logo

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn

Đề bài: Chế Lan Viên từng viết:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!” 

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên). 

Suy nghĩ của em về vấn đề được rút ra từ câu thơ trên.


Ý nghĩa của câu thơ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

- Đất vốn là nơi mà chúng ta được sinh ra, được lớn lên và gắn bó liền mạch với con người từ thuở mới bi bô tập nói cho đến khi đã trở thành những người già râu tóc bạc phơ. Khi ta tới một vùng đất mới, sự lạ lẫm, chưa quen thuộc khiến cho chúng ta không thể yêu thương, gắn bó với vùng đất ấy được. Chính vì thế nên khi chúng ta "ở" đây, đất đơn giản chỉ là một chốn bình thường, một nơi để ta đến rồi lại đi chứ chẳng có điều gì gắn bó thân thiết cả. Nhưng khi chúng ta đã sinh sống, đã gắn bó, đã trót say mê vùng đất ấy thì chúng ta chẳng thể nào để vùng đất ấy chia xa khỏi tâm trí của mình. Vùng đất ấy sẽ trở thành một phần tâm hồn, một phần không thể thiếu hay tách rời khỏi tâm hồn chúng ta. Đất sẽ hóa thành một phần máu thịt ta để ta say mê, để ta yêu và để ta gắn bó với nó không thể chia xa.


Dàn ý Suy nghĩ của em về câu nói của Chế Lan Viên trong "Tiếng hát con tàu"

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Chế Lan Viên

- Giới thiệu về bài thơ "Tiếng hát con tàu"

b. Thân bài:

- Hai câu thơ trên mang nặng tính khái quát và triết lý nhân sinh, thế nhưng lại không khô khăn, cứng nhắc mà nhẹ nhàng, êm ả như lời nhắc nhở của người anh lớn đối với các em nhỏ

- Có sống hết mình, sống đẹp với "nơi đất ở" thì khi xa cách, lòng ta mới mang theo bao kỉ niệm vui, buồn sâu sắc. 

- Những năm tháng sống với các miền đất ấy, chính là những quãng đời của chúng ta. Những quãng đời ấy nối tiếp nhau dệt thành cuộc đời mỗi con người.

- Những kỉ niệm với mảnh đất kia là một phần cuộc đời ta, là hành trang tinh thần không thể thiếu của ta.

- Câu thơ là tiếng nói tình nghĩa ở đời, là niềm tự hào về cách ăn ở thủy chung sắt son

- Sự chuyển hoá kì diệu ấy là "bằng chứng" cho sức mạnh của tình đời, tình người: Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Như vậy chính tình yêu là chất kết dính, làm nên sự chuyển hóa kì diệu, khiến cho “đất lạ” hóa thành “quê hương”.

- Đặc sắc nghệ thuật và nội dung

c. Kết bài: Nêu suy nghĩ và cảm nhận của em về hai câu thơ trên của Chế Lan Viên


Suy nghĩ của em về câu nói Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở của Chế Lan Viên - Mẫu số 1

Suy nghĩ của em về câu nói của Chế Lan Viên trong "Tiếng hát con tàu" - Mẫu số 1

Tiếng hát con tàu là một dấu mốc cho thấy hành trình “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” của hồn thơ Chế Lan Viên. Ra đời trong những năm tháng ở miền đang hồ hởi với công cuộc dựng xây cuộc sống mới, bài thơ thể hiện khát vọng hoà nhập của thơ ca, nghệ thuật, xúc cảm ở người nghệ sĩ với cuộc sống rộng lớn đang rộn ràng nơi ấy. Tiếng hát con tàu là một trong những thành công tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên: phong cách triết luận - tâm tình.

Câu thơ Chế Lan Viên mang nặng tính chất khái quát và rất giàu tính chất triết lý. Nhưng triết lý mà không khô khan. Vì đó còn là những ý thơ được cất lên từ những xúc động lắng nghe của chính lòng mình thông qua sự trải nghiệm của cuộc sống để rút ra quy luật phố biến của đời sống trái tim con người.Bằng trí tuệ sắc sảo và trái tim nhạy cảm, Chế Lan Viên còn khám phá ra một quy luật sâu xa mà lý thú.

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!"

Hai câu thơ theo cấu trúc song hành, ánh lên vẻ đẹp trí tuệ. Đó là nét đặc sắc trong thơ Chế Lan Viên: Khi ta ở" rồi "khi ta đi" đã trải qua nhiều năm tháng? Hai cảnh ngộ, hai hoàn cảnh sống đã đổi thay. Thời gian và không gian, ở và đi, quá khứ và hiện tại không làm cho lòng dạ đổi thay, trái lại "đất đã hóa tâm hồn", "nơi đất ở" trước đây, nay có sự chuyển hóa kì lạ: "Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Kẻ vô tâm và bất nghĩa thì "đi" là hết: "nơi đất ở" chỉ còn lại sự dửng dưng mà thôi. Có sống hết mình, sống đẹp với "nơi đất ở" thì khi xa cách, lòng ta mới mang theo bao kỉ niệm vui, buồn sâu sắc. 

Câu thơ này là sự đúc kết về một quy luật nhân sinh, một sự kì diệu của tâm hồn. Trong đời ai chẳng từng sống ở những mảnh đất, qua những miền quê, nhất là những cán bộ kháng chiến. Những năm tháng sống với các miền đất ấy, chính là những quãng đời của chúng ta. Những quãng đời ấy nối tiếp nhau dệt thành cuộc đời mỗi con người. Đúng vậy, đời người là gì nếu chẳng phải là sự kế tiếp tuần hoàn của “ở” và “đi”. Chuyện “ở” và “đi” của con người đã chứa đựng trong đó sự chuyển hóa âm thầm mà chính chúng ta cũng không hay biết. Khi ta ở, nghĩa là khi ta đang sống trong hiện tại, thì hiện tại dường như chưa cho chúng ta thấy tình cảm thật sự của mình. Thậm chí, ta tưởng như miền đất ta đang ở cũng chỉ như bao nhiêu miền đất khác chỉ là nơi đất ở thế thôỉ. Phải đến khi vì một lí do nào đó ta phải từ giã miền đất ấy, quãng đời sống ở đây bỗng trở thành quá khứ, miền đất từng cưu mang ta lùi lại phía sau lưng. Nhìn vào lòng ta mới chợt nhận ra: chính ta đã gắn bó với miền đất kia từ lúc nào ta cũng không hay. Tình cảm cứ âm thầm hình thành, âm thầm cho đất đã hóa tâm hồn. Thì ra, trong những ngày tháng ta đi, mảnh đất từng che chở, nuôi nấng ta vẫn cứ dõi theo ta từng bước, vẫn thầm nhắc ta trở lại, ấy thế mà nhiều lúc ta thật vô tình. Song, kì thực là mảnh đất ấy đã gắn bó máu thịt với ta. Đất đã hóa tâm hồn, nghĩa là miền đất ấy mang trong nó tâm hồn của một cố nhân. Nhưng quan trọng hơn là miền đất ấy đã hóa thành tâm hồn của chính ta. Mảnh đất mà ta từng sống đã trở thành một phần đời ta. Ta không thể hình dung được đầy đủ về cuộc đời mình, nếu thiếu đi những năm tháng sống trên mảnh đất ấy. Những kỉ niệm với mảnh đất kia là một phần cuộc đời ta, là hành trang tinh thần không thể thiếu của ta.

Câu thơ là tiếng nói tình nghĩa ở đời, là niềm tự hào về cách ăn ở thủy chung sắt son. Tây Bắc - mảnh đất thiêng liêng, anh hùng đã mang tình sâu nghĩa nặng đối với nhà thơ và bao chiến sĩ. Vì thế thật là dễ hiểu mảnh đất ấy cùng với những con người ở nơi ấy sao mà "lòng lại chẳng yêu thương?''. Có trải nghiệm, mới thấm thía vị đời và tình đời sâu nặng, mới cảm được cái diệu kì mơ hồ mà hiện hũu nơi sâu thẳm lòng người: "Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Sự chuyển hoá kì diệu ấy là "bằng chứng" cho sức mạnh của tình đời, tình người: Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Như vậy chính tình yêu là chất kết dính, làm nên sự chuyển hóa kì diệu, khiến cho “đất lạ” hóa thành “quê hương”. Nhưng tình yêu không chỉ giới hạn trong tình cảm lứa đôi mà nó còn biểu hiện những tình cảm với con người, với quê hương đất nước. 

Hai câu thơ này này là một trong những câu được xem là hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên, ở đây, những cảm xúc sâu lắng lại được một suy tư sắc sảo nâng đỡ, cuối cùng nó đã kết tinh thành những câu thơ vừa đẹp, vừa trĩu nặng triết lí. Nghĩa là thành công này rất tiêu biểu cho một phong cách thơ của Chế Lan Viên: triết luận - tâm tình.


Suy nghĩ của em về câu nói của Chế Lan Viên trong "Tiếng hát con tàu" - Mẫu số 2

Suy nghĩ của em về câu nói của Chế Lan Viên trong "Tiếng hát con tàu" - Mẫu số 2

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!” 

     Ai mà chẳng từng sống ở những mảnh đất khác nhau. Và mảnh đất ấy chính là nơi lưu giữ kỉ niệm, cuộc sống của chúng ta. Hai câu thơ trên trong "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên đã trở thành một triết lý sâu sắc rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

     Với nghệ thuật điệp cấu trúc và dựng lên cặp đối lập “khi ta ở - khi ta đi”, tác giả đã nêu lên hai hình thái của đất theo thời gian. Khi ta ở thì đất chỉ là một địa danh vô tri, là nơi ta trở về ở sau một ngày mệt mỏi, là nơi sinh sống, sinh hoạt của gia đình nhưng khi ta đi thì mảnh đất ấy đã trở thành một phần trong trái tim trong tâm hồn ta, trở nên gắn bó thân thiết lạ kỳ, là nơi mà chứa đựng vô vàn kỉ niệm mà ta không muốn rời xa. Hai câu thơ này đã cho thấy sự gắn bó của tác giả đối với một mảnh đất nào đó đã từng là "đất ở", tuy lúc đầu sẽ rất lạ lẫm, xa lạ nhưng khi ở lâu rồi thì sẽ thấy rất gắn bó và cảm thấy không muốn rời xa như thể đó chính là một phần tâm hồn của mình. Từ sự trải nghiệm của bản thân, tác giả đã cho chúng ta thấy được sự gắn bó giữa con người với quê hương xứ sở và với những miền đất xa lạ mà chúng ta đã từng sống. Sự chuyển hoá kì diệu của đất chính là “bằng chứng” cho sức mạnh của tình đời và tình người.

icon-date
Xuất bản : 25/06/2021 - Cập nhật : 09/04/2024