PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 5:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
(Ca dao)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ và thể thơ của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2: Văn bản trên sử dụng các phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)
Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 câu: “Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu.”? (1,0 điểm)
Câu 5: Viết đoạn văn từ 5 đến 7 dòng thể hiện cảm nhận của anh/chị về nỗi niềm của nhân vật “em” trong 4 câu cuối của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 6: (1,0 điểm)
Trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy (SGK lớp 10 tập 1) có chi tiết Rùa vàng hiện lên rẽ nước đưa An Dương Vương xuống biển. Anh/chị hãy cho biết ý nghĩa của chi tiết đó.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và thể thơ lục bát. (0,5 điểm)
Câu 2: Văn bản trên sử dụng các phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm, miêu tả. (0,5 điểm)
Câu 3: Nội dung chính của văn bản:
- Lời than vãn của chàng trai về việc cô gái đã đi lấy chồng. (0,25 điểm)
- Lời trách móc của cô gái vì chàng trai quá chậm trễ trong việc bày tỏ tình cảm với cô. (0,25 điểm)
Câu 4:
- Biện pháp tu từ so sánh (như chim, như cá) (0,25 điểm).
- Tác dụng: nhấn mạnh vào tình cảnh bị rang buộc bởi hôn nhân của cô gái. Gợi hình ảnh gò bó, tù túng (chim lồng, cá chậu). Gợi cảm xúc buồn bã, tiếc nuối của cô gái (0,25 điểm).
- Biện pháp tu từ ẩn dụ (chim vào lồng, cá cắn câu) (0,25 điểm).
- Tác dụng: nhấn mạnh vào tình cảnh bị rang buộc bởi hôn nhân của cô gái. Gợi hình ảnh gò bó, tù túng (chim lồng, cá chậu). Gợi cảm xúc buồn bã, tiếc nuối của cô gái (0,25 điểm).
Câu 5: Gợi ý
- Bày tỏ tình cảm buồn bã, xót xa, tiếc nuối ...
- Đúng kỹ năng viết đoạn văn, từ 5 đến 7 dòng.
Câu 6: Ý nghĩa của yếu tố thần kì:
- Giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. (0,5 điểm)
- Phản ánh thái độ của nhân dân với nhân vật lịch sử: kính trọng, biết ơn vị vua An Dương Vương nên nhân dân đã bất tử hóa. (0,5 điểm)
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?