logo

Nhóm nguyên tố là gì? Bảng tuần hoàn có bao nhiêu cột? bao nhiêu nhóm?

Câu hỏi: Nhóm nguyên tố là gì? Bảng tuần hoàn có bao nhiêu cột? bao nhiêu nhóm? Cách xác định số thứ tự nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn, cho ví dụ minh họa?

Trả lời: 

- Nhóm nguyên tố là tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử có cấu hình electron tương tự nhau, do đó có tính chất hóa học gần giống nhau và được sắp xếp thành một cột.

- Bảng tuần hoàn có 18 cột chia thành 8 nhóm A (đánh số từ IA đến VIIIA) và 8 nhóm B (đánh số từ IB đến VIIIB). Mỗi nhóm là một cột, riêng nhóm VIIIB gồm 3 cột.

- Cách xác định số thứ tự nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn:

+ Nguyên tử các nguyên tố trong cùng một nhóm có số electron hóa trị bằng nhau và bằng số thứ tự của nhóm (trừ hai cột cuối của nhóm VIIIB).

+ Để xác định nhóm nguyên tố:

Bước 1: Viết cầu hình electron nguyên tử của nguyên tố.

Bước 2: Xác định số electron hóa trị

STT nhóm = số electron hóa trị (trừ II cột cuối nhóm VIIIB)

Bước 3: Xác định khối nguyên tố:

Nếu nguyên tố khối s hoặc khối p → thuộc nhóm A

Nếu nguyên tố khối d hoặc khối f → thuộc nhóm B.

Ví dụ:

 + Na (Z =11): [Ne]3s1

=> Na thuộc nhóm IA do có 1 electron hóa trị, nguyên tố s.

+ Fe (Z = 26): [Ar]3d64s2

=> Fe thuộc nhóm VIIIB do có 8 electron hóa trị, nguyên tố d.

Cùng Top lời giải mở rộng kiến thức về các nhóm trong bảng tuần hoàn nhé!


1. Bảng tuần hoàn là gì?

     Bảng tuần hoàn (tên đầy đủ là Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, còn được biết với tên Bảng tuần hoàn Mendeleev), là một phương pháp liệt kê các nguyên tố hóa học thành dạng bảng, dựa trên số hiệu nguyên tử (số proton trong hạt nhân), cấu hình electron và các tính chất hóa học tuần hoàn của chúng. Các nguyên tố được biểu diễn theo trật tự số hiệu nguyên tử tăng dần, thường liệt kê cùng với ký hiệu hóa học trong mỗi ô. Dạng tiêu chuẩn của bảng gồm các nguyên tố được sắp xếp thành 18 cột và 7 dòng, với hai dòng kép nằm riêng nằm bên dưới cùng.

     Các hàng trong bảng gọi là các chu kỳ, trong khi các cột gọi là các nhóm, một số có tên riêng như halogen hoặc khí hiếm. Bởi vì theo định nghĩa một bảng tuần hoàn thể hiện những xu hướng tuần hoàn, bất kỳ bảng dưới dạng nào cũng có thể dùng để suy ra mối quan hệ giữa các tính chất của nguyên tố và tiên đoán tính chất của những nguyên tố mới, chưa được khám phá hoặc chưa tổng hợp được. Do đó, một bảng tuần hoàn-dù ở dạng tiêu chuẩn hay các biến thể-cung cấp khuôn khổ hữu ích cho việc phân tích thuộc tính hóa học, và các bảng như vậy được sử dụng rộng rãi trong hóa học và các ngành khoa học khác.

Nhóm nguyên tố là gì? Bảng tuần hoàn có bao nhiêu cột? bao nhiêu nhóm?

2. Cấu tạo bảng tuần hoàn

a. Ô nguyên tố

Ô nguyên tố cho biết: Số hiệu nguyên tử, kí hiệu hoá học, tên nguyên tố, nguyên tử khối của nguyên tố đó.

- Số hiệu nguyên tử còn gọi là số thứ tự của nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Số hiệu nguyên tử có số trị bằng số đơn vị điện tích hạt nhân và bằng số electron trong nguyên tử.

b. Chu kì

- Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron và được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần.

- Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron.

- Có 7 chu kì trong đó các chu kì 1, 2, 3 được gọi là chu kì nhỏ, các chu kì 4, 5, 6, 7 là các chu kì lớn.

Thí dụ: Chu kì 2 gồm 8 nguyên tố có 2 lớp electron trong nguyên tử. Điện tích hạt nhân tăng từ Li là 3+ đến Ne là 10+.

c. Nhóm

Nhóm gồm các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có số electron lớp ngoài cùng bằng nhau và được xếp thành cột theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử

Thí dụ: Nhóm I gồm các nguyên tố kim loại mạnh, chúng đều có 1 electron ở lớp ngoài cùng. Điện tích hạt nhân tăng từ Li là 3+ đến Fr là 87+.


3. Sự biển đổi tính chất của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

1. Trong một chu kì

- Số electron lớp ngoài cùng của nguyên tử tăng dần từ 1 đến 8 electron.

- Tính kim loại của các nguyên tố giảm dần, đồng thời tính phi kim tăng dần.

* Ví dụ: Chu kì 2 gồm 8 nguyên tố từ Li đến Ne

- Số e lớp ngoài cùng của nguyên tử các nguyên tố tăng dần từ 1 đến 8

- Tính kim loại giảm dần, đồng thời tính phi kim tăng dần. Đầu chu kì là kim loại mạnh cuối chu kì là phi kim mạnh.

2. Trong một nhóm

 Trong một nhóm, khi đi từ trên xuống dưới theo chiều tăng của điện tích hạt nhân:

- Số lớp electron của nguyên tử tăng dần.

- Tính kim loại của các nguyên tố tăng dần đồng thời tính phi kim của các nguyên tố giảm dần.

* Ví dụ: Nhóm I gồm 6 nguyên tố từ Li đến Fr

- Số lớp electron tăng dần từ 2 đến 7. Số electron lớp ngoài cùng của nguyên tử đều bằng 1.

- Tính kim loại của các nguyên tố tăng dần. Đầu nhóm là kim loại hoạt động mạnh cuối nhóm là kim loại hoạt động rất mạnh.

icon-date
Xuất bản : 04/03/2022 - Cập nhật : 17/05/2022