Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông thông minh, văn võ toàn tài bậc nhất, có chí lớn và đạo đức cao, nên dù xuất thân bình dân, nhưng đã trở thành Điện úy Thượng tướng quân, uy danh đức vọng rất lớn, được sánh ngang với Hưng Đạo vương và được hưởng ân điển đặc biệt của triều Trần.
Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão đã trở thành huyền thoại lớn trong lịch sử dân tộc, minh chứng cho tư tưởng và nghệ thuật quân sự nhân dân thời Trần. Tài năng xuất chúng đã khiến ông, dù không phải vương hầu, nhưng đều được các triều vua Trần nể trọng.
Tuy về vai trò lãnh đạo của Phạm Ngũ Lão trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông của nhà Trần còn chưa được các nhà sử học đạt tới sự thống nhất, do chính sử không ghi lại, nhưng các nhà nghiên cứu đã dễ dàng đi đến quan điểm chung về đóng góp của Phạm Ngũ Lão trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần. Vai trò của ông nổi bật trên 3 lĩnh vực: chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ quốc gia và chống nội loạn bảo vệ vương triều.
Sau lần ra mắt Hưng Đạo Vương thật ấn tượng bằng việc ngồi đan sọt giữa đường, Phạm Ngũ Lão đã trở thành gia tướng của Trần Quốc Tuấn rồi được ông gả công chúa Anh Nguyên và cho theo đi đánh giặc Nguyên - Mông. Với sự đào luyện, tiến cử của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trở thành võ tướng trụ cột của triều đình.
Các chứng cứ lịch sử còn ghi cho thấy, Phạm Ngũ Lão đã lập nên những chiến công lừng lẫy, góp phần lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ phía Tây của quốc gia Đại Việt cũng như bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia ở miền biên giới phía Nam, tạo nền tảng vững chắc cho bước tiến về phía Nam của người Việt trong các thế kỷ sau.
Là một tài năng quân sự, Phạm Ngũ Lão biết phát huy sở trường đặc biệt của mình là khả năng chiến đấu và chiến trận bằng tập kích để trở thành vị tướng suốt đời bất bại, khiến giặc phải kiêng nể, còn các vị vua Trần đều kính trọng.
Bài học lớn về quân sự ông để lại mà "Đại việt sử ký toàn thư" ca ngợi vẫn còn nguyên giá trị: "Ông chỉ huy quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, thương yêu nhau như con một nhà nên đánh đâu được đấy; coi tiền của như không. Thật là bậc danh tướng!" Khi lựa chọn các "Tướng có danh tiếng và tài giỏi" của đời Trần, sử gia Phan Huy Chú chỉ chọn ra 4 vị tướng tài, trong đó, xếp Phạm Ngũ Lão tề danh cùng Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư. Sử sách còn ghi "Phạm Ngũ Lão lập nhiều công to, trước sau giữ trọn danh dự, tiếng tăm rõ rệt. Tóm lại đều không hổ là bậc nguyên thần".
Chỉ với 2 bài thơ, trong đó có bài "Thuật hoài" nhưng tác phẩm văn chương của Phạm Ngũ Lão được sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: "Các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, còn Phạm Điện Súy thì hiện ra ở câu thơ" khi đã cho thấy hoặc học vấn của Phạm Ngũ Lão mà còn cả chí lớn cao xa của ông.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?