Câu hỏi: Mùa thu có gì vui đối với các bạn nhỏ? (Bài Mùa thu của em)
Lời giải
Mùa thu có tết Trung Thu, các bạn nhỏ sẽ được phá cỗ rước đèn. Mùa thu còn là mùa tựu trường, được gặp lại thầy cô, bạn bè, bắt đầu năm học mới. Nên đối với các bạn nhỏ, mùa thu rất vui
>>> Xem trọn bộ: Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 1: Chào năm học mới
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung Thu
Nguồn gốc ngày Tết Trung thu
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả... Giờ vào dịp Trung thu, các địa điểm dân phố hoặc TTTM lớn đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em lại là nơi được nhiều vị phụ huynh lựa chọn đưa các bé đến cùng vui chơi, chụp ảnh.
Ý nghĩa Tết Trung Thu
Tùy theo quan niệm của mỗi người mà Tết Trung Thu được gắn với những ý nghĩa khác nhau.
Theo phong tục Việt, vào ngày 15/8 âm lịch, người lớn trong gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ (gồm có nhiều bánh trái) để dâng lên tổ tiên. Hành động này thể hiện sự thành kính đối với những người thân đã khuất trong gia đình, đồng thời cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, trò chuyện và ăn uống bên nhau. Có lẽ vì thế, Tết Trung thu còn gọi là Tết Đoàn Viên.
Bên cạnh đó, Tết Trung thu cũng được gọi là Tết thiếu nhi. Đây là dịp để trẻ em trên mọi miền đất nước Việt cùng nhau nô đùa, xem múa lân, phá cỗ, rước đèn,... và nhất là diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ ăn mừng lễ hội trăng rằm với hình ảnh quen thuộc là chị Hằng Nga và chú Cuội.
Ngoài ra, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng và tiên đoán về mùa màng sắp tới cũng như vận mệnh quốc gia theo quan niệm của người xưa. Chẳng hạn, trăng tròn, sáng và có màu vàng thì năm đó ắt hẳn sẽ trúng mùa tằm tơ. Còn nếu trăng tròn, sáng và có màu xanh (hoặc lục) thì năm đó có thể sẽ xảy ra thiên tai. Hoặc nếu trăng tròn, sáng và có màu cam thì là dấu hiệu của một đất nước thịnh trị, người dân ấm no và hạnh phúc trong năm đó.