logo

Phan Bội Châu và xu hướng bạo động

Câu trả lời đúng nhất:

Phan Bội Châu là một nhà cách mạng Việt Nam trong phong trào chống Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội và khởi xướng phong trào Đông Du. Với xu hướng bạo động“nợ máu chỉ có thể trả bằng máu”, ông kiên trì dùng bạo lực giành độc lập.  Ông cũng quan niệm, Nhật Bản cùng màu da, cùng văn hoá Hán học (đồng chủng, đồng văn), lại đi theo con đường tư bản châu Âu, giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga (1905).

Và để hiểu nhiều hơn về nhà cách mạng Phan Bội Châu và xu hướng bạo động này, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!


1. Tiểu sử của Phan Bội Châu

- Phan Bội Châu (1867-1940) biệt hiệu là Sào Nam, người làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một nhân vật kiệt xuất cảa lịch sử dân tộc trong mấy chục năm đầu của thế kỉ XX.

Học giỏi, giàu lòng yêu nước và có chí lớn. Năm 1900, đỗ thủ khoa (khoa thi Hương trường Nghệ). Ông trở thành lãnh tụ của các phong trào yêu nước chống Pháp như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam quang phục hội. Năm 1905, Phan Bội Châu dấy lên phong trào Đông Du, làm bùng lên ngọn lửa yêu nước vô cùng sâu rộng và mãnh liệt khắp mọi miền đất nước. Ông đã bí mật sang Nhật, đến Trung Quốc, Thái Lan.... để gây dựng phong trào cách mạng. Năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, đưa về nước kết án tử hình. Trước tinh thần đấu tranh của mhân dân ta, chúng đưa Cụ vể Huế giam lỏng. Phan Bội Châu trở thành Ông già Bến Ngự. Năm 1940, Cụ qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân ta.

Trong truyện kí “Những trò lố hay là Va-ren là Phan Bội Châu”, Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi cụ Phan là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”...

- Phan Bội Châu còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dãn tộc. Thơ văn cùa Cụ là cả một bầu nhiệt huyết, sục sôi tình yêu nước, thương dân, căm thù bè lũ cướp nước và bán nước. Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn tuyên truyền cổ động cách mạng, gồm có hàng trăm bài thơ, bài văn, tiêu biểu là các tác phẩm: Việt Nam vong quốc sử, Ngục trung thư, Trùng quang tâm sử, Phan Bội Châu niên hiểu, Sào Nam thi tập,...

Phan bội châu và xu hướng bạo động

>>> Xem thêm: Chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu là


2. Phan Bội Châu và xu hướng bạo động


a. Chủ trương xu hướng bạo động

- Phan Bội Châu cho rằng: “nợ máu chỉ có thể trả bằng máu”, ông kiên trì dùng bạo lực giành độc lập.

- Ông cũng quan niệm, Nhật Bản cùng màu da, cùng văn hoá Hán học (đồng chủng, đồng văn), lại đi theo con đường tư bản châu Âu, giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga (1905).


b. Con đường cứu nước theo xu hướng bạo động của Phan Bội Châu và tổ chức Việt Nam Quang phục hội

Giữa lúc Phan Bội Châu và các nhà yêu nước Việt Nam đang trông chờ một cơ hội khác để tiếp tục hoạt động, thì khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ ngày 10/10/1911, mở đầu cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở Trung Quốc. Cách mạng Tân Hợi đưa đến việc lật đổ triều Mãn Thanh, lập ra chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Điều đó đã trở thành một hình mẫu mới cho các nhà cách mạng Việt Nam hướng tới.

Ngày 19/6/1912, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Phan Bội Châu, hơn 100 người đại diện cho nhiều lực lượng yêu nước Việt Nam cả trong và ngoài nước, đã cùng hội họp ở Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra một tổ chức mới thay cho Duy tân Hội, lấy tên là Việt Nam Quang Phục Hội. Tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục Hội nhấn mạnh việc phải đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa Dân quốc Việt Nam.

Tổ chức của Việt Nam Quang Phục Hội giống như một chính phủ lâm thời. Là người sáng lập ra Việt Nam Quang Phục Hội, Phan Bội Châu tiếp tục giữ những trọng trách của tổ chức này (phụ trách bộ Bộ Tổng vụ). Các bộ khác như Bộ Bình Nghị, Bộ Chấp Hành cũng phân công cho những người có uy tín và đức độ phụ trách.

Với sự mô phỏng theo Cách mạng Tân Hợi, Việt Nam Quang Phục Hội đã tiến một bước xa hơn trên con đường dân chủ tư sản. Tuy vậy Phan vẫn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để tiếp tục con đường bạo động đánh Pháp. Theo chủ trương đó, ngay khi ra đời, Việt Nam Quang Phục Hội đã tích cực vận động sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc để tranh thủ xây dựng lực lượng, chuẩn bị một cuộc vũ trang khởi nghĩa. Nhưng từ khi Tôn Trung Sơn nhường chức tổng thống cho Viên Thế Khải, chính phủ Trung Hoa Dân quốc ngả sang con đường quân phiệt. Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu gặp nhiều khó khăn về ngoại viện, làm chậm việc xây dựng lực lượng trong và ngoài nước.

Để gây tiếng vang thúc đẩy qúa trình này, đầu năm 1913 Phan Bội Châu quyết định thực hiện một số hoạt động có tính chất “kinh thiên động địa”, bằng cách cho hội viên Việt Nam Quang Phục Hội thi hành các bản án viết sẵn đối với Toàn quyền Đông Dương và những tên ác ôn tay sai khét tiếng như Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn…

Ngày 19/4/1913 nhóm hội viên trong nước của Việt Nam Quang phục Hội, ném tạc đạn giết tên ác ôn Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình. Tiếp đó, ngày 26/4/1913 một nhóm khác lại đánh bom vào khách sạn Tràng Tiền ở Hà Nội, giết chết 2 sĩ quan Pháp…

Những cuộc ám sát cá nhân ấy gây cho địch nhiều hoang mang, nhưng liền đó chúng đã tập trung đánh phá Việt Nam Quang Phục Hội. Hàng trăm người yêu nước bị bắt bớ giam cầm, 7 hội viên tích cực của Việt Nam Quang Phục Hội ở Bắc kỳ bị xử tử hình, các cơ sở trong ngoài nước bị vỡ lở. Đầu tháng 1/1914 đến lượt Phan Bội Châu và Cường Để bị bắt, Việt Nam Quang Phục Hội đến đây tan rã.


c. Bài học rút ra từ phong trào

- Chủ trương bạo động là đúng, nhưng tư tưởng cầu viện là sai (không thể dựa đế quốc đánh đế quốc được).

- Cần xây dựng thực lực trong nước, trên cơ sở đó mà tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế chân chính.


3. Phân tích sự giống và khác nhau giữa hai xu hướng bạo động và cải cách đầu thế kỉ XX

Giống nhau: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều là những sĩ phu phong kiến chịu ảnh hưởng các tư tưởng tư sản tiến bộ, đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước để tìm con đường giải phóng dân tộc. Con đường đó theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

Khác nhau:

  Phan Bội Châu Phan Châu Trinh
Phương pháp Bạo động Cải cách
Chủ trương

“Nợ máu chỉ có thể trả bằng máu”, kiên trì chủ trương dùng bạo lực giành độc lập.

 “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam.

Đấu tranh ôn hòa, công khai, dựa vào Pháp để đánh đổ vua quan phong kiến hủ bại, xem đó là điều kiện tiên quyết để giành độc lập

Kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân khí.

Hoạt động

Tổ chức phong trào Đông Du, đưa học sinh sang Nhật học, chuẩn bị cho công cuộc đánh Pháp cứu nước

Bạo động, ám sát.

Cổ động thực nghiệp, lập hội kinh doanh.

Mở trường theo lối mới để nâng cao dân trí.

Vận động đổi mới “phong hóa”, cải cách lối sống, bài trừ mê tín dị đoan.

------------------------

Trên đây là kiến thức về Phan Bội Châu và xu hướng bạo động. Qua bài viết này, mong rằng các bạn sẽ bổ sung thêm cho mình thật nhiều kiến thức và học tập thật tốt nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi và đọc bài viết!

icon-date
Xuất bản : 25/05/2022 - Cập nhật : 25/05/2022