logo

Một số thể loại văn học thơ truyện

Văn học Việt Nam từ xa xưa đến nay đã để lại một kho văn học đa dạng về thể loại, trong đó thơ và truyện là 2 hình thức phổ biến hơn cả. Để tìm hiểu rõ về một số thể loại văn học thơ thuyện, cũng như nắm rõ kiến thức khái quát về một số thể loại văn học (thơ, truyện), và vận dụng những kiến thức đó vào việc cải thiện kỹ năng đọc văn của mình. Mời bạn đọc cùng Toploigiai theo dõi nội dung dưới đây.


1. Một số thể loại văn học

Hình thức tổ chức tác phẩm văn học được xác định trong loại (loại hình, chủng loại) và thể (thể tài, thể loại, kiểu, dạng). Loại là phương thức tồn tại chung; thể chỉ là sự hiện thực hoá của loại. Bên cạnh đó phần lớn các ý kiến đều đồng ý rằng các tác phẩm văn học được chia làm ba loại lớn:

+ Trữ tình (lấy cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của con người làm đối tượng thể hiện chủ yếu)

+ Tự sự (dùng lời kể, lời miêu tả đê xây dưng cốt truyện, khắc hoạ tính cách nhân vật, dựng lên những bức tranh về đời sống)

+ Kịch (thông qua lời thoại và hành động của các nhân vật mà tái hiện những xung đột xã hội).

môt số thể loại văn học thơ truyện

Thể là hiện thực hóa của loại, nhỏ hơn loại. Căn cứ để phân chia thể rất đa dạng có khi dựa vào độ ngắn dài; đề tài; cấu trúc; tính chất mâu thuẫn; cảm hứng chủ đạo… Trong đó mỗi loại lại có thể gồm các thể riêng như loại trữ tình có các thể: thơ ca, khúc ngâm,… ; Loại tự sự có các thể: truyện, ký, tuỳ bút,… ; Loại kịch có các thể: chính kịch, bi kịch, hài kịch,… Bên cạnh đó còn có một thể loại khác cũng thường gặp, đó là nghị luận.

>>> Tham khảo: Hệ thống thể loại văn học dân gian


2. Thơ

a. Khái lược về thơ

Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú, nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình.

- Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu.

- Phản ánh cuộc sống, giàu liên tưởng và tưởng tượng

- Tính chất trữ tình là cái quan trọng nhất, kì diệu nhất của thơ

- Nhịp điệu làm tăng thêm tính chất trữ tình của thơ. Tiết điệu (cách ngắt nhịp), thanh điệu (bằng, trắc), vần điệu (sự lặp lại âm nào đó) là những yếu tố chính tạo nên nhịp điệu thơ.

b. Phân loại về thơ

- Phân loại thơ theo nội dung biểu hiện:

+ Thơ trữ tình (đi sâu vào tâm tư, tình cảm, chiêm nghiệm của con người về cuộc đời)

+ Thơ tự sự (cảm nghĩ vận động theo mạch kể chuyện)

+ Thơ trào phúng (phủ nhận những điều xấu bằng lối viết đùa cợt, mỉa mai, khôi hài…)

- Phân loại thơ theo cách tổ chức:

+Thơ cách luật (viết theo luật đã định trước)

+Thơ tự do (không theo luật)

+Thơ văn xuôi (câu thơ gần như văn xuôi)

c. Yêu cầu về đọc thơ

- Biết rõ tên bài thơ, tập thơ, tác giả, năm xuất bản, hoàn cảnh sáng tác.

- Đọc kĩ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu…

- Từ những câu thơ đẹp, ý thơ hay, lời thơ lạ, hình tượng thơ… nhìn lại để lý giải, đánh giá toàn bài thơ cả về nội dung và nghệ thuật.

>>> Tham khảo: Lực lượng sáng tác của văn học trung đại


3. Truyện

a. Khái lược về truyện

- Truyện phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó, qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người kể chuyện (trần thuật) nào đó.

- Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau, ngoài ngôn ngữ người kể chuyện còn có ngôn ngữ nhân vật.

- Phản ánh diễn biến đời sống qua cốt truyện (một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố được tổ chức, sắp xếp một cách hợp lí, logic nhằm phục vụ cho ý đồ tư tưởng nghệ thuật của tác giả)

- Các nhân vật hình thành, hoạt động, quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, bộc lộ đặc điểm tính cách của mình. Nhân vật thường được miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ, sinh động trên mọi khía cạnh, sắc thái và các mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh.

- Diễn biến cốt truyện và sự hoạt động của các nhân vật trong truyện không bị hạn chế về thời gian và không gian

- Ngôn ngữ linh hoạt, gần với ngôn ngữ đời sống.

- Truyện có nhiều thể loại khác nhau:

+ Văn học dân gian: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.

+ Văn học trung đại: truyện viết bằng chữ Hán và truyện thơ Nôm.

+ Văn học hiện đại: truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài…

b. Yêu cầu về đọc truyện

- Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận nội dung, ý nghĩa của truyện.

- Phân tích diễn biến cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động và kết thúc với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể.

- Phân tích các nhân vật trong dòng lưu chuyển của cốt truyện.

- Xác định giá trị của truyện.

--------------------------------

Như vậy, qua bài viết trên đây Toploigiai đã giải đáp câu hỏi Một số thể loại văn học thơ truyện? và cung cấp kiến thức về văn học thơ truyện. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích trong học tập, chúc bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 29/08/2022 - Cập nhật : 29/08/2022