logo

Phân tích bài thơ Từ ấy


Mục lục nội dung

Phân tích bài thơ: Từ ấy

Phân tích bài thơ Từ ấy | Văn mẫu 11 hay nhất

       Tố Hữu làm thơ chính trị mà rất đỗi trữ tình, nhận định ấy của Xuân Diệu đã phần nào cho thấy nét đẹp nhuần thấm cũng như sự đặc sắc riêng trong thơ chính trị của Tố Hữu, nét riêng ấy phần nào đã được thể hiện trong bài thơ Từ ấy.

       Khuynh hướng chính trong thơ Tố Hữu là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, ngay từ những dòng thơ mở đầu người đọc đã thấy tâm hồn thi sĩ trong người chiến sĩ Tố Hữu:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim..”

       “Từ ấy” đánh dấu mốc thời gian Tố Hữu chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng, với chàng trai tuổi hai mươi ấy đó dường như là khoảnh khắc lịch sử khi nó đánh dấu sự trưởng thành của ông khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được góp sức vào công cuộc cứu nước, được hi sinh vì nghĩa lớn, vì dân tộc. Giây phút hạnh phúc và niềm hân hoan vỡ òa ấy được ví von so sánh bằng một hình ảnh vô cùng giản dị mà ấm áp, tươi đẹp “tâm hồn tôi là một vườn hoa lá”, tâm hồn ấy bừng sáng khi được mặt trời chân lí chói qua tim, rộn ràng háo hức và hân hoan trước giây phút vinh quang này. Tâm hồn rất đậm hương và rộn tiếng chim, nhờ so sánh ấy, người đọc cũng như có cảm giác rằng niềm vui say trong ánh mắt, trong điệu hồn của nhân vật như làm tươi vui và náo nhiệt cả thiên nhiên, cả thiên nhiên dường như cũng đang nhảy múa không ngừng trước bước chuyển mình lịch sử ấy của người chiến sĩ cộng sản. Đó là bước chuyển đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ sự bế tắc mất phương hướng đến khi tìm được lí tưởng chiếu rọi, tìm đường con đường để theo đuổi và nhận thấy giấc mộng lớn của mình hòa chung vào niềm tin phấn khởi của cả dân tộc. Và chính sự giác ngộ ấy đã hình thành nên trong tâm hồn người chiến sĩ cộng sản nhưng tình cảm lớn, lí tưởng lớn tươi đẹp biết bao:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mảnh khối đời”

       Muốn dùng sự yêu thương để cùng đùm bọc, cưu mang, che chở với biết bao hồn khổ. Lí tưởng ấy, phải chăng chính là sự kế thừa nhuần nhị trong tinh thần dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, là đạo lí truyền thống tươi đẹp, cao cả của dân tộc. vậy nên mới nói, thơ Tố Hữu thường hướng về những lẽ sống lớn tình cảm lớn của dân tộc. Điều ấy khơi gợi được sự đồng cảm, đồng thời đánh thức lại lòng nhân đạo trong tâm hồn mỗi con người, khi mà cuộc sống ngày càng phát triển sự rạn nứt nhỏ trong mối quan hệ giữa con người ngày càng rõ rệt. Đó là lẽ sống mà Tố Hữu theo đuổi, lẽ sống như một ngọn đèn soi đường cho người chiến sĩ cách mạng, để đến cuối khổ thơ, nhà thơ khẳng định chắc nịch: 

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ”

        Người con của tổ quốc giờ đây không còn cảm thấy cô  đơn, mất phương hướng, mà đã gắn kết với cả một tập thể cộng đồng, đó không phải đơn thuần là sự hòa nhập, mà là sự lựa chọn được đồng cam cộng khổ, cùng nếm mật nằm gai, được lắng nghe tiếng nói của những con người nhỏ bé, vô danh. Điệp ngữ xuất hiện liên tiếp trong khổ thơ càng cho thấy tâm thế của người chiến sĩ cộng sản một lời khẳng định, hay là một lời tuyên bố về lẽ sống lí tưởng cao đẹp của mình.

        Từ ấy là khúc ca tươi vui, như bản nhạc tâm hồn rộn ràng của người chiến sĩ say mê lí tưởng cộng sản cao đẹp, đồng thời khẳng định được những lẽ sống lớn, tình cảm lớn mà nhân vật theo đuổi.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021