logo

Kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh

Câu trả lời chính xác nhất:

Kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh rất đa dạng bao gồm: hoá tự dưỡng, hoá dị dưỡng, quang tự dưỡng và quang dị dưỡng. (tự dưỡng hoặc dị dưỡng). Để tìm hiểu chi tiết hơn về Kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh, mời bạn đọc cùng Top lời giải theo dõi bài viết dưới đây nhé!


1. Tổng quan về sự phân loại giới

Vào thế kỉ XVIII, nhà phân loại học Caclinê chia tất cả sinh vật thành hai giới: giới động vật và giới thực vật.

– Giới động vật bao gồm những sinh vật không có thành phần xenlulôzơ, sống dị dưỡng và di chuyển được.

– Giới thực vật bao gồm những sinh vật có thành xenlulôzơ sống tự dưỡng và cố định.

– Đến thế kỉ XIX, các loài vi sinh vật như vi khuẩn, nấm, tảo, được xếp vào giới thực vật. Còn động vật nguyên sinh được xếp vào giới động vật.

Đến thế kỉ XX, người ta xếp các sinh vật vào hệ thống 5 giới là:

Kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh

– Giới khởi sinh (Monera) gồm: vi khuẩn.

– Giới nguyên sinh (Protista) gồm: động vật nguyên sinh và tảo.

– Giới nấm (Fungi).

– Giới thực vật (Plantae).

– Giới động vật (Animalia).


2. Các giới sinh vật

a. Giới khởi sinh (Monera)

Giới Khởi sinh (Monera) là một giới trong hệ thống năm giới của phân loại sinh học. Nó là những sinh vật nhỏ bé có kích thước hiển vi (từ 1-3μm) cấu tạo bởi các tế bào nhân sơ, là những sinh vật cổ sơ nhất xuất hiện khoảng 3,5 tỷ năm trước đây.

Chúng sống khắp nơi, trong đất, nước, không khí; phương thức dinh dưỡng rất đa dạng: hoá tự dưỡng, hoá dị dưỡng, quang tự dưỡng và quang dị dưỡng. Nhiều vi khuẩn sống ký sinh trong các cơ thể khác. Vi khuẩn có chứa nhiều sắc tố quang hợp trong đó có diệp lục như vi khuẩn lam có khả năng tự dưỡng quang hợp như thực vật.

Kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh

Một số đặc điểm điển hình của giới khởi sinh so với các giới sinh vật khác:

+ Cấu tạo tế bào nhân sơ, đơn giản, gồm có 3 lớp chính là màng sinh chất, tế bào chất và vùng nhân. Một số loại khác còn có thêm thành tế bào, vỏ nhầy, roi và lông.

+ Kích thước của các loài trong giới khởi sinh rất nhỏ bé.

+ Phương thức sống đa dạng: giới khởi sinh sống theo nhiều phương thức khác nhau như hoại dưỡng, tự dưỡng, kí dưỡng và quang dưỡng.

+ Môi trường sống phong phú, bất cứ ở đâu cũng có thể gặp sinh vật trong giới khởi sinh, một số loài trong giới khởi sinh còn chịu đựng sống được ở những điều kiện khắc nghiệt, trong hồ mặn, suối nước nóng hoặc trong những hầm băng, môi trường axit,…

b. Giới Nguyên sinh (Protista)

Gồm có :

- Tảo: sinh vật nhân thực, đơn bào hay đa bào, có sắc tố quang tự dưỡng, sống trong nước.

- Nấm nhầy: sinh vật nhân thực, dị dưỡng, sống hoại sinh.

- Động vật nguyên sinh: rất đa dạng, cơ thể gồm một tế bào nhân thực, dị dưỡng hoặc tự dưỡng.

c. Giới Nấm (Fungi)

Đặc điểm chung của giới Nấm: sinh vật nhân thực, cơ thể đơn bào hoặc đa bào, cấu trúc dạng sợi, phần lớn có thành tế bào chứa kitin, không có lục lạp. Sinh sản hữu tính và vô tính nhờ bào tử. Nấm là sinh vật dị dưỡng: hoại sinh, kí sinh hoặc cộng sinh.

Các dạng nấm gồm có: nấm men, nấm sợi, nấm đảm.... Người ta cũng xếp địa y (được hình thành do sự cộng sinh giữa nấm và tảo hoặc vi khuẩn lam) vào giới Nấm.

d. Giới Thực vật (Plantae)

Giới thực vật gồm những sinh vật đa bào, nhân thực, có khả năng quang hợp và là sinh vật tự dưỡng, thành tế bào được cấu tạo bằng xenlulôzơ. Phần lớn sống cố định có khả năng cảm ứng chậm.

Giới Thực vật được phân thành các ngành chính: Rêu, Quyết, Hạt trần, Hạt kín. Chúng đều có chung một nguồn gốc là Tảo lục đa bào nguyên thủy.

e. Giới động vật (Animalia)

Giới động vật gồm những sinh vật nhân thực, dị dưỡng, có khả năng di truyền (nhờ có cơ quan vận động), có khả năng phản ứng nhanh.

Giới động vật được chia thành các ngành chính: ruột khoang, giun dẹp, giun tròn, giun đốt, thân mềm, chân khớp và động vật có xương sống như cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú.

Giới động vật rất đa dạng và phong phú, nhưng đều có chung một nguồn gốc là tiến hoá theo hướng ngày càng phức tạp về cấu tạo, chuyên hoá về chức năng và thích nghi cao với điều kiện sống.

Động vật có vai trò quan trọng đối với tự nhiên (góp phần làm cân bằng hệ sinh thái) và con người (cung cấp thức ăn, nguyên liệu, dược liệu,…)

>>> Xem thêm: Sơ đồ hệ thống 5 giới sinh vật


3. Câu hỏi trắc nghiệm bổ sung kiến thức về Các giới sinh vật

Câu 1: Giới là:

A. Một đơn vị phân loại lớn nhất bao gồm các ngành sinh vật có chung những đặc điểm nhất định

B. Các đơn vị phân loại lớn bao gồm các ngành sinh vật có chung những đặc điểm nhất định

C. Một đơn vị phân loại bao gồm các giống sinh vật có chung những đặc điểm nhất định

D. Một đơn vị phân loại lớn nhất bao gồm tất cả ngành sinh vật.

Đáp án cần chọn là: A

Lời giải:

Giới trong sinh học là một đơn vị phân loại lớn nhất bao gồm các ngành sinh vật có chung những đặc điểm nhất định.

Câu 2: Các tiêu chí cơ bản để phân chia các sinh vật thành hệ thống 5 giới bao gồm:

A. Khả năng di chuyển, cấu tạo cơ thể, kiểu dinh dưỡng

B. Loại tế bào, mức độ tổ chức cơ thể, kiểu dinh dưỡng

C. Cấu tạo tế bào, khả năng vận động, mức độ tổ chức cơ thể

D. Trình tự các nuclêotit, mức độ tổ chức cơ thể

Đáp án cần chọn là: B

Lời giải:

Các tiêu chí cơ bản để phân chia các sinh vật thành hệ thống 5 giới bao gồm: loại tế bào, mức độ tổ chức cơ thể, kiểu dinh dưỡng.

Câu 3: Giới khởi sinh gồm:

A. Virut và vi khuẩn lam

B. Nấm và vi khuẩn

C. Vi khuẩn và vi khuẩn lam

D. Tảo và vi khuẩn lam

Đáp án cần chọn là: C

Lời giải:

Giới khởi sinh gồm vi khuẩn và vi khuẩn lam. Virut không được coi là một tổ chức sống hoàn chỉnh. Nấm thuộc giới Nấm, tảo thuộc giới Nguyên sinh.

Câu 4: Đặc điểm của giới Khởi sinh là:

A. Đơn bào, nhân sơ, kích thước nhỏ, sinh sản nhanh, phương thức sống đa dạng.

B. Đơn bào, nhân thực, kích thước nhỏ, sống dị dưỡng.

C. Nhân sơ, kích thước nhỏ, sống tự do.

D. Nhân thực, đơn bào, sinh sản nhanh, sống tự dưỡng.

Đáp án: A

Câu 5: Trong các loài sau đây, loài thuộc giới Khởi sinh là:

A. Trùng giày 

B. Trùng kiết lị

C. Trùng sốt rét 

D. Vi khuẩn lao

Đáp án: D

Câu 6: Nhận định nào sau đây không đúng về giới Động vật?

A. Giới Động vật có khả năng vận động nên có khu phân bố rộng

B. Giới Động vật không có khả năng quang hợp nên sống nhờ chất hữu cơ sẵn có của cơ thể khác

C. Giới Động vật thường có hệ thần kinh phát triển nên thích ứng cao với đời sống

D. Giới Động vật có số lượng loài nhiều hơn giới Thực vật

Đáp án: A

Câu 7: Giới Thực vật có nguồn gốc từ:

A. Vi sinh vật cổ 

B. Tảo đơn bào

C. Tảo lục đa bào nguyên thủy 

D. Tảo đa bào

Đáp án: C

Câu 8: Giới Nguyên sinh được chia ra 3 nhóm là:

A. Động vật nguyên sinh, thực vật nguyên sinh (tảo), nấm nhầy

B. Virut, tảo, động vật nguyên sinh

C. Vi khuẩn, động vật nguyên sinh, thực vật nguyên sinh

D. Virut, vi khuẩn, nấm nhầy

Đáp án: A

Trên đây là hệ thống kiến thức về Các giới sinh vật do giáo viên Top lời giải tổng hợp và biên soạn. Qua bài viết các bạn đã biết được các kiểu dinh dưỡng của giới khởi sinh gồm: hoá tự dưỡng, hoá dị dưỡng, quang tự dưỡng và quang dị dưỡng. Chúng tôi hi vọng những kiến thức và bài tập trắc nghiệm tham khảo trên này sẽ giúp ích cho các bạn trong học tập. Chúc các bạn học tốt ! 

icon-date
Xuất bản : 26/05/2022 - Cập nhật : 23/11/2022