Cốt truyện Lục Vân Tiên phản ánh một phần đời Nguyễn Đình Chiểu
Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu được phân ra thành hai thời kì tương ứng với hai giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng của ông. Lục Vân Tiên ra đời trong giai đoạn đầu sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và thuộc thời kỳ xế chiều của thể loại truyện thơ Nôm. Với dòng khai bút “Trước đèn xem truyện Tây minh”, người đọc liên tưởng Lục Vân Tiên có cốt truyện vay mượn một truyện Trung Hoa nào đó có tên Tây minh như Truyện Kiều được Nguyễn Du viết dựa trên cốt truyện tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Với nhiều nỗ lực tìm kiếm trong chặng đường dài từ khi tác phẩm ra đời cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều khẳng định không hề có câu chuyện Tây minh - truyện hiểu theo nghĩa là một thể loại văn học thuộc loại hình tự sự để Nguyễn Đình Chiểu dựa vào đó mà sáng tác. Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu nói đến truyện Tây minh chỉ là một cách dẫn truyện chứ không nói lên tính chất diễn ca, phóng tác hay mô phỏng của truyện Lục Vân Tiên.
Với Nguyễn Đình Chiểu kết thúc đồng thời là tiếp tục mở ra hướng mới. Bởi, truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên do Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn sáng tạo ra, chứ không hề vay mượn cốt truyện sẵn có nào. Nếu có vay mượn thì đó là việc ông đã vay mượn câu chuyện của chính bản thân, nên người đọc dễ dàng nhận ra sự giống nhau giữa cuộc đời Lục Vân Tiên và Nguyễn Đình Chiểu, giữa những sự kiện trong quãng đời thanh xuân của tác giả với những tình tiết trong truyện, ngay cả đến nhân vật Kiều Nguyệt Nga, với tình yêu son sắt chung thủy cũng không phải là không có những điểm tương đồng người vợ hiền, đảm đang sau này của cụ Đồ Chiểu. Để làm rõ cốt truyện tự thuật trong Lục Vân Tiên, chúng tôi cũng tiến hành đối chiếu, so sánh các chi tiết, sự kiện chính trong tác phẩm với tiểu sử bản thân của Nguyễn Đình Chiểu.
Xét trên phương diện phẩm chất, tài năng và hành trạng của Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên thấy đều có sự tương đồng. Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên luôn sống và hành động theo khuôn phép của Nho giáo, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm đầu. Nguyễn Đình Chiểu là người học rộng, biết nhiều, có tài thi thư. Lục Vân Tiên là trang nam tử văn võ toàn tài. Hoàn cảnh sinh thành và những ảnh hưởng từ gia đình đã góp phần làm cho tư tưởng Nho giáo thấm nhuần trong khí chất Nguyễn Đình Chiểu. Bản thân tuy phải nếm trải nhiều khổ đau, cuộc đời trải qua nhiều bước thăng trầm của đất nước, song Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn trăn trở, nghĩ suy về thời thế, công danh, về đạo lý làm người, nhất là về đất nước, dân tộc. Để thực hiện được ước vọng ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã ra sức rùi mài với một thái độ học tập toàn tâm cội gốc và tranh thủ học chăm ngay từ những ngày còn nhỏ. Sau thời gian theo học ở Huế, Nguyễn Đình Chiểu tự tin ứng thí và đã thi đỗ tú tài ở khoa thi Qúy Mão (1843) tại Gia Định. Thành công bước đầu đã khuyến khích ông thêm nỗ lực, ra công đèn sách. Năm 1847, ông trở lại đất Huế để chuẩn bị dự kỳ thi năm Kỷ Dậu. Ngày thi vừa đến thì chàng trai lục tỉnh nhận được hung tin thân mẫu lâm trọng bệnh rồi qua đời tại Sài Gòn. Ông đành phải bỏ thi cùng với em trở về Nam chịu tang mẹ. Bị mù lòa, không thể lập thân bằng con đường khoa cử, ông đã căng trí, dồn tâm đi vào con đường lập đức hành đạo, đem vốn sở học làm việc hữu ích cho nhân dân và gửi gắm những ước mơ, hoài bão của bản thân mà trước hết là ước mơ về những cử chỉ anh hùng, mơ ước trả nợ nước non qua hình tượng Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên.
Lục Vân Tiên và Nguyễn Đình Chiểu. Hai người cũng xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, được đi học với một ông thầy xa quê nhà. Cũng như Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ những ngày còn nhỏ, Lục Vân Tiên đã được gia đình gửi gắm nơi cửa Khổng để trau dồi phẩm chất của người quân tử, để sau này thực hiện cái lí tưởng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và bảo vệ cương thường của chế độ phong kiến. Từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, chàng thanh niên Vân Tiên không chỉ tâm niệm những lời dạy của thánh hiền mà còn siêng năng khổ luyện tam lược, lục thao. Sau một thời gian dài nấu sử xôi kinh, luyện tập ba lược sáu thao dưới sự dìu dắt của người thầy đáng kính, Vân Tiên lên đường ứng thí. Song, thật không may, Vân Tiên đành tạm gác sự nghiệp danh vọng để về quê chịu tang sinh thành. Trên hành trình trở về, hai con mắt của chàng bị bệnh và mù. Sự buồn đau của Vân Tiên trong giai đoạn khó khăn này chính là sự mất mát, buồn đau khôn tả của Nguyễn Đình Chiểu. Cái buồn đau, mất mát từ sự ra đi đột ngột của người mẹ hiền, hơn nữa là cái buồn của người quân tử từ đây vĩnh viễn không còn cơ hội trả nợ tang bồng.
Về nhân duyên, trong cuộc đời thực có hai người con gái với số phận khác nhau nhưng gắn chặt với nhau bởi một mối quan hệ tình cảm nam nữ với Nguyễn Đình Chiểu. Đó là người phụ nữ họ Võ đã đính ước nhưng bội ước khi còn là sĩ tử và người vợ hiền Lê Thị Điền về sau. Lục Vân Tiên cũng có hai người con gái với số phận khác nhau nhưng gắn chặt với nhau bởi một mối quan hệ tình cảm nam nữ với Lục Vân Tiên. Đó là Võ Thể Loan, người đã được chỉ hôn nhưng sau này bội hôn và nữ Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên và Võ Thể Loan được hai bên gia đình đính duyên từ trước và chỉ chờ đến khi chàng đỗ đạt sẽ thành thất thành gia. Song, thật bất ngờ, Lục Vân Tiên lại bị gia đình Võ Công bội ước đúng vào lúc anh cần sự cưu mang, đùm bọc nhất. Hình ảnh kẻ ăn ở hai lòng, bạc tình bạc nghĩa như gia đình Võ Công được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng dựa trên sự kiện có thực mà tác giả chính là người trong cuộc. Khi còn là một anh thư sinh tuấn tú, tài ba thi đậu Tú tài, Nguyễn Đình Chiểu đã được gia đình họ Võ khá giả hứa gả cho người con gái làm vợ. Chẳng may gặp cảnh đui mù, gia đình sa sút, thấy không hy vọng gì ở đường công danh của Nguyễn Đình Chiểu, người nhà giàu đó liền từ chối. Cuộc hôn ước bất thành, khi mãn tang mẹ, ông sống độc thân, mở trường dạy học và làm thuốc.
Đối lập hoàn toàn với Võ Thể Loan, Kiều Nguyệt Nga mang vẻ đẹp tuyệt mĩ của tấm gương trinh liệt sâu nặng nghĩa tình. Thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai, Nguyệt Nga vô cùng cảm kích ơn cứu mạng của chàng trai họ Lục. Qua cử chỉ và thái độ của chàng trai trẻ này, nàng đã nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn, để rồi tự mình đính ước, bất chấp tai ương để thủy chung với chàng. Về sau, Lục Vân Tiên gặp lại, kết duyên và sống cuộc đời hạnh phúc bên Nguyệt Nga. Từ cảm tài, yêu nết đến sắt son trong tình yêu của Nguyệt Nga khiến người đọc liên tưởng đến người vợ hiền của Nguyễn Đình Chiểu. Bà Lê Thị Điền là em gái của Lê Tăng Quýnh, người học trò của Nguyễn Đình Chiểu. Vì thương cảnh mù lòa, đơn chiếc, Lê Tăng Quýnh thuyết phục em lấy thầy. Theo lời đề nghị của anh, bà đã giả trai, cắp sách đi học nhà Đồ Chiểu để có dịp quan sát tận mắt. Sau một thời gian dò xét, bà thuận lòng xây dựng hôn nhân với Đồ Chiểu. Như vậy, chỉ cần một cuộc gặp gỡ dù cố tình hay vô tình, dù thật lòng hay thử lòng, hai người con gái cũng đủ nhận ra cái tài, cái đức của người quân tử. Từ cảm kích cái nghĩa, sự đồng điệu đã nâng lên thành tình yêu đích thực trong tâm hồn bà Năm Điền, nàng Nguyệt Nga, họ tự nguyện, chân thành, thủy chung với bóng hình của người con trai ấy.
Giống như Phạm Thái trước đó, Nguyễn Đình Chiểu đã có hành động táo bạo là lấy “chính nỗi đau khổ của tâm hồn ông, của sự thất bại sau cùng và lớn lao nhất trong cuộc đời nhiều hoài bão, nhiều say mê của người thanh niên nhiều huyết tính”[2] để xây dựng thành công một cốt truyện tự thuật trong Lục Vân Tiên. Song, nếu ở Sơ kính tân trang, Phạm Thái tận dụng tối đa các sự kiện đời tư để hoàn thiện cốt truyện tự thuật trong phần thứ nhất với cấu trúc chỉ có gặp gỡ và chia ly thì trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu lại sắp xếp những sự kiện đời tư tạo thành cốt truyện tự thuật theo một tiến trình vận động từ khởi đầu gặp gỡ cho đến chia ly và đoàn tụ. Như nguyên mẫu ngoài đời, sau một thời gian rèn đức, luyện tài, Lục Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài. Trên đường về thăm nhà, chàng đã đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức, nàng tự nguyện gắn bó suốt đời với người thanh niên mới chỉ gặp một lần. Sau khi về thăm cha mẹ, Vân Tiên lên đường đi thi, ghé thăm gia đình Võ Công, người hứa gả con gái Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây, Vân Tiên có thêm người bạn là Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Lúc sắp vào trường thi, nhận được tin mẹ mất, chàng liền bỏ thi, về quê chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên bị mù hai mắt, lại liên tiếp bị hãm hại nhưng đều thoát nạn và gặp lại Hớn Minh. Nghe tin Vân Tiên đã chết, Nguyệt Nga thủ tiết suốt đời. Lúc này, Thái sư muốn hỏi nàng cho con trai nhưng bị cự tuyệt nên đem lòng thù oán, bầy kế đưa Nguyệt Nga cống giặc Ô qua. Trên đường đi, nàng nhảy sông tự tử, được Phật Bà cứu, đưa vào vườn hoa nhà Bùi ông. Bùi ông nhận làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn vào rừng nương tựa một bà lão dệt vải. Lục Vân Tiên ở với Hớn Minh, được tiên cho thuốc, mắt sáng lại. Đến khoa thi, chàng thi đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi đánh giặc Ô qua. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc vào rừng và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được sum vầy hạnh phúc.
Cốt truyện Lục Vân Tiên hướng tới những sự kiện trong cuộc đời nhà thơ mà Nguyễn Đình Chiểu cho rằng đáng được miêu tả trong thiên trường ca tuy đã được ngụy trang dưới cái tên mới, những mối quan hệ mới cùng những chi tiết, sự kiện hư cấu nhưng người đọc không khó để nhận ra. Chặng đường gian nan mài dùi kinh sử, lỡ đường công danh và sống trong cảnh mù lòa của Lục Vân Tiên phản ánh phần đời của cụ Đồ Chiểu. Câu chuyện đính hôn nhưng lại bị nhà gái bội ước giữa Lục Vân Tiên và Võ Thể Loan cũng chính là một phần câu chuyện buồn giữa lúc hoạn nạn, éo le của Nguyễn Đình Chiểu và người con gái họ Võ. Sự tình cờ trong gặp gỡ để rồi tự nguyện chung thủy, sống trọn tình của cặp đôi Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga phần nào tái hiện sự khâm phục ngay từ buổi đầu gặp gỡ để rồi sẵn sằng kết duyên và sống hạnh phúc với Nguyễn Đình Chiểu của bà Lê Thị Điền. Tất cả được đan cài, hòa quện trong một tổ chức cốt truyện độc đáo xoay quanh cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?
0
Đào Kim Ngân
04:10:24 17-Oct-2021
Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành, khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài, giữa đường chàng đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức ấy, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự họa bức chân dung chàng giữ luôn bên mình. Còn Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình, gặp và kết bạn với Hớn Minh, một sĩ tử khác.
Sau khi về nhà thăm cha mẹ, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi, ghé thăm Võ Công, người đã hứa gả con gái là Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây, Vân Tiên có thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Thấy Vân Tiên tài cao, Hâm, Kiệm sinh lòng đố kị, ghen ghét. Lúc sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên đau mắt nặng, rồi bị mù cả hai mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Nhờ giao long dìu đỡ đưa vào bãi, Vân Tiên được gia đình ông ngư cứu mạng. Sau đó chàng lại bị Võ Công khinh rẻ và bị Võ Thể Loan gạt bỏ vào hang núi Thương Tòng. Được thần tiên cho thuốc chữa mắt, Vân Tiên may mắn gặp lại Hớn Minh (vì trừng trị công tử Đặng Sinh ỷ thế làm càn mà Hớn Minh phải bỏ thi, sống lẩn lút trong rừng). Hớn Minh đón Vân Tiên về am dưỡng bệnh. Khoa thi năm ấy Tử Trực đỗ thủ khoa, trở lại nhà họ Võ hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý muốn gả Thể Loan, bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt, Võ Công hổ thẹn ốm chết.
Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi tới biên giới, nàng mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Phật Bà Quan Âm đưa nàng dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công nhận nàng làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại nằng nằng đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn khỏi nhà họ Bùi, vào rừng nương tựa một bà lão dệt vải.
Lục Vân Tiên ở với Hớn Minh, được tiên cho thuốc, mắt lại sáng, liền trở về nhà thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Đến khoa thi, chàng đỗ Trạng nguyên và được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Hớn Minh được tiến cử làm phó tướng. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc trong rừng và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc. Mục đích chính của Nguyễn Đình Chiểu khi viết Lục Vân Tiên là để truyền dạy đạo lý làm người:
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trao mình
Đạo lý đó có thể thâu tóm ở mấy điểm sau: Coi trọng tình nghĩa giữa người với người: tình cha con, mẹ con, tình nghĩa vợ chồng, bè bạn, tình yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người gặp khó khăn, hoạn nạn.
Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy (Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh).
Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuốc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà.
Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm chủ yếu để kể hơn là để đọc nên chú trọng đến hành động của nhân vật hơn là miêu tả nội tâm, do đó tính cách của nhân vật thường bộc lộ qua việc làm, lời nói, cử chỉ. Thái độ ca ngợi hay phê phán của tác giả đều thể hiện qua cách miêu tả nhân vật.
Ngôn ngữ trong truyện rất giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, đậm đà sắc thái Nam bộ.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?