Hủ tục vốn là những phong tục tập quán xưa cũ, đã trở nên lỗi thời lạc hậu theo thời gian; là những thói hư tật xấu kìm nén sự phát triển của xã hội. Cùng Toploigiai trình bày quan điểm Nếu xóa bỏ hủ tục thì cuộc sống của con người sẽ thay đổi như thế nào để đánh giá về vấn đề trên nhé!
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày một nâng cao, kéo theo những hủ tục xưa của đồng bào dân tộc cũng dần lùi vào dĩ vãng. Đó là những phong tục đã lỗi thời lạc hậu, những thói hư tật xấu khiến cả cộng đồng trở nên trì trệ, kém phát triển. Hủ tục có thể mang sắc màu mê tín được truyền qua nhiều đời, đặc biệt là trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Trải qua hàng ngàn năm kế thừa, hủ tục được nhen nhóm từ đời sống tinh thần của nhân dân đã vận động thay đổi để thích nghi cùng dòng chảy của thời đại mới. Tuy chúng vẫn chưa hoàn toàn biến mất, nhưng thực sự hủ tục đã dần được thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại hơn. nhất là ở những nơi dân trí được thừa hưởng sự giáo dục đúng nghĩa.
Một vài hủ tục thường thấy nhất, phải kể đến tục nợ miệng và tục tảo hôn. Nợ miệng được xuất phát từ việc con người ta giúp đỡ lẫn nhau khi nhà có sự kiện lớn là ma chay hiếu hỉ, san sẻ cho nhau từng bó rau nắm gạo, cho tới ché rượu con heo… Bản chất của tục nợ miệng là: Tôi giúp nhà anh cái gì - Sau này có tôi có việc lớn anh cũng cần trả tương đương; tôi mời nhà anh thế nào sau anh cũng phải “ đãi “ lại tôi như thế - ấy mới không mang nợ. Dần dà, cái tính sĩ diện làm người ta coi thường lẫn nhau, khi nhà nghèo không trả được nợ, bị người làng coi thường; nên phải cố vay mượn làm cho to, rồi mang nợ.
Còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng. Đó là những đứa trẻ được gia đình cho phép kết hôn với nhau khi chỉ mới mười hai mười ba tuổi - cái độ tuổi chưa phát triển toàn diện về thể chất. Hôn nhân cận huyết và tảo hôn đã sinh ra những đứa trẻ ốm đau bệnh tật, có vấn đề về ngoại hình và trí tuệ, sống không thọ và mắc các bệnh như bạch tạng, mù màu…
Xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu là việc làm cấp thiết. Nhưng đây là vấn đề không dễ, vì nó đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tinh thần của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Hủ tục mang bản chất tiêu cực cần được khai trừ, hoặc cần thay đổi để phù hợp với giai đoạn hiện tại. Do đó cần phải có lộ trình, giải pháp phù hợp, gắn với quyết tâm của hệ thống chính trị, trách nhiệm cộng đồng và sự đồng thuận của mỗi người dân, thông qua việc tuyên truyền vận động, cũng như ban hành các chính sách kế hoạch hóa gia đình để làm thay đổi suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Và từ các cuộc vận động, cách chính sách hợp lý kịp thời, hủ tục tiêu cực đã được xóa bỏ, và một phần trong số chúng được cải tiến để tuân thủ đạo đức và cuộc sống mới. Nhờ xóa bỏ hủ tục như: kiêng cữ cái chết xấu; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh; kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc; thuốc thư; hôn nhân cận huyết; tảo hôn, đồng bào miền núi đã không còn mắc phải những dịch bệnh truyền nhiễm do hủ tục làm nơi sinh hoạt trở nên ô nhiễm nặng nề. Họ cũng đã biết ốm đau phải tìm tới bệnh viện và trạm xá, thay vì làm lễ cúng bái và chắp tay khấn lạy các thầy mo. Họ hiểu được hôn nhân cận huyết sẽ sinh ra những đứa trẻ không lành lặn kém may mắn, và hơn ai hết họ cũng hiểu được độ tuổi để kết hôn được nhà nước quy định phải từ 18 tuổi trở lên - lứa tuổi trưởng thành.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc nhờ xóa bỏ hủ tục cũng đã bước sang một trang mới. Thay vì kết hôn sớm rồi đẻ đông con và ở nhà hái rau nuôi lợn, họ được nhà nước hỗ trợ cho đi học, được tiếp xúc với văn hóa phổ thông và rất nhiều người trong số họ đã ăn học thành tài. Thoát khỏi cái nghèo và lạc hậu thành công, họ quay về tuyên truyền và giúp đỡ quê hương ngày càng phát triển, thay da đổi thịt từng ngày. Hà Giang và Sapa vốn là những điểm nóng về vấn nạn hủ tục, nay đã trở thành những địa điểm du lịch đông khách top đầu cả nước, đó là nhờ phần lớn công lao cố gắng xóa bỏ hủ tục lạc hậu của ủy ban và các cấp lãnh đạo tại địa phương, đã tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển đồng đều.
Như vậy, cuộc sống của con người đã ngày càng phát triển và tiến bộ hơn khi vấn nạn hủ tục được xóa bỏ. Những quan niệm cổ hủ tiêu cực cũng không còn nữa, thay vào đó là các phép tắc lễ nghi theo đúng chuẩn mực xã hội. Và hiện nay, vẫn còn một số hủ tục còn sót lại, cần được thay đổi để trở nên tích cực và phù hợp với thời đại hơn.
-----------------------------------------------------
Thông qua bài viết trên đây, Toploigiai đã trình bày quan điểm về vấn đề Nếu xóa bỏ hủ tục thì cuộc sống của con người sẽ thay đổi như thế nào, qua đó cho ta thấy sự tích cực khi hủ tục được xóa bỏ. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn học tập tốt!