Thị trường lao động cũng được tự do như thị trường kinh tế. Thế nhưng tự do nhưng vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Dưới đây là bài Phân tích nguyên tắc trả lương theo thoả thuận nhưng không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định mà Toploigiai sưu tầm, cùng theo dõi để làm rõ hơn điều này nhé!
Phân tích nguyên tắc trả lương theo thoả thuận nhưng không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định
Xét trên nhiều khía cạnh của tiền lương, có quan điểm cho rằng tiền lương là khoản tiền được thương lượng trong đó chỉ có lương cơ bản mà không bao gồm các khoản thu nhập khác. Thế nhưng lại có ý kiến cho rằng tiền lương theo thỏa thuận phải bao gồm lương cơ bản và các khoản thu nhập khác bổ sung theo lương để đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người lao động. Chính vì thế mà Chính phủ đã quy định về tiền lương chi tiết trong Chương VI (từ điều 90 đến điều 104) của Bộ Luật Lao động năm 2019.
Người lao động và người sử dụng lao động được quyền thỏa thuận về mức lương nhưng phải đảm bảo trả lương theo thoả thuận không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Theo đó, “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
Trong khi đó, “Mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Nguyên tắc trả lương là theo thoả thuận nhưng không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Điều này có nghĩa là Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu thì tiền lương phải cao hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu đó. Tiền lương bao gồm các bộ phận cấu thành là: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Các bộ phận này có quan hệ rất mật thiết, chúng bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo được trả đúng với giá trị sức lao động. Trong đó:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: là mức lương được quy định trong thang bảng lương của người lao động. Tùy từng công việc hoặc chức danh (lao động qua đào tạo, chưa qua đào tạo, làm công việc nặng nhọc độc hại, vị trí làm việc,…) mà mức lương sẽ có sự điều chỉnh khác nhau nhưng không được phép thấp hơn lương tối thiểu vùng.
- Phụ cấp lương: là những khoản bù đắp những yếu tố về điều kiện lao động, tính phức tạp và sự không ổn định của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút chưa tính đến hoặc tính chưa đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh. Nhờ có phụ cấp lương mà bù đắp được hao phí lao động cho người lao động mà chế độ đãi ngộ chưa thể hiện đầy đủ; Điều chỉnh các mối quan hệ giữa tiền lương và thu nhập, giữa các ngành nghề, công việc, vùng miền; Kích thích phát triển các ngành nghề có phụ cấp cao,…
- Các khoản bổ sung khác: là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Khoản tiền này được trả thường xuyên hoặc không thường xuyên nhưng nó liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh.
Ngoài ra, tiền lương còn bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như các loại tiền thưởng (theo điều 104 Luật lao động 2019), thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, đi lại, tiền nhà ở, trông giữ trẻ, hỗ trợ người lao động kết hôn, sinh nhật,….các khoản hỗ trợ không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh.
Trong khi đó, lương tối thiểu vùng nước ta hiện nay chia thành 4 vùng, căn cứ tùy vào tình hình phát triển kinh tế xã hội ở mỗi vùng. Mức lương này thường xuyên thay đổi và được Chính phủ điều chỉnh áp dụng theo từng khoảng thời gian. Khi lương tối thiểu vùng thay đổi, mức lương tối thiểu trả cho người lao động cũng sẽ thay đổi khi người lao động làm việc ở những vùng khác nhau.
Như vậy, việc tiếp cận tiền lương được mở rộng làm cho khái niệm tiền lương càng gần gũi hơn và dễ hiểu hơn. Việc trả lương theo thoả thuận không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định sẽ đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người lao động. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.