logo

Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất

Tuyển chọn những bài văn hay phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất

I. Mở bài: giới thiệu về khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Ví dụ:

      Hàn Mạc tử là một nhà thơ tài hoa nhưng không được may mắn trong cuộc sống. khi ra đi ông để lại một kho tàn văn thơ vô cùng to lớn. các tác phẩm nổi tiếng của Hàn Mạc Tử như âm nhạc, âm thầm, anh điên, bài cửa sổ đêm khuya,… một tác phẩm nổi tiếng nhất của Hàn Mạc Tử đó là bài Đây thôn Vĩ Dạ. bài thơ nói về cảnh nơi thôn Vĩ, nơi có người ông thương. Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất qua khổ 3 của bài thơ. Chúng ta cùng đi tìm hiểu khổ 3 của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

II. Thân bài: phân tich khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

1. Câu 1+ câu 2: Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra…

  • Tâm trí nhà thơ hoàn toàn chìm vào trong ảo mộng, mờ mờ ảo ảo
  • Hình ảnh khách đường xa là hình ảnh ảo mộng như hình ảnh gây tuyệt vọng nhất
  • Tác giả nhìn không ra để làm nổi bật lên sự trắng
  • Một hình ảnh ảo huyền nhưng rất sâu sác

Câu 3+ câu 4: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà

  • Nhà thơ trở về với thực tại, tưởng tượng nên sự gặp gỡ nhân duyên
  • Nỗi trống vắng, nỗi cô đơn của nhà thơ được thể hiện rõ nét
  • Thể hiện nên sự sống mong manh của nhà thơ

III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Ví dụ:

      Khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ thể hiện nổi bật tâm trạng buồn bã, bi thương của tác giả, đồng thời thể hiện nên sự sống mong manh của ông giữa cuộc đời này.


Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất - Bài mẫu 1

      Raxun Gamzatop đã từng nói "Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình-nghĩa là trở thành nhà thơ". Chính vì thế thơ của Hàn Mặc Tử tạo nên dấu ấn sâu sắc trong phong trào Thơ mới bởi phong cách riêng độc đáo. Thơ ông mang đến tiếng nói của một tâm hồn yêu thiết tha cuộc sống. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng thể hiện nổi bật tình yêu của tác giả đối với cuộc đời, nhưng lại ẩn chứa đầy tâm trạng. Hai khổ thơ đầu tác giả đã gợi lên được vẻ đẹp của thiên nhiên thôn Vĩ, đến khổ cuối tác giả lại nêu lên những hoài niệm về con người thôn Vĩ :

"Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà"

      Không tìm thấy sự hòa hợp với cõi thực, thi nhân tìm niềm an ủi trong cõi mộng, nhưng mộng đẹp cũng chỉ là hư ảo, dù vậy thi nhân vẫn không thôi khao khát, kiếm tìm. Mở đầu là hai câu thơ nói về hình ảnh con người trong cõi mộng: " Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra". Điệp từ "Khách đường xa" lặp lại hai lần khiến câu thơ trở nên gấp gáp, giục giã như một lời gọi với theo. Hình ảnh con người xác định hơn bao giờ hết, là "em" nhưng rất xa xôi. Em trong trang phục áo trắng gợi lên vẻ đẹp tinh khôi, trinh nguyên- vẻ đẹp mà Hàn Mặc Tử vẫn luôn tôn thờ, nhưng sắc trắng ấy thật lạnh lẽo, cái lạnh đến từ thế giới hư ảo, mông lung. Sắc áo trắng của em lẫn vào sương khói xứ Huế nên càng mờ mịt, hư ảo, "nhìn không ra". Thi nhân đang sống trong ảo giác, không phải nhìn bằng mắt thường mà bằng đôi mắt tâm tư, đôi mắt tâm hồn của thi sĩ. Hình ảnh trong câu thơ của tác giả vẫn gợi ra vẻ đẹp rất riêng của xứ Huế mộng mơ, một mảnh đất nhiều sương khói mơ màng, những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng một thời. Cảnh tượng như hư ảo dần đi, như mơ hồ mãi. Dường như với Hàn Mặc Tử, bóng người con gái ấy cứ hút mãi, xa mãi và cuối cùng chỉ là bóng dáng khát khao, mơ ước của thi nhân. Và bóng dáng ấy chỉ còn là ấn tượng về một tà áo trắng, thanh khiết. Những câu thơ cuối lộ rõ cái tôi trữ tình đau thương và khao khát tình đời, tình người. Trước sau vẫn là biểu hiện của một tâm hồn yêu đời đến đau thương và tuyệt vọng.

      Càng về cuối bài thơ thì tâm trạng tuyệt vọng của nhà thơ được đẩy lên cao, nó được thể hiện qua hai câu cuối: " Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà". Tâm trạng của Hàn Mặc Tử giờ đây chỉ là buồn tủi và tuyệt vọng. Nhà thơ nói "ở đây" là nói về mình và thế giới của mình, chính cái thế giới phủ đầy sương khói mờ ảo ấy. Ông sử dụng đại từ phiếm chỉ "ai" lặp lại cộng hưởng với những lần xuất hiện trước đã cho thấy con người mà tác giả muốn nhắc đến là con người xa vắng trong hoài niệm bâng khuâng. Dù là ai đi nữa thì băn khoăn, âu lo, tuyệt vọng cũng xuất phát từ một tâm hồn khao khát sống, khao khát tình yêu, khao khát tình đời, tình người. Đến đây nhà thơ cay đắng nhận ra khoảng cách giữa người con trai và người con gái mà anh thiết tha yêu không phải là khoảng cách của dặm đường từ Quy Nhơn đến Huế mà là hố sâu ngăn cách hai thế giới: giữa bóng tối và ánh sáng, giữa "sương khói" và "trắng trong" khiến anh không thể nhận ra tình cảm của em. Có thể nhận ra một điều tất yếu rằng giữa hai người lúc này đây sương khói của không gian, thời gian và tình yêu. Và người con trai đang đớn đau vì bệnh tật, đầy mặc cảm với thân phận mình đã không thể tin, không dám tin vào sự đậm đà, thắm thiết của một người. Người ấy sao mà xa cách mình đến thế, mà cứ ở một thế giới nào đó khác mình đến thế? Dường như nhà thơ đang lảng tránh một chữ tình của người con gái xứ Huế. Không gian chìm vào cõi mộng ảo, tâm trạng nhà thơ nửa mê nửa tỉnh trong niềm khao khát được yêu, được sống. Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chới với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà thiết tha như đang nhạt nhòa và mờ đi cùng sương khói.

      Với những hình ảnh thơ độc đáo, đẹp, gợi cảm, ngôn ngữ giàu tâm trạng, âm điệu, nhịp thơ trong sáng, thiết tha kết hợp với nhân hóa, so sánh, những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, Hàn Mặc Tử đã phác họa ra bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế đầy sức sống, một bức tranh toàn bích hòa quyện giữa thực và ảo, giữa tâm tưởng và ước mong. Qua đó, tác giả muốn bộc lộ tình cảm mãnh liệt của mình với thiên nhiên, với con người cùng niềm ham sống, khao khát sống của mình. Sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh cái chết cận kề. Song, cái ta bắt gặp vẫn là tình yêu, niềm thiết tha gắn bó với thiên nhiên, con người và sự sống.

      Khổ thơ chứa đựng niềm khao khát được hoài niệm, được mơ, được trở về thăm người xưa chốn cũ của Hàn Mặc Tử đã làm cho bao trái tim yêu văn chương phải thổn thức cùng. Đây cũng là nỗi lòng hướng về xứ Huế sau bao nhiêu năm xa cách trong sự mờ nhạt giữa hiện thực và mộng ảo của nhân vật trữ tình. Tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ hiệu quả làm toát lên được những cung bậc, tâm trạng của chính mình.


Phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất - Bài mẫu 2

      "Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử" đó chính là những lời tâm huyết mà Chế Lan Viên đã nhận định về Hàn Mặc Tử một thi sĩ tài hoa nhưng số mệnh quá ngắn ngủi, đau thương. Có thể nói rằng sự xuất hiện của ông đã khiến nền thơ Mới những năm 1932-1941 có nhiều điểm nhấn mới mẻ, một phong cách tượng trưng siêu thực đặc trưng của phương Tây dần len lỏi vào nền thơ ca vốn quen lối mực thước, lễ giáo của Việt Nam ta. Để tìm đến với những gì "điên", cái tôi cá nhân mạnh mẽ, và những khao khát sâu thẳm bên trong con người bao gồm nhục cảm và thân xác, những đề tài vốn được coi là hết sức "nhạy cảm" buổi đương thời. Hồn thơ Hàn Mặc Tử mang đủ trong mình những khuynh hướng trữ tình lãng mạn của thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận cùng tha thiết, cũng chứa đựng những vẻ đẹp thanh khiết thiêng liêng, trong ngần mà Nguyễn Bính, hay Thế Lữ hằng tôn thờ, chỉ khác rằng thơ của Hàn Mặc Tử còn chứa đựng cả những gì rùng rợn, kinh dị và ghê gớm nhất, để mang đến một chất thơ khiến người đời không ngừng bối rối và ngẫm ngợi. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ được xem là nổi bật và thành công nhất của Hàn Mặc Tử với những vần thơ rất đẹp, rất trong, người thi sĩ cận kề cái chết, trong tuyệt vọng và bế tắc vẫn yêu đời yêu sống một cách tha thiết đến xót xa. Người vui trong khổ thơ đầu tiên với cảnh bình minh thôn Vĩ, gượng vui trong khổ thơ thứ hai với đêm trăng bên dòng Hương giang. Và cuối cùng trong khổ thơ thứ ba, người ta lại thấy thấp thoáng đâu đó cái hồn thơ điên cuồng, kỳ dị của Hàn Mặc Tử, đau xót, mênh mang, vô định.

"Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà"

      Nếu trong hai khổ thơ đầu tiên, thông qua ánh nhìn trìu mến và yêu thương đối với xứ Huế tươi đẹp, Hàn Mặc Tử đã bộc lộ khát khao mãnh liệt được hòa nhập vào cuộc sống bình thường, được thoát ra khỏi lãnh cung chết chóc, cô đơn của cuộc đời mình để tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp trong trẻo và tự do. Thì đến khổ thơ thứ ba tác giả lại không còn đơn thuần khao khát vẻ đẹp của thiên nhiên nữa mà chuyển hướng sang khao khát được đón nhận sự nồng ấm của tình người, tình đời. Điều đó bộc lộ trong hình tượng thơ khá "dị" và khó hiểu: Một người lữ khách trong chốn sương khói mịt mù, thấp thoáng với dáng áo trắng hư hư thực thực, có lẽ là bóng của một giai nhân trong mộng Hàn Mặc Tử như Hoàng Thị Kim Cúc chăng? Như vậy có thể thấy rằng câu thơ đầu tiên "Mơ khách đường xa khách đường xa", cõi đời đã hiện lên một cách rõ ràng thông qua hình bóng một giai nhân mà tác giả trực tiếp xưng "em" ở câu thơ tiếp. Tuy nhiên rằng "khách đường xa" ở trong thơ Hàn Mặc Tử lại đem đến cảm giác xa lạ, đặc biệt là nó được lặp lại đến hai lần trong một câu thơ để diễn tả cái khoảng cách, âm hưởng xa dần của vị "khách", của bóng giai nhân trong tâm tưởng nhà thơ. Cách viết này của Hàn Mặc Tử có đôi phần giống với Nguyễn Bính trong câu thơ "Anh đi đấy, anh đi đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm", gợi tả sự xa dần, mất dần của sự vật. Thì hình tượng "khách đường xa" cũng vậy, nó được lặp lại hai lần với nhịp thơ tha thiết, gợi tả cảm giác xa dần, xa dần vượt ra khỏi tầm mắt và tầm tay của thi nhân. Đặc biệt nữa vị "khách đường xa" mang đến cõi đời trong thơ của Hàn Mặc Tử lại cũng không phải ở cõi thực mà nó nằm trong cõi "mơ", giấc mơ tan thì người cũng mất. Chưa có lúc nào lại có một hình tượng thơ lạ lùng đến thế, hình tượng con người xuất hiện như ảo ảnh, vừa xa lạ, vừa vận động xa dần, lại vừa không thể nắm bắt được, rất vô định và mênh mang. Và Hàn Mặc Tử một con người đang tuyệt vọng và bế tắc trong lãnh cung của cuộc đời, vốn dĩ đã không có gì để dựa dẫm, hy vọng đành tìm đến cõi người ở trong mơ. Người thi sĩ tài hoa, bạc mệnh ấy đã chới với, cố gắng níu kéo lại cái cõi đời, cái hơi ấm tình người dẫu chỉ là trong mơ bằng mọi nỗ lực, mọi cố gắng, người cố nhìn cho rõ cái thân ảnh giai nhân trong mộng, cố sao có thể bắt được chút bóng hình quen thuộc, đó liệu có phải nàng Kim Cúc, hay Mộng Cầm, hay một ai khác, chàng không biết. Thế nhưng rốt cuộc, người nghệ sĩ dường như đuổi không kịp, với không tới, ánh mắt người cũng nhìn không thấu, bởi "Áo em trắng quá nhìn không ra". Hai từ "trắng quá" gợi tả sự tột cùng của sắc trắng, nó đã vượt qua khỏi tầm nhận biết của thị giác, hình bóng người giai nhân bây giờ đã mất hết đường nét, chỉ để lại một khoảng trắng vô định và hẫng hụt trong lòng thi nhân, chính thức đánh dấu sự bất lực và tuyệt vọng của tác giả trong quá trình níu kéo cõi đời, hơi ấm tình người.

      Khi mọi nỗ lực hướng ra thế giới "ngoài kia" - thế giới của biêng biếc sắc màu, tràn ngập sự sống, của ấm nóng tình người, đều trở nên vô vọng, Hàn Mặc Tử buộc phải quay lại với thế giới trong này của mình, quay lại với lãnh cung cuộc đời, cô đơn, bế tắc, buồn tẻ. Cái thế giới ấy hiện lên bằng câu thơ "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh", hình tượng thơ vô cùng siêu thực tượng trưng. Đó là một thế giới mang sự lạnh lẽo, mịt mờ của khói sương, thiếu vắng hình bóng, hơi ấm của con người, là nỗi đau đớn nhất của Hàn Mặc Tử khi phải chống chọi một mình với bệnh tật, không người sẻ chia, bị cách ly khỏi xã hội và đợi chờ thần chết đến tìm mình trong tuyệt vọng. Bản thân thi sĩ không thể bước ra thế giới ngoài kia và thế giới ngoài kia cũng chẳng thể tìm đến với lãnh cung của người thi sĩ. Chỉ có duy nhất một sợi dây vô hình liên hệ giữa hai thế giới khác biệt ấy là tình cảm tha thiết, sâu nặng của người thi sĩ với cuộc đời, với thiên nhiên ngoài kia vẫn luôn đầy ắp trong tâm tưởng, trong những vần thơ lúc trong trẻo, thanh khiết lúc rớm máu đau thương. Tuy nhiên Hàn Mặc Tử ôm chữ "tình" như lá bùa hộ mệnh ấy lại có những lúc hoài nghi "ai biết tình ai có đậm đà", người sợ chỉ có mình đơn phương, ôm những tình cảm sâu đậm, còn chẳng hay người ngoài kia có đối với mình như thế hay không, hoặc là nỗi băn khoăn không biết rằng liệu giai nhân, liệu Kim Cúc có thấu hiểu cho cái nỗi lòng tha thiết đến khốn khổ của mình dành cho nàng hay không. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, thì cũng thể hiện rõ một điều rằng Hàn Mặc Tử ý thức vô cùng sâu sắc về sự mong manh của sợi dây giao nối tình cảm giữa hai thế giới này, người sợ một ngày nào đó nó sẽ đứt mất, và người vĩnh viễn phải giam mình trong cái lãnh cung vô sắc, vô vị và lạnh lẽo này.

      Có thể thấy khổ thơ thứ 3 trong Đây thôn Vĩ Dạ chính là điểm nhấn đặc trưng của thơ Hàn Mặc Tử, là sự phân chia giữa thế giới bên ngoài tươi đẹp, ấm nóng tình người và thế giới bên trong vô định, lạnh lẽo. Từ đó bộc lộ ra những khát khao sống, khát khao được hòa nhập và với cuộc sống bình thường một cách mãnh liệt của nhà thơ, dẫu biết rằng tất cả chỉ là vô vọng và đau khổ. Hình tượng thơ kỳ dị, mang đậm phong cách siêu thực tượng trưng đã mang đến cho người đọc nhiều tầng cảm xúc, kích thích sự tư duy, suy tưởng của độc giả nhiều thế hệ, để lại những ấn tượng sâu sắc về một hồn thơ kỳ dị, điên cuồng và đau thương nhất trong nền thơ Mới của dân tộc.

---/---

Với  các bài văn mẫu phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về  tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 17/05/2021 - Cập nhật : 19/05/2021