logo

Những giá trị cơ bản của văn học dân gian

Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc (giá trị nhận thức). Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn.Vậy, ngoài ra văn học dân gian còn những giá trị nào?, để biết được chi tiết hơn các bạn hãy tìm hiểu nội dung dưới đây cùng Top lời giải nhé!


1. Văn học dân gian là gì?

Văn học dân gian Việt Nam là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ được hình thành và phát triển bởi nhiều tầng lớp nhân dân từ thời công xã nguyên thủy. Trải qua hàng ngàn thời kỳ lịch sử, thể loại này được lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay bằng hình thức truyền miệng.

Văn học dân gian được đúc kết từ chính sinh hoạt thường ngày và kinh nghiệm sống của tập thể nhân dân. Qua đó, thể hiện rõ nhận thức, tâm tư, tình cảm của con người về đời sống lao động cũng như đời sống cộng đồng.

Tác giả của văn học dân gian trải rộng từ nông dân lao động đến thành phần tri thức với cùng chung mục đích phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm gánh âu lo, cải thiện đời sống tinh thần vui vẻ, sinh động hơn.


2. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian

a) Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc (giá trị nhận thức)

- Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn.

- Tri thức dân gian thể hiện trình độ nhận thức và quan điểm tư tưởng của nhân dân lao động nên nó mang tính chất nhân đạo, tiến bộ, khác biệt và thậm chí đối lập với quan điểm của giai cấp thống trị cùng thời.

Ví dụ: Tục ngữ về thiên nhiên:

“Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa”, “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”…

Vì là trí thức dân gian nên nó có sự khác biệt về nhận thức với giai cấp thống trị.

b) Văn học dân gian có giá trị giáo dục đạo làm người

- Văn học dân gian là nhân tố quan trọng trong việc hình thành tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam. Giáo dục tinh thần nhân đạo, tôn vinh những giá trị con người với quan niệm của dân gian “ở hiền gặp lành”, yêu thương con người và đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức bất công, bất hạnh.

Những giá trị cơ bản của văn học dân gian

- Hình thành những phẩm chất truyền thống tốt đẹp:

+ Tình yêu quê hương, đất nước.

+ Lòng vị tha, đức kiên trung.

+ Tính cần kiệm, óc thực tiễn,...

Ví dụ: Truyện cổ tích Tấm Cám giáo dục con người về: tinh thần nhân đạo, vị tha qua đạo lí “ở hiền gặp lành”.

c) Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc

- Văn học dân gian là nơi lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống vô giá của dân tộc.

- Khi văn học viết chưa phát triển, văn học dân gian đóng vai trò chủ đạo.

- Khi văn học viết phát triển, văn học dân gian là nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết, phát triển song song, làm cho văn học viết trở nên phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ví dụ:

“Thằng Tây chớ cậy xác dài,

Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày!

Thằng Tây chớ cậy béo quay,

Mày thức hai buổi là mày dở hơi.

Chúng tao thức bốn đêm rồi.

Ăn cháo ba bữa, chạy mười chín cây.

Bây giờ mới gặp mày đây,

Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao.”

(Ca dao kháng chiến Đồng Tháp)

>>> Xem thêm: So sánh văn học dân gian và văn học viết


3. Đặc trưng của văn học dân gian

a) Tính truyền miệng

- Văn học dân gian thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), hoặc theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).

- Quá trình truyền miệng thường được thực hiện thông qua diễn xướng - tức là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp (nói, hát, kể).

- Ảnh hưởng:

+ Làm cho tác phẩm văn học dân gian được trau chuốt, hoàn thiện, phù hợp hơn với tâm tình của nhân dân lao động.

+ Tạo nên tính dị bản (nhiều bản kể) của văn học dân gian.

b) Tính tập thể

- Quá trình sáng tác tập thể: Cá nhân khởi xướng -  tập thể hưởng ứng (tham gia cùng sáng tạo hoặc tiếp nhận) cùng tu bổ, sửa chữa, thêm bớt cho phong phú, hoàn thiện.

- Trong  khi tham gia lao động sản xuất, mọi người thường có những câu ca hay những câu chuyện hay kể cho cả một tập thể nghe. Đã có những câu hò hay những điệu nhạc reo vang, nó trở thành những tác phẩm vẻ vang trong thời kì lịch sử .

=> Tính truyền miệng và tính tập thể trở thành đặc trưng cơ bản, chi phối, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian và các sinh hoạt trong đời sống cộng đồng.

c) Văn học dân gian - một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng. Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ - một hình thức sinh hoạt gia đình; Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội... Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng.

Ngoài ra, văn học dân gian còn có tính thực hành. Tính thực hành của văn học dân gian là sự gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Ví dụ:

+ Bài ca lao động: Hò sông Mã, hò giã gạo,...

+ Bài ca nghi lễ: Hát mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường,...

--------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn tìm hiểu về Những giá trị cơ bản của văn học dân gian. Mong rằng sau khi các bạn đọc bài viết xong, sẽ tự giải đáp được mọi thắc mắc của mình. Chúc các bạn làm bài tốt và điểm cao!

icon-date
Xuất bản : 11/06/2022 - Cập nhật : 11/06/2022