logo

Nghị luận xã hội về lòng yêu nước

Tuyển chọn những bài văn mẫu hay Nghị luận xã hội về lòng yêu nước. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!


Nghị luận xã hội về lòng yêu nước - Bài mẫu 1

Nghị luận xã hội về lòng yêu nước ngắn ngọn hay nhất

    Không có gì cao quý và thiêng liêng hơn tình yêu tổ quốc (đất nước). Từ nghìn năm xưa, cha ông ta, bằng sức lao động bền bỉ đã từng bước xây dựng, bồi đắp biên cương, bờ cõi và không tiếc máu xương kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm suốt mấy nghìn năm để làm nên đất nước. Bởi thế, bổn phận của chúng ta là phải sống có lòng yêu nước, đem sức mình xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.

    Tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng. Nó bao gồm những tình cảm như: niềm tự hào về thành tựu hay văn hóa của quê hương, mong muốn được cống hiến hết mình cho quê hương đất nước, cho đi mà không cần báo đáp hay nhận lại, khát vọng duy trì, giữ gìn nền hoà bình của dân tộc và độc lập của đất nước.

    Lòng yêu nước có thể hiểu là tình cảm yêu thương, trân trọng của một cá nhân, một cộng đồng dành cho quốc gia, dân tộc mình. Lòng yêu nước nói chung xuất phát từ tình yêu đối với những điều nhỏ nhặt, giản dị, dần dần đến những điều lớn lao. Hay nói như nhà văn I-li-a Ê-ren-bua: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”

    Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc có truyền thống yêu nước. Chúng ta có truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Hiện tại, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm xây dựng đất nước và giữ gìn nền hòa bình dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước trở thành một dòng chảy xuyên suốt qua lịch sử dân tộc và ngày càng lớn mạnh hơn.

    Lòng yêu nước là tình cảm cần phải có trong mỗi con người. Nếu mỗi người đều có lòng yêu nước, nghĩa là chúng ta tiếp nối truyền thống của dân tộc, nghĩa là chúng ta tiếp tục tiếp nhận và duy trì nguồn sức mạnh của dân tộc, sống đúng với đạo nghĩa và truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay.

    Sống có lòng yêu nước sẽ làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn của mỗi người. Người có lòng yêu nước sẽ được mọi người xung quanh trân trọng, nể phục. Chính tình yêu nước là yếu tố khơi bừng lý tưởng sống, khát vọng sống và cống hiến của con người. Bảo vệ đất nước, làm cho đất nước giàu đẹp trở thành niềm tự hào của con người, nhất là đối với tuổi trẻ, những con người giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo. người sống vì đất nước, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội luôn được người khác yêu quý, ca ngợi và tôn vinh.

    Mỗi người đều yêu nước, góp một phần dù nhỏ bé để xây dựng đất nước, đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng, làm quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, lớn mạnh. Đất nước là một ngôi nhà chung. Đất nước có bình yên và lớn mạnh hay không chính là do mỗi cá nhân biết xây dựng.

    Nếu cá nhân không có lòng yêu nước, nghĩa là không tiếp nối truyền thống của dân tộc, sống ngoài dòng chảy chung của muôn người, tâm hồn người đó sẽ trở nên khô khan. Người không có lòng yêu nước sẽ trở nên lạc lõng với những người xung quanh. Đó là những người ích kỷ, không muốn góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những người như thế thật đáng lên án.

    Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển, rất cần công sức xây dựng, đóng góp của mỗi cá nhân dành cho cộng đồng. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đạt nhiều thành tựu rực rỡ, từng bước đưa đất nước đi lên. Quá trình hợp tác, giao lưu, buôn bán với các nước được xúc tiến mạnh mẽ. Quá trình mở cửa hội nhập với thế giới ngày càng tốt đẹp. Để tiếp tục phát huy những thành tựu và giá trị đó, rất cần sự đóng góp của toàn thể nhân dân, đặc biệt là tuổi trẻ ngày nay. Hơn lúc nào hết chúng ta cần lòng yêu nước, hơn nữa còn cần biến nhận thức thành hành động.

    Tuy nhiên, bên cạnh lực lượng tuổi trẻ tích cực, năng động và yêu nước, vẫn còn có một số người đã và đang có những nhận thức và hành động không đúng đắn, thiếu trách nhiệm với đất nước. Nhiều bạn trẻ vẫn tỏ thái độ thờ ơ, bàng quan, trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Họ cho đó là chuyện “quốc gia đại sự”, chuyện của những người làm nhiệm vụ chuyên trách, không liên quan đến mình. Hay một vài người hiện nay trở nên lúng túng không biết nên làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước trước hoàn cảnh của quốc gia, dẫn đến những hành động sai trái, thiếu suy nghĩ.

    Trong thời đại ngày nay, khi nền hoà bình dân tộc và độc lập của đất nước đã được kiên cố, thể hiện tình yêu sâu đậm đối với đất nước, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn về lòng yêu nước, nuôi dưỡng tình yêu nước trong chính tâm hồn mình và thúc đẩy lòng yêu nước ở những người xung quanh.

    Lòng yêu nước ẩn náu trong trái tim và biểu hiện qua hành động. Mỗi cá nhân phải có lòng yêu nước và hãy hành động vì đất nước. Cuộc sống có trở nên tốt đẹp, nền hòa bình dân tộc có trở nên bền vững, đất nước có lớn mạnh hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.


Nghị luận xã hội về lòng yêu nước - Bài mẫu 2

    Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bể dâu mới có được hòa bình và nền độc lập như hôm nay. Đó là nhờ vào sự nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Cho đến ngày nay, lòng yêu nước vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa.

    Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người.

    Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá cao xa, nó nằm ngay ở ý thức và hành động của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước dành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

    Lòng yêu nước lúc đó chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù.

    Trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc chung ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước.

    Tình yêu mà chúng ta dành cho làng quên yên bình, cho những dòng sông đổ nặng phù sa, cho bãi mía nương dâu. Nhà văn Ê-ren-bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

    Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.

    Đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội, thế hệ trẻ cần phải cống hiến và chung tay xây dựng đất nước phát triển hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần phải cố gắng chăm học, rèn luyện không ngừng để trở thành người công dân tốt cho xã hội.

    Lòng yêu nước của mỗi công dân sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia và giúp đỡ. có những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi, những cụ già neo đơn hoặc bị con cái ngó lơ. Họ cần được yêu thương và sẻ chia. Chúng ta hãy dang rộng vòng tay để yêu thương họ, kêu gọi xã hội yêu thương họ bằng những hành động thiết thực nhất.

    Tuy nhiên bên cạnh những người tràn đầy tinh thần yêu nước thì vẫn có những phần tử cố ý chống lại đất nước, chống lại chính quyền. Đó là những kẻ đi theo chủ nghĩa xuyên tạc, nói xấu Đảng và chính phủ. Cần phải xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp này để mang lại sự yên ổn của xã hội.

    Như vậy lòng yêu nước trong xã hội này là cần thiết đối với mỗi con người. Chúng ta cần phải rèn luyện tinh thần này thường xuyên để dựng xây và cống hiến cho đất nước.


Nghị luận xã hội về lòng yêu nước - Bài mẫu 3

    Văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng  Lòng yêu nước: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc". Đó là người Nga yêu nước Nga, nhưng nguồn cội của tình yêu nước thì vẫn vậy, dù cái cụ thể cho tình yêu này trao gửi có khác với Việt Nam ta. Nhưng người Việt Nam, thì "Lòng yêu nước ban đầu..." có thể sẽ là yêu lũy tre xanh bao quanh làng, yêu dòng sông chảy trước nhà, yêu chân ruộng thơm mùi gốc rạ, yêu con cò đứng khoan thai trên đồng bên dáng mẹ còng lưng làm cỏ lúa….

     Cứ nghĩ xem, 4.000 năm qua từ thuở vua Hùng dựng nước, ông cha ta đâc để lại những biểu tượng gì cho cháu con gửi vào đó lòng yêu nước sâu sắc nhất? Vua Hùng đã đi cày ruộng, và người dân ở thời đại Hùng Vương đã biết trồng lúa nước. Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng và bánh dầy,  biểu tượng cho trời đất, nhưng cũng là biểu tượng cho làng quê trồng lúa nước. Và cao hơn, là biểu tượng cho lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn với tổ tiên, các đấng sinh thành ra mình. Yêu cha mẹ, yêu ông bà, yêu tổ tiên cũng là bắt đầu cho tình yêu Tổ quốc. Cây lúa, chân ruộng chính là cái mà mười tám vua Hùng để lại cho muôn đời con cháu. Nước ta có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng không thể, không bao giờ được để mất những biểu tượng, những hình ảnh của làng quê đã hình thành từ thời các vua Hùng.

     Các dân tộc Việt Nam đa tôn giáo, nhưng người Việt có một tập tục thành kính và tuyệt đẹp, đó là tục thờ cúng ông bà. Mỗi khi chúng ta thắp nén hương trên bàn thờ các vua Hùng, trước bàn thờ tổ tiên ông bà, tự nhiên có cám giác trong huyết quản ta đang lưu chuyển dòng máu Việt tự nghìn năm, và ta lại có phút thanh thản để tự soi xét mình và để nhận những lời di huấn thiêng liêng từ tổ tiên ông bà: phải sống làm sao cho có nghĩa có nhân, cho ra một con người thuộc dòng giống Lạc Việt. Niềm tự hào chỉ đưa ta đi lạc hướng một khi ta không biết mình tự hào về cái gì. Còn khi đã xác định, thì niềm tự hào là con cháu vua Hùng, là người Việt mãi mãi là niềm tự hào chính đáng. Không phải để hơn thua với ai, mà để tự tin vào những gì tốt đẹp mà mình đã được nhận, được trao truyền trong suốt cuộc đời này. Từ các vua Hùng, từ lũy tre xanh, từ ruộng tỏa mùi bùn non:

"Cứ gì mùi thơm mới khiến nhớ lâu      

 khi bùn non nối đời anh với đất         

khi bàn chân dẫm gai cào đá sắc      

là để cho bùn ruộng nhuyễn hơn thôi

cho đồng ta lúa chạy ngút chân trời  

và gân lại dáng mẹ hiền xuống mạ"  

     Những câu thơ này được viết trong chiến tranh, cách đây đã 40 năm. Và hôm nay xin dâng mây câu thơ mộc mạc này trong ngày Quốc giỗ, như một lý giải đơn sơ về cội nguồn lòng yêu nước.
Nghị luận xã hội về lòng yêu nước - Bài mẫu 4

Ai quên cho được mái tranh nâu 

Luống đất bờ ao với nhịp cầu 

Mồ mả ông chôn giữa đất 

Lòng người, lòng đất cảm thông nhau.

(Tình quê tình nước — Kiên Giang)

    Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với một mái ấm tình thương, một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé cụ thể ấy góp lại trở thành tình yêu quê hương, dất nước. Thật đúng như lời nhà văn Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua nối: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von -ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” Câu nói nổi tiếng này có ý nghỉa sâu sắc như thế nào?

    Ai cũng biết, tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng khó hình dung. Người ta có thể tỏ bày tình yêu đất nước, Tổ quốc của mình bằng ước mơ hoài bão. Thế nhưng hiểu cụ thể, đầy đủ, rõ ràng thế nào là lòng yêu đất nước thì thật là khó khăn. Bởi vậy, ở đây, nhà văn giúp chúng ta hiểu thấu được khái niệm trên bầng một hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể: đó là hình ảnh “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von- ga, con sông Von-ga đi ra biển" cùng chẳng khác chi: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".

    Với hình ảnh so sánh này nhà văn cho rằng lòng yêu đất nước được hình thành trên cơ sở biểu hiện hết sức cụ thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói rõ hơn tình yêu Tổ quốc cụ thể là “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” góp lại. Cách “định nghĩa” của nhà văn Ê-ren-bua thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai cũng hiểu được là mình đã và đang yêu đất nước mình, Tổ quốc mình, bởi vì như đã nói ở bên trên, ai chẳng có một tình yêu đối với mái tranh nâu, với luống đất, bờ ao, nhịp cầu mồ mả ông bà, những người thân thuộc, nghĩa xóm tình làng và một miền quê gắn bó không rời cùng ta từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Đúng như một nhà văn đã nối: “Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thề nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được".

    Như thế, yêu nhà, yêu làng xốm, yêu miền quê, là tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Nhưng do đâu mà nói là yêu Tổ quốc? Điều này thật dễ hiểu.

    Con người, bất cứ ai – cùng sinh ra, lớn lên trong một môi trường cụ thể là gia đình, làng xóm, miền quê. Đó là những con người, những cảnh vật gần gũi, gắn bó máu thịt. Bởi vậy, nếu mỗi chúng ta không có tình yêu đối với các bậc sinh thành mình thì làm sao có được tình yêu đối với nhân dân rộng rãi. Không có chút xúc động nào trước cảnh vật: mái tranh nâu, bờ ao, luống đất, nhịp cầu… khăng khít với mình suốt tuổi bé thơ và trong cả cuộc đời thì làm gì có được tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quôc. Bác Hồ nặng lòng yêu xứ Nghệ (đến độ trước phút đi xa, Bác còn thèm nghe một câu hò ví dặm) yêu mảnh đất “xứ dân gầy” non xanh nước biếc như tranh họa đồ nên Bác mới một đời tận tụy hi sinh, đấu tranh vì độc lập tự đo của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta. Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa. Chí biết quên mình cho hết thảy. Như dòng sông chảy phù sa'" (Bác ơi – Tố Hừu). Nhà thơ trẻ Đỗ Trung Quân cùng từng định nghĩa tình yêu quê hương: 

Quê hương là chùm khế ngọt 

Cho con trèo hái mỗi ngày 

Què hương là đường đi học 

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng 

Quê hương là con đò nhỏ 

Em đềm khua nước ven sông… 

    Chính tình yêu đối với chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc trên đồng, con đò nhỏ ven sông… góp lại trở thành tình yêu một miền quê, tình yêu đất nước và tình yêu Tố quốc. 

    Nhà văn nói “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” là “yêu Tố quốc” cùng có ý phê phán một thứ lòng yêu nước chung chung, mơ hồ rỗng tuếch mà không biểu hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực và gần gũi. 

“Ai yêu nước Việt hơn người Việt 

Nhau rốn chôn sâu giữa đất lành”“.

(Tình quê tình nước — Kiên Giang)

    Là người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam của chúng ta hơm ai hết, dù đất nước này còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chiến tranh đã đi qua hơn hai mươi năm, nhưng hậu quả của bom đạn tàn phá xưa đâu phải đã hết. Nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một cơ sở vật chât yếu kém, lạc hậu, nên với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, thực hiện từ mười năm nay – đã bù đắp phần nào mất mát, hàn gắn lại các vết thương chiến tranh xưa, và đem lại một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, một số mặt tiêu cực trong quản lí kinh tế, trong đời sống xã hội chưa thề khắc phục ngay được. Trong tình hình ấy, tinh thần yêu nước của mỗi người chúng ta, hơn bao giờ hết, phải được thể hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đổi mới và xây dựng đất nước, chứ không thể nói chung chung, phải biến tình cảm cao quý thiêng liêng này thành một vật báu trưng bày trong tủ kính chứ đừng cất giấu kĩ trong rương, trong hòm như trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” Hồ Chủ tịch đã nói.

    Rất đỗi tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần nồng nàn yêu nước của biết bao thế hệ người Việt Nam và tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, mỗi người học sinh chúng ta phải làm gì đế thể hiện một cách cụ thể, sinh động tinh thần yêu nước nồng nàn của mình? Chúng ta hãy yêu thương những người thân gần gũi nhất của mình là ông bà, cha mẹ, họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo, bạn hữu và thế hiện lòng yêu thương ấy bằng thái độ chăm sóc, vâng lời, lễ độ, giúp đỡ nhau… Phải biết vị tha, không nên chỉ đòi hỏi mọi người phải đặc biệt quan tâm chăm sóc đến riêng mình một cách vị kỉ. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết yêu quý với ý thức giừ gìn các vật dụng bình thường nhất, gần gũi nhất trong đời sống của mình: đồ dùng trong gia đình, tài sản công cộng, biết gắn bó với làng xóm, khu phố mình đang sống.

    Trong thời đại chúng ta, đặc biệt đất nước chúng ta hôm nay, yêu Tổ quốc chính là yêu chủ nghĩa xã hội, hòa mình vào mọi hoạt động đổi mới và xây dựng đất nước làm cho dân giàu nước mạnh.

    Khi còn là học sinh, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta phải biểu hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực như chăm học, chăm làm, tu dưỡng rèn luyện mình để mai sau trở thành một người công dân tốt, phải biết yêu quý gìn giữ của công, tham gia tích cực vào mọi hoạt động xã hội công ích do nhà trường và địa phương tổ chức. Chính trên cơ sở đó, tình yêu đất nước nhân dân của chúng ta sẽ được bồi dưỡng thêm ngày càng sâu sắc hơn với một nhận thức rõ rệt là lòng yêu Tố quốc ngày nay phải gắn chặt với việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến.

    Tóm lại, lòng yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người chúng ta được nhà văn Ê-ren-bua nêu lên bằng những biểu hiện cụ thể nhằm nhắc nhở chúng ta tình yêu ấy phải gắn liền với những hành động và việc làm cụ thể trong các hoàn cảnh cụ thể.

    Mỗi học sinh chúng ta cần hiểu sâu sắc câu nói nổi tiếng này của nhà văn để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường dể biểu hiện một cách cụ thể lòng yêu Tổ quốc của mình.

---/---

    Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng yêu nước. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/11/2021 - Cập nhật : 08/11/2021