logo

Kế sách "động vi binh, tĩnh vi dân" của ông cha ta có nghĩa là

Cùng Top lời giải trả lời chính xác nhất cho câu hỏi trắc nghiệm: “Kế sách động vi binh, tĩnh vi dân của ông cha ta có nghĩa là” kết hợp với những kiến thức mở rộng về Kế sách đánh giặc của nhân dân ta là tài liệu hay dành cho các bạn học sinh trong quá trình luyện tập trắc nghiệm môn Quốc phòng an ninh phần 10


Trắc nghiệm: Kế sách “động vi binh, tĩnh vi dân” của ông cha ta có nghĩa là 

A. Khi đất nước hòa bình, làm người lính sẵn sàng chiến đấu.

B. Khi đất nước chiến tranh, làm người dân phát triển kinh tế.

C. Khi đất nước có chiến tranh hoặc bình yên đều phải làm người dân phát triển kinh tế.

D. Khi đất nước có chiến tranh thì làm người lính, đất nước bình yên thì làm người dân xây dựng kinh tế.

Trả lời:

Đáp án đúng: D. Khi đất nước có chiến tranh thì làm người lính, đất nước bình yên thì làm người dân xây dựng kinh tế.

Kế sách "động vi binh, tĩnh vi dân” của ông cha ta có nghĩa là: Khi đất nước có chiến tranh thì làm người lính, đất nước bình yên thì làm người dân xây dựng kinh tế.


Kiến thức mở rộng về Kế sách đánh giặc của nhân dân ta  


I. Những vấn đề chung về an ninh quốc gia

1. An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia

a. An ninh quốc gia

- Là sự ổn định, phát triển của chế độ và Nhà nước; sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Bao gồm an ninh trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại...

b. Bảo vệ an ninh quốc gia

Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia:

- Hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm.

- Mục tiêu về an ninh quốc gia là: Những đối tượng, địa điểm, công trình, cơ sở… theo quy định của pháp luật.

- Bảo vệ an ninh quốc gia là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân.

2. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

Kế sách động vi binh, tĩnh vi dân của ông cha ta có nghĩa là

- Bảo vệ chế độ, Nhà nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

- Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hóa, khối đại đoàn kết dân tộc.

- Bảo vệ an ninh kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác.

- Bảo vệ bí mật Nhà nước.

- Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm.

3. Nội dung bảo vệ an ninh quốc gia

a. Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ

Là nội dung trọng yếu hàng đầu, thường xuyên, cấp bách.

- Bảo vệ chế độ, Nhà nước, Đảng.

- Giữ gìn sự trong sạch của tổ chức đảng, Nhà nước.

- Bảo vệ các cơ quan và những người Việt Nam đang làm việc, học tập ở nước ngoài.

- Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá.

b. Bảo vệ an ninh kinh tế

- Bảo vệ sự ổn định, phát triển của nền kinh tế thị trường.

- Bảo vệ đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, các nhà khoa học, nhà kinh doanh.

c. Bảo vệ an ninh văn hoá, tư tưởng

- Bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của văn hóa, tư tưởng.

- Bảo vệ sự đúng đắn, vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Bảo vệ những giá trị đạo đức truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

- Bảo vệ đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa, văn nghệ.

d. Bảo vệ an ninh dân tộc

- Bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

- Ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc.

e. Bảo vệ an ninh tôn giáo

- Đảm bảo chính sách tự do tín ngưỡng.

- Đấu tranh với các đối tượng, các thế lực lợi dụng vấn đề tôn giáo.

- Thực hiện đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

g. Bảo vệ an ninh biên giới

- Bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới quốc gia, cả ở đất liền và ở trên biển.

- Chống các hành vi xâm phạm chủ quyền biên giới.

h. Bảo vệ an ninh thông tin

- Bảo đảm an toàn, nhanh chóng, chính xác và bí mật.

- Chống lộ, lọt những thông tin bí mật của Nhà nước.

- Ngăn chặn các hoạt động khai thác, dò tìm để đánh cắp thông tin trên mạng.


II. Nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta

Từ trong thực tiễn chống giặc ngoại xâm, dân ta đã hình thành nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.

Trong quá trình đó,nghệ thuật quân sự Việt Nam từng bước phát triển và được thể hiện rất sinh động trong khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh giải phóng trên các phương diện tư tưởng chỉ đạo tác chiến, mưu kế đánh giặc…

Về tư tưởng chỉ đạo tác chiến:

Ông cha ta luôn nắm vững tư tưởng tiến công,coi đó như 1 quy luật để dành thắng lợi trong suốt quá trình chiến tranh. Thực hiện tiến công liên tục mọi lúc, mọi nơi, từ cục bộ đến toàn bộ, để quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi.

Tư tưởng tiến công được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh giữ nước. Tư tưởng đó thể hiện rất rõ trong đánh giá đúng kẻ thù, chủ động đề ra kế sách đánh, phòng, khẩn trương chuẩn bị lực lượng kháng chiến, tìm mọi biện pháp làm cho địch suy yếu, tạo ra thế và thời cơ có lợi để tiến hành phản công, tiến công…

Về mưu kế đánh giặc:

Mưu là để lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị, làm cho chúng bị động, lúng túng đối phó.

Kế là để điều địch theo ý định của ta, dành quyền chủ động, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta.

Kế sách đánh giặc của ông cha ta không những sáng tạo, mà còn hết sức mềm dẻo,khôn khéo đó là ”biết tiến, biết thoái, biết công, biết thủ”. Biết kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với binh vận, ngoại giao, tạo thế mạnh cho ta, biết phá thế mạnh của giặc, trong đó tiến công quân sự luôn giữ vai trò quyết định.

Ông cha ta đã phát triển mưu kế đánh giặc, biến cả nước thành một chiến trường, tạo ra 1 “thiên la,địa võng” để diệt địch ”làm cho địch đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu”, đi đến đâu cũng bị đánh, luôn bị tập kích, phục kích, lực lượng bị tiêu hao, tiêu diệt, rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”.


III. Kế sách động vi binh tĩnh vi dân

Nó không phải sự sao chép các học thuyết bên ngoài du nhập mà được khái quát từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời tiếp thu những yếu tố hợp lý của các học thuyết khác trong tiến trình giao lưu văn hóa trên tinh thần dân tộc, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn đất nước trong các giai đoạn lịch sử cụ thể. Tư tưởng đó không ngừng được bổ sung, phát triển và trở thành cội nguồn tư tưởng quan trọng cho tư tưởng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nói đến vấn đề “lấy dân làm gốc” nhiều người thường nghĩ đến tư tưởng Nho giáo với mệnh đề trong Kinh thư: “Dân vi bang bản, bản cố bang ninh”. Mặc dù Nho giáo cũng thể hiện tư tưởng thân dân, “dân vi quý”, “dân như nước, có thể chở thuyền hoặc lật thuyền”,... song mục đích là để chiếm lĩnh ngai vàng, như Mạnh Tử từng nói: “Tranh thủ được dân thì làm thiên tử, tranh thủ được thiên tử thì làm chư hầu, tranh thủ được chư hầu thì làm quan đại phu”. Nho giáo chủ yếu bàn đến việc “trị nước”, đặt vua lên trên nước, đem nước buộc chặt vào gia đình, gia tộc và coi tề gia là tiền đề của trị quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vấn đề yêu nước, bảo vệ Tổ quốc không nằm trong miền nhận thức của Nho giáo. Nhà nghiên cứu Quang Đạm nhận định: “Ghi vào “sổ vàng Nho giáo” những tình cảm và hành động yêu nước cao đẹp của nhân dân hay của dân tộc nhiều khi chỉ là tô vẽ thêm cho Nho giáo những màu hấp dẫn không đúng là bản sắc của nó”.

Kế sách động vi binh, tĩnh vi dân của ông cha ta có nghĩa là (ảnh 2)

Trong sự giao thoa văn hóa, người Việt có vay mượn, sử dụng những khái niệm, mệnh đề Nho giáo nhưng nội dung đã có sự cải biến cho phù hợp. Có thể nói, tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong quá trình đấu tranh giành, giữ, bảo vệ độc lập dân tộc là một trong những nội dung sâu sắc và độc đáo của triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống. Nó không phải là sự sao chép các học thuyết bên ngoài du nhập mà được khái quát từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu những yếu tố hợp lý trong tiến trình giao lưu văn hóa phù hợp với yêu cầu và thực tiễn đất nước trong các giai đoạn lịch sử cụ thể. Nội dung cơ bản của nó được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Một là, trong thời bình, phải quan tâm đến đời sống nhân dân, coi trọng lòng dân, ý dân để tạo dựng cơ sở, củng cố tiềm lực quân sự phòng lúc đất nước lâm nguy.

Hơn 1000 năm lịch sử đấu tranh chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc đã chứng minh vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhận thức được vai trò đó, nhiều triều đại phong kiến đã biết dựa vào dân để tạo dựng cơ sở, củng cố tiềm lực quân sự đề phòng khi có biến. Khi còn đại diện cho lợi ích và xu hướng phát triển của dân tộc, các chính sách của triều đình đều quan tâm đến đời sống của dân, coi trọng lòng dân, ý dân ở những mức độ nhất định.

Sử sách còn ghi lại, nhiều vị vua quan thời Lý - Trần là những người có lòng thương yêu nhân dân sâu sắc, họ chú trọng đến vấn đề dân sinh và thể hiện sự quan tâm đến con người như một sinh thể cao quý. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã thực hiện việc xá thuế cho dân, không phải để cứu trợ trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai mà thể hiện sự cảm thông với cuộc sống vất vả của họ. Lý Thường Kiệt thì yêu cầu phải khoan hòa giúp đỡ trăm họ, phải yêu mến mọi người, phải quan tâm đến sự no ấm của dân, phải nuôi dưỡng người già nơi thôn dã: “Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo... Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân... Lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cấy làm gốc của nước...”. Trần Quốc Tuấn căn dặn”chúng chí thành thành”,”khoan thư sức dân” là “thượng sách” để giữ nước. Trần Nhân Tông răn bảo các vệ sĩ không được thét đuổi, ức hiếp nô tì vì “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lâm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt”. Vua Trần Minh Tông động lòng thương xót trước sự nghèo khổ của nhân dân: “Hết thảy sinh dân đều là đồng bào của ta, nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng”. Sau mỗi cuộc kháng chiến giành độc lập thắng lợi, các triều đại thường hạn chế việc huy động sức dân vào việc phu phen, lao dịch mà tập trung sức dân để khôi phục kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo cơ sở huy động sức người sức của khi đất nước lâm nguy. Nhiều vị vua xuất phát từ “lòng dân”, “ý dân” để định ra chủ trương chính trị cho mình. Nhân dân được đặt vào vị trí trung tâm trong việc chính sự của đất nước. Lý Công Uẩn khẳng định việc dời đô đến Thăng Long để mưu toan nghiệp lớn, là do “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”, đồng thời khẳng định nghiệp làm vương của mình là “làm cho dân được giàu của, nhiều người”. Dưới thời Trần, nhiều nhà vua thường tự mình hoặc phái các quan đại thần đi kinh lý ở các vùng xa xôi để nắm rõ tình hình đất nước và hiểu ý nguyện của dân, như vua Trần Thái Tông từng nói với quần thần: “Trẫm muốn ra ngoài chơi để được nghe tiếng nói của dân và xem xét lòng dân, cho biết tình trạng khó khăn của dân”.

Vấn đề yêu nước, thương dân, quan tâm đến đời sống và nguyện vọng của dân cũng là điều quán xuyến trong toàn bộ đường lối và mục đích chính trị nhằm cứu nước, an dân của Nguyễn Trãi sau này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân” và “Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn: Làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực”. Dân mà Nguyễn Trãi nói ở đây là “manh lệ”, là “dân cày phu tráng” - đó là tất cả những người lao khổ nhất lúc ấy. Họ không chỉ tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc kháng chiến, là nguồn gốc sâu xa để kháng chiến thắng lợi mà “quy mô lớn lao lộng lẫy, đều là sức lao khổ của quân dân”. Do đó, phải “yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu”. Ông khuyên triều đình không được sưu cao thuế nặng mà phải chăm lo đến cái ăn cái học của dân, bởi “Đẹp cung thất mà cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa; theo ý mình mà ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận”. Vì thế, có lúc ông mơ ước đến một phép màu có thể đem lại đời sống giàu đủ cho dân: “Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng / Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Kế thừa tinh thần của ông, Lê Thánh Tông chủ trương triều đình phải thi hành đường lối chính trị nhân nghĩa đối với nhân dân với nội dung cơ bản là phải giảm tô giảm thuế cho dân, làm cho dân được no ấm, trừ kẻ tàn bạo để bảo vệ dân. Hay như Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ XVI cũng yêu cầu đường lối chính trị thân dân, lấy dân làm gốc phải được biểu hiện bằng chính sách cụ thể là chăm lo đời sống của dân; nhà vua phải soi xét đến đời sống của “những người dân nơi nhà nát xóm nghèo”. Ông khẳng định “Yên bách tính thì yên trị đạo, Thất thiên kim chớ thất nhân tâm”; “Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước là bởi lẽ được dân” (Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng tri tại đắc dân).

Hai là, phải tin dân, dựa vào dân để tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng dựa vào dân để tập hợp lực lượng kháng chiến, tạo nên sức mạnh giữ nước, thực hiện chiến lược “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh”, “cử quốc nghênh địch”(cả nước chống giặc) là một trong những nét tiêu biểu của triết lý lấy dân làm gốc trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống. Trong tất cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của người Việt, tương quan lực lượng luôn nghiêng về phía đối phương nên ta thường phải “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “dùng đoản binh chế trường trận”. Để có thể đương đầu và chiến thắng quân xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần, từ rất sớm người Việt đã nhận thức được rằng, không thể chỉ dựa vào lực lượng quân đội thường trực mà phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc để đánh giặc. Thực tế cho thấy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong quá trình xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, triều đại phong kiến nào biết dựa vào sức mạnh của nhân dân thì sẽ giành thắng lợi trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và mở mang bờ cõi; ngược lại, triều đại nào phản bội lại những quyền lợi của dân tộc, đi ngược lại những ý nguyện của đông đảo quần chúng, không được sự ủng hộ của dân sẽ thất bại. Điều đó được Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV chỉ ra qua sự phân tích nguyên nhân thất bại của họ Trần và họ Hồ đều là bởi làm mất lòng dân và không được nhân dân ủng hộ: “họ Trần cậy mình mạnh giàu, mặc dân khốn khổ... quên hẳn thiên hạ lớn lao, chẳng hề đoái nghĩ... Nhân dân oán ghét mà không biết; lòng trời khiển trách mà chẳng kinh”; còn nhà Hồ thì: “...họ Hồ thoán đoạt, người cả nước xem tựa kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly...” nên “Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển / Khóa sông xích sắt cũng vậy thôi/ Lật thuyền mới rõ dân như nước”. Mặc dù cũng là kháng chiến giữ nước, thể hiện tinh thần yêu nước và chính nghĩa nhưng do không dựa vào dân, không tập hợp được lực lượng kháng chiến toàn dân, không phát huy được sức mạnh vật chất và tinh thần của dân chúng nên cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng thất bại. Lời nói của tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” đã nói lên điều đó.

Lịch sử đã chứng minh, tất cả những chiến công hiển hách chống ngoại xâm trong lịch sử có được là do người đứng đầu lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa đã tin vào dân, biết dựa vào dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân. Nhờ tin vào dân, biết dựa vào sức mạnh của dân mà nhà Lý cũng như nhà Trần đã giành thắng lợi trong chống giặc ngoại xâm. Các tướng lĩnh trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến giữ nước cũng như các nhà tư tưởng thời Lý - Trần đã nhận rõ và tin tưởng vào vai trò to lớn của nhân dân, coi đó là chỗ dựa vững chắc để chiến thắng kẻ thù. Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, ý thức về quyền lợi và phẩm giá con người gắn với lợi ích của dân tộc được đề cao nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh chiến đấu của quần chúng. Tư tưởng “trên dưới đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức”, “cử quốc nghênh địch”, “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh”... của các tướng lĩnh và các nhân vật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thời kỳ này đã giúp tập hợp lực lượng và tạo nên động lực to lớn, có ý nghĩa quyết định để chiến thắng các đạo quân xâm lược hung hãn. Các tác giả cuốn sách Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam nhận xét: “Thừa nhận giá trị phổ biến của quy luật dựa vào sức mạnh khối đoàn kết toàn dân để chiến thắng kẻ thù trong chiến tranh giữ nước và lần đầu tiên trình bày chân lý ấy thành quan điểm lý luận, đó là một cống hiến quan trọng của Trần Quốc Tuấn đối với lịch sử tư tưởng quân sự nước nhà”.

Tư tưởng dựa vào dân để đánh giặc cứu nước tiếp tục được thể hiện khá rõ trong quan niệm của Nguyễn Trãi. Theo ông, công cuộc khởi nghĩa muốn giành chiến thắng thì phải dựa vào dân, phải được nhân dân ủng hộ, phải nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo “bốn phương manh lệ”. Nguyễn Trãi chủ trương dựa vào dân để xây dựng lực lượng và thực hiện cuộc khởi nghĩa toàn dân với phương châm “Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp” và khuyên dạy quân sĩ “Dân ta khổ vì giặc đã lâu, phàm đến châu huyện nào, mảy may không được xâm phạm”. Chính vì thế mà nghĩa quân đã nhận được sự đồng lòng của dân chúng, đi đến đâu cũng được dân chúng ủng hộ với tinh thần “nguyện đồng lòng hợp sức, liều chết vây thành diệt giặc”. Sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân chính là một trong những điều kiện tiên quyết để nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi. Trong phong trào Tây Sơn sau này, nhờ giương cao ngọn cờ chính nghĩa, với quan điểm “tận suất vi binh” (toàn dân là lính), thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân mà ý chí, nguyện vọng, tình cảm, sức mạnh của nhân dân đã được quy tụ về một mối, nên từ một cuộc khởi nghĩa nông dân ở một địa phương đã phát triển nhanh chóng trên quy mô cả nước, lật đổ giai cấp thống trị phản động và chống xâm lược, giữ gìn, bảo vệ non sông.

Tuy còn những hạn chế nhất định về lập trường và nhãn quan giai cấp, song nhìn chung chủ trương dựa vào dân để bảo vệ đất nước của các triều đại phong kiến về cơ bản là đúng đắn nên đã phát huy được sức mạnh vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân phục vụ cho công cuộc kháng chiến, giành độc lập cho dân tộc. Nhận thức đúng vai trò của nhân dân, quy tụ được lòng dân, tin vào sức mạnh của nhân dân có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của khởi nghĩa. Tư tưởng dựa vào dân để tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, động viên mọi tầng lớp góp sức người sức của vì cuộc chiến đấu chính nghĩa là cội nguồn cho tư tưởng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam sau này.

Ba là, xây dựng quân đội trong dân, dựa vào dân để củng cố, phát triển lực lượng vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu phải được thực hiện trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Tư tưởng dựa vào dân để xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng vừa sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu khi có giặc ngoại xâm được thể hiện khá rõ trong chính sách xây dựng, chuẩn bị lực lượng của các triều đại phong kiến Việt Nam, thể hiện nét đặc sắc trong nghệ thuật “dựng binh” của cha ông ta. Những chính sách như “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”... là cách thức xây dựng lực lượng bảo vệ Tổ quốc rất thành công của người Việt, vừa bảo đảm yêu cầu của quốc phòng, vừa duy trì được lực lượng lao động cần thiết cho sản xuất vật chất, giảm nhẹ chi phí cho quân đội. Những quan điểm và chính sách đó được định hình rõ nét từ thời Lý - Trần và được vận dụng, bổ sung, phát triển qua các triều đại về sau. Thực tế cho thấy, để củng cố tiềm lực, tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với các nguy cơ xâm lược từ bên ngoài không thể chỉ dựa vào quân đội chính quy của triều đình mà phải dựa vào sức mạnh của toàn dân. Do đó, ngay từ thời nhà Lý, nghĩa vụ binh dịch, tuyển lính theo hộ khẩu khá chặt chẽ. Theo đó, dân đinh các làng xã ở độ tuổi quy định đều phải đăng ký vào sổ quân. Khi có chiến tranh, chính quyền căn cứ vào sổ quân để tuyển lính và khi chiến tranh kết thúc, quân lính lại chia thành các bộ phận luân phiên nhau về làm ruộng. Chính sách này được các nhà lãnh đạo quân sự thời Trần vận dụng rất thành công, đồng thời bổ sung, phát triển thêm. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét, do “phục binh ở nơi thuận tiện”, “lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi ra hết” cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”; và “thời Trần, nhân dân ai cũng là binh nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”; “cái chiến công dẹp quân Xiêm, phá quân Tống (thời Lý), cái oai hùng ba lần đánh bại quân Nguyên (thời Trần) cũng đủ cho biết binh lực của hai đời cường thịnh thế nào”. Bằng nghệ thuật xây dựng quân đội trong dân, gửi binh ở nông, kết hợp giữa nông và binh trong chiến đấu và trong các hoạt động phục vụ chiến đấu mà các triều đại phong kiến có thể huy động được số quân tham gia chiến đấu trong một thời gian ngắn để có thể tổ chức chống giặc.Không chỉ giới hạn ở việc tuyển quân từ nông dân và cho binh lính thay nhau về làm ruộng mà tư tưởng gắn việc binh với việc nông trong xây dựng lực lượng, dựa vào dân để chiến đấu, lấy làng xã làm pháo đài chống giặc, phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm cho “thực túc binh cường” cũng chính là những việc làm xuất phát từ quan điểm và nghệ thuật xây dựng lực lượng quân đội trong dân, dựa vào dân.

Có thể nói, “Lấy dân làm gốc”đã trở thành một nội dung cơ bản trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống, trở thành một trong những phương châm cơ bản chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng đó được khái quát từ sự nhận diện chính xác về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân ta trong thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước, kết hợp với việc kế thừa những giá trị của các học thuyết bên ngoài du nhập. Tư tưởng đó được định hình từ trong quá khứ và không ngừng được bổ sung, phát triển qua các giai đoạn lịch sử. Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm của cha ông và bằng tổng kết thực tiễn cách mạng nước ta dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã hình thành tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tư tưởng chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc... Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng nhấn mạnh bài học “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân” là một trong những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng nước ta cũng đã chứng minh, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân là cội nguồn cho thành công của sự nghiệp cách mạng.

icon-date
Xuất bản : 10/04/2022 - Cập nhật : 13/06/2022