Câu hỏi: Phân tích nội dung hình thái ý thức chính trị, ý thức pháp quyền và ý thức đạo đức.
Trả lời:
Ý thức chính trị là toàn bộ các quan điểm về chế độ xã hội, về quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc, về vấn đề nhà nước và các đảng phái. Ý thức chính trị của một xã hội có thể được chia ra thành ý thức chính trị chính thống và ý thức chính trị không chính thống; hay được chia ra thành ý thức chính trị thường ngày và ý thức chính trị lý luận.
+ Ý thức chính trị chính thống là ý thức chính trị của giai cấp thống trị xã hội về kinh tế, vì vậy, nó chi phối đời sống chính trị của xã hội, và do đó, nó thống trị mọi mặt của đời sống xã hội. Ý thức chính trị không chính thống là ý thức chính trị của các giai cấp khác trong xã hội.
+ Ý thức chính trị thường ngày được hình thành một cách tự phát thông qua kinh nghiệm, chưa phản ánh một cách sâu sắc và có hệ thống các quan hệ giai cấp và lợi ích giai cấp; nhưng nó có khả năng làm tăng thêm vốn kinh nghiệm về chính trị trong cuộc sống hàng ngày của con người. Ý thức chính trị lý luận (trình độ lý luận về chính trị, hay hệ tư tưởng chính trị) là những quan điểm về chính trị đã được khái quát, hệ thống hóa thành một hệ thống lý luận, phản ánh một cách sâu sắc lợi ích giai cấp, do các nhà lý luận của một giai cấp xây dựng nên. Lý luận chính trị được thể hiện trong các lý luận về chế độ xã hội, về nhà nước, về chính đảng, về giai cấp, về dân tộc..., và nó được cụ thể hóa trong các cương lĩnh chính trị, trong các đường lối chiến lược, sách lược của các chính đảng của các giai cấp. Hệ tư tưởng của một giai cấp có vai trò to lớn trong hoạt động của giai cấp.
Ý thức chính trị có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Thông qua tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là nhà nước nó tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế và mọi mặt của tồn tại xã hội. Tác động của ý thức chính trị theo hai hướng. Nếu ý thức chính trị tiến bộ và khoa học, phản ánh đúng quy luật phát triển kinh tế xã hội... và được thực hiện thông qua một tổ chức nhà nước hiệu quả, thì nó sẽ tác động thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Ngược lại, nếu ý thức chính trị là sai lầm, lạc hậu, phản động thì nó sẽ gây ra những tác động xấu rất lớn cho xã hội. Khi một giai cấp còn tiến bộ, cách mạng, tiêu biểu cho xu thế đi lên của lịch sử thì hệ tư tưởng chính trị của nó có tác dụng tích cực đến sự phát triển xã hội. Khi giai cấp đó trở thành lạc hậu, phản động, thì hệ tư tưởng của nó có tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển xã hội.
Với bản chất khoa học và cách mạng triệt để, hệ tư tưởng Mác – Lênin sẽ dẫn dắt giai cấp vô sản và nhân dân lao động tiến hành đến cùng sự nghiệp đấu tranh xoá bỏ mọi áp bức bóc lột, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Ý thức pháp quyền là toàn bộ những quan điểm về bản chất, vai trò của luật pháp, về quyền và nghĩa vụ của nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp và không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội, về đánh giá các luật pháp đã ban hành...
Một bộ phận tập trung và quan trọng nhất của ý thức pháp quyền là Hệ thống luật pháp. Nó do cơ quan lập pháp là quốc hội hoặc thượng, hạ viện nằm trong hệ thống nhà nước ban hành, được thi hành bởi cơ quan hành pháp là bộ máy chính phủ từ trung ương tới địa phương, được cơ quan tư pháp gồm cơ quan kiểm sát, toà án, nhà tù... phát hiện và xử lý các sai phạm trong thực thi pháp luật, pháp chế.
Ý thức pháp quyền mang tính giai cấp rất rõ. Bởi vì, pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành luật lệ. Mỗi chế độ xã hội, mỗi nhà nuớc chỉ có một hệ thống pháp luật của giai cấp nắm chính quyền. Và trong các xã hội có giai cấp đối kháng, các giai cấp khác nhau có những ý thức khác nhau, thậm chí đối lập nhau về pháp quyền và pháp luật. Nhưng ý thức pháp quyền và pháp luật của giai cấp thống trị bao giờ cũng giữ vai trò thống trị, chi phối các ý thức pháp quyền và pháp luật của các giai cấp khác. Mặt khác, ý phức pháp quyền, mà đặc biệt là hệ thống luật pháp còn luôn đặt nền tảng trên điều kiện kinh tế chung của xã hội. Luật kinh tế vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của giai cấp thống trị, vừa phản ánh điều kiện kinh tế chung của xã hội, chú ý phần nào đến lợi ích của các giai tầng khác trong xã hội. Luật thuế còn phải căn cứ trên tình hình sản xuất của xã hội, chú ý động viên sức sản xuất của xã hội thông qua đảm bảo nhu nhập... của mọi thành phần kinh tế.
Cũng như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền ra đời cùng với nhà nước. Giữa hai hình thái này có sự gắn bó chặt chẽ với nhau và với nhà nước. Tư tưởng chính trị thấm nhuần trong luật pháp; và luật pháp thể hiện mục tiêu chính trị; bộ máy nhà nước với cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là công cụ quyền lực to lớn đảm bảo thực thi luật pháp, thực hiện đường lối chính trị. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh có ý nghĩa to lớn đối với mọi quốc gia hiện nay.
Luật pháp và hệ tư tưởng pháp quyền xã hội chủ nghĩa phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là công cụ bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất và công bằng” .
Ý thức đạo đức là toàn bộ những quan niệm về thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng, danh dự, phẩm giá..., và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội.
Khác với các hình thái ý thức khác, ý thức đạo đức phản ánh tồn tại xã hội dưới dạng các quy tắc điều chỉnh (bằng dư luận) hành vi con người. Chiều sâu của đạo đức là lương tâm, danh dự, lòng tự trọng... phản ánh khả năng tự chủ của con người. Đó là sức mạnh đặc biệt của đạo đức. Khả năng này chính là gương mặt đạo đức của con người, là biểu hiện đặc sắc bản chất xã hội của con nguời và của tiến bộ xã hội nói chung. Tình cảm đạo đức là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống ý thức đạo đức, nếu thiếu nó thì mọi khái niệm, phạm trù đạo đức được lĩnh hội thuần túy bằng con đường lý tính đều không thể chuyển hóa thành hành vi đạo đức.
Tính nhân loại và tính giai cấp của ý thức đạo đức: Trong tiến trình lịch sử phát triển của xã hội, đã hình thành những giá trị đạo đức chung của toàn nhân loại. Chẳng hạn như coi trọng tài năng, kính trọng người già, yêu trẻ em..., ghét thói hư tật xấu, đề cao lòng tự trọng... Khi xã hội phân chia giai cấp, nội dung chủ yếu của ý thức đạo đức xã hội cũng phản ánh quan hệ giai cấp, lợi ích giai cấp. Ph.Ăngghen viết: “Xét đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ, vì cho tới nay xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp, hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi ích của giai cấp thống trị, hoặc là, khi các giai cấp bị trị đã trở nên khá mạnh, thì nó tiêu biểu cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức” .
Trong điều kiện của cách mạng khoa học - công nghệ, sẽ là sai lầm nếu cực đoan cho rằng, hoặc kỹ thuật là tất cả, hoặc chỉ có một đạo đức mới duy nhất và phi giai cấp – đó là đạo đức của tôn giáo mới, có thể đảm bảo cho loài người tồn tại và phát triển.
Đạo đức cộng sản là đạo đức cách mạng, đạo đức kiểu mới về chất, được hình thành trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, bắt nguồn từ bản chất cách mạng của họ, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của loài người, trước hết là của quần chúng lao động. Đạo đức cộng sản đòi hỏi “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, kết kợp hài hoà sự phát triển của cá nhân, tập thể và xã hội, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Ý thức tập thể, tinh thần lao động quên mình và sáng tạo, chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế... là những giá trị căn bản của đạo đức cộng sản. Đạo đức cộng sản đòi hỏi một quá trình giáo dục và tự giáo dục bền bỉ cả về nhận thức lý luận cũng như về thực tiễn.