logo

Hình thái kinh tế - xã hội là gì? Vì sao nói sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên?

Câu hỏi: Hình thái kinh tế - xã hội là gì? Vì sao nói sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên?

Trả lời:


1. Phạm trù Hình thái kinh tế – xã hội

     Lần đầu tiên trong lịch sử triết học, triết học Mác – Lênin đã nghiên cứu xã hội như một kết cấu vật chất đặc biệt, phức tạp, liên kết các yếu tố nội tại thành một hệ thống chỉnh thể và không ngừng vận động, phát triển. Đó chính là  Hình thái kinh tế - xã hội. Vậy, Hình thái kinh tế - xã hội là gì?

     Hình thái kinh tế - xã hội là một phạm trù dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử  nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. 

Hình thái kinh tế - xã hội  là một hệ thống hoàn chỉnh, có cấu trúc phức tạp, bao gồm: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. 

     Khi nghiên cứu một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể, C.Mác bắt đầu từ việc đi sâu phân tích mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (quan hệ sản xuất), xem nó là quan hệ cơ bản, chi phối và quyết định mọi quan hệ xã hội khác. Nó là “bộ xương” của xã hội, là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt sự khác nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội. 

     Song, quan hệ sản xuất lại được hình thành một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, mà nó chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, lực lượng sản xuất (quan hệ giữa con người với tự nhiên) quyết định cả sự vận động và phát triển của hình thái kinh tế – xã hội

     Trong hình thái kinh tế – xã hội còn có bộ phận thứ ba, đó là kiến trúc thượng tầng (các quan điểm về chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, tôn giáo, nghệ thuật… cùng với những thể chế tương ứng) được xây dựng trên sự tổng hợp những quan hệ sản xuất (cơ sở hạ tầng) của xã hội ấy. Kiến trúc thượng tầng tuy do cơ sở hạ tầng quy định, nhưng nó lại là công cụ để bảo vệ, duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó.

     Ngoài ra, trong cấu trúc của hình thái kinh tế - xã hội còn có quan hệ gia đình, dân tộc và quan hệ giai cấp (trong xã hội có giai cấp) và các quan hệ xã hội khác… Các yếu tố ấy của hình thái kinh tế - xã hội tác động qua lại lẫn nhau theo những quy luật khách quan vốn có của nó. Trước hết và cơ bản nhất là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thương tầng, quy luật đấu tranh giai cấp (trong xã hội có giai cấp) và các quy luật kinh tế - xã hội khác.


2. Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên

     Với kết luận“Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(1). C.Mác đã tìm thấy động lực phát triển của lịch sử không phải do một lực lượng siêu tự nhiên nào, mà chính là thông qua hoạt động của con người dưới sự tác động của các quy luật khách quan. Do đó, cần phải hiểu kết luận này từ hai khía cạnh khác nhau:

     Thứ nhất, kết luận ấy của C.Mác là biểu hiện tập trung nhất của quan niệm duy vật về lịch sử và được xuất phát từ một sự thật hiển nhiên là: “Trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học v.v.”(2). Từ sự thật hiển nhiên ấy, cho phép chúng ta khẳng định rằng, lịch sử phát triển của xã hội loài người thực chất là lịch sử phát triển của sản xuất vật chất. Để thoả mãn nhu cầu trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, loài người phải tiến hành sản xuất ra của cải vật chất. 

     Sản xuất vật chất lại luôn luôn vận động và phát triển không ngừng, sự phát triển đó bao giờ cũng bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động - cái mà con người thường xuyên sáng tạo, cải tiến và phát triển qua các trình độ khác nhau. Do đó, nó kéo theo sự biế đổi, thay thế lẫn nhau của các quan hệ sản xuất và hình thành các phương thức sản xuất kế tiếp nhau. Phương thức sản xuất thay đổi kéo theo toàn bộ trật tự xã hội thay đổi, đó chính là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Theo quy luật phát triển, hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn, cao hơn sẽ ra đời thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ đã tỏ ra lỗi thời và lạc hậu. Như vậy, sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử là một quá trình phát triển từ thấp đến cao theo quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.

     Thứ hai, động lực thúc đẩy các hình thái kinh tế - xã hội phát triển lại nằm ngay trong lòng xã hội. Đó chính là các mâu thuẫn xã hội, mà trước hết là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, mâu thuẫn giữa các giai cấp (trong xã hội có giai cấp)… Chính sự tác động của các quy luật khách quan làm cho các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau là con đường phát triển chung của lịch sử xã hội loài người. Song, con đường phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc còn chịu sự chi phối của những điều kiện về tự nhiên, về chính trị, về truyền thống văn hoá, về điều kiện quốc tế và thời đại v.v… Do đó, lịch sử phát triển của xã hội loài người là thông qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia, dân tộc có thể bỏ qua một, vài hình thái kinh tế- xã hội nào đó. Việc bỏ qua ấy cũng phải được diễn ra theo một quá trình lịch sử - tự nhiên tuyệt đối không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của quốc gia, dân tộc ấy.

     Như vậy, nếu chúng ta quy các quan hệ xã hội vào các quan hệ sản xuất, rồi đem quy các quan hệ sản xuất vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, thì sẽ thấy được sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên.


3. Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

     Với học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự  trong triết học, đã “tống cổ chủ nghĩa duy tâm ra khỏi hầm trú ẩn cuối cùng của nó, đó là lĩnh vực xã hội” và đưa đến cho khoa học xã hội một phương pháp nghiên cứu thật sự khoa học. Cho đến nay học thuyết  ấy vẫn còn tràn đầy sức sống và vẫn giữ được những giá trị đích thực của nó:

     Thứ nhất, chính học thuyết ấy đã khẳng định: sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội. Do đó, khi nghiên cứu, giải thích các hiện tượng xã hội chúng ta không được xuất phát từ ý thức, tư tưởng, từ ý chí chủ quan của con người mà phải xuất phát từ quá trình sản xuất của xã hội, từ phương thức sản xuất. 

     Thứ hai, học thuyết ấy cũng đã chỉ ra xã hội là một kết cấu vật chất đặc biệt, một cơ thể sống sinh động và hoàn chỉnh, bao gồm các mặt, các yếu tố, các mối quan hệ thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản nhất, quyết định các mối quan hệ xã hội khác, đồng thời nó còn là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội và phân kỳ lịch sử một cách khoa học nhất, đúng đắn nhất.  

     Thứ ba, học thuyết ấy còn chỉ ra: sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử - tự  nhiên, nghĩa là nó diễn ra theo các quy luật khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan của con người. Vì vậy, muốn nhận thức và cải tạo xã hội thì phải đi sâu nghiên cứu các quy luật vận động và phát triển của xã hội. 

icon-date
Xuất bản : 24/09/2021 - Cập nhật : 24/09/2021