duyên gặp nhau.

A Phủ xuất hiện trong hoàn cảnh thật oái oăm. A Phủ đã xô xát đánh nhau với A Sử, con trai của thống lí Pá Tra, và chính vì điều này, A Phủ bị bắt về nhà thống lí, bị đánh đập tàn nhẫn. Sau tình huống này tác giả mới bắt đầu giới thiệu về hoàn cảnh của A Phủ, chàng là người nghèo khổ, mất hết cả cha lẫn mẹ, sống kiếp mồ côi không ai chăm sóc. Và trớ trêu hơn khi người làng đã bắt A Phủ xuống bán đổi lấy thóc của người Thái ở dưới cánh đồng. Nhưng không cam chịu với số phận, A Phủ lúc đó mới mười tuổi đã một mình kiếm sống, học hỏi nhiều nghề để phụ trợ cho bản thân. Từ khi còn bé, với số phận chua xót, A Phủ đã biết vượt lên và chống chọi với nó chứ không để nó khiến anh có một số phận trớ trêu.

Sức sống tiềm tàng của một người đã sớm được bộc lộ, không chỉ khi nhỏ mà khi lớn lên, A Phủ là một chàng thanh niên nổi bật, hiền lành và chăm chỉ lao động. Không những thế, A Phủ dưới lời miêu tả của Tô Hoài là một người có sức khỏe hơn người. A Phủ còn là một con người có đời sống phóng khoáng, yêu đời và chính nghĩa, bởi vì thế nên khi có chuyện bất bình, dù biết phần thiệt sẽ thuộc về mình và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng A Phủ vẫn quyết làm điều đó. Ta thấy ở đây A Phủ là một con người liều lĩnh và chí khí.

Hơn vậy, chính vì lối sống phóng khoáng, sức khỏe hơn người nên anh có nhiều người để ý. Nhiều cô gái lấy làm yêu quý A Phủ nhưng vì tập tục cưới khắc nghiệt ở xã hội phong kiến miền núi đương thời, A Phủ bị người ta khinh thường và một lí do nữa, A Phủ làm sao có đủ tiền mà hỏi và cưới vợ.

Khi bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, A Phủ trở thành nô lệ cho nhà thống lí, và với bản năng của mình, A Phủ không than, không van xin lấy một lời, A Phủ không bao giờ chịu khuất phục dù trước mình là ai. A Phủ bị đánh rất tàn nhẫn, mặt sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. "Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút". Những câu văn rất chân thực để miêu tả lại cảnh xử kiện độc đáo ấy, có đến vài lần nhà văn nhắc đến hình ảnh khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ, ông còn sử dụng những câu văn mang tính chất liệt kê và phép lặp cú pháp để nhấn mạnh tính chất dã man của cường quyền trong nhà Pá Tra đối với người dân ở miền núi Tây Bắc thời kì phong kiến thực dân thống trị.

Bị phạt vạ, A Phủ thành người ở không công quần quật với hàng núi công việc. A Phủ có thể đốt rừng, cày nương, vỡ nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò ngoài rừng, có những khi đói rừng, hổ gấu thường tìm đến các đàn trâu bò dê ngựa, A Phủ phải ở lều luôn hàng tháng trong rừng. Nhưng anh không hề nói lại nửa lời mà chấp nhận vì bọn chúa đất đày đọa, áp bức nhân dân quá trơ trẽn. A Phủ chấp nhận cũng vì chính A Phủ cũng không có gia đình, có nhà, hơn nữa, anh đã gây nên tội thì cũng phải chịu phạt.

Nhưng khi có một vụ việc xảy ra đó là khi hổ vồ mất bò, A Phủ nhất quyết cãi lại lời thống lí, quyết tâm đi bắt hổ. Nhưng cuối cùng anh đành phải tự tay đóng cọc và lấy một cuộn dây mây để người ta trói mình. Ở trong nhà thống lí Pá Tra, sinh mạng anh đúng là đã bị coi thường, anh phải thế mạng cho một con bò đã bị hổ ăn thịt. Và giọt nước mắt trên hõm má đã xám đen lại của anh là giọt nước mắt của sự đắng cay, sự cô độc, bất lực và tuyệt vọng.

Tuy vậy chúng ta thấy được ở A Phủ có một sức phản kháng rất mạnh mẽ, nó được nuôi dưỡng từ khi còn bé cơ cực. Anh chịu đánh trong lúc xử kiện vì anh gây ra tội nhưng khi anh đánh mất bò thì anh sẵn sàng muốn lấy công chuộc tội và anh tin rằng mình sẽ bắt được con hổ. Bị trói từ chân đến vai nhưng đêm đến anh đã cúi xuống nhai đứt hai vòng dây mây, anh tìm cách để tự giải thoát mình. Cùng lúc đó khi được Mị cứu, lúc ấy anh đã kiệt sức, vì mấy ngày bị trói, bị đói khát, đau đớn. Nhưng vì cái chết sẽ có thể đến ngay, anh đã quật sức vùng dậy chạy để thoát khỏi xiềng xích nhà thống lí, thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Khi mà Mị chạy theo muốn đi cùng A Phủ thì A Phủ để cho Mị đi theo, anh không những cứu được mình mà còn cứu được cả Mị.

Sau khi vượt khỏi nhà thống lí, A Phủ đã tìm tới vùng đất mới để sinh sống. Ở đây, anh cũng như nhiều người dân khác phải chịu cuộc sống vô cùng khổ cực do sự áp bức của bọn thực dân phong kiến nhưng khi gặp được cán bộ cách mạng, anh nhanh chóng trở thành một người cách mạng, một đội trưởng du kích dũng cảm, là người tiêu biểu cho khả năng cách mạng lớn lao của người dân miền núi Tây Bắc. Hình ảnh khi A Phủ giác ngộ được chân lí cách mạng là một hình ảnh đẹp, không chỉ A Phủ mà là hiện thân cho những con người ở Tây Bắc.

Bằng ngòi bút tài năng và miêu tả tinh tế của mình, Tô Hoài đã làm nổi bật được hình tượng và khí phách của A Phủ - nhân vật điển hình trong truyện. Cùng với A Phủ là Mị, dù bị áp bức nhưng họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.

2. Cảm nhận về nhân vật A Phủ 

Trong một tác phẩm văn học, nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là chiếc chìa khóa để giải mã ý nghĩa ẩn sâu bên trong mỗi tác phẩm, và cũng là nơi tác giả nhắn nhủ cảm xúc, tâm tư, trăn trở của bản thân. Nhân vật A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một nhân vật như thế, một nhân vật có số phận nhỏ bé, khổ đau; nhưng ẩn trong đó là nghị lực sống tiềm tàng, mạnh mẽ.

A Phủ được miêu tả trước hết là một người có số phận bất hạnh, kém may mắn. A Phủ người Háng Bla. Năm mười tuổi, anh mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một trận đậu mùa khủng khiếp, sau đó, “người làng đói bụng đã bắt A Phủ đưa xuống bán đổi lấy thóc của người Thái ở dưới cánh đồng.” Thế nhưng A Phủ không cam chịu, anh đã trốn thoát lên núi cao, để rồi lưu lạc đến Hồng Ngài. Số phận của A Phủ đại diện cho biết bao con người nghèo khổ trong xã hội, không có quyền được quyết định cuộc đời mình.

Tuy vậy, vượt lên số phận khốn khó của mình, A Phủ lại có những tính cách tốt đẹp của một người con trai miền núi. Bởi anh có sự cần cù, chăm chỉ kiếm sống, “biết đúc lưỡi cày, lại cày giỏi và đi săn bò tót cũng rất bạo.” “Công việc làm hay đi săn, cái gì cũng phăng phăng.” A Phủ rất khỏe, chạy nhanh như ngựa. Anh trở thành niềm khao khát của bao cô gái trong làng: “Lấy được A Phủ là bằng được con trâu tốt trong nhà.” Khen vậy, nhưng anh lại chẳng lấy được vợ, vì “không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc”. Giữa cuộc sống khắc nghiệt như thế, mà A Phủ vẫn giữ được cho mình sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, vui vẻ và yêu đời. Dẫu cho không có quần áo đẹp, chỉ độc một cái vòng vía trên cổ, A Phủ vẫn cứ “cùng trai làng đem sáo, khèn con quay và quả pao đi tìm người yêu ở các làng trong rừng”. Thể hiện được một đời sống tâm hồn phóng khoáng, hồn nhiên, yêu đời và tự tin của tuổi trẻ. Nhưng không chỉ dừng ở đó, A Phủ còn là một người yêu chính nghĩa. Bất bình trước sự lộng quyền của A Sử, dẫu biết đó là con quan, A Phủ vẫn “chạy vụt ra, vung tay ném con quay vào mặt A Phủ”, “xộc tới, nắm cái vòng cổ, kẹp dập đầu xuống, xé vai áo đánh tới tấp”. Đó là sự phẫn nộ trước những cảnh bất công, phi lí cho cuộc đời, cho thấy được sự gan góc của A Phủ.

Lương thiện là thế, nhưng A Phủ lại là nạn nhân của hủ tục lạc hậu, nạn nhân của cường quyền độc ác. Vì tội đánh con quan, A Phủ bị nhà thống lý bắt về xử kiện, bị tay chân nhà Pá Tra đánh đập dã man. Nhưng anh đã chứng tỏ mình là con người bất khuất, cứng rắn gan dạ. Anh chỉ quỳ, chịu đòn, im như tượng đá. Cuối cùng, anh bị buộc nộp vạ một trăm bạc trắng, vì không có tiền nộp vạ nên A Phủ phải vay nợ. Vậy là anh phải chịu kiếp sống trâu ngựa để trừ nợ, bị trở thành nô lệ với bản án chung thân suốt đời đúng như lời tên Pá Tra đã nói “đời mày, đời con mày, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ trả hết nợ mới thôi”. Đó là kiếp sống bị khinh rẻ, bị ngược đãi và phải gánh vác những công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhất như “săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò vãi, nương rừng”. Từ một chàng thanh niên sôi nổi, yêu đời, anh trở nên nhẫn nhục, cam chịu.

Giữa kiếp nô lệ ấy, A Phủ vẫn thể hiện lòng ham sống và khát vọng tự do. Sau khi để hổ bắt mất một con bò, thống lí quát thẳng vào mặt A Phủ: “Quân ăn cướp làm mất bò tao”. A Phủ bị trói đứng vào cột bằng dây mây cuốn từ chân lên vai. Anh bị trói trong đói rét, trong đau đớn mà chẳng ai ngó ngàng, dù nhà Thống lí “kẻ ra người vào tấp nập”. Tuy vậy, với khát vọng sống mãnh liệt, anh không cam chịu chết mà tìm mọi cách tự giải thoát: “Đêm đến, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai vòng dây, nhích dần dây trói một bên tay.” Thế nhưng, cha con thống lý lại về và tròng thêm vào cổ anh một cái dây thòng lọng.Sau bao ngày bị hành hạ, hai hõm má anh xám lại vì tuyệt vọng và khổ đau. Còn gì đau đớn hơn khoảnh khắc ta nhận thức được rằng mình sẽ chết, mình đang dần chết đi. Những giọt nước mắt dần lăn xuống, lấp lánh, vì nỗi khát khao được sống, được tự do. Khát khao ấy đã được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào lúc Mị cắt dây trói cho anh. Sau nhiều đêm bị trói, bị hành hạ, A Phủ đã quỵ xuống. Nhưng tình yêu cuộc sống đã khiến anh vùng dậy và chạy đi. Những bước chạy của anh là bước chạy của sự đấu tranh, của sự phấn đấu vươn đến tự do, giải phóng chính mình. Giữa bóng tối của cuộc đời, A Phủ đang đi tìm cho mình ánh sáng của niềm tin, của tình yêu đời. Để rồi sau này, khi A Phủ và Mị chạy trốn tới khu du kích ở Phiềng Sa, gặp cán bộ A Châu. A Phủ và Mị lần lượt trở thành chiến sĩ du kích cùng bộ đội giải phóng quê hương. 

Có thể nói, thông qua nhân vật A Phủ, chúng ta đã nhận ra được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Đó là tiếng nói lên án tố cáo tội ác tày trời của giai cấp chủ nô phong kiến miền núi đang áp bức, bóc lột nhân dân Tây Bắc. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động. Từ đó bộc lộ niềm cảm thông, yêu thương chân thành, sâu sắc đến những nhân cách đáng quý ấy.

Về nghệ thuật, nhân vật A Phủ được khắc họa chân dung, tính cách thông qua ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, cùng phong cách trần thuật hấp dẫn, xây dựng nhân vật giữa những tình huống truyện đặc sắc. Đó là những điều đã làm nên một nhân vật A Phủ mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Anh là một hình tượng điển hình cho cuộc sống ngột ngạt của những người lao động hiền lành, chất phác trên vùng cao, dưới sự thống trị của những người cầm quyền giàu có nhưng mất nhân tính. Họ đẩy những người hiền lành như anh đến bước đường cùng, để rồi anh phải đấu tranh, phải giải phóng mình, vụt chạy, tìm cho mình một con đường khác, một con đường mà ở đó anh sẽ tìm thấy được hạnh phúc. Tô Hoài thấu hiểu được điều đó, ông đặt tình cảm, niềm cảm thương của mình vào nhân vật A Phủ, với ước mong rằng những người khổ đau sẽ tìm được con đường giải phóng bản thân.

Đọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những nhân vật được nhà văn thể hiện. Vợ chồng A Phủ đã để lại trong lòng độc giả vẻ đẹp về tâm hồn, tính cách của những người vùng cao, mà nhân vật A Phủ là một hình tượng tiêu biểu như thế. Ở anh, tượng trưng cho khát vọng tự do, niềm yêu đời, vượt lên số phận để sống, để sống thật tốt, sống vượt lên những khó khăn của cuộc đời.  

icon-date
Xuất bản : 27/10/2021 - Cập nhật : 29/10/2021