Chính Hữu sáng tác bài thơ Đồng Chí những buổi đầu chiến tranh chống Pháp. Đây được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài người lính thời chiến và cũng là một mốc son trong cuộc đời, sự nghiệp của tác giả. Nhận định về Chính Hữu và bài thơ Đồng chí có khá nhiều và đa phần đều đánh giá tài năng của nhà thơ và sự thành công trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Nhà phê bình nổi tiếng Vũ Quần Phương nhận định “Chính Hữu là nhà thơ quân đội thực thụ cả về phía tác giả lẫn tác phẩm”. Nghĩa là sắc xanh áo lính đã gắn bó trong suốt con đường thơ của ông và nói đến thơ ông là nói đến những trang thơ về người lính. Thật vậy trong suốt hơn 30 năm cầm bút của mình ông đã để lại 3 tập thơ với gần 50 bài thơ, trong đó đề tài chủ yếu viết về người lính. Dù tác phẩm thơ không đồ sộ nhưng Chính Hữu vẫn được đánh giá là cái tên tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam.
Người lính trên trang thơ Chính Hữu là những anh Vệ quốc đoàn, những chiến sỹ Điện Biên, những con người chỉ vừa rời tay cuốc, tay cày để đến với cuộc chiến gian khổ. Với tâm thế là một người lính nên Chính Hữu hiểu sâu sắc về họ. Vì vậy trên trang thơ của ông người lính hiện lên với những nét chân thật và đời thường nhất.
Nhận định về Chính Hữu nhà phê bình văn học Nhị Ca cũng bổ sung thêm “ Thơ anh có nói những suy nghĩ, nhưng không triết lí….động vào tình cảm, tư tưởng bạn đọc bằng sự ngân vang của từ ngữ, hình ảnh, âm điệu.,...”
>>> Xem thêm: Xác định cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Đồng chí
Nhà phê bình Nguyễn Mạnh Hùng nhận định “Đồng chí” là bài thơ quyện chặt cảm hứng lãng mạn và hiện thực, vần thơ sâu xa lời ít mà ý nhiều. Với “Đồng chí”, nhà thơ đã đóng góp cho thơ ca kháng chiến chống Pháp một tượng đài đẹp về hình ảnh những người lính quân đội nhân Việt Nam trong thời kỳ đầu.
Bằng những chi tiết chân thật, cụ thể nhưng cũng đầy tính chọn lọc, khái quát, nhà thơ đã khắc họa tình tri kỉ, tình đồng đội và nâng lên là tình đồng chí gắn bó giữa những người mặc áo lính cùng chiến đấu để giữ gìn độc lập và tự do cho tổ quốc. Trên phương diện nghệ thuật bài thơ gây ấn tượng ở việc sử dụng những ngôn từ có tính chất khẩu ngữ, thành ngữ “nước mặn đồng chua”, “đất cày sỏi đá”, từ ngữ giàu sắc thái “đôi tri kỉ”, “đầu súng trăng treo”, chất hiện thực và lãng mạn hoà quyện nhịp nhàng, câu thơ chắc gọn bên ngoài lại ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết từ bên trong.
--------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Nhận định về Chính Hữu và bài thơ Đồng chí. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.