logo

Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

“ Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài “. Có lẽ nhờ sự thôi thúc tự do trong tâm hồn ấy, đã giúp những vần thơ của Bác luôn ngập tràn xúc cảm, là sự giao thoa giữa yếu tố trữ tình và chính trị của một nhà thơ đại tài. Cùng Toploigiai Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối để làm rõ hơn về yếu tố giao thoa này nhé! 


Dàn ý Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần phân tích.

II. Thân bài:

* Hoàn cảnh sáng tác:

- Thuộc thứ tự 31 trong tổng số 131 bài của tập Nhật ký trong tù, được sáng tác khi Bác đang chuyển lao từ Tĩnh Tây tới Thiên Báo. 

* Phân tích về sự vận động trong tâm trạng của thi nhân 

- Trước bức tranh thiên nhiên đẹp: chất cổ điển và hiện đại giao thoa, thể hiện mối tương quan giữa người tù cách mạng và thiên nhiên đìu hiu lúc chiều tà. 

=> Nỗi nhớ quê hương tha thiết, cùng tâm trạng buồn xót xa khi bản thân đang phải chịu cảnh xiềng xích trói buộc, lưu lạc nơi đất khách quê người. 

=> Ung dung trước khó khăn, lạc quan dẫu mỏi mệt vất vả ( thấy mây trôi thong thả, không gian khoáng đạt bao la). Đó là sự cô đơn lẻ loi của một tâm hồn thi vị 

- Trong bức tranh sinh hoạt của con người: hình ảnh cô em xóm núi xay ngô tối, lò than rực hồng ( vẫn là chất cổ điển và hiện đại giao thoa), thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa thiên nhiên và con người. 

=> Thể hiện sự yêu thương gắn bó với nhân dân, với cuộc sống lao động của Bác. 

=> Sự vận động tích cực trong tâm trạng của người tù cách mạng luôn hướng về ánh sáng và sự sống, niềm tin vào tương lai. Trong cái khó khăn gian khổ vẫn hướng về bữa cơm đoàn viên, tấm lòng hòa hợp với thiên nhiên và tình thương muôn người. 

III. Kết bài:

- Đánh giá về sự vận động trong tâm trạng của Bác: Từ nỗi buồn cô đơn tới sự lạc quan tích cực và khao khát tự do cháy bỏng. 


Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối 

“Ngâm thơ ta vốn không ham 

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây  

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.

     Bác Hồ đã từng có những vần thơ giãi bày như vậy lúc sinh thời, với những sáng tác mà sau này đã trở thành vũ khí sắc bén để phục vụ cho con đường cách mạng mà một trong số đó tiêu biểu là bài thơ Chiều tối. Được viết trong hoàn cảnh trên con đường chuyển lao, xuyên suốt bài thơ là sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình từ cái buồn man mác cho tới khát vọng tự do, giữa cái chất cổ điển và hiện đại đan xen. 

     Qua bức tranh thiên nhiên vào cảnh chiều tà, tâm trạng và thế giới nội tâm của Bác đã được bộc lộ sâu sắc. Đó là tình yêu với những điều nhỏ bé đời thường, xen lẫn với cái nghị lực to lớn của người chiến sĩ. 

" Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ 

Chòm mây lơ lửng giữa tầng không "

     Vốn là khoảng thời gian khép lại của một ngày dài, “ Chiều tối “ ở dây còn là thời khắc đánh dấu chặng đường cuối của một ngày phải chịu sự đày ải nơi biên cương xa xứ. Trong cái sự mỏi mệt thấm đẫm đường dài, ta lại không hề thấy sự nao núng chán chường của người tù cách mạng. Thay vào đó, là vẻ đẹp dung dị thật tự nhiên. Bác trông thấy cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, cũng giống như mình đã phải trèo đèo lội suối suốt một ngày dài lê bước. Ta thấy ở đó sự đồng điệu về tâm hồn giữa cánh chim và Bác - đó là đều hướng về một chỗ trú chân. Tới cánh chim mỏi còn biết tìm về với chỗ ngủ, vậy chỗ nương thân của Bác giờ biết là ở đâu? 

Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

     Nỗi nhớ quê hương da diết trào dâng trong tâm hồn người chiến sĩ, tựa như chòm mây nhẹ trôi lơ lửng giữa tầng không. Bác cũng giống như chòm mây trên bầu trời cao ấy, lửng lo vô định trước số phận không biết đang đi đâu về dâu. Thế nhưng thay vì lo lắng, ta lại thấy ở bác phong thái ung dung, thư thái nhẹ nhàng. Dù đang lênh đênh trôi dạt nơi đất khách tựa như chòm mây xa, nhưng tâm hồn của Bác lại được hòa mình cùng thiên nhiên phiêu đãng. Biết bao giờ mới được tự do giống như cánh chim trời - được lửng lơ phiêu bồng tựa chòm mây trôi? Dù mang nỗi buồn, nhưng lại không bi lụy. Tâm trạng của người tù cách mạng ở đây là quyết tâm theo đuổi tự do, cùng sự kiên cường mà phóng khoáng mang theo tình yêu thiên nhiên sâu sắc. 

 “ Cô em xóm núi xay ngô tối 

 Xay hết lò than đã rực hồng “ 

Bác dường như đã quên đi nỗi vất vả đang phải chịu sự xiềng xích, thay vào đó là tình thương đối với tầng lớp nhân dân lao động. Hình ảnh cô em xóm núi bé nhỏ xay ngô giữa núi rừng rộng lớn hoang vũ đã thể hiện sức sống của tuổi trẻ mạnh mẽ, trở thành nguồn động lực tiếp thêm ý chí cho người tù cách mạng : “ vất vả mà tự do”. Đặc biệt, cái hình ảnh “ lò than đã rực hồng “ là ánh sáng nhỏ lóe lên giữa cả không gian rộng lớn nhá nhem lúc chiều tà, giống như niềm tin được thắp lên bằng ánh sáng của tự do nơi miền sơn cước. Đó là ánh sáng sưởi ấm tâm hồn người chiến sĩ, giúp Bác càng thêm vững tin với lựa chọn giành lại hòa bình cho dân tộc. Tâm trạng từ buồn đã chuyển sang khát khao tự do, từ cái cô đơn lại hướng về sự ấm áp của bữa cơm đoàn viên, của mong ước muôn dân độc lập. Phải có tình yêu với nước với dân lớn thế nào, Người mới có thể viết nên được những vần thơ ấy? 

Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

     Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, ta thấy được “ Chiều tối “ đã thể hiện sự vận động tích cực trong tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng. Đó là chấp nhận gian khó để tự do, đánh đổi cô đơn để hướng về muôn nhà có được bữa cơm no ấm. Sự hi sinh ấy của bác thật lớn lao, là bài học mà suốt đời thế hệ sau này cần ghi nhớ. 

--------------------------------------------------------------------

Bài viết trên đây của Toploigiai đã Phân tích sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối, qua đó làm rõ sự hi sinh và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh xiềng xích tù đày. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn học tập tốt!

icon-date
Xuất bản : 07/05/2023 - Cập nhật : 01/07/2023